Cập nhật:  GMT+7

Đằng sau chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Putin

(PLO)- Chuyến công du của Tổng thống Putin đến UAE và Saudi Arabia được giới quan sát đánh giá là giúp củng cố vị thế của Nga ở Trung Đông.

Chỉ trong ngày 6-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến công du con thoi đến hai quốc gia Trung Đông là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga tới khu vực này kể từ đại dịch COVID-19.

Chuyến thăm được giới quan sát đánh giá là giúp củng cố quan hệ giữa Nga với hai nước, đồng thời nâng cao vị thế của Moscow tại khu vực trong bối cảnh thế giới đầy biến động.

Tập trung vào dầu mỏ, hợp tác và xung đột

Theo hãng thông tấn TASS, trong chuyến công du ngày 6-12, Tổng thống Putin đã đến UAE hội đàm với Tổng thống Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan trước khi di chuyển đến Saudi Arabia để gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud.

Giá dầu toàn cầu đã tăng sau cuộc hội đàm của Tổng thống Putin với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia và UAE. Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng 7-12, giá dầu thô Brent toàn cầu đã tăng 0,47%, đạt mức 74,65 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ ở mức 69,78 USD/thùng, tăng 0,58%, theo tờ Business Line.

Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, đứng đầu chương trình nghị sự của chuyến công du là câu chuyện về dầu mỏ khi cả Nga, UAE và Saudi Arabia đều là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+).

Chuyến thăm của ông Putin diễn ra vào thời điểm cực kỳ quan trọng của thị trường dầu mỏ, chỉ vài ngày sau khi OPEC+, nhóm nước sản xuất hơn 40% sản lượng dầu mỏ toàn cầu, thông báo cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng dầu/ngày để kéo giá dầu thô tăng lên. Chuyến đi cũng diễn ra khi Nga nỗ lực tìm kiếm thị trường mới cho dầu mỏ nước này sau hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây.

“Tất nhiên, họ đã bàn về hợp tác trong OPEC+. Hai bên đồng ý rằng cả Nga và Saudi Arabia gánh vác trách nhiệm to lớn trong việc giúp thị trường năng lượng quốc tế ổn định và có thể dự đoán được” - người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết sau chuyến thăm Saudi Arabia của ông Putin.

Việc tăng cường quan hệ song phương cũng được nhấn mạnh tại những cuộc hội đàm. Trong khi Tổng thống Al Nahyan của UAE gọi mối quan hệ song phương với Nga là “lịch sử” thì Tổng thống Putin mô tả quan hệ hai nước “đạt đến mức cao chưa từng có”. Theo hãng thông tấn WAN (UAE), hai bên cũng đã thảo luận khả năng nâng cấp quan hệ Nga - UAE lên mức “đối tác chiến lược”.

Tương tự, trong cuộc hội đàm tại thủ đô Riyadh, ông Putin khẳng định “không gì có thể ngăn cản sự phát triển” quan hệ hữu nghị Nga - Saudi Arabia. Phần mình, Thái tử Mohammed đánh giá hợp tác Riyadh - Moscow đã “giúp giải quyết nhiều vấn đề căng thẳng ở Trung Đông và góp phần tăng cường an ninh khu vực”.

Ngoài ra, một loạt “vấn đề nhạy cảm” của quốc tế và khu vực cũng được thảo luận. Liên quan xung đột Israel - Hamas, các bên nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động quốc tế để đạt được lệnh ngừng bắn, bảo vệ dân thường và đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza. Những diễn biến mới nhất của xung đột Nga - Ukraine cũng được đề cập, theo tuyên bố của điện Kremlin.

Đằng sau chuyến công du Trung Đông của Tổng thống PutinTổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan tại thủ đô Abu Dhabi (UAE) ngày 6-12. Ảnh: AP

Nỗ lực bứt phá về ngoại giao

Chuyến thăm của ông Putin diễn ra vào thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt ở Trung Đông. Cuộc xung đột Israel - Hamas đang khiến UAE và Saudi Arabia - những bên đóng vai trò hòa giải quan ngại sâu sắc.

Thế nên chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga - quốc gia hiếm hoi có quan hệ ổn định với cả Israel, Palestine và Hamas mang đến cho giới lãnh đạo Trung Đông hy vọng về một tác nhân có thể hạ nhiệt căng thẳng khu vực.

Theo các chuyên gia, khi Israel gia tăng tấn công vào Dải Gaza, một số quốc gia Ả Rập bắt đầu cảm thấy “khó chịu” với thái độ có phần “nhẹ nhàng” của Mỹ với Israel. Đây chính là cơ hội để Nga thể hiện vai trò như một bên trung lập tại vùng Vịnh.

“Nga không có cam kết sâu sắc với Israel như Mỹ. Điều này cho phép Moscow bày tỏ sự đồng cảm với cả Israel và Palestine theo cách mà nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ gặp khó khăn” - theo ông James Nixey, Giám đốc chương trình Nga và Á - Âu tại Viện nghiên cứu Chatham House (Anh).

Về phần Moscow, khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sắp bước sang năm thứ ba mà chưa có dấu hiệu chấm dứt, việc tìm kiếm “sự thấu hiểu” từ các nước bên ngoài có ý nghĩa tích cực đối với Nga.

Ngoài ra, chuyến đi tới Saudi Arabia và UAE cũng nhấn mạnh sự thay đổi lớn trong nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Putin. Cụ thể, trong năm qua, tổng thống Nga chủ yếu đến thăm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ nhưng chuyến đi lần này lại có điểm đến là hai đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Trung Đông.

Ông Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng quan hệ quốc tế Nga (RIAC), nói với hãng tin Bloomberg rằng chuyến thăm của ông Putin tới hai cường quốc vùng Vịnh là “dấu hiệu rõ ràng” cho thấy Nga đang thoát ra khỏi sự cô lập quốc tế và tăng cường ảnh hưởng ở Tây Á.

Bên cạnh ý nghĩa về mặt chính trị - ngoại giao, các nhà phân tích cũng nhận định chuyến công du của Tổng thống Putin đem lại cơ hội mở rộng hoạt động sang Trung Đông cho giới doanh nghiệp Nga. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, khu vực Trung Đông, đặc biệt là TP Dubai (UAE) đã trở thành trung tâm đầu tư mới cho giới tài phiệt Nga - nơi họ có thể thoát khỏi các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu.•

THẢO VY


THẢO VY

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

EU lập cầu hàng không nhân đạo mới tới Gaza

EU lập cầu hàng không nhân đạo mới tới Gaza
2023-12-07 06:43:00

(Tin Tức) - Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch tổ chức 6 chuyến bay nhân đạo mới để cung cấp viện trợ thiết yếu cho những người gặp khó khăn...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long