Cập nhật: Thứ 5, 19/10/2017 | 19:24 GMT+7

Cần giải quyết thỏa đáng đối với các hộ xây nhà trái phép trong dự án xây dựng đường T100

(QT) - Ngày 2/10/2017 các hộ dân gồm Lê Thị Thể, Lê Thị Thư và Lê Thị Lan ở thôn Võ Xá, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh đã gửi đơn kiến nghị đến UBND huyện Gio Linh yêu cầu các cơ quan chức năng sớm hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất để họ tiếp tục xây dựng nhà ở sau khi nhà cũ đã bị giải tỏa để thi công tuyến đường từ Quốc lộ 1 đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (T100).

Hiện trạng ngôi nhà hiện tại của bà Lê Thị Lan

Đây là tuyến đường nối 2 di tích lịch sử quốc gia được xây dựng vĩnh cửu với bề rộng nền đường 9 m tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn trong khu vực, đảm nhận vai trò cứu hộ, cứu nạn khi thiên tai xảy ra và đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường tại các địa phương hưởng lợi. Riêng ở thôn Võ Xá, xã Trung Sơn, Gio Linh có 12 hộ bị ảnh hưởng về nhà cửa buộc phải giải tỏa, tái định cư.

Để việc giải phóng mặt bằng (GPMB) thi công tuyến đường được thuận lợi, UBND huyện Gio Linh đã tổ chức họp dân để lấy ý kiến tham vấn cộng đồng. Tại cuộc họp tất cả các bên từ phía chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công, chính quyền xã, ban điều hành thôn và các hộ bị ảnh hưởng đã thống nhất cao về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường, chính sách đền bù áp giá theo quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi trong việc GPMB và các vấn đề liên quan khác để không ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Theo đó, tuyến đường được khởi công xây dựng từ tháng 4/2017, việc GPMB diễn ra thuận lợi, đặc biệt là các hộ bị ảnh hưởng sau khi đã nhận tiền đền bù đã tự giác chấp hành giải tỏa nhà cửa phục vụ cho việc thi công. Đến nay đơn vị thi công đang gấp rút triển khai để tuyến đường sớm hoàn thành đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ. Vậy nhưng trên thực tế có một số hộ dân vẫn chưa được UBND huyện Gio Linh quan tâm tạo điều kiện để hoàn thành thủ tục cấp đất tái định cư.

Trao đổi xung quanh vấn đề này ông Lê Xuân Táo, Bí thư chi bộ thôn Võ Xá, Trưởng làng Võ Xá cho rằng: Tính đến nay tuyến đường đã thi công hơn 6 tháng và người dân đã tự giải tỏa nhà cửa để phục vụ thi công nhưng một số hộ bị giải tỏa vẫn chưa được cấp đất tái định cư. Quá bức thiết về chỗ ở cho các hộ bị giải tỏa, ngày 18/4/2017, UBND xã Trung Sơn tổ chức họp bàn với thôn Võ Xá để tìm nơi tái định cư và đi đến thống nhất chọn vị trí sát với Quốc lộ 1, vùng đất mà UBND huyện, xã đã đưa vào quy hoạch đấu giá nay còn lại một số diện tích.

Cuộc họp đã thống nhất đề nghị với cấp trên cấp cho bà Lê Thị Thể, Lê Thị Thế 2 lô đất với diện tích 300 m2. Riêng đối với hộ bà Lê Thị Lan (vợ của ông Phan Thanh Tý, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn) bị ảnh hưởng (lề đường T100 sát với tường nhà) nhưng không thuộc diện tái định cư. Xét với thực trạng nhà hiện tại của bà Lan là không đảm bảo sinh sống lâu dài và xét điều kiện đất ở hiện tại không thể xây dựng nhà mới nên gia đình kiến nghị được sử dụng một phần diện tích đất cạnh ao cá (thuộc quyền sử dụng của gia đình bà Lan) để xây dựng nhà mới nên lãnh đạo thôn và chính quyền xã Trung Sơn đã đồng ý cho 3 hộ nói trên tiến hành xây dựng nhà ở tại vị trí đất giáp với Quốc lộ 1, đồng thời với việc làm các thủ tục đề nghị UBND huyện Gio Linh hoàn thành thủ tục cấp giấy CNQSD đất.

Đây là việc làm cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về chỗ ở cho các hộ dân nên đề nghị các đơn vị liên quan của huyện Gio Linh sớm quan tâm giải quyết. Tuy nhiên việc tự ý xây dựng nhà cửa khi chưa được cấp quyền sử dụng đất của 3 hộ dân nói trên, trong đó có trường hợp của Chủ tịch UBND xã Trung Sơn Phan Thanh Tý là trái pháp luật.

Ông Nguyễn Đăng Anh, Trưởng Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Gio Linh cho biết: “Sau khi phát hiện 3 hộ dân tự ý xây nhà trên mảnh đất nói trên, phòng đã yêu cầu địa chính xã Trung Sơn lập biên bản hiện trường, biên bản vi phạm để làm căn cứ xử phạt và báo cáo huyện. Mặt khác phòng cũng đã yêu cầu các hộ phải tự tháo dỡ công trình đã xây dựng”.

Trao đổi về vấn đề này ông Phan Thanh Tý cho rằng: “Sau khi nhà cũ bị ảnh hưởng, dù không thuộc diện di dời tái định cư nhưng không thể sinh sống lâu dài nên buộc phải tìm nơi ở mới và dự tính vừa làm nhà vừa làm thủ tục sau. Đúng là chúng tôi đã mắc sai phạm khi làm nhà mà chưa được cấp giấy CNQSD đất nhưng do quá bức xúc về chỗ ở. Hai hộ bà Thể, bà Thư thì phải đi ở nhờ nhà hàng xóm, riêng nhà tôi thì phải đóng cửa suốt ngày do bụi bẩn và mất an toàn. Khi sự việc đã xảy ra, chúng tôi chấp hành nghiêm túc ý kiến của cấp trên là dừng thi công và tiến hành các thủ tục xin cấp giấy CNQSD đất. Riêng trường hợp của gia đình, mặc dù xây nhà trên diện tích đất ao cá (đổ đất lấp hồ) của gia đình nhưng chúng tôi xin đấu giá diện tích đất đó và xin nộp đầy đủ các khoản thuế đối với nhà nước”.

Khi chúng tôi chất vấn tại sao không xây dựng nhà mới trên diện tích đất hiện tại, ông Tý bộc bạch rằng: “Phía sau nhà còn hơn trăm mét vuông nhưng thấp trũng. Mặt khác trên phần đất này chúng tôi đã hợp đồng cho thuê mặt bằng đặt trạm thu phát sóng tín hiệu viễn thông với thời hạn 10 năm nên gia đình không thể xây dựng nhà ở”.

Từ nhận thức vấn đề một cách giản đơn của ông Tý đã dẫn đến hoàn cảnh như hiện tại, cả 3 ngôi nhà đang thi công đồng loạt bị đình chỉ. Đành rằng, việc xây dựng nhà ở khi chưa được cấp thẩm quyền cấp giấy CNQSD đất của các hộ nêu trên, trong đó có trường hợp của gia đình Chủ tịch UBND xã Trung Sơn là trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên trước khi xử lý về những sai phạm của các hộ dân cần phải kiểm điểm lại vai trò, trách nhiệm của các ngành chức năng liên quan mà cụ thể là chủ đầu tư, Hội đồng đền bù GPMB, Trung tâm phát triển quỹ đất và Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện.

Tại sao khi người dân đã tự nguyện giải tỏa nhà cửa nhường đất cho đơn vị thi công mà các đơn vị có thẩm quyền lại không kịp thời tìm đất tái định cư cho dân. Đúng ra chủ đầu tư và chính quyền các cấp phải tìm chỗ tái định cư cho dân trước khi giải tỏa nhà ở của dân. Đằng này người dân đã tự giác giải tỏa nhà, tìm kiếm chỗ ở tạm để nhường đất thi công cho đến khi quá bức xúc về chỗ ở buộc phải tự tìm đất để xây dựng nhà trái phép.

Trước thực trạng trên, Thường vụ Huyện ủy Gio Linh đã giao cho UBND huyện tìm giải pháp tháo gỡ. Gần đây nhất, Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện đã làm việc với Đảng ủy, UBND xã Trung Sơn đề nghị kiểm điểm nghiêm túc sai phạm của cá nhân Chủ tịch UBND xã Phan Thanh Tý. Mặt khác yêu cầu các hộ dân phải gấp rút tháo dỡ toàn bộ ngôi nhà đang thi công, trả lại mặt bằng ban đầu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Chí Trung, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh khẳng định: “Quan điểm của huyện là sẽ xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng nhà trái phép. Trước mắt là vận động các hộ dân tự giác tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng. Nếu các hộ không chấp hành thì huyện sẽ tìm phương án cứng rắn tiếp theo. Tuy nhiên cũng cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các bên liên quan trong việc để xảy ra tình trạng này, qua đó tìm một giải pháp tháo gỡ mang tính hài hòa nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật”.

Thiết nghĩ, sự nhận thức giản đơn của các hộ dân cũng như sự thiếu trách nhiệm trong giải quyết vấn đề trên của các bên liên quan vẫn còn hướng tháo gỡ thỏa đáng. Theo chúng tôi, giải pháp buộc tháo dỡ nhà cửa sẽ gây thiệt hại về tài chính cho 3 hộ dân rất dễ tạo thành điểm nóng trên địa bàn, nên chăng huyện Gio Linh cần chọn một giải pháp mang tính ôn hòa hơn. Trước hết là buộc 3 hộ dân phải ngừng thi công, xác định lại hiện trạng, lập biên bản vi phạm, tiến hành xử phạt hành chính và nghiêm túc kiểm điểm sai phạm của cá nhân chủ tịch UBND xã.

Mặt khác tiến hành “sửa sai” bằng cách lập hội đồng đánh giá lại giá trị đất để chuyển nhượng cho 3 hộ dân và tiến hành hoàn tất các thủ tục cấp giấy CNQSD đất. Rõ ràng đây là quy trình ngược mang tính “chữa cháy” nhưng lại có tình có lý, hợp với lòng dân. Qua vụ việc này cũng cần nghiêm túc kiểm điểm vai trò, trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Do không được định hướng, tư vấn nên người dân từ chỗ có ý thức chấp hành nghiêm túc luật pháp (sớm giải tỏa nhà cửa) đến vi phạm pháp luật (xây nhà trái phép) là điều vô cùng đáng tiếc. Sai phạm của người dân đã rõ nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, vì thế trong biện pháp xử lý không chỉ giữ vững sự nghiêm minh của pháp luật mà còn chú trọng đến yếu tố an dân, ổn định trật tự, trị an ở vùng nông thôn.

Hồ Nguyên Kha



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Trở lại bài báo: “Định cư 30 năm, 4 hộ dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”: Vì sao 4 hộ dân ở thôn Phương Hải đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
22:10 30/05/2023

Các quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất cho 4 hộ dân ở thôn Phương Hải, xã ...

Phát hiện, xử lý 159 vụ vi phạm về ATTP

Phát hiện, xử lý 159 vụ vi phạm về ATTP
08:47 18/10/2017

(QT) - Từ đầu năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiến hành việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; tăng cường...

Phát hiện hầm đạn pháo trong vườn nhà dân

Phát hiện hầm đạn pháo trong vườn nhà dân
08:13 17/10/2017

(QT) - Sáng nay 17/10/2017, Đội rà phá bom mìn lưu động tỉnh Quảng Trị thuộc tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam (Peace Trees Vietnam - PTVN) đã phát hiện hầm đạn pháo tại vườn nhà...

Xử lý 921 vụ vi phạm sử dụng điện

Xử lý 921 vụ vi phạm sử dụng điện
07:59 16/10/2017

(QT) - Mặc dù Công ty Điện lực Quảng Trị cùng các ngành, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng thời gian qua, tình trạng vi phạm sử dụng điện...

Thời tiết

27°C - 34°C
Có mây, không mưa
  • 26°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 25°C - 35°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long