Cập nhật:  GMT+7

Văn hoá ứng xử học đường: Cần hơn nữa sự chuẩn mực của giáo viên

Sự việc giáo viên một trường THPT ở Hà Nội có hành vi túm cổ áo, kéo lê nữ sinh trước cửa lớp học khiến dư luận xôn xao trước đó đã tạm lắng xuống nhưng vẫn để lại trong chúng ta nhiều điều suy ngẫm, nhất là khi năm học mới bắt đầu chưa được bao lâu.

Đương nhiên sai phạm thì phải có hình thức xử lý nhưng điều khiến chúng ta phải trăn trở vì đây không phải là lần đầu tiên giáo viên có lời nói, hành vi không phù hợp đối với học sinh. Vì không phải lần đầu tiên nên nhiều người đặt câu hỏi “vậy bài học rút kinh nghiệm liệu có phát huy hiệu quả?”. Lâu nay, nhiều vụ việc tương tự xảy ra đối với học sinh, ngành giáo dục cũng đã có biện pháp xử lý nghiêm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi “lệch chuẩn” của giáo viên. Vậy nhưng xử lý xong vụ này thì vụ khác lại xảy ra khiến hình ảnh người giáo viên phần nào xấu đi trong mắt học sinh, phụ huynh.

Văn hoá ứng xử học đường: Cần hơn nữa sự chuẩn mực của giáo viên

Lâu nay, sự phát sinh xung đột giữa giáo viên và học sinh thường rơi vào một số học sinh được xem là cá biệt, hay vi phạm nội quy, quy chế của nhà trường dẫn đến giáo viên bức xúc, từ đó có hành vi, lời nói thiếu kiềm chế. Nhưng trong câu chuyện trên, học sinh bị cô giáo có hành động lôi kéo, xúc phạm lại là một bí thư đoàn và lỗi “vi phạm” của em chỉ vì “mua chiếc bánh gato không đúng địa chỉ giáo viên đưa trước đó”.

Đáng buồn hơn, giáo viên có hành vi nói trên lại phụ trách công tác tư vấn học đường và giảng dạy môn Giáo dục công dân. Với nhiệm vụ này, không biết trước đó giáo viên này đã tư vấn và giảng dạy những gì cho học sinh? Vì nội dung công việc mà cô đảm nhận là phải truyền cho học sinh bài học về tình thương, lẽ phải, về sự bao dung trong cuộc sống.

Tuy cô giáo giải thích về hành vi của mình là do xử lý nóng vội, gây hiểu lầm nhưng theo nhiều học sinh thì đây không phải lần đầu tiên giáo viên này có hành động không đúng chuẩn mực với học sinh. Lẽ ra nhà trường phải nắm thông tin này sớm hơn để có cách điều chỉnh hành vi của giáo viên cho phù hợp.

Sự việc trên chưa lắng xuống thì tiếp sau đó cũng ở Hà Nội, một thầy giáo dạy tiếng Anh xưng “mày, tao” và xúc phạm học sinh bị quay clip đưa lên mạng. Thầy giáo này sau đó đã tự kiểm điểm, nhận lỗi vi phạm đạo đức nhà giáo, đồng thời xin nghỉ việc vì chịu áp lực quá lớn từ dư luận xã hội.

Khi xem clip của hai vụ việc trên, nhiều người không thể chấp nhận cách xưng hô của giáo viên đối với học sinh, dù điều đó được giải thích là do nóng giận, thiếu kiềm chế. Xưng hô trong học đường không chỉ là một hoạt động giao tiếp mà còn thể hiện sự chuẩn mực, văn hóa và sư phạm. Không phải chỉ trong các tình huống phát sinh xung đột, việc xưng hô mới được đề cập đến mà điều này luôn được chú ý trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Một số giáo viên xưng “mày, tao” theo thói quen hoặc thể hiện sự gần gũi, tuy nhiên trong môi trường giáo dục thì việc xưng hô đó cần được điều chỉnh vì điều này không chỉ thể hiện đạo đức, tác phong của giáo viên mà còn là cách cư xử của người có văn hóa. Sự kính trọng của học sinh đối với người thầy được thể hiện qua hành vi và cách xưng hô. Một khi thầy cô dùng từ ngữ xưng hô phù hợp sẽ tạo cho học trò bắt chước, học hỏi và tạo nên văn hóa ứng xử học đường tốt đẹp hơn.

Chỉ trong một thời gian ngắn liên tiếp xảy ra những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo do giải quyết các tình huống sư phạm không đúng, có lời nói và hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực đối với học sinh, gây bức xúc dư luận xã hội.

Mặc dù trong 4 năm đại học, sinh viên được trang bị đầy đủ kỹ năng xử lý tình huống sư phạm nhưng khi đứng trên bục giảng, có vô số tình huống phát sinh mà không có trong lý thuyết. Nhất là đối với thế hệ học sinh Gen Z hiện nay có tâm lý phức tạp, đòi hỏi giáo viên phải gần gũi, nắm bắt để có cách giải quyết vấn đề một cách nhân văn, đúng với trách nhiệm của một nhà giáo.

Cha ông có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” để nhắc nhở chúng ta rằng khi nói năng, giao tiếp với nhau thì nên thận trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ, tránh lỡ lời làm xúc phạm hay xấu đi mối quan hệ với mọi người xung quanh. Đối với giáo viên, việc “lựa lời” để nói với học sinh càng được chú trọng hơn. Bởi môi trường sư phạm có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh.

Ở đó cần những thầy cô giáo không chỉ giỏi về kiến thức mà còn có tâm hồn, hành động đẹp, lời nói đúng chuẩn mực. Nhìn lại môi trường sư phạm ở nước ta thời gian qua, ngoài những thành tích đã đạt được cũng xảy ra không ít chuyện buồn như tình trạng bạo lực học đường; hiện tượng học sinh và giáo viên không tôn trọng lẫn nhau; phụ huynh không tôn trọng thầy cô, thậm chí là xúc phạm đến nhân phẩm, thân thể thầy cô hay giáo viên có hành vi không đúng chuẩn mực với học sinh...

Trong khi đó, việc phát động xây dựng trường học hạnh phúc đã được ngành giáo dục triển khai từ nhiều năm nay. Vẫn biết để tạo ra những trường học hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà phải có sự góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và học sinh.

Tuy nhiên, trong mối quan hệ này, vai trò của giáo viên vẫn được đặt lên hàng đầu. Vì thế các trường học cần sửa đổi quy chế làm việc, quy định đạo đức, nội quy lên lớp và thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ hơn. Nếu giáo viên không thực hiện theo những quy chuẩn nghề nghiệp, đạo đức thì nhà trường cần lên tiếng, thậm chí đưa ra hình thức kỷ luật nếu có giáo viên nảy sinh hành vi sai lệch.

Để hạn chế, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng các trường có thể thành lập đường dây nóng, hòm thư góp ý để kịp thời tiếp nhận, xử lý những sự việc gây bức xúc.

Đây cũng là một giải pháp để các trường học áp dụng nhằm chủ động phòng ngừa từ xa. Bởi lẽ, việc tạm dừng giảng dạy, điều chuyển giáo viên hoặc cho giáo viên nghỉ việc chỉ là giải pháp trước mắt.

Thủy Ba


Thủy Ba

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hãy tri ân bằng hành động

Hãy tri ân bằng hành động
2023-07-22 05:35:00

QTO - Những ngày tháng Bảy, hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước cùng đổ về các nghĩa trang, đặc biệt là hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và...

Rất cần tổ chức các giải chạy bộ

Rất cần tổ chức các giải chạy bộ
2023-07-15 05:05:00

QTO - Môn thể thao chạy bộ, nói rộng hơn là phong trào chạy bộ đã hình thành và phát triển mạnh tại nhiều tỉnh, thành, thu hút rất đông vận động viên (VĐV)...

Tính mạng con người là trên hết!

Tính mạng con người là trên hết!
2023-07-08 05:20:00

QTO - Chỉ trong khoảng một năm trở lại đây, hàng loạt vụ chó nuôi tấn công người xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có những trường hợp bị...

“Bệnh” chậm tiến độ

“Bệnh” chậm tiến độ
2023-07-01 05:10:00

QTO - Có lẽ cụm từ “chậm tiến độ” chưa bao giờ xuất hiện nhiều trên báo chí, truyền thông như hiện nay khi đề cập đến các công trình, dự án đầu tư xây dựng...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết