Cập nhật: Thứ 7, 01/11/2008 | 09:37 GMT+7

Cất cá chình con mùa nước lũ

Bước vào mùa lũ, những cơn mưa bắt đầu nặng hạt hơn, kéo dài hơn, mưa trắng xóa trời đất, nước đầu nguồn dòng Thạch Hãn bắt đầu ào ạt đổ về. Nước réo ào ào, ầm ầm suốt đêm ngày ở tràn xã lũ Nam sông Thạch Hãn, bắt đầu báo hiệu mùa cất cá chình của những người dân nơi đây. Mỗi năm chỉ được vài ngày như thế này, người dân chỉ trông chờ có vậy để trổ tài bắt cá chình của mình và cùng với nó những món tiền kha khá đặt túi người nông dân. * Ăn, ngủ với... cá chình

Gia đình cùng cất rớ cá chình

Sau khi kiểm tra kỹ càng lại tấm rớ vừa kéo từ bao gai ra, ông Kỳ lại khệ nệ bưng bộ bà rớ từ trên chạn xuống, xốc rửa kỹ càng rồi mới lắp rớ vào. Thấy chúng tôi, ông Kỳ khoe: "Cái rớ cũ thế này chứ năm ngoái nhờ nó mà tôi thu được 6 triệu đồng từ cá chình đấy, nó sát cá lắm!". Ông là một trong những người già dặn kinh nghiệm trong cất cá chình nhất thôn Tân Lệ, bởi vậy năm nào ông cũng có doanh thu cao nhất nhì của thôn từ nghề bắt cá chình này. Khi được hỏi về bí quyết cất cá chình, ông Kỳ cười thật tươi rồi khẳng định: "Tui không có bí quyết gì cả, chỉ có sức khỏe và lòng kiên nhẫn". Khoảng 4 giờ chiều, mưa càng thêm nặng hạt, gió lùa hun hút, mùa bắt cá chình bắt đầu với ông Kỳ, với những người nông dân xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị. Dưới chân đập tràn xã lũ, nước đã dâng lên chừng hơn mét, từ trên đập ngăn đôi dòng sông Thạch Hãn, nước từ trên cao tung bọt trắng xóa đổ ầm ầm xuống vực đá. Hai bên bờ thuộc đoạn sông này, cả người, rớ đều đã vào tư tế sẵn sàng, chỉ chờ trời chập choạng tối là bắt đầu cuộc "hành trình" săn cá chình đầy vất vả. Ông Kỳ cho chúng tôi biết thêm: " Mấy năm trước chỉ có người dân quê tui bắt cá thôi, năm nay có thêm người dân xã Triệu Thượng ở bờ bên kia nữa nên đông vui hơn, nhộn nhịp hơn". Cá chình thuộc giống cá quý, hiếm ở nước ta. Đầu nguồn sông Thạch Hãn là vùng núi non hiểm trở, có nhiều hang, vách đá, đấy chính là điều kiện thủy sinh lý tưởng để loại cá chình sinh sôi nảy nở. Giống chình vốn thích bóng tối, sợ ánh sáng nên ban ngày chui rúc trong hang, dưới đáy ao, nơi có ánh sáng yếu, tối bò ra kiếm mồi di chuyển đi nơi khác. Khi thời tiết thay đổi, trời càng mưa to thì cá bơi lội càng khỏe. Nắm được đặc điểm này nên việc cất cá chình của những người dân nơi đây chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Hoàng hôn buông xuống, mưa vẫn nặng hạt, tiếng gầm réo của thác nước càng thêm dữ dội. Trên cao nhìn xuống, ánh sáng từ các loại đèn pin sáng lấp lánh hai bên sông, tiếng người gọi nhau, tiếng hô kéo rớ xen lẫn với tiếng sóng vỗ bờ ào ạt. Thời điểm cá chình bắt đầu xuất hiện, cá không phải đi sát bờ hay dưới đáy nước, những con cá chình sặc sụa mùi phù sa sông nước dập dềnh theo đợt sóng nước bạc gầm gừ. Khi cơn lũ đầu mùa về, những chú chình con từ khe đá, bắt đầu xuôi ngược dòng hòa trong từng con sóng. Người bắt cá chình cần phải có sức khỏe, chiến thắng ngọn sóng, cất rớ nhanh, dứt điểm lên khỏi mặt nước mới mong bắt được cá. Hành trình của cá chình phụ thuộc hoàn toàn vào con sóng nên người cất rớ nhịp độ càng nhanh càng tốt. Đấy là nguyên nhân giải thích rằng ai có sức khỏe tốt thì cất được nhiều cá. Ông Kỳ chia sẻ thêm: "Muốn bắt được cá chình thì lát cất rớ phải dứt khoát, nhịp độ càng nhanh càng được nhiều cá". Các rớ được đặt sát bên nhau để đón chờ từng ngọn sóng mang theo những con cá chình đen láy. Gió. Mưa. Ngọn sóng có khi dâng cao gần mét quật ngã người, sóng cuốn ra người lại tiếp tục đứng dậy để giữ vững bà rớ trong tay. Phía sau mỗi người cất rớ chính bao giờ cũng có những "trợ thủ" để bắt cá vào oi, phụ kéo rớ những khi ngọn sóng lên cao... Cá chình con chỉ bằng chiếc đũa, ngón cái tay, thỉnh thoảng mới có con lớn bằng cóng rớ, không phải nhát rớ nào cũng có cá để bắt, nhiều lúc cả buổi chỉ kiếm được vài con, nhưng bù lại có lúc một nhát rớ lại kiếm được 8-10 con. Gần 8 giờ tối, màn đêm buông dày đặc trên dòng sông. Đôi bờ Thạch Hãn lấp lánh ánh đèn kỳ ảo, cùng với tiếng nước, tiếng sóng. Đống lửa lớn được nhen từ chiều giờ bắt đầu bùng cháy, soi rõ từng khuôn mặt tái tê vì lạnh. Những thợ săn cá chình ướt sũng nước, bị sóng quật, phải dùng hết sức để cất rớ giờ cũng thấm mệt, cái đói cũng bắt đầu. Những tay rớ chính tranh thủ nghỉ tay để giải lao ăn lót dạ, nhường vị trí lại cho những người thân đi cùng. Bữa ăn tối muộn được chuẩn bị từ chiều của những người bắt cá chình là những củ sắn, củ khoai nấu sẵn, ổ bánh mì hay nắm cơm nóng ăn với muối vừng vàng ngậy... Dùng xong bữa trong vội vã, tranh thủ hơ đôi tay lấy thêm hơi ấm từ bếp lửa, ông Kỳ lại kể tiếp: "Nghề này nói về vất vả có lẽ được xếp bậc nhất ở quê tui, phải ngâm nước từ chiều đến đêm nên nếu ai không quen thường dễ bị cảm. Muốn bám trụ với nghề thì trước hết phải tập cho cơ thể quen ngâm với nước bái (nước lũ đầu nguồn chảy về), phải thức ngủ thật giỏi và chịu rét tốt". "Một, hai, ba...", tiếng hô kéo rớ vẫn vang lên đều đặn trong đêm tối và những con cá chình từ sóng bạc lại được những thợ săn bão luyện kéo lên, đặt lên bàn cân của những người buôn cá chờ sẵn. Tiếng gà từ xa vọng lại điểm canh ba, màn đêm càng yên tĩnh, tiếng gầm réo của nước lại càng dữ dội hơn. Sóng bạc đầu vẫn tung bọt trắng xóa, những người bắt cá chình đã thấm mệt. Vào lúc này cá cũng bắt đầu đi thưa dần. Mọi người thu xếp dụng cụ, đếm lại tiền thu nhập được sau một hành trình đầy vất vả để chuẩn bị ra về. Với cơn lũ đầu mùa như đêm nay, người ít nhất cũng thu được 500 ngàn đồng, còn những người có kinh nghiệm hơn như ông Kỳ thu được 1- 2 triệu đồng. * Một đêm cất cá bằng cả... vụ mùa

Cá chình con

Xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị là một xã thuần nông, cây lúa cây ngô đã nuôi sống người nông dân bao đời nay. Từ 2 năm trở lại đây, một nghề mới hình thành và phát triển ở địa phương này- nghề bắt cá chình con. Nói là nghề nhưng vào chính vụ bắt cá chình chỉ tập trung vào những ngày nước lũ. Vào khoảng tháng 9, tháng 10, khi những cơn lũ đầu mùa bắt đầu tràn về cũng là lúc những người nông dân rảnh tay, mùa màng đều thu hoạch xong nên mọi người đều rất chuyên tâm vào "nghề tay trái" của mình. Những năm trước, người dân đi thả lưới, thả câu trên sông, cũng bắt cá chình nhiều nhưng chủ yếu làm thực phẩm. Khi phong trào nuôi cá chình phát triển mạnh trong Nam, ngoài Bắc, giống cá chình trở nên khan hiếm, cá giống được bán với giá cao ( năm 2007: 400 ngàn đồng/ 1 kg các chình giống). Cất rớ cá chình con đối với những người dân Hải Lệ trở thành nghề mang lại thu nhập khá cao trong mùa lũ, và chính nghề này hàng năm đã cung cấp một số lượng cá chình giống lớn cho các trại ươm giống trong nước. Từ chiều, những người thu mua cá chình giống đã tập trung chờ sẵn trên bờ, cá chình bán tại chỗ năm nay với giá 500 ngàn đồng/ 1 kg. Chị Phan Thị Lời, một người buôn cá chình con cho biết thêm: Cá chình con sau khi mua được đem ra bán lại cho một đầu mối ở thị xã Đông Hà. Nguồn cá giống này được đưa vào các trại giống ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc đưa ra Hà Nội để ươm trong môi trường đặc biệt, sau đó cá giống sẽ phân phối khắp toàn quốc. Trở về dưới chân đập tràn xả lũ Nam Thạch Hãn. Mưa bắt đầu ngớt. Sau một đêm làm việc cật lực, vật lộn những con sóng dữ, đoàn người bắt cá chình đã mỏi nhừ, sự mệt nhọc không thể dấu được trên mỗi khuôn mặt phờ phạc vì lạnh, vì mất ngủ. Nhưng niềm vui thì vẫn chiến thắng tất cả, ngày mai khi bình minh lên, món tiền mà họ cật lực kiếm được của đêm qua sẽ giúp họ thực hiện được bao dự định của ngày mới. Chị Hồ Thị Trang đã hai năm nay cùng chồng đi cất cá chình. Khi trời mưa to, nước sông bắt đầu dâng cao, vác rớ lên vai vợ chồng chị cặm cụi bắt đầu một mùa bắt cá chình mới. Mùa lũ năm ngoái anh chị cũng kiếm được gần 3 triệu để xây chuồng trại và mua lợn giống. Còn như đêm nay, anh chị lên muộn hơn mọi người nên chỉ kiếm 700 ngàn đồng, đủ tiền đóng học phí cho các con trong năm học mới. Sau khi cuốn xong rớ, nhận 900 ngàn đồng từ tay người buôn cá, anh Hồ Anh Tuấn ở thôn Tân Lệ phấn khởi cho biết: "Số tiền này đủ để vợ chồng em hoàn thiện chuồng lợn đang xây dở, nghề này khổ thì khổ thật nhưng niềm vui từ những con cá chình nhỏ bé mang lại thì rất lớn". Với mỗi người nông dân, sau mỗi vụ thóc, nhà nào dư giả lắm mới bán được vài triệu đồng, còn với nghề bắt cá chình này, chỉ làm vài ba đêm nhưng tối thiểu mỗi người cũng thu được vài triệu đồng, có người may mắn hơn có được 4-5 triệu đồng. Mùi nồng của nước lũ đầu mùa, mùi tanh của tôm cá, mùi khói của tàn tro đống lửa đêm qua quyện vào nhau tạo nên một hương vị đặc biệt. Những con sóng vẫn gầm réo ào ào, đều đặn vỗ vào bờ đá. Phương Đông ẩn hiện những quầng sáng yếu ớt. Một ngày mới lại bắt đầu. Tiếng chân người săn cá chình xa dần tỏa vào các thôn xóm và lao xao tiếng người hẹn gặp lại nhau trong một đêm săn cá chính tới... Bài và ảnh: Lệ Như



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Mùa “săn” cá đồng ngược nước
22:55 04/10/2024

Hằng năm, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt, xóa tan cái nắng hạn khô khốc, nước mưa từ các ruộng đồng dâng cao cũng là mùa của nhiều loại cá đồng ...

Mùa “săn” cá nâu con
21:15 11/11/2022

Hằng năm, khi mùa mưa bão bắt đầu cũng là thời điểm nhiều người dân ở các xã vùng bãi ngang, cửa lệch rủ nhau đi “săn” cá nâu con về bán cho các chủ đầm, ao hồ ...

Mùa đánh bắt cá hố
22:30 29/03/2024

Vùng khơi hay vùng lộng luôn có loài cá hố được ngư dân ví là loài “cá biển mình rồng” do thân hình dài lấp lánh ánh bạc cùng vây chạy dọc sống lưng. Thời điểm ...

Đào tiên tiến mùa lũ
22:45 01/11/2024

Đọc được thông tin trong cơn bão số 6, nhiều người dân bất chấp nguy hiểm ra ven sông Hiếu bắt tiên tiến, em họ tôi điện thoại réo rắt: Về quê Cam Thủy ôn lại ...

Quảng Trị làm sao quên!

Quảng Trị làm sao quên!
8:14 sáng Thứ 2

QTO - Đã định ăn Tết Hà Nội trọn vẹn, sáng mồng Một Tết 2025, nhớ nhà quá, tôi lên xe khách về Hà Tĩnh. Vắng khách, tôi yêu cầu người lái xe mở cho nghe...

Từ gánh bún đến giảng đường âm nhạc

Từ gánh bún đến giảng đường âm nhạc
10:00 tối Thứ 6

QTO - Là một cô bé sinh ra ở miền quê nghèo, lớn lên từ gánh bún của mẹ, với giọng ca ngọt ngào, Nguyễn Thị Minh Thi (sinh năm 2000), giảng viên Học viện...

Mưu sinh trên bãi rác

Mưu sinh trên bãi rác
02:21 25/10/2008

Chiếc xe chở đầy ắp rác thải vừa rời khỏi bãi rác (phường Đông Lễ, thị xã Đông Hà) cũng là lúc "đội quân" nhặt rác với bao tải sau lưng, cào móc rác cầm tay ào đến đào bới đống...

Cô bé mù và giải thưởng quốc tế

Cô bé mù và giải thưởng quốc tế
08:15 17/10/2008

Trời đã vào cuối thu, những ngọn heo may dè dặt bắt đầu lướt qua từng kẽ lá. "Một mùa đông nữa lại đến, mùa đông thứ sáu mình được ở dưới mái nhà chung này, và là mùa đông thứ...

Về với bản làng

Về với bản làng
08:00 12/10/2008

Với tất cả những ai đang còn ngồi trên ghế nhà trường, mùa hè luôn là sự hấp dẫn, thú vị và chờ đợi. Đối với những sinh viên Trường CĐSP Quảng Trị, mùa hè của họ còn là dịp của...

Săn chuột đồng

Săn chuột đồng
03:08 03/10/2008

Vụ hè thu đã khép, lúa đã thu hoạch xong, còn lại một màu nâu sẫm của tấm thảm rạ đang trải dài tít tắp tận phía chân trời. Năm nay, vùng càng lại được mùa lớn. Người nông dân...

Thời tiết

20°C - 24°C
Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 19°C - 26°C
    Nhiều mây, không mưa
  • 20°C - 29°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
POWERED BY
Việt Long