Cập nhật: Thứ 3, 20/09/2011 | 03:52 GMT+7

Dạy nghề cho người nghèo ở Đakrông và những vấn đề đáng quan tâm

(QT) - Theo đề án phát triển kinh tế – xã hội nhằm thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện Đakrông (Quảng Trị) giai đoạn 2009 – 2020 theo tinh thần Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, vấn đề dạy nghề cho người dân vùng cao, đặc biệt là đối tượng lao động trẻ được hết sức quan tâm. Mục tiêu đề ra là đến năm 2015, có từ 35 – 37% lao động được đào tạo và đến năm 2020, 50% lao động trên địa bàn sẽ được đào tạo nghề. Với những mục tiêu đó, sẽ có 10.000 lao động tại địa phương sẽ được đào tạo nghề và kinh phí cho chương trình này là 20 tỷ đồng (đầu tư bình quân mỗi lao động 2 triệu đồng). Nhưng đào tạo nghề gì để giúp người dân xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững thì hiện nay địa phương vẫn đang lúng túng. Đakrông là một huyện miền núi được xếp vào 61 huyện nghèo nhất nước, trong số 6.940 hộ toàn huyện thì có đến 3.331 hộ thuộc diện đói nghèo, chiếm tỷ lệ 48%, trong đó số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80%, ngoài ra còn trên 2.300 hộ giáp ranh nghèo chiếm 35% tổng số hộ toàn huyện. Về lao động, hiện nay toàn huyện có số lao động trong độ tuổi trên 17.000 người, trong đó 80% là lao động nông nghiệp, hiệu suất việc làm chỉ đạt khoảng 50%. Với những con số thống kê trên đã phần nào lý giải vì sao sau nhiều nỗ lực, Đakrông vẫn là một huyện nghèo.

Nghề dệt dèng rất được chị em phụ nữ miền núi ưa chuộng.

Nếu có dịp đi vào tận bản làng xa xôi của huyện miền núi này mới hiểu hết nỗi vất vả của người lao động trong suốt quá trình mưu sinh. Đakrông đất rộng người thưa, nhưng đất để sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 4,63% diện tích đất tự nhiên, còn lại là đất rừng, núi đá. Người dân các dân tộc nơi đây đã bao đời nay chỉ quen với việc “phát, cốt, đốt, trỉa” để tìm cái ăn, lúa rẫy mỗi năm một vụ là nguồn lương thực chính, ngoài thời gian làm rẫy không có việc làm nào có thể tăng thêm thu nhập ngoài việc săn bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ lậu, rà tìm phế liệu chiến tranh, thanh niên vùng thị trấn có thể tranh thủ chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Có thể nói việc làm cho người lao động ở vùng cao không thiếu nhưng hiệu quả mang lại là rất thấp, điều đó cũng đã nói lên đúng bản chất của vấn đề đói nghèo nơi đây chính là “đói nghề”. Những năm qua, với sự giúp đỡ từ nhiều dự án, vấn đề việc làm lúc nông nhàn cho người nghèo luôn được đề cập với nhiều trăn trở. Đặc biệt Chương trình Phát triển nông thôn Quảng Trị do Chính phủ Phần Lan tài trợ đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề cho người dân, trong đó quan tâm chủ yếu đến đối tượng chị em phụ nữ và thanh niên. Trên cơ sở khai thác tiềm năng thế mạnh của miền núi, các lớp dạy nghề chủ yếu tập trung hướng dẫn bà con cách làm các vật dụng thủ công truyền thống như bện chổi đót, đan lát, các dự án đặc biệt khuyến khích khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống của chị em vùng cao. Tại xã A Bung, gần 200 chị em người dân tộc Pa cô đã biết được nghề dệt dèng thông qua các lớp học này, các sản phẩm truyền thống đã được gửi đi trưng bày tại các hội chợ triển lãm, được người tiêu dùng tin tưởng và bước đầu thu được những kết quả ngoài mong đợi. Chị Hồ Thị Phít ở bản Cựp, A Bung cho rằng, chị đã qua nhiều lớp học nghề, được cử đi tập huấn nhiều lần từ kỹ thuật trồng trọt, đến chăn nuôi, làm nấm nhưng mãi đến nay mới học được nghề dệt thổ cẩm truyền thống này, giá như được dạy nghề này từ sớm thì chị cũng như nhiều chị em khác khỏi phải lãng phí thời gian bởi những nghề không phù hợp, không mang lại hiệu quả thiết thực. Nghề dệt thổ cẩm là một nghề đòi hỏi sự tỷ mỉ, chậm rãi, khéo léo, rất phù hợp với chị em phụ nữ vùng cao, mặt khác thị trường thổ cẩm rất rộng lớn, không chỉ là mặt hàng lưu niệm có giá trị cho du khách mà còn là thứ trang phục ưa dùng của chị em phụ nữ vùng cao, nhất là trong các dịp lễ hội. Chị Phít tin rằng nghề dệt thổ cẩm có thể “sống” được lâu dài. Nhưng những lớp học dệt dèng như ở A Bung chưa nhiều và theo nhiều chị em là còn phụ thuộc vào nguồn đầu tư từ dự án, vì chỉ có tiền dự án mới có thể đầu tư để mời thầy từ các nơi khác về dạy nghề cho chị em. Còn bà Hồ Thị Mên ở Khe Van, Hướng Hiệp thì chẳng hứng thú gì lắm với nghề bện chổi đót mà gia đình bà học được cách đây 2 năm. Theo bà làm chổi đót không khó, nguyên liệu lại sẵn, không mất tiền, nhưng việc bán được sản phẩm là điều quá sức đối với một phụ nữ chỉ quen làm nương rẫy như bà. Với một bó chổi, bà đã phải lang thang gần 2 ngày khắp thành phố Đông Hà mới bán hết, trừ tiền ăn, tiền xe, nguồn thu từ việc bán chổi đót cũng không được bao nhiêu. Không riêng gì bà Mên mà nhiều phụ nữ vùng cao đã nản lòng với cung cách “tự sản tự tiêu” này. Theo anh Hồ Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Húc Nghì, việc dạy nghề cho người dân vùng cao là rất cần thiết, đây cũng là một giải pháp quan trọng để xoá đói giảm nghèo. Nhưng dạy nghề gì thì cần phải có sự cân nhắc, lựa chọn thật kỹ để mang lại hiệu quả thiết thực, không nên chạy theo phong trào để rồi người dân mất lòng tin vào một chủ trương đúng đắn. Mặt khác, sản phẩm mới làm ra cần gắn với nhu cầu thị trường, song song với việc học nghề phải tổ chức tốt việc tiêu thụ sản phẩm, chứ để người dân tự “bơi” không sớm thì muộn nghề học được cũng sẽ bị mai một. Có một điều trớ trêu là thanh niên ở miền núi ngoài thời gian lên nương rẫy, không có việc làm thường tụ tập ăn nhậu, trong khi đó muốn xây nhà dựng cửa bà con phải thuê thợ từ đồng bằng lên, vừa tốn tiền vừa không am hiểu văn hóa của người miền núi nên thỉnh thoảng giữa chủ và thợ đã xảy ra những xung khắc không đáng có. Anh Hồ Xuân Lai làm nghề thợ xây ở Ba Nang có lần nói với tôi rằng, nghề mộc, nghề nề thực ra không khó, chỉ cần chú tâm, chịu khó là học được, nhưng thanh niên vùng cao không thích gò bó, buộc chặt vào công việc, chỉ thích làm nghề gì tự do hơn như đi tìm phế liệu chiến tranh, khai thác gỗ lậu, săn bắt động vật hoang dã, tìm cây cảnh bán vừa có tiền ngay, vừa được tha hồ tung hoành. Thay đổi được tâm lý này quả là vấn đề không đơn giản, đành rằng khó nhưng không phải không làm được vì vẫn có những thanh niên miền núi rất thạo nghề phổ thông, họ đang là những nòng cốt trong quá trình kiến thiết xây dựng ở vùng cao. Rất tiếc trong quá trình loay hoay đào tạo nghề cho người nghèo, thanh niên miền núi, các cơ quan chức năng thường chú tâm vào những vấn đề có tính chất phong trào, thiếu thực chất, thiếu chiều sâu nên nhiều nghề vừa học xong đã đi theo thầy, không ở lại với làng bản. Hậu quả từ việc không có nghề cơ bản, không được đào tạo hợp lý đã thấy rõ trong quá trình thực hiện xuất khẩu lao động ở Đakrông thời gian qua, đã có hàng chục thanh niên bị chủ sử dụng lao động trả về vì không thạo nghề, không có ý thức kỷ luật lao động, gây nhiều tốn kém cho người lao động, đơn vị môi giới và tai hại hơn làm mất uy tín trên thị trường xuất khẩu lao động được xem là lối mở để người dân miền núi xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững. Nhưng khắc phục được tình trạng này quả là điều không dễ và càng khó hơn khi chúng ta chưa thật sự trăn trở để tìm những giải pháp hợp lý, những cách làm phù hợp. Người lao động vẫn không có nghề, trong khi mỗi năm nhà nước, các tổ chức, dự án vẫn đổ ra hàng trăm triệu đồng để thực hiện những mô hình đào tạo nghề không phù hợp, thiếu thực tế, chỉ để có những “con số đẹp” trong các báo cáo thành tích. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về phương hướng đào tạo nghề sắp tới, một cán bộ có trách nhiệm ở địa phương cũng chỉ nêu một cách chung chung như: huyện sẽ điều chỉnh cơ cấu đào tạo, cân đối giữa đào tạo và sử dụng ở các ngành nghề khác nhau và yêu cầu trình độ khác nhau, đảm bảo nhân lực cho các ngành mũi nhọn, các chương trình trọng điểm, tăng nhanh tỷ lệ đào tạo nghề, phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ lao động nông nhàn và lao động nông nghiệp... Thật khó để huyện Đakrông hoàn thành mục tiêu đào tạo nghề cho 10.000 lao động trong thời gian tới mà không có một giải pháp cụ thể. Chắc chắn rồi đây, với nguồn vốn đầu tư của Chính phủ sẽ có nhiều cơ sở, trung tâm dạy nghề được mọc lên hoành tráng hơn, bề thế hơn trên vùng đất khó nghèo này nhưng người dân vùng cao, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ ở đây sẽ học được nghề gì thì quả là điều không dễ. Trong khi đó, chỉ riêng việc học nghề nông một cách thuần thục đối với bà con nơi đây vẫn là điều quá khó. Có lẽ để xoá đói giảm nghèo nhanh thì nên tập trung hướng dẫn người dân vùng cao đổi mới phương thức canh tác, hình thành thói quen canh tác nông nghiệp bền vững, quan tâm đầu tư thâm canh, sử dụng đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý, hình thành kỹ năng thâm canh và bảo vệ rừng, khai thác lâm nghiệp hợp lý, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá gắn với thị trường, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động trên cơ sở mở mang ngành nghề, giải quyết lao động nông nhàn, tiến tới giảm bớt cơ cấu lao động nông nghiệp. Thực tế từ các lớp đào tạo nghề vừa qua trên địa bàn cho thấy, nghề nào phù hợp với kỹ năng và tâm lý bà con, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm thì nghề đó tồn tại lâu dài và có cơ hội phát triển, chẳng hạn như nghề dệt thổ cẩm đã nêu ở trên. Và không chỉ nghề dệt thổ cẩm mà nhiều nghề khác như đan lát các mặt hàng thủ công mỹ nghệ – một thế mạnh của người dân vùng cao nếu gắn với hoạt động du lịch dịch vụ chắc chắn sẽ có điều kiện phát triển. Còn “đeo bám” tư duy phát triển nghề chỉ chạy theo phong trào và chủ yếu để giải ngân các nguồn vốn thì sớm muộn gì chủ trương phát triển nghề để xoá đói giảm nghèo cho người dân vùng cao cũng sẽ thất bại dù có ý chí quyết tâm và đầu tư nhiều tiền đến mấy. Bài, ảnh: HOÀNG ĐỨC



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Dạy nghề để giữ nghề truyền thống
23:20 01/12/2023

Hiện nay, một số nghề truyền thống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang dần bị mai một, có nghề đứng trước nguy cơ bị biến mất. Để góp phần bảo ...

Khởi sắc Tà Rụt

Khởi sắc Tà Rụt
10:45 tối qua

QTO - Mặc dù là địa phương ở vùng núi, phần đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng những năm gần đây, bức tranh KT-XH ở xã Tà Rụt, huyện...

Chung tay xây dựng nông thôn mới bền vững

Chung tay xây dựng nông thôn mới bền vững
10:35 tối qua

QTO - Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh, hình ảnh người phụ nữ không chỉ gắn liền với gian bếp, thửa...

Thành lập cụm công nghiệp Đông Gio Linh

Thành lập cụm công nghiệp Đông Gio Linh
19:31 19/09/2011

(QT) - Nhằm thu hút đầu tư, bố trí các khu vực sản xuất công nghiệp tập trung, giải quyết ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống nhân...

Khai trương Phòng giao dịch BIDV Nam Đông Hà

Khai trương Phòng giao dịch BIDV Nam Đông Hà
14:38 18/09/2011

(QT) - Ngày 17/9/2011, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Quảng Trị tổ chức lễ khai trương và chính thức đi vào hoạt động Phòng giao dịch Nam Đông Hà. Tham dự lễ...

Bạc mặt vì... được mùa

Bạc mặt vì... được mùa
02:28 18/09/2011

(NNVN) - Chưa có năm nào cây chuối, bơ và nhãn ở tỉnh Quảng Trị được mùa, năng suất cao như năm nay. Song cây trái càng chín rộ thì khuôn mặt nông dân càng khổ sở, quắt...

Hai nỗi lo của người trồng sắn vùng Lìa

Hai nỗi lo của người trồng sắn vùng Lìa
02:24 16/09/2011

(QT) - So với mọi năm, năm nay cây sắn phát triển rất tốt, dự báo một mùa bội thu. Với trên 4.000 ha, vùng Lìa cung cấp cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa (Quảng Trị)...

POWERED BY
Việt Long