Chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế từ Hành lang kinh tế Đông- Tây
(QT) - Hành lang kinh tế Đông-Tây (East- West Economic Corridor-EWEC) là sáng kiến đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng tổ chức tại Manila (Philippines) vào năm 1998 nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa bốn nước Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam. Hành lang này dựa trên một tuyến giao thông đường bộ dài 1.450 km đi qua 13 tỉnh của 4 nước từ Myanma nối 7 tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Savannakhet-Lào và 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng của Việt Nam. Được đánh giá là tỉnh có nhiều lợi thế khi nằm trên tuyến EWEC, Quảng Trị xác định tuyến EWEC trên địa bàn tỉnh là tuyến kinh tế động lực của tỉnh; lấy Quốc lộ 9 làm lợi thế khai thác phát triển kinh tế tổng hợp gồm 3 vùng kinh tế động lực, đó là Khu KTTMĐB Lao Bảo; thành phố Đông Hà; Khu kinh tế du lịch-dịch vụ Cửa Việt-Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ. Các cụm kinh tế phối hợp gồm cụm kinh tế Đakrông-Cam Lộ; cụm thị xã Quảng Trị-Diên Sanh-Mỹ Chánh. Hiện tại, Quảng Trị đang trong giai đoạn cụ thể hóa các mục tiêu khai thác hiệu quả kinh tế, xã hội thông qua việc xây dựng Lao Bảo trở thành trung tâm thương mại-dịch vụ- du lịch tổng hợp; phấn đấu sớm trở thành thành phố phía Tây của tỉnh, kết hợp phát triển công nghiệp gia công, lắp ráp, chế biến nông-lâm sản và sản xuất hàng tiêu dùng, du lịch sinh thái rừng. Riêng khu động lực Đông Hà được phát triển kinh tế tổng hợp gắn với KCN Đông Hà và KCN Quán Ngang, đưa Đông Hà thành trung tâm thương mại-dịch vụ và công nghiệp của tỉnh. Do là điểm cuối ở Quảng Trị của EWEC về phía Đông, Khu kinh tế động lực Cửa Việt-Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ đang được tập trung phát triển dịch vụ-du lịch sinh thái biển; công nghiệp vận tải; chế biến thuỷ - hải sản; đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; khai thác, chế biến khoáng sản.
 |
Du khách nhập cảnh vào Thái Lan bằng đường bộ |
Đặc biệt tỉnh Quảng Trị đã tập trung xây dựng Khu KTTMĐB Lao Bảo thành một trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên EWEC. Sau hơn 15 năm xây dựng và đi vào hoạt động, Khu KTTMĐB Lao Bảo đã có bước phát triển về kinh tế, xã hội. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu kinh tế này đạt gần 400 tỷ đồng. Tại khu trung tâm với diện tích 150 ha có kết cấu hạ tầng hoàn thiện gồm điện lưới, hệ thống cáp quang, viễn thông, Quốc môn, nhà ga cửa khẩu, cùng các hệ thống siêu thị, chợ trung tâm... Tính đến nay, Khu KTTMĐB Lao Bảo đã thu hút 425 doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh và hơn 3.000 hộ kinh doanh cá thể. Điều quan trọng là từ một “địa bàn trắng” về đầu tư đến nay Khu KTTMĐB Lao Bảo đã thu hút 63 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư 4.000 tỷ đồng trên quy mô diện tích đất sử dụng là 270 ha. Ngoài ra còn có 30 phương án kinh doanh thương mại, dịch vụ được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 1.200 tỷ đồng. Các dự án đầu tư, kinh doanh dịch vụ đã giải quyết việc làm cho gần 4.500 lao động trực tiếp chủ yếu là cư dân địa phương và gần 500 lao động gián tiếp khác. Một số nước như Thái Lan, Trung Quốc đã có dự án đầu tư với số vốn đăng ký 32 triệu USD. Hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch trên tuyến Quốc lộ 9 đã góp phần mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh giao lưu thương mại. Các doanh nghiệp hoạt động du lịch đã mở các tour, tuyến du lịch sang Thái Lan, Lào. Bước đầu đã thiết lập quan hệ hợp tác trên một số lĩnh vực với các tỉnh miền Trung nước Lào và Đông Bắc Thái Lan. Ngoài Khu KTTMĐB Lao Bảo, Quảng Trị hiện đang xúc tiến công tác chuẩn bị kêu gọi đầu tư xây dựng cảng biển Mỹ Thủy và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nhằm ‘’kéo dài ‘’ tuyến đường 9 trên EWEC. Đây được xem là một lợi thế so sánh của Quảng Trị đối với các tỉnh của Việt Nam nằm trên EWEC. Bởi cảng Mỹ Thủy là cảng duy nhất của Việt Nam thông ra biển Đông gần nhất trên EWEC cho phép rút ngắn lộ trình và không phải qua đèo nên việc xây dựng cảng biển Mỹ Thủy có khả năng tiếp nhận tàu 40.000 tấn là hoàn toàn hợp lý. Một khi cảng biển Mỹ Thủy trở thành cảng trung chuyển hàng hóa, container, trung chuyển xăng dầu, khí đốt... thì sự rút ngắn cung đường trên lãnh thổ Việt Nam đồng nghĩa với việc giảm chi phí vận chuyển nên sẽ thu hút hàng hóa, nguyên liệu xuất nhập khẩu của các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông. Từ năm 2009, Tập đoàn Giant Group Limited (GGL) có văn phòng tại Malaysia đã tiến hành khảo sát, thiết kế và xây dựng tuyến đường sắt từ Lao Bảo về Mỹ Thủy và cảng biển Mỹ Thủy. Đầu năm 2015, Nhà máy nhiệt điện 1.200 MW của Công ty Điện lực Thái Lan đã hoàn thành công tác khảo sát, lập dự án khả thi tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Đặc biệt là Quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, cảng biển Mỹ Thuỷ đã được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch quốc gia. Trong những tháng đầu năm 2015, tỉnh Quảng Trị đang khẩn trương triển khai quy hoạch chi tiết, khảo sát địa điểm, thúc đẩy dự án tái định cư để tạo ra mặt bằng sạch sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Bên cạnh đó, cần phải kể đến sự khởi động mạnh mẽ của dự án Phát triển đô thị dọc Hành lang tiểu vùng sông Mê Kông do ADB tài trợ với tổng số vốn đầu tư 147,2 triệu USD. Trong đó vốn vay 130 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại là 1 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 16,2 triệu USD được triển khai tại 3 đô thị của 2 tỉnh là Đông Hà, Lao Bảo (Quảng Trị) và Mộc Bài (Tây Ninh) đã tạo hướng mở cho kinh tế Quảng Trị phát triển nhằm khai thác lợi thế của EWEC. Để phát triển EWEC mang tính hệ thống, ngày 23/5/2014, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 983/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch khai thác tiềm năng, lợi thế EWEC giai đoạn 2014-2015, tính đến năm 2020. Việc kêu gọi các nhà đầu tư đến với Quảng Trị sẽ thuận lợi hơn khi một loạt chương trình, dự án hợp tác phát triển trên EWEC đã và đang được hoàn thiện. Việc sử dụng vốn ODA, hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, những địa phương nằm trên EWEC đang triển khai Dự án Giảm nghèo miền Trung do ADB tài trợ, với vốn đầu tư 123 tỷ đồng; hai huyện Cam Lộ và Đakrông đang thực hiện Chương trình Phát triển nông thôn Quảng Trị giai đoạn III do Phần Lan tài trợ, với vốn đầu tư 10 triệu euro. Việc nâng cấp cửa khẩu La Lay lên cửa khẩu quốc tế đã tạo điều kiện thông quan hàng hóa, xuất nhập cảnh, giao thương và trao đổi du lịch văn hóa giữa Quảng Trị và các tỉnh, thành phố miền Trung Việt Nam với các tỉnh Salavan, Champasak (Lào) và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan (Ubon Ratchathani, Amnat Charoen) và tỉnh Stung Treng (Campuchia) theo tuyến đường mới qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay. Ông Trần Đức Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Để bắt kịp với tốc độ phát triển chung, Quảng Trị đang xây dựng các dự án có tính khả thi cao theo 5 mục tiêu EWEC đề ra để kêu gọi nguồn ODA, FDI. Bãi bỏ các “rào cản’’ để các nhà đầu tư, khách du lịch thuận tiện xuất nhập cảnh vào Việt Nam.” Trên thực tế EWEC đã được khai thông kể từ khi cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông Mê kông nối Thái Lan với Lào nhưng tốc độ phát triển về thương mại, dịch vụ giữa các nước vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Nhiều hội nghị đã được tổ chức giữa các nước nằm trên EWEC để thảo luận, tìm kiếm các giải pháp nhằm khai thác hết tiềm năng lợi thế về thương mại, du lịch, dịch vụ của EWEC, đồng thời đưa ra những sáng kiến hợp tác giữa các nước, đặc biệt là 3 nước liền kề Việt Nam- Lào- Thái Lan. Là địa bàn có thể đón nhận nhiều cơ hội hợp tác đầu tư từ EWEC bởi Quảng Trị là điểm “đầu cầu” về phía Việt Nam nối liền với Myanmar, Thái Lan, Lào, vì vậy Quảng Trị là “cầu nối’’ của thị trường hàng hoá dịch vụ luân chuyển trong các nước ASEAN và ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên đến nay việc thu hút vốn đầu tư của 3 nước trên EWEC còn hạn chế. Hiện tại Quảng Trị chỉ mới thu hút được 3 dự án đầu tư trực tiếp từ Thái Lan, đó là dự án của Công ty TNHH Super horse sản xuất nước giải khát, nước uống tinh với với số vốn đầu tư 2,8 triệu USD, Công ty săm lốp xe máy Camel vốn đầu tư 4,9 triệu USD và Công ty TNHH sản xuất phụ tùng liên minh Á Châu có số vốn đầu tư 4,9 triệu USD. Vậy nhưng việc hợp tác với Thái Lan vẫn còn tồn tại một số khó khăn, trong đó chủ yếu do các công ty của Quảng Trị chưa tranh thủ được những lợi thế, tiềm năng của mình để thiết lập quan hệ hợp tác. Bên cạnh đó còn một lý do khách quan là thiếu đội ngũ cán bộ chuyên trách về hợp tác với Thái Lan, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch bằng tiếng Thái chưa nhiều; dịch vụ tiếp vận trên hành lang (nhất là trên lãnh thổ của Lào và Việt Nam) còn thiếu, như: Trạm dịch vụ tổng hợp xăng dầu, khu vực nghỉ ngơi mua sắm, trung tâm sửa chữa bảo hành xe, nhà hàng, khách sạn, bãi đỗ xe và quan trọng nhất vẫn là việc cải cách thủ tục hành chính, chính sách cửa khẩu, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá thu hút đầu tư còn hạn chế. Mặc dù đã được Chính phủ các nước quan tâm, đã có biên bản ghi nhớ của các Bộ trưởng Bộ Thương mại và Bộ Giao thông 3 nước Thái Lan, Lào và Việt Nam ký kết, tuy nhiên do chậm có các hướng dẫn nên chưa được áp dụng trên thực tế. Chi phí vận chuyển cao do tồn tại nhiều loại phí dọc đường, thời gian chờ đợi lâu. Thiếu các dịch vụ tiếp vận (trạm nghỉ, kho trung chuyển, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật...) dọc hành lang. Vì vậy, Quảng Trị và các tỉnh, các nước nằm trên EWEC cần phải chung tay tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc để “khơi thông’’ lộ trình phát triển. Đặc biệt những tồn tại khách quan giữa các nước như luật pháp, cơ chế khuyến khích đầu tư kinh doanh khác nhau phải được các bên thảo luận, tìm ra một “đáp án’’ chung… Riêng đối với Quảng Trị cần phải chú trọng khai thác các lợi thế địa lý, giao thông bởi đây không còn là nhu cầu tự thân mà xuất phát từ những đòi hỏi ở các nước trong khu vực. Do đó, không riêng gì Quảng Trị mà mỗi địa phương, mỗi nước trên EWEC cần phải phấn đấu để EWEC không đơn thuần là hành lang giao thông mà thực sự là hành lang kinh tế; một hành lang năng động đem lại sự thịnh vượng cho các nước trong khu vực. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA