Cập nhật:  GMT+7

Đẩy nhanh tiêm chủng, tăng miễn dịch bảo vệ đặc hiệu để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi

Đẩy nhanh tiêm chủng, tăng miễn dịch bảo vệ đặc hiệu để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi

Sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp nhưng hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ở nước ta đã từng xảy ra những đợt dịch lớn. Từ cuối năm 2024 đến nay, bệnh sởi có xu hướng tăng nhanh tại một số địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Trị. Vì thế tỉnh đang quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch, quyết tâm không để bệnh sởi lây lan diện rộng. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn bác sĩ LÊ ĐỨC DŨNG, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Quảng Trị.

-Thưa bác sĩ! Đề nghị ông cho biết về tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay?

- Đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 56 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 9/10 huyện, thị xã thành phố, trong đó có 8 ca sởi xác định, tăng cao so với cùng kỳ năm 2024. Ca mắc sởi phân bố theo độ tuổi từ 5 tháng tuổi đến 13 tuổi, trong đó có 4 ca dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm phòng vaccine sởi, 1 ca 7 tuổi tiêm 1 mũi vaccine và 3 ca từ 11-13 tuổi không rõ lịch sử tiêm chủng.

Sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan cao. Virus sởi lây lan trong không khí và làm nhiễm trùng đường hô hấp, có thể gây những biến chứng nặng và tử vong. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu cho bệnh sởi, do vậy tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để đảm bảo không mắc sởi.

-Theo bác sĩ nguyên nhân nào dẫn đến tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp như hiện nay?

- Nguyên nhân dẫn đến tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp là tỉ lệ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi thấp, miễn dịch trong cộng đồng không đạt mức để có thể ngăn ngừa dịch bệnh. Bệnh sởi có khả năng lây truyền cao và chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền trong cộng đồng khi miễn dịch bảo vệ đặc hiệu cần đạt ít nhất 95%.

Tuy nhiên, hiện nay các trường hợp chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ tích lũy qua nhiều năm đã tạo khoảng trống miễn dịch, làm giảm khả năng bảo vệ trước nguy cơ lây lan của bệnh sởi. Bên cạnh một bộ phận người dân chủ quan, lơ là, không đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch thì COVID-19 ảnh hưởng đến tỉ lệ tiêm vaccine, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng. Từ cuối năm 2019, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, công tác tiêm chủng mở rộng cũng như tiêm chủng dịch vụ bị ảnh hưởng rất nhiều do thực hiện giãn cách xã hội cũng như hạn chế tiếp xúc. Từ năm 2022, tình trạng thiếu hụt vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng một lần nữa khiến nhiều trẻ trong độ tuổi không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine, trong đó có vaccine sởi. Chính khoảng trống về vaccine đã dẫn đến có nhiều ca mắc sởi từ cuối năm 2024 đến nay. Ngoài ra, thời gian qua đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh khi chưa đến độ tuổi tiêm chủng (khoảng hơn 20% trẻ dưới 9 tháng tuổi) càng làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đẩy nhanh tiêm chủng, tăng miễn dịch bảo vệ đặc hiệu để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi

Tiêm vaccine sởi cho trẻ 1-5 tuổi tại Trạm Y tế phường Đông Lương, TP. Đông Hà -Ảnh: M.L

Đối với tỉnh Quảng Trị, từ năm 2020 - 2023, tỉ lệ tiêm chủng vaccine sởi, sởi - rubella luôn đạt trên 90%. Riêng năm 2022, do gián đoạn cung ứng vaccine sởi - rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên tỉ lệ tiêm chủng đạt 77,8%, năm 2024 tỉ lệ tiêm vaccine sởi đạt 86,6%, vaccine sởi - rubella 79,4%. Sau thời gian đi lại của người dân tăng cao trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025 và các lễ hội, đến giai đoạn thời tiết chuyển mùa cộng với việc tích lũy những năm gần đây nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine có thành phần sởi khiến bệnh này diễn biến phức tạp. Thời gian qua đã có một số tỉnh, thành phố công bố dịch sởi nên nguy cơ xâm nhập, lây lan bệnh sởi trên địa bàn luôn tiềm ẩn.

-Bác sĩ có thể cho biết trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi trong cả nước, ngành Y tế tỉnh Quảng Trị đã tập trung giải pháp gì để phòng chống dịch bùng phát và lây lan diện rộng trên địa bàn?

- Thời gian qua, Sở Y tế luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại địa phương; kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn.

Ngành y tế luôn chú trọng tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giám sát, điều trị tại các tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn, ngành yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng trường hợp nhập viện, hạn chế tối đa bệnh nhân mắc sởi chuyển nặng, tử vong. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra ổ dịch sởi tại các cơ sở khám bệnh. Tổ chức tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi trong tiêm chủng mở rộng theo kế hoạch; tăng cường rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi.

Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ. Biểu hiện của bệnh bao gồm: sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng (Koplik) ở niêm mạc miệng. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, lịch tiêm vaccine sởi mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND, ngày 24/3/2025 về triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi. Tiêm sớm cho nhóm trẻ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi tại vùng nguy cơ, đang có dịch xảy ra (theo lịch tiêm chủng mở rộng thì đủ 9 tháng mới bắt đầu tiêm sởi mũi 1) và tiêm bổ sung cho nhóm trẻ 1-10 tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi. Các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt vùng có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có biến động về dân cư.

Đối với công tác dự phòng và truyền thông, sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và hệ dự phòng các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh, chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát.

Các trung tâm y tế và hệ thống trạm y tế trên địa bàn đã tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị trường học, nhất là trường mầm non, tiểu học triển khai hoạt động phòng chống dịch sởi theo quy định. Tăng cường công tác truyền thông; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, cung cấp khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp phòng chống bệnh và lợi ích của việc tiêm phòng vaccine sởi đến các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt thông báo kịp thời chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi cho đối tượng thuộc diện tiêm chủng để tham gia đầy đủ, đúng lịch.

-Bên cạnh nhiệm vụ chính của ngành y tế, theo bác sĩ, người dân có vai trò như thế nào trong việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh sởi nói riêng?

- Dù rất chủ động và nỗ lực, song ngành y tế cũng không thể thực hiện hết tất cả hoạt động rà soát đối tượng tiêm chủng. Vì thế, cán bộ, nhân viên y tế cần sự chung tay, đồng lòng, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chủ động từ phía người dân.

Đối với các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi, ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động đi tiêm vaccine phòng bệnh. Đây là biện pháp phòng bệnh đơn giản nhất, hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để chống lại các loại dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây lan cao, trong đó có bệnh sởi. Bên cạnh đó, người dân cần chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa liên quan, khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, hạn chế tiếp xúc nguồn bệnh, nâng cao thể trạng, sức khỏe để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

-Xin cảm ơn bác sĩ!

Mai Lâm (thực hiện)

Tin liên quan:


 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Cô giáo trẻ nhiệt huyết với công tác đoàn

Cô giáo trẻ nhiệt huyết với công tác đoàn
2025-03-27 06:40:00

QTO - Thân thiện, dễ gần và năng động, nhiệt huyết trong công tác, đó là những gì mà giáo viên và học sinh Trường THPT Vĩnh Định (huyện Triệu Phong) nhận...

Hướng Hóa nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Hướng Hóa nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát
2025-03-25 05:55:00

QTO - Thực hiện Chỉ thị số 42 ngày 15/1/2025 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với chương trình xoá nhà...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long