Cập nhật:  GMT+7

Chọn thổ cẩm cho ngày trọng đại

Thay vì bộ váy cưới tân thời thường thấy, ngày càng nhiều bạn trẻ Vân Kiều, Pa Kô đã trở lại chọn trang phục thổ cẩm cho hôn lễ của mình. Tín hiệu vui ấy góp phần nhân lên niềm tin, hy vọng về sự hồi sinh, phát triển của một nghề truyền thống được đồng bào vùng cao gìn giữ, lưu truyền bao đời nay.

Chọn thổ cẩm cho ngày trọng đại

Vợ chồng em Trương Thị Ngọc Nhi chọn trang phục thổ cẩm cho ngày trọng đại của mình - Ảnh: NVCC

Hồi sinh một nét văn hóa

Gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều bộ ảnh cưới của các cô dâu, chú rể người Vân Kiều, Pa Kô trong bộ trang phục thổ cẩm. Xem ảnh, hầu như ai cũng trầm trồ, thích thú. Trong số đó, các bậc cao niên có lẽ là những người mang nhiều xúc cảm nhất. Họ nhớ về quá khứ “hoàng kim” của thổ cẩm. Bấy giờ, dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu, người Vân Kiều, Pa Kô cũng chuẩn bị ít nhất một bộ trang phục thổ cẩm cho mình. Vào dịp cưới hỏi, chiếc áo, chiếc xấn, khăn đam thổ cẩm là của hồi môn không thể thiếu. Nhờ trang phục thổ cẩm, khung cảnh đám cưới trở nên vui tươi, đậm chất truyền thống hơn.

Thế nhưng, có giai đoạn, nhiều bạn trẻ Vân Kiều, Pa Kô lại chọn những bộ váy áo tân thời, lạ mắt trong ngày đám cưới. Một số đôi trai gái còn lặn lội về xuôi để chọn trang phục cưới mà họ thường thấy trong các bộ phim nước ngoài. Cứ thế, trang phục hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều trong đám cưới của bà con vùng cao, lấn át váy áo thổ cẩm. Đó là điều khiến những người nặng lòng với văn hóa truyền thống của dân tộc mang nhiều suy nghĩ.

Trong bối cảnh ấy, việc một số bạn trẻ người Vân Kiều, Pa Kô biết nâng niu, gìn giữ trang phục cưới truyền thống khiến ai cũng mừng. Nhắc đến lý do chọn trang phục thổ cẩm cho ngày trọng đại, cô dâu Trương Thị Ngọc Nhi, trú tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, cho biết đây là mong muốn từ nhỏ của mình. Nhi sinh ra, lớn lên ở huyện Đakrông. Từ nhỏ, ông bà, ba mẹ đã giúp cô hiểu ý nghĩa của trang phục truyền thống. Vì thế, mỗi lần khoác lên mình chiếc áo, xấn thổ cẩm, Nhi đều cảm thấy thích thú, tự hào. Cũng vì thế, bộ trang phục truyền thống gắn liền với Nhi trong gần như tất cả các sự kiện quan trọng. Ngày cưới của cô không phải là ngoại lệ. “Những bộ trang phục thổ cẩm cầu kỳ, đẹp mắt thường có giá thành khá cao. Thế nhưng em vẫn dành dụm để sắm nó cho ngày cưới. Em cảm thấy mình đẹp nhất khi khoác bộ trang phục này”, Nhi chia sẻ.

Cũng như Ngọc Nhi, cô dâu Hồ Thị Tươi, trú tại xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, rất vui mừng khi bộ ảnh cưới mang đậm bản sắc của đồng bào Vân Kiều mà vợ chồng mình là nhân vật chính được nhiều người quan tâm. Để có những bức ảnh cưới vừa ý, Tươi và chồng đã bàn bạc rất kỹ với chủ tiệm áo cưới, người chụp ảnh... Bởi, cả hai mong muốn thông qua bộ ảnh có thể giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Từ đây, mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ yêu thêm, tự hào về những nét đặc sắc của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Tươi kể: “Sau khi em đăng tải album lên mạng xã hội, nhiều bạn đã liên lạc, hỏi địa chỉ chụp ảnh, thuê và mua trang phục thổ cẩm... Ai cũng muốn có một bộ ảnh cưới mang đậm bản sắc dân tộc như em. Điều đó làm em cảm thấy rất vui”.

Sự góp sức thầm lặng

Sự trở lại của trang phục thổ cẩm trong ngày cưới là minh chứng sinh động cho đổi thay trong nhận thức của nhiều bạn trẻ người Vân Kiều, Pa Kô. Giữa nhịp sống hiện đại, họ vẫn hiểu sâu sắc giá trị của nét đẹp truyền thống. Không dừng lại ở đó, họ còn nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình. Đây là kết quả của quá trình tự nhận thức và được lớp người đi trước truyền cảm hứng, giáo dục...

Ngoài những lý do kể trên, việc các bạn trẻ người Vân Kiều, Pa Kô chọn thổ cẩm cho ngày trọng đại còn nhờ sự thúc đẩy đặc biệt khác. Tại thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, thời gian qua, tiệm áo cưới Thùy đã trở thành điểm đến của nhiều thanh niên yêu thích trang phục thổ cẩm và những bộ ảnh cưới mang đậm chất truyền thống. Chị Phan Thị Thùy, chủ tiệm cho biết mình đã có 12 năm cung cấp các dịch vụ cưới hỏi.

Trong thời gian đó, chị Thùy luôn tìm cách tạo ra dấu ấn riêng trong đám cưới của các cô dâu, chú rể đã gửi gắm niềm tin cho mình. “Là người Kinh sinh ra, lớn lên ở huyện miền núi Đakrông, tôi thấy bà con Vân Kiều, Pa Kô có rất nhiều nét đẹp văn hóa, hiện diện rõ nhất là trong lễ cưới.

Tôi từng tham gia nhiều đám cưới của người dân địa phương và thực sự bị hút mắt bởi trang phục thổ cẩm. Tôi thấy, nếu được đầu tư dệt may kỹ lưỡng, những trang phục này đều sẽ rất tinh xảo, đẹp mắt, lên ảnh thực sự ấn tượng. Vì thế, tôi thường khuyên các cô dâu, chú rể chọn trang phục này cho ngày vui”, chị Thùy nói.

Để thuyết phục được khách hàng, chị Thùy đã cất công đặt mua, thuê lại những bộ trang phục thổ cẩm cầu kỳ. Không dừng lại ở đó, chị còn thiết kế, đặt dệt may váy áo cưới thổ cẩm theo hướng cách điệu, kết hợp giữa truyền thống với hiện đại. Đi liền với trang phục, chị còn lên ý tưởng, xây dựng bối cảnh phù hợp cho album và không gian tiệc cưới. Chị Thùy chia sẻ: “Để làm những công việc này, tôi mất nhiều thời gian, công sức hơn. Thế nhưng, tôi không ngại. Tôi vui vì được chung tay giữ gìn nét đẹp truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô”.

Nhận thấy ý nghĩa trong cách làm của chị Thùy, hiện nay, một số tiệm ảnh cưới đã học tập mô hình này. Từ đây, các bạn trẻ người Vân Kiều, Pa Kô có nhiều sự lựa chọn hơn cho đám cưới của mình. Không chỉ sử dụng trang phục thổ cẩm, một số đôi bạn trẻ cùng các thành viên khác trong gia đình còn chủ động đưa những nét đẹp truyền thống khác của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô vào ngày trọng đại. Từ đây, lễ cưới của các bạn trẻ vùng cao càng trở nên ý nghĩa, mang nhiều sắc màu vui tươi.

Tây Long

Tin liên quan:
  • Chọn thổ cẩm cho ngày trọng đại
    Giúp thổ cẩm vượt núi

    Không muốn nghề dệt thổ cẩm bị mai một, thời gian qua, nhiều người Vân Kiều, Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị đã sử dụng những cách làm mới để quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm truyền thống. Trong quá trình góp sức giữ “hồn” dân tộc bằng cách riêng, họ sớm nhận ra điểm mấu chốt để nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy nghề mà ông cha để lại.

  • Chọn thổ cẩm cho ngày trọng đại
    Cần lối mở cho nghề dệt thổ cẩm ở A Bung

    Những tấm thổ cẩm đủ sắc màu đẹp mắt được dệt nên bởi đôi bàn tay tinh tế của người phụ nữ Pa Kô ở xã A Bung, huyện Đakrông, từ lâu là niềm tự hào của người dân nơi đây. Nhiều khách hàng sở hữu tấm thổ cẩm A Bung cũng rất ấn tượng với sản phẩm truyền thống này. Tuy vậy, đến nay những người gắn bó với thổ cẩm A Bung vẫn chưa thể sống được với nghề, dù đã có nhiều nỗ lực từ chính quyền địa phương và người dân.


Tây Long

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đồng hành, chung sức xây dựng nông thôn mới

Đồng hành, chung sức xây dựng nông thôn mới
2025-04-05 06:15:00

QTO - Thực hiện phương châm “Hướng mạnh về cơ sở”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Quảng Trị luôn đồng hành, chung sức với...

Ngư dân hối hả vào vụ cá Nam

Ngư dân hối hả vào vụ cá Nam
2025-04-04 05:45:00

QTO - Bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến tháng 9 hằng năm, vụ cá Nam là vụ đánh bắt thủy sản mang lại thu nhập chính cho ngư dân trong năm. Thời điểm này,...

Cây hồ tiêu có nguy cơ mất mùa

Cây hồ tiêu có nguy cơ mất mùa
2025-04-03 05:50:00

QTO - Dù còn vài tháng nữa mới đến thời điểm chính thu hoạch song hiện tại, do ảnh hưởng của thời tiết bất thường suốt thời gian qua khiến hoa cây hồ tiêu...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long