Cập nhật: Thứ 4, 16/10/2019 | 13:12 GMT+7

Chính sách phát triển dân tộc và miền núi ngày càng đi vào cuộc sống

* NGUYỄN VĂN HÙNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị

(QT) - Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số. Các dân tộc ở Việt Nam luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, có truyền thống đoàn kết trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Với mục tiêu xây dựng một cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất và giàu mạnh, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác dân tộc và đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi. Trong đó, nhiều chính sách đi vào cuộc sống, diện mạo kinh tế các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc từng bước phát triển.

Ở Quảng Trị, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có diện tích tự nhiên 313.675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh, đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh. Đồng bào nơi đây có truyền thống cách mạng, yêu nước sâu sắc, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước ta, luôn đoàn kết và có bề dày văn hóa riêng; gắn bó mật thiết với dân tộc Kinh anh em và là cầu nối thắt chặt mối quan hệ nghĩa tình đồng bào các dân tộc tuyến biên giới Việt - Lào.

Trong những năm qua, công tác dân tộc và miền núi luôn được tăng cường, đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh có nhiều khởi sắc đáng kể, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn ngày càng nâng cao.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác dân tộc và miền núi. Các chương trình, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số… được triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

Kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất nông, lâm nghiệp từ chỗ tự cung, tự cấp, đã chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành những vùng chuyên canh, tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong nước và xuất khẩu, đặc biệt một số sản phẩm chủ lực như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn, gỗ rừng trồng, cây chuối… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhờ đó thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20,5 triệu đồng/ người/năm, tăng gấp 1,65 lần so với năm 2014, tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn tiếp cận đa chiều) giảm bình quân 3,78%/năm. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hộ gia đình, nhóm hộ gia đình làm kinh tế giỏi, thu nhập cao và ổn định như Câu lạc bộ thu nhập 100 triệu đồng/năm cho những người trồng sắn ở Hướng Hóa, trong đó có 75 thành viên là người dân tộc thiểu số tham gia... Các phong trào thi đua, hỗ trợ nhau gắn kết trong sản xuất lan tỏa trong toàn vùng. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ tăng nhanh qua các năm.

Hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm như hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế... được xây dựng đồng bộ, hàng ngàn mét đường đã được thảm nhựa, bê tông hóa, giúp kết nối giao thông thông suốt, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Đến nay, 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa, 80% số thôn, bản có đường giao thông đi lại được cả hai mùa, 100% xã có điện lưới quốc gia, 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình. Hệ thống trường, lớp học, trạm y tế đã được xây dựng kiên cố, cao tầng hóa hầu hết ở các xã và trung tâm cụm xã. Đến năm 2019, toàn vùng có 7 xã đạt chuẩn về NTM, 2 xã đạt từ 15 - 16 tiêu chí, 9 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí.

Thanh niên các dân tộc thiểu số tham gia Hội khỏe Phù đổng tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu

Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi được nâng cao một bước, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được tôn trọng, bảo tồn và phát huy. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo có nhiều tiến bộ, tỉ lệ học sinh đến trường ở bậc tiểu học đạt 96%, ở mẫu giáo đạt 98%. Hệ thống y tế được quan tâm đầu tư, toàn vùng có đầy đủ trạm y tế xã, phòng khám khu vực, bệnh xá quân dân y kết hợp. Đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí và được hưởng chính sách bảo hiểm y tế đúng quy định. Các dịch bệnh ở vùng dân tộc và miền núi cơ bản được khống chế. Mạng lưới thông tin, văn hóa, thể thao nông thôn có sự phát triển nhanh, góp phần cải thiện đời sống tinh thần của đồng bào ở vùng dân tộc và miền núi.

Quốc phòng, an ninh vùng dân tộc thiểu số và miền núi được đảm bảo, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, nhân dân đồng thuận, tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lí điều hành của Nhà nước. Công tác đối ngoại nhân dân được thực hiện bằng nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhất là mô hình kết nghĩa bản - bản 2 bên biên giới Việt - Lào. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được chú trọng. Đến nay, 100% các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có tổ chức đảng, số đảng viên là người dân tộc ngày càng tăng. Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm xây dựng và củng cố, hoạt động có hiệu quả. Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ chỗ thiếu hụt nguồn nhân lực, trình độ chưa đạt chuẩn, đến nay, về cơ bản cán bộ cấp xã là người dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng về lí luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là đã biết áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lí. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chiếm 4,84% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Trong đó, nhiều cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí từ cấp xã đến cấp tỉnh. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động quần chúng, nhất là quần chúng là người dân tộc thiểu số, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc và miền núi vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, đó là: Kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển chưa toàn diện, đây vẫn là vùng khó khăn nhất của cả tỉnh. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhưng còn cao hơn so với các vùng khác và bình quân chung của tỉnh (vùng dân tộc thiểu số cuối năm 2018 là 51,54%, toàn tỉnh là 9,68%), một số nơi tỉ lệ hộ nghèo rất cao như Vĩnh Ô (Vĩnh Linh) 64,84%, A Xing (Hướng Hóa) 62,486%, Ba Tầng (Hướng Hóa) 65,57%…, đặc biệt, việc tái nghèo vẫn còn diễn ra. Việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc có nơi còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng đã được đầu tư xây dựng nhưng tính đồng bộ chưa cao, nhiều nơi xuống cấp, nhất là hệ thống giao thông liên thôn, liên xã vào mùa mưa bão. Việc giải quyết nhu cầu thiết yếu của đồng bào như đất sản xuất, điện, nước sinh hoạt có nơi còn chậm. Việc đào tạo nghề và sử dụng lao động trong nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự mang lại hiệu quả tạo sinh kế bền vững giúp đồng bào thoát nghèo. Chất lượng giáo dục, y tế vẫn còn thấp. Tình trạng buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy đã và đang len lỏi đến các bản làng, tạo tâm lí bất an cho nhân dân trong vùng…

Từ thực tiễn trong công tác chỉ đạo, quản lí và đặc điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một số kinh nghiệm được đúc kết để làm tốt công tác dân tộc, đó là: Xác định công tác dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do vậy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, công tác quản lí, điều hành của chính quyền các cấp quyết định sự thành công trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Cần phát huy lợi thế trong vùng dân tộc và miền núi để tạo được nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững. Đội ngũ cán bộ cần thực sự có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, am hiểu chính sách, tận tâm, tận lực với đồng bào, nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với nhiệm vụ xây dựng Đảng và củng cố quốc phòng - an ninh.

Đặc biệt, phải củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò các già làng, người có uy tín trong trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc; tạo được sự đồng thuận, khơi dậy truyền thống cần cù, chịu khó của mỗi dân tộc, tạo điều kiện để đồng bào phát huy nội lực vươn lên. Luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc và dự báo được tình hình, diễn biến tư tưởng, tâm trạng, bức xúc, kiến nghị chính đáng của đồng bào để phản ánh, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời. Thực tiễn cho thấy, nơi nào thực hiện tốt quy chế dân chủ, tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân, các chính sách nơi đó được thực thi nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao. Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện phải có chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể đi đôi với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, sơ kết, tổng kết thực tiễn, đồng thời phải gắn liền với công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình điển hình, hiệu quả trên các lĩnh vực.

Bê tông hóa đường vào bản. Ảnh: Phương Hoan

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; đồng thời phát huy những giá trị tốt đẹp về bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh vùng nội địa và biên giới, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Về phát triển kinh tế, tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Bổ sung quy hoạch, bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm sinh thái và tập quán sản xuất từng vùng. Đẩy mạnh công tác giao khoán, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên lĩnh vực chế biến, tiêu thụ hàng nông sản và du lịch sinh thái; phát triển làng nghề với các mặt hàng dệt thổ cẩm, đan lát và các sản phẩm có lợi thế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về văn hóa - xã hội, nâng cao giáo dục toàn diện, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phục vụ cho công tác dạy và học. Tiếp tục đưa chương trình dạy và học tiếng Bru-Vân Kiều theo giáo trình biên soạn và mở mới lớp học tiếng Tà Ôi - Pa Kô. Duy trì các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tạo điểm nhấn, nét đẹp văn hóa dân tộc tại địa phương trong quá trình phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch của vùng dân tộc và miền núi.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thực hiện có hiệu quả vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế văn hóa xã hội, các dự án trọng điểm, cấp bách, dự án phục vụ nhu cầu sản xuất và dân sinh ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, biên giới.

Xây dựng hệ thống chính trị và quốc phòng - an ninh vùng dân tộc miền núi vững mạnh, trong đó tăng cường năng lực lãnh đạo, quản lí điều hành của chính quyền các cấp cũng như năng lực, hiệu quả công tác giám sát của HĐND các cấp; củng cố, kiện toàn bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, phát huy phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, duy trì tốt hoạt động mô hình kết nghĩa bản - bản 2 bên biên giới Việt - Lào.

Với tất cả những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Quảng Trị quyết tâm đưa các dân tộc thiểu số trên địa bàn trở thành một khối đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển.



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thời tiết

25°C - 34°C
Có mây, có mưa rào và dông
  • 27°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long