Cập nhật:  GMT+7

Cần quản lý chặt chẽ dịch vụ nấu ăn lưu động

Những năm gần đây, dịch vụ nấu ăn lưu động phát triển mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, tiết kiệm hơn so với việc đặt tiệc ở nhà hàng, khách sạn thì dịch vụ nấu ăn này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Điều này được chứng minh khi có liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra trong tháng 5 vừa qua sau khi người dân dự một số tiệc cưới có sử dụng dịch vụ nấu ăn lưu động. Thực trạng này đòi hỏi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của loại hình kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động.

Giữa tháng 5/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến 48 người nhập viện sau khi dự đám cưới của một hộ gia đình ở thôn Thượng Phú Phường, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong do cơ sở nấu ăn lưu động của bà Trần Thị Cúc (thôn Phương An, xã Triệu Sơn) chế biến. Mới đây, cơ quan chức năng đã quyết định xử phạt bà Cúc 22,5 triệu đồng.

Cần quản lý chặt chẽ dịch vụ nấu ăn lưu động

Những lỗi vi phạm về ATVSTP của cơ sở này khiến dư luận quan ngại. Đó là dù phục vụ ăn uống cho trên 500 người nhưng không có các giấy tờ cần thiết như: giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận sức khỏe đối với người trực tiếp chế biến, hợp đồng mua bán thực phẩm… Đặc biệt, vị trí chế biến thực phẩm cho bữa tiệc tại nhà bà Cúc chỉ cách chuồng nuôi gia súc, gia cầm 1 mét.

Không riêng gì Quảng Trị, trong tháng 5/2023, cũng xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Cụ thể như, ngày 25/5, xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể sau tiệc cưới của một gia đình (có khoảng 500 khách) ở thôn Krọt Dòng, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Bữa tiệc này do một dịch vụ nấu ăn lưu động ở địa phương khác đến cung cấp. Sau đó, có 49 người nhập viện với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn, buồn nôn, một số có sốt và nhức đầu.

Trước đó, ngày 5/5, một tiệc cưới tại nhà dân ở Thôn 4, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk với khoảng 240 người tham gia do một cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động phục vụ cũng khiến 19 người bị ngộ độc phải nhập viện.

Với số lượng phục vụ ăn uống lên đến hàng trăm người cùng một lúc thì việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định về ATVSTP của bếp ăn tập thể là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, quy trình giám sát từ nguồn gốc thực phẩm đến con người, quá trình chế biến, vận chuyển thức ăn ở loại hình dịch vụ này khá lỏng lẻo.

Đa phần các cơ sở vi phạm đều không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không thực hiện đúng quy định của pháp luật về kiểm thực 3 bước (trước khi chế biến, trong khi chế biến, trước khi ăn) và lưu mẫu thức ăn. Không chỉ vậy, chủ cơ sở không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; cơ sở không lưu giữ thông tin hoặc lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Trong khi đó, cơ sở nấu ăn lưu động thường sơ chế nguyên liệu trước khi vận chuyển đến nơi tổ chức tiệc. Quá trình vận chuyển thực phẩm dễ bị nhiễm bẩn do thức ăn sống, chín để lẫn lộn, dụng cụ bảo quản không đảm bảo vệ sinh. Hầu hết, người trực tiếp chế biến, phục vụ ở dịch vụ đều hợp đồng thời vụ nên không được khám sức khỏe định kỳ, không được tập huấn kiến thức ATVSTP.

Trong khi đó, thói quen của người sử dụng và cung cấp dịch vụ là hai bên thường thỏa thuận miệng về thực đơn, số mâm, số món, giá tiền chứ ít khi có hợp đồng cam kết về trách nhiệm phải bảo đảm ATVSTP.

Theo lời của một chủ cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động ở TP. Đông Hà, nhiều năm làm nghề nấu ăn phục vụ tiệc, đám nhưng chưa ai hỏi giấy tờ gì, điều mọi người quan tâm là giá cả hợp lý, chất lượng món ăn ngon, thái độ phục vụ chu đáo là được. Cán bộ cơ sở thì cho rằng, những người làm dịch vụ nấu ăn lưu động thường từ địa phương khác đến, phục vụ xong bữa tiệc là họ đi nên rất khó quản lý.

Sau vụ ngộ độc tập thể tại tiệc cưới ở huyện Triệu Phong nói trên, mới đây Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thống kê, rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống lưu động trên địa bàn để đưa vào danh sách quản lý, giám sát. Hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở nấu ăn lưu động thực hiện đầy đủ quy định thủ tục liên quan đến VSATTP của bếp ăn tập thể.

Để chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động, theo chúng tôi cần có sự phân cấp trong quản lý, giám sát. Hàng năm, các địa phương cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát dịch vụ kinh doanh ẩm thực, trong đó có các cơ sở nấu ăn lưu động trên địa bàn để nắm bắt tình hình hoạt động, hướng dẫn các cơ sở nấu ăn lưu động khắc phục vi phạm, thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSTP.

Đặc biệt, cần có quy định yêu cầu các cơ sở nấu ăn lưu động khi đến cung cấp dịch vụ tại địa phương thì thông báo và xuất trình các giấy tờ liên quan đến hoạt động dịch vụ cho trạm y tế kiểm tra, giám sát. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc đảm bảo ATVSTP, kịp thời phát hiện, đấu tranh đối với những hành vi vi phạm ATVSTP. Đồng thời, khi sử dụng dịch vụ nấu ăn lưu động cần tìm hiểu thông tin, lựa chọn cơ sở uy tín, đảm bảo các điều kiện quy định về ATVSTP.

Mai Lâm

Tin liên quan:

Mai Lâm

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Chung tay bảo vệ động vật hoang dã

Chung tay bảo vệ động vật hoang dã
2023-05-26 05:14:00

QTO - Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp hạng cao về đa dạng sinh học. Mới đây, theo công bố của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF),...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết