{title}
{publish}
{head}
Đô thị Đông Hà bắt đầu được xây dựng từ đầu thế kỷ XX nhưng quá trình đô thị hóa với tốc độ phát triển nhanh và mạnh thì phải đến sau năm 1989 - khi Đông Hà được chọn làm thị xã tỉnh lỵ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhờ sự tăng trưởng của nền kinh tế và sự quan tâm đầu tư của tỉnh nên bước đầu, TP. Đông Hà đã tạo được bộ mặt mới của văn minh đô thị. Tuy nhiên, cùng với sự chuyển đổi về cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại và dịch vụ, công tác quy hoạch đô thị phù hợp với xu thế phát triển của TP. Đông Hà đang đặt ra rất cấp thiết.
Từng bước hình thành cấu trúc đô thị hợp lý, có sức lan tỏa
Có thể thấy, xuất phát từ ưu thế về đặc điểm vị trí địa lý, thị xã Đông Hà (trước đây), nay là TP. Đông Hà qua các thời kỳ lịch sử cận, hiện đại của dân tộc luôn là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị và khu vực miền Trung.
Năm 1989, Đông Hà được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị. Để xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Đông Hà nhiệm kỳ 1992 - 1996 đã xác định: thực hiện phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, lấy đô thị nuôi đô thị để huy động nhiều nguồn vốn, sức lao động, vật tư, kỹ thuật... tạo nên sức mạnh tổng hợp tiếp tục thực hiện từng bước hoàn chỉnh, làm mới, nâng cấp các tuyến giao thông, hệ thống cấp thoát nước, mạng lưới điện, thực hiện nhanh việc đặt tên đường, tên phố và số nhà; đầu tư xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng theo hướng phát triển lâu dài, gắn với sản xuất, kinh doanh và cải tạo môi trường, tăng thêm vẻ đẹp cho thị xã, thực hiện đô thị hoá theo hướng văn minh, hiện đại...
Một khu đô thị mới ở TP. Đông Hà -Ảnh: Đ.T
Trong bài báo: “Suy nghĩ về cách đặt vấn đề quy hoạch thị xã Đông Hà” đăng trên báo Quảng Trị ra ngày 3/8/1989, kiến trúc sư Bùi Hiệt có viết: “Tỉnh lỵ của tỉnh thông thường là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một tỉnh. Quy hoạch thị xã Đông Hà cũng chính là làm nhiệm vụ tổ chức lại hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm phục vụ cho nền sản xuất, đời sống, văn hóa của toàn tỉnh ngày một nâng lên, chứ không chỉ phục vụ cho nhu cầu thị xã, nó có tầm chiến lược của cả tỉnh.
Đến lượt mình, thị xã Đông Hà như là một đối tượng, một chỉnh thể phục vụ cho mục đích chung đó. Vậy thì phải tạo cho bản thân Đông Hà có một cấu trúc hợp lý, đủ mạnh, đủ khả năng lan tỏa, ảnh hưởng của nó ra cả tỉnh. Quy hoạch thị xã Đông Hà không chỉ có “mục đích tự thân”.
Với nỗ lực vượt bậc, ngay từ khi tỉnh Quảng Trị lập lại (tháng 7/1989), Đông Hà đã quan tâm tập trung cho công tác quy hoạch đô thị. Với 7.255 ha diện tích tự nhiên, trong khu vực đô thị chiếm 60,5,% tổng diện tích, dân số trên 80.000 người, được chia thành 9 đơn vị hành chính cấp phường, Đông Hà đã dần hình thành nhiều khu dân cư mới, hàng ngàn ngôi nhà có kiến trúc hiện đại được xây dựng đúng quy hoạch đã góp phần làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn. Nhiều công trình kiến trúc có giá trị trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, tôn giáo, lịch sử ngày càng được tu chỉnh và bảo vệ, góp phần tạo nên bức tranh kiến trúc vừa mang dáng dấp hiện đại, vừa giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống.
Quá trình thực hiện đô thị hoá gắn liền với xây dựng và quy hoạch đô thị, Đông Hà từng bước vươn lên để khẳng định vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh; đồng thời phát huy ảnh hưởng của mình là một trong những trung tâm giao lưu thương mại của miền Trung và của các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Chỉ tính trong vòng 8 năm (1991- 1998), Đông Hà đã được đầu tư trên 244 tỉ đồng để xây dựng cơ bản và quy hoạch đô thị. Đặc biệt, trong 5 năm đầu của thế kỷ XXI (2001 - 2005), các nguồn vốn được huy động đầu tư cho phát triển tăng khá nhanh. Các công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày càng nhiều như giao thông, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, vỉa hè, cây xanh đô thị, trụ sở làm việc, chợ đầu mối, trường học, bệnh viện, trạm y tế, thiết chế văn hoá,... Đông Hà cũng đã từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ sầm uất của tỉnh và khu vực.
Ghi nhận những thành tựu đó, ngày 11/8/2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP thành lập TP. Đông Hà thuộc tỉnh Quảng Trị. Sự kiện này đã đáp ứng lòng mong đợi của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP. Đông Hà và tỉnh Quảng Trị. Đây là động lực to lớn góp phần mở ra thời kỳ phát triển mới của thành phố trung tâm tỉnh lỵ.
Quy hoạch thành phố hướng tới ba trụ cột: “xanh - thân thiện - năng động”
Trong những năm gần đây, Đông Hà đang hướng tới trở thành đô thị loại II, từng bước trở thành đô thị thông minh, bắt kịp xu thế phát triển của các đô thị động lực trong nước. Ngày 15/6/2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 1234/QĐUBND về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đông Hà đến năm 2045.
Đây thực sự là “chìa khóa” mở hướng phát triển của thành phố trong thời kỳ mới, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và chính quyền đô thị. Nói như dự phóng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, từ đây, Đông Hà có cơ hội phát huy “bản lĩnh tổng hợp của một vùng đất gắn liền với lịch sử” và “đang dồn năng lượng cho cuộc chạy việt dã vào tương lai”.
Theo đồ án quy hoạch, Đông Hà sẽ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để hiện thực hóa ý tưởng xây dựng TP. Đông Hà trở thành “Thành phố kết nối xanh” với ba trụ cột là “xanh- thân thiện- năng động”, định hướng tổ chức không gian thành phố với ý tưởng chủ đạo là lấy sông Hiếu làm trục cảnh quan chính của đô thị, kết nối các “tuyến xanh” với sông Thạch Hãn, Vĩnh Phước, hệ thống ao, hồ...cùng với các không gian cây xanh đô thị là yếu tố liên kết không gian giữa khu trung tâm hiện hữu với khu vực phát triển mới.
Trong tương lai, đô thị Đông Hà sẽ tỏa ra 4 hướng. Ở phía Bắc tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khu đô thị mới, nông nghiệp đô thị, kết nối với tuyến hành lang thương mại dịch vụ du lịch phía Bắc, Khu công nghiệp Quán Ngang, Cảng hàng không Quảng Trị, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Hiếu.
Phía Nam tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, sạch, hệ thống kho tàng, hình thành các trung tâm giáo dục, y tế kết hợp với các khu đô thị mới gắn với du lịch sinh thái sông Vĩnh Phước. Phía Đông tập trung phát triển khu đô thị mới, phát triển nông nghiệp đô thị, du lịch sinh thái trải nghiệm, kết hợp với không gian cảnh quan sông Thạch Hãn.
Phía Tây tập trung phát triển, cải tạo, chỉnh trang khu vực hiện hữu, hình thành các khu du lịch sinh thái gắn với lâm viên khu vực hồ Khe Mây, hồ Trung Chỉ, phát triển công nghiệp, logistics gắn với tuyến đường sắt Bắc- Nam, tuyến đường Điện Biên Phủ.
Một điểm nhấn của TP. Đông Hà chính là dòng sông Hiếu. Đây là một dòng sông có tính kết nối và lan tỏa chứ không đơn thuần mang lại cảnh quan tươi đẹp cho Đông Hà. Trong nỗ lực xây dựng sông Hiếu thành hình ảnh đặc trưng của đô thị Đông Hà, bây giờ, ngang qua mình con sông duyên dáng này, đã hiện diện dáng dấp nhiều cây cầu hiện đại, bề thế, tạo kiến trúc điểm nhấn khá ấn tượng như cầu Đông Hà, cầu Sông Hiếu, cầu Búp Sen, cầu đập ngăn mặn...
Nhiều du khách phương xa đến đây, và ngay cả người dân Đông Hà, Quảng Trị có dịp nhìn ngắm sông Hiếu bây giờ cũng đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thuần hậu của dòng sông quê hương, đúng như tâm trạng của nhà thơ Đỗ Hoàng đã viết từ nhiều năm trước trong bài thơ “Ơi sông Hiếu”:
Có phải vì em mà sông đẹp
Hay vì nết đất của quê ta!
Cách nay hơn 30 năm, khi gánh vác trọng trách thị xã tỉnh lỵ, cơ sở hạ tầng của Đông Hà chỉ có thể khái quát vẻn vẹn trong 6 chữ: “đường đất, nước giếng, đèn dầu”. Trước thềm xuân mới 2024, Đông Hà đã thể hiện sự nỗ lực vượt bậc, sức vươn đáng ghi nhận trên chặng đường phát triển.
Có thể khẳng định, Quy hoạch chung TP. Đông Hà đến năm 2045 về cơ bản đã hướng đến việc phát huy các tiềm năng, lợi thế của thành phố, là cơ sở hết sức quan trọng và cần thiết để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, thích ứng với bối cảnh phát triển toàn vùng Bắc Trung Bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông- Tây.
Đây cũng chính là cơ sở để xây dựng TP. Đông Hà sớm đạt đô thị loại II, từng bước trở thành thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường và nghĩa tình với bè bạn gần xa...
Đào Tâm Thanh
QTO - Năm 2024 được xác định là năm “tăng tốc, bứt phá và về đích” để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hải...
QTO - Nhờ chủ động vượt khó trong sản xuất, ở khu vực miền núi huyện Vĩnh Linh ngày càng nhiều hộ dân thử nghiệm thành công những cây trồng, vật nuôi mới,...
QTO - Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện Cam Lộ được nhiều hội viên hưởng ứng tích cực. Ngày càng có nhiều chị em hiện thực...
QTO - Thời gian gần đây, về các xã ven biển bãi ngang, chúng ta hầu như không còn nhìn thấy cảnh từng tốp ngư dân hì hục xoay vần từng chút một để đưa...
QTO - Qua 3 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2023, huyện Gio Linh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đối...
(BLC) - Sáng 23/1, tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu...
QTO - Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã...
QTO - Tỉnh Quảng Trị xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình tích hợp và ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ hoạt động của ngành nông nghiệp và...
QTO - Chỉ còn chưa đầy hai mươi ngày nữa là đến tết Nguyên đán, thế nhưng, sau khi nhận kinh phí hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), các hộ dân...
QTO - Để nâng cao chất lượng cung cấp điện cho dân cư ở khu vực miền núi đảm bảo người dân được hưởng giá điện theo quy định của Nhà nước, Công ty Điện lực...
QTO - Nhằm ứng dụng hiệu quả việc chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất-kinh doanh, Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) đã đưa vào sử dụng hệ thống tự...
Sáng 22/1, tỉnh Hòa Bình long trọng tổ chức hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên BCH Trung ương...