Cập nhật:  GMT+7

Đào tiên tiến mùa lũ

Đọc được thông tin trong cơn bão số 6, nhiều người dân bất chấp nguy hiểm ra ven sông Hiếu bắt tiên tiến, em họ tôi điện thoại réo rắt: Về quê Cam Thủy ôn lại tuổi thơ đi anh! Xem bọn em đào tiên tiến mùa lụt, chứ ra bãi bồi ven sông như mấy ông trên báo mất mạng có ngày. Đào tiên tiến mùa lụt. Chuyện thật như đùa, mà cũng là một lời mời khó cưỡng.

Đào tiên tiến mùa lũ

Nhiều người dân từ TP. Đông Hà lên xã Cam Thủy để cuốc tiên tiến -Ảnh: M.T

Nói về chuyện đào tiên tiến thì tuổi thơ tôi và em họ là Tú lớn lên qua từng mùa sắn. Mùa đào tiên tiến là thời gian cây sắn vừa mới thu hoạch, tiên tiến đào hang ở ngay những vùng trồng sắn. Trẻ con được người lớn trang bị cho một cái cuốc nhỏ, lưỡi bằng bàn tay (gọi là chét) để làm các công việc như: nhặt khoai, sắn, lạc, củ đậu còn sót lại sau mỗi vụ thu hoạch. Tất nhiên cây chét này rất hiệu quả trong việc đào hang tiên tiến.

Chúng tôi đi vào từng vùng sắn luống nhấp nhô, phát hiện mùn đất mới ùn lên là biết chính xác đây là hang tiên tiến. Thường mỗi hang chỉ có một con, nhiều hang chính sâu gần 1m, lại có nhiều nhánh phụ.

Để bắt một con tiên tiến, trung bình phải đào từ 20-30 nhát cuốc. Con lớn nhất chỉ bằng ngón tay cái, thích nhất là những con mới lớn, lông cánh phủ chưa kín bụng, nhìn thấy thớ thịt béo trắng ngần. Chúng tôi quy ước với nhau, mỗi lần vác cuốc đi thì phải đào đủ 200 con mới trở về. Đám trẻ trạc tuổi nhau từ 7-10 tuổi, đứa nào cũng đen nhẻm, ngày ngày ăn cơm sắn độn nên gầy tong teo. Vậy mà bổ hàng nghìn nhát cuốc xuống 200 cái hang để có ngần ấy con tiên tiến là một “kỳ tích” mà lớp trẻ ngày nay chắc không làm được.

Sau mỗi lần đào tiên tiến về, bà nội tôi chờ sẵn ở nhà với bột sắn trắng ngần đã nhồi dẻo như kẹo kéo. Tiên tiến được móc ruột rồi cho một hạt lạc vào bụng, đem xào với lá ném và ớt làm nhân bánh. Mẹ tôi mang bánh đến chợ Đông Hà bán hết vèo trong một nốt nhạc. Cả nhà mừng rơn, bởi hôm đó không phải ăn cơm độn sắn, mà còn thêm ít thịt lợn hoặc miếng trứng chiên trộn bột mì. Gọi là trứng nhưng chỉ phảng phất mùi trứng, vì tỉ lệ bột mì quá cao. Nhưng bữa ăn như thế đối với chúng tôi thời ấy đã quá sang trọng rồi.

Đào tiên tiến mùa lũ

Tiên tiến trở thành món ăn đặc sản của các nhà hàng -Ảnh: M.T

Tú vác cuốc bì bõm lội trước, tôi lẽo đẽo cầm bao theo sau, nước ngang đầu gối và cạn dần theo độ cao của triền đồi. “Từ đây vào vùng sắn khá xa đấy anh nhé. Đi bộ hơn 1 tiếng đấy”, Tú đo lòng quyết tâm của tôi.

-Mùa tiên tiến này, chú thu nhập bao nhiêu?

Ít hơn mùa trước anh ơi. Khoảng vài ba chục triệu đồng. Đủ tiền mua chiếc xe honda và bộ máy vi tính cho thằng cu mới vào đại học. Tú cười, phô cả hàm răng trắng xóa.

-Sao bây giờ người ta chuộng món này thế nhỉ? Ngày xưa chỉ nhà ai nghèo quá mới ăn thôi.

Anh nhớ cụ Đãi không ?

-Có. Cụ Đãi năm nay 78 tuổi, bị bệnh nằm liệt giường, anh có vào thăm.

-Nay cụ hết bệnh rồi. Lại nhanh nhẹn như thanh niên. Có thầy thuốc gia truyền chỉ cho món tiên tiến. Một tuần ăn hai lần, mỗi lần 50 con xào nhạt với lá ném. Dùng trong vòng hai tháng thì quả nhiên đi lại được. Đến nay cụ tự đi đào mà chẳng nhờ con cháu.

Cũng không ai biết chắc cụ Đãi có phải nhờ bài thuốc từ tiên tiến đó mà khỏi bệnh không, chỉ biết rằng giá trị mà con vật nhỏ bé này mang lại là có thật.

-Anh nhớ cô bé Duy ngày xưa trong nhóm cuốc tiên tiến với anh em mình không, nhà ở cuối làng, con bác Thắm đó. Duy bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sinh học tại Mỹ khi chưa đầy 30 tuổi, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu sinh học tại Pháp, chuyên nghiên cứu các loài sinh vật tốt cho sức khỏe con người. Vừa rồi về nước lên thăm em cứ nằng nặc bắt đưa đi cuốc tiên tiến, chưa xong một hố đã thở dốc, ngồi bệt xuống đất. Duy cho em xem một nghiên cứu về loài tiên tiến này. Tiên tiến có vòng đời thật lạ, số mệnh chúng gắn liền với từng vụ sắn, tức là không một con tiên tiến nào hưởng thọ hai vụ sắn tiếp nối. Sau tháng 12 dương lịch, nghĩa là sắn đã thu hoạch xong, người dân chuẩn bị trồng vụ tiếp theo là thế hệ tiên tiến mùa trước tự kết thúc cuộc đời. Sự ra đi của tiên tiến đực không vướng bận, nhưng con cái trước khi chết phải làm tròn nghĩa vụ bảo tồn giống nòi. Chúng đẻ trứng và giấu vào hang sâu, rồi nằm ấp ủ cho đến khi kiệt sức chết. Chưa hết, thân xác tiên tiến mẹ trở thành dưỡng chất nuôi trứng cho đến ngày tiên tiến con vươn dậy, lớn lên cùng vụ sắn mới. Vòng luân hồi cứ thế.

Đến rồi, Tú dừng lại một quả đồi ngổn ngang cây sắn vừa thu hoạch, nước xâm xấp mặt đất rồi bảo tôi đi đằng sau để nhặt tiên tiến. Thì ra, đào tiên tiến mùa lụt là đây chứ đâu. Nước ngập hết xung quanh đẩy tiên tiến đến một nơi cao nhất để trú. Nước cạn, người đào thấy rõ từng dấu hiệu hang. Chỉ khác, nếu ngày xưa phải cuốc vài chục nhát mới bắt được một chú tiên tiến, thì nay tiên tiến đã nằm sẵn ở miệng hang do dưới sâu ngập nước. Chỉ cần một nhát cuốc khơi khơi, tiên tiến liền phóng ra. Hoặc hang nào sâu hơn một chút thì nhát cuốc ấy tạo thành hố nước tràn vào khiến tiên tiến ngộp thở nhảy ra ngoài. Người đi sau là tôi chỉ việc nhặt thôi cũng hoa mắt. Cứ như vậy, hai tiếng đồng hồ trôi qua, tôi đếm sơ sơ cũng đã nhặt hơn 500 con tiên tiến. Với giá một con 1,5 nghìn đồng, chúng tôi thu về hơn 700 nghìn đồng. Nhiều người nói, đào tiên tiến mùa lụt là “làm chơi, ăn thật”. Trong vòng hai tiếng cho thu nhập 700 nghìn đồng thì đúng là “làm chơi, ăn thật”, con số 30 triệu Tú thu nhập trong 2 tháng xem ra vẫn khiêm tốn. Tú còn kể: Mấy nhà hàng ở TP. Đông Hà, huyện Cam Lộ đến đặt mua tiên tiến tận nhà, còn cho mượn điện thoại, bắt được kha khá là điện họ lên lấy ngay. Giá một con tiên tiến sống được trả 2 nghìn đồng, cứ bán 100 con, được thưởng thêm 15 nghìn đồng.

Ngẫm lại cuộc đời thú vị thật. Một con vật nhỏ bé, có vòng đời ngắn ngủi nhưng lại mang đến giá trị không nhỏ. Tú nói với tôi: Nhiều lúc em băn khoăn, trồng sắn để làm kinh tế hay trồng sắn để nuôi tiên tiến? Thực tế cho thấy, sắn củ 1 kg giá dao động từ 2-3 nghìn đồng, một hecta sắn thu về khoảng 7-10 triệu đồng. Vậy mà cũng diện tích đó, tiên tiến cho thu nhập gấp nhiều lần. “Phải chăng nên mở rộng diện tích trồng sắn thay thế những loại cây trồng kém hiệu quả. Lập ra những trang trại trồng sắn để nuôi tiên tiến trong môi trường tự nhiên. Làm giàu chính đáng trên quê hương mình mới hay chứ”, Tú nói giọng chắc nịch.

Minh Tuấn

Tin liên quan:
  • Đào tiên tiến mùa lũ
    Mùa “săn” cá nâu con

    Hằng năm, khi mùa mưa bão bắt đầu cũng là thời điểm nhiều người dân ở các xã vùng bãi ngang, cửa lệch rủ nhau đi “săn” cá nâu con về bán cho các chủ đầm, ao hồ nước lợ hoặc các hộ nuôi cá lồng bè trên sông để làm con giống. Tuy là nghề thời vụ kéo dài tầm 2 - 3 tháng nhưng đã đem lại thu nhập khá cao cho nhiều người dân...

  • Đào tiên tiến mùa lũ
    Triển vọng mô hình nuôi ốc bươu đen

    Nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị trường, mạnh dạn tiếp cận đối tượng nuôi mới, cùng với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông, anh Trần Công Hiếu ở tại thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ đã tiên phong đưa vào nuôi thành công giống ốc bươu đen (còn gọi là ốc nhồi) thương phẩm và tự nhân giống trên địa bàn, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.


Minh Tuấn

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long