Cập nhật: Thứ 3, 09/08/2011 | 08:50 GMT+7

Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát hiệu quả (*)

(Phát biểu của đại biểu HÀ SỸ ĐỒNG tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII) Sáng ngày 6/8/2011, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011. Sau đây là ý kiến phát biểu của đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tại phiên thảo luận. Kính thưa Quốc hội! Trước hết tôi cơ bản đồng tình và nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của 6 tháng cuối năm 2011. Tôi xin tham gia một số vấn đề như sau: Thứ nhất , đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát kiềm chế lạm phát trong thời gian sớm nhất, hướng tới việc giảm mức lãi suất xuống trên dưới 15% năm. Kiên quyết hạn chế cho vay kinh doanh chứng khoán và bất động sản không phục vụ cho sản xuất. Về chính sách thuế, tôi cũng tán thành một số phương án đã thảo luận tại hội trường, nhưng tôi đề nghị thêm phần thuế giá trị gia tăng “đánh” vào người tiêu dùng và sản phẩm sản xuất thuế đầu vào, nên có chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng từ 3 đến 6 tháng cho các doanh nghiệp sản xuất phục vụ nguyên liệu đầu vào.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại hội trường - Ảnh: PHN

Thứ hai , các cơ quan thống kê quản lý doanh nghiệp cần thống nhất trong việc công bố kịp thời, chính xác các chỉ số về kinh tế vĩ mô, số liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, phân biệt rõ các trạng thái phá sản, ngừng hoạt động, tránh gây tâm lý xáo động bất lợi trong xã hội. Thứ ba , giãn lộ trình tăng giá điện, giá xăng dầu, giá các mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp có thể lập kế hoạch sản xuất ổn định. Đề nghị các chính sách khi ban hành cần tính thời gian dài để các doanh nghiệp có đủ điều kiện chuyển đổi thực hiện theo quy chuẩn mới, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay. Chính phủ cũng cần tiếp tục khẩn trương rà soát các dự án, chi tiêu, đầu tư công và điều hoà nguồn vốn trong các ngân hàng, tập trung để tạo nguồn vốn thực hiện các gói hỗ trợ về lãi suất và bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong điều kiện hiện nay. Thứ tư , đề nghị cần tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, giải thể, sáp nhập những ngân hàng quá yếu kém vì đây là tác nhân của các cuộc chạy đua lãi suất gây bất ổn và rủi ro cho toàn hệ thống. Hiện nay hệ thống ngân hàng của chúng ta quá nhiều so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Theo tôi hệ thống ngân hàng thương mại nên thành lập từ 1 đến 2 ngân hàng là vừa đủ. Những ngân hàng yếu kém chạy đua lãi suất thì nên giải thể hay sáp nhập hợp lý, cần thiết lập lại hệ thống ngân hàng một cách ổn định về đồng tiền, đồng vốn cho doanh nghiệp kịp thời đảm bảo an toàn. Cũng cần tăng cường hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng ở Trung ương và địa phương, giảm thời gian thẩm định bảo lãnh tín dụng từ 30 ngày xuống còn 15 ngày. Cần đẩy nhanh thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn vốn đủ lớn dài hạn để có thể giúp cho doanh nghiệp điều chỉnh nguồn vốn phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách thuận lợi hơn. Thứ năm , thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về các thị trường như Trung Quốc và một số nước khác để chủ động ứng phó với những tình huống bất thường đối với các thị trường này. Đồng thời xây dựng chính sách tái cơ cấu quy hoạch phát triển ngành, vùng đảm bảo khai thác tối ưu lợi thế cạnh tranh của quốc gia, địa phương và của doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả, cân bằng các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô, hài hòa trong việc sử dụng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách thương mại và đầu tư. Cần phải tăng cường siết chặt quản lý đối với tất cả các dự án, các chương trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, cắt giảm tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và kém hiệu quả. Tiếp tục quan tâm đầu tư nhanh và đúng mức để chương trình Nghị quyết 30a ở các huyện nghèo, miền núi và chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được mục tiêu như các đề án đã đề ra và tiếp tục duy trì chương trình 134, 135. Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ về vốn và chính sách cho các ngành và các khu vực sản xuất hàng xuất khẩu, dùng nguyên liệu trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguyên liệu trong nước sản xuất nguồn nguyên liệu phụ trợ... Trên cơ sở đó giảm tỷ trọng nhập siêu trong các ngành này, đồng thời cũng cần sớm đưa ra mức lương tối thiểu, hợp lý để bảo đảm không quá sức đối với doanh nghiệp trong nước nhưng cũng không quá thấp đối với các doanh nghiệp FDI. Hỗ trợ hình thành cơ chế rõ ràng để giải quyết các vấn đề về tranh chấp lao động. Xin cảm ơn Quốc hội. PHẠM HỒNG NAM (lược ghi) (*) Đầu đề do Tòa soạn đặt



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Quốc hội phê chuẩn danh sách Chính phủ mới

Quốc hội phê chuẩn danh sách Chính phủ mới
04:17 03/08/2011

TTO - Sáng nay 3-8, Quốc hội đã phê chuẩn danh sách Chính phủ mới gồm 27 thành viên, trong đó có 2 phó thủ tướng mới: Nguyễn Xuân Phúc và Vũ Văn Ninh. Danh sách các bộ trưởng...

Ngày 3-8, ra mắt Chính phủ mới

Ngày 3-8, ra mắt Chính phủ mới
01:51 02/08/2011

TT - Trong tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ nhất, ngày 2-8 Quốc hội thảo luận và thông qua nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và bầu tổng Kiểm toán Nhà nước. Tiếp...

POWERED BY
Việt Long