{title}
{publish}
{head}
Không hiểu vì sao mà tên chợ, đi từ Bắc vào Nam, tôi thường thấy phần lớn chỉ có một chữ, ví như chợ Cầu, chợ Bầu, chợ Bạn, chợ Rồng, chợ Sàng, chợ Huyện, chợ Mai, chợ Hôm, chợ Chùa, chợ Sòng, chợ Kênh... Tôi nghĩ, chắc người ta đặt tên chợ như vậy cho dễ nhớ, chứ thực ra có những tên chợ chẳng liên quan gì với địa danh ở nơi đó cả. Trường hợp như chợ Do quê tôi cũng thế. Tôi không hiểu vì sao tên chợ chỉ một tiếng như vậy, mà không phải một cái tên nào khác cho có vẻ mỹ miều. Nhưng chợ Do đối với tôi thật thân thương, gần gũi ngay từ tấm bé.
Chợ Do được xây dựng khang trang -Ảnh: N.C
Sau này lớn lên, bôn ba nơi góc bể chân trời, mỗi khi nhớ về quê hương là tôi lại nhớ đến chợ Do. Tôi nhớ nhất là dáng mẹ tôi với gánh củi trên vai, sáng sáng gánh ra chợ, đổi lấy mớ tép hay bát gạo, rổ khoai.
Mấy chục năm trôi qua, mẹ tôi giờ đã mất, mà hình ảnh về phiên chợ quê với dáng lưng còng của mẹ cứ mãi theo tôi cho tới tận bây giờ. Mấy chục năm về trước, chợ Do chưa có tên trong lòng người Quảng Trị chứ nói gì đến người tỉnh này, tỉnh kia.
Lúc đó, chợ chỉ là một địa danh chìm lặng trong chiến tranh tàn phá chưa kịp phục hồi, trong đói nghèo dĩ vãng. Lụp xụp, lèo tèo năm ba hàng xén, hàng vải vóc, áo quần, còn lại là hàng khoai sắn, rau quả... nhưng cũng không nhiều lắm. Thật quả là ngày ấy cuộc sống của người dân nơi vùng quê này ra sao thì ngày ngày nó bày ra ở chợ thế ấy. Chả trách khi đánh giá về một vùng quê nào đó, người ta chỉ cần nhìn vào chợ là có thể biết ngay đời sống của vùng quê ấy ra sao.
Đi qua chiến tranh, hơn bất cứ nơi nào, Vĩnh Linh là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất những gì chiến tranh để lại. Đó là sự tàn phá chưa từng có của đạn bom kẻ thù. Không một nơi nào trên vùng đất này lại không mang trên thân thể mình dấu tích của sự hủy hoại. Sau chiến tranh, cái còn lại trên quê hương tôi chỉ là con số không. Không nhà cửa, không đường sá, không chợ búa, không trường học...
Và người dân quê tôi đã đi lên từ những con số không đó. Phiên chợ Do ngày ấy còn thiếu rất nhiều thứ nhưng có một thứ không bao giờ thiếu, ấy là sắn củ được người ta cắt lát ngâm nước cho bớt đắng, đựng từng mớ trên những cái mẹt tre bày bán giữa chợ.
Hồi ấy, nếu như có ai đó từ xa tới, chắc sẽ không bao giờ biết được rằng những mớ sắn cắt lát ấy lại là lương thực chính ở quê tôi một thời. Mỗi bữa ăn, mở cái vung nồi cơm ra chỉ thấy sắn là sắn. Những lát sắn ngâm chua trắng như giấy và dẻo như mật nha. Mỗi lát sắn chỉ cõng trên lưng vài ba hột cơm. Hạt gạo thời ấy người ta vẫn nói đùa quý như... vàng là vì thế.
Ngày nay, Vĩnh Linh đã thay đổi rất nhiều. Gần 50 năm, chiến tranh cùng những tàn dư của nó đã lùi vào quá khứ. Không còn cảnh bao bà mẹ sớm nắng chiều mưa, đôi bàn chân run rẩy trên những con đường gập ghềnh, lầy lội. Bây giờ những cây cầu đã được xây dựng mới vững chãi, những con đường đã được mở rộng thênh thang, vươn tới tận các bản làng hẻo lánh, xa xôi, tới cả những miền quê bốn mùa cát trắng.
Rộn rã khắp nơi là âm thanh của các công trình mới, ánh điện tỏa sáng lung linh trong những ngôi nhà cao tầng, trong hương sắc mùa thu, bốn mùa quả ngọt. Những cánh đồng ăm ắp mùa vàng năm tấn, những rừng cao su, vườn hồ tiêu trải dài tít tắp, không còn phải lo hạt gạo, manh quần tấm áo như trước đây...
Chợ Do cũng đã được đầu tư xây dựng lại khang trang, rộng rãi, khu nào ra khu đó. Rồi có đủ các lô, quầy cho hàng trăm hộ có nhu cầu kinh doanh, buôn bán. Chợ lại nằm ngay ở vị trí đắc địa, gần đường bộ, tiện đường sông, có rừng, có biển, có đồng bằng thôn dã, với cư dân đông đúc làm ăn ngày càng khấm khá. Mọi con đường đều đổ về đây. Mọi thứ hàng hóa đều đổ về đây. Ngày ngày chợ càng đông đúc hơn.
Ngày ngày cảnh mua bán càng tấp nập hơn. Khách phương xa đến, chỉ cần đảo qua một vòng cũng đủ thấy hàng hóa ở chợ Do chả thiếu một thứ gì. Từ măng giang, măng vầu sấy khô của các tỉnh biên giới phía Bắc; cá tra, cá basa của các tỉnh Nam Bộ; hạt điều, cà phê của các tỉnh Tây Nguyên; trái cây của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng có lẽ sôi động nhất vẫn là hàng nông sản, thủy sản, từ con cá con tôm, đến củ sắn, hạt tiêu... của người nông dân, ngư dân trong vùng làm ra.
Con cá, con tôm ở chợ Do thì chưa dám nói là nhiều nhất, bởi tôi biết trong tỉnh có nhiều nơi rất phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Nhưng khoai, sắn, chè xanh, hạt tiêu, nhất là hạt tiêu, thì đố ai tìm ra một ngôi chợ nào ở Quảng Trị bán nhiều hơn.
Đây chính là nét đặc trưng của ngôi chợ này. Hồ tiêu ở chợ Do bày bán la liệt khi vào vụ thu hoạch và quanh năm không lúc nào vắng. Người nông dân khi mang tiêu ra chợ thì không mấy ai phải mất công ngồi bán bởi vì người mua đã chặn hỏi, vồ vập ngã giá ngay từ ngoài cổng rồi. Hoặc người mua cũng có thể đến tận nhà, người bán không cần phải mang đi đâu.
Đến đây xin được “khoe” một chút hãnh diện của chợ Do nhờ hồ tiêu, ấy là khách thập phương, mỗi khi về bãi tắm Cửa Tùng hay tham quan địa đạo Vịnh Mốc, thường không quên ghé chợ Do, mua ít ký hồ tiêu làm quà cho gia đình, bè bạn, coi như mang về chút đặc sản của miền đất đỏ Vĩnh Linh, Quảng Trị.
Ai là khách phương xa về chợ Do, chỉ cần được một lần ăn bánh bột lọc nhân tôm sẽ không bao giờ quên được. Bánh bột lọc là ẩm thực đặc sản của vùng quê Vĩnh Linh nên không nhà nào là không biết làm loại bánh này. Ăn bánh bột lọc phải là lúc bánh đang hôi hổi nóng, vừa ăn vừa thổi mới cảm nhận được hết vị thơm ngon của bánh. Cũng có thể dùng bánh đa nướng bẻ nhỏ bằng bàn tay, cho bánh bột lọc vào giữa rồi kẹp lại mà cắn từng miếng một. Vị dẻo, cay, thơm ngon của bánh bột lọc cùng với chất giòn tan của bánh đa nướng, nhai trong miệng nghe rụm rạo thật thích.
Chẳng biết chè xanh ở Vĩnh Linh ngày ngày bán rất nhiều ở chợ Do có tất cả bao nhiêu giống, khi nấu uống thì thơm ngon, đậm nhạt thế nào, mà người nghiện chè khắp các vùng quê Quảng Trị lại dặn vợ, dặn con, khi mua chè xanh ở chợ Do về nấu uống thì phải chọn cho được giống chè xanh Vĩnh Linh. Tìm hiểu kỹ mới hay, chè xanh ở Vĩnh Linh cũng có khá nhiều giống khác nhau. Nào là chè Hà Giang, chè Phú Thọ, chè Thái Nguyên, chè Nghệ An... Cây chè xanh Vĩnh Linh mới thực sự hợp khẩu vị người nghiện chè. Giống chè xanh Vĩnh Linh lá tuy nhỏ nhưng dày và khi nấu uống thường nước thứ hai vẫn còn chát, thơm và có vị ngọt đậm đà chứ không đắng chát như mấy giống chè kia.
Chợ Do giữa thời mở cửa càng là nơi để người ta đua nhau buôn bán làm ăn, cạnh tranh nhau trên tinh thần đoàn kết, lành mạnh. Chợ Do thực sự là nơi tạo điều kiện cho không ít tiểu thương “hái” ra tiền, trở thành những “ông chủ”, “bà chủ”. Và chợ Do cũng góp phần “xóa đói giảm nghèo” cho người nông dân khi họ tận dụng chút thời gian rảnh rỗi mở ra buôn bán nhỏ, tăng thu nhập.
Chợ Do quê tôi là thế đấy. Mai này, ai về bãi tắm Cửa Tùng lộng gió, nhớ ghé qua chợ Do, ăn một đĩa bánh bột lọc nhân tôm cay xé lưỡi hạt hồ tiêu rồi uống một bát nước chè xanh từ tay chị chủ quán, chát... quẹo miệng, trước khi để Cửa Tùng dội sóng lên da thịt một ngày thư giãn với đất trời...
Nguyễn Ngọc Chiến
QTO - Xác định văn hóa công v có vai trò quan trọng quyết định hiệu quả thực thi công v của các cơ quan nhà nước, tạo động lực làm việc cho cán bộ, công...
QTO - Nhằm góp phần quan trọng vào việc nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh, ngành Y tế Quảng Trị đã nỗ lực triển khai các hoạt...
QTO - Ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, có một vùng đất mang tên Vĩnh Linh. Dân Quảng Trị đã đem cả một “miền đất lửa” vào đây từ hơn 50 năm trước. Ở đây,...
QTO - Là “bức bình phong” chở che dân làng trước thiên tai khắc nghiệt, tạo không gian và cảnh quan xanh mát, nên bao đời nay, những cánh rừng phi lao ven...
QTO - Ở nơi nào đó trên xứ sở Hàn Quốc, chắc có những người mẹ hằng đau đáu đứt ruột về những đứa con của mình đã chết trong chiến tranh ở Việt Nam. Chết...
QTO - Về bất cứ làng quê nào, ta cũng dễ dàng thấy ngay hình con rồng trên các mái ngói đình chùa miếu mạo, trong các họa tiết trang trí chạm khắc. Rồng...
QTO - Ngày 7/1/2024, Trần Thị Kiều Anh (sinh năm 2002), quê ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, vinh dự là 1 trong 96 cá nhân được Trung ương Hội Sinh viên...
QTO - Người Việt có mặt trên đất Thái Lan cách đây khoảng 200 năm, từ thời nhà Nguyễn bắt đầu có người Việt di cư sang xứ sở “chùa vàng” sinh sống. Người...
QTO - Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng? Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông... Trong một lần chuyện trò với người bạn đến từ miền cực Bắc của Tổ quốc...
QTO - Xông đất (hay còn gọi là đạp đất) là phong tục đã có từ lâu đời của người Việt. Người xưa quan niệm rằng, sau thời khắc giao thừa, người đầu tiên đến...
QTO - Ngày 20 tháng Chạp năm Giáp Thân - 2004, cán bộ và các lực lượng công an, quân đội của huyện đảo Cồn Cỏ chuẩn bị bữa cơm tất niên sớm để tiễn chân...
QTO - “Chỉ cần vượt qua quãng đường gần 350 km là chúng ta có thể chạm tay vào... 80 triệu năm trước”- Lời phi lộ rất gợi của anh Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc...