Cập nhật:  GMT+7

Cần có cơ chế hỗ trợ tái chứng nhận sản phẩm OCOP

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã trở thành “bệ phóng” cho nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương, khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường. Tuy nhiên, việc chứng nhận OCOP có thời hạn đặt ra yêu cầu các chủ thể phải thực hiện tái chứng nhận để tiếp tục duy trì “giấy thông hành” uy tín này.

Cần có cơ chế hỗ trợ tái chứng nhận sản phẩm OCOP

Người dân xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh trồng lạc cung ứng cho cơ sở sản xuất Dầu lạc Làng An - Ảnh: T.T

Năm 2018, anh Lê Thanh Biên ở thôn An Cổ, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh đã đầu tư gần 1 tỉ đồng để xây dựng cơ sở ép dầu lạc hiện đại với công suất 30 lít/giờ. Cùng với việc thu mua nguyên liệu của các hộ trồng lạc trên địa bàn xã, anh Biên trồng 1,5 ha lạc để làm vùng nguyên liệu, mỗi năm thu từ 4-5 tấn lạc khô. Anh Biên cho biết, với quy mô sản xuất hiện tại, mỗi năm cơ sở của anh thu mua từ 40-50 tấn lạc khô, chế biến từ 15.000 - 20.000 lít dầu lạc cung ứng ra thị trường trong tỉnh và trong nước.

Năm 2020, sản phẩm Dầu lạc Làng An được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến hết năm 2023, khi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hết thời hạn, anh Biên phải làm hồ sơ đăng ký đánh giá lại sản phẩm để được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP. “Việc đăng ký lại chứng nhận sản phẩm OCOP sau 36 tháng khiến cho các chủ thể gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Hồ sơ đề nghị công nhận lại sản phẩm OCOP đòi hỏi nhiều giấy tờ và thủ tục tương tự như lần đầu đăng ký, chúng tôi phải làm lại các giấy tờ kiểm nghiệm, chứng nhận..., tốn không ít chi phí. Do đó khi thực hiện đánh giá lại sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể cân nhắc. Đối với sản phẩm Dầu lạc Làng An, với sự hỗ trợ của UBND xã, tôi đã làm lại các thủ tục tham gia đánh giá sản phẩm OCOP và được công nhận lại năm 2024”, anh Biên chia sẻ.

Năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã có thông báo về việc giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp cho 13 sản phẩm của 10 chủ thể hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024. Theo quy định, các chủ thể không được tiếp tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam (logo OCOP có gắn sao) để in, dán trên bao bì, nhãn mác, tờ rơi, trong các hình thức quảng bá khác cho sản phẩm của mình khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường kể từ ngày hết hiệu lực.

Tháng 1/2025, sở tiếp tục có văn bản thông báo đối với 10 chủ thể về việc 11 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP theo Quyết định số 102/QĐ- UBND ngày 13/1/2022 của UBND tỉnh hết hiệu lực kể từ ngày 14/1/2025. Tuy nhiên đến nay, số lượng chủ thể OCOP hoàn thành thủ tục đăng ký đánh giá lại sản phẩm OCOP vẫn còn ít.

Có thể thấy, thời hạn 36 tháng đối với giấy chứng nhận sản phẩm OCOP giúp đảm bảo các sản phẩm OCOP được đánh giá lại định kỳ, từ đó duy trì chất lượng và sự phù hợp với tiêu chuẩn. Tuy nhiên, thời hạn này cũng tạo ra áp lực cho các chủ thể OCOP. Hầu hết các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đều có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế không mạnh nên việc đầu tư, hoàn thiện quy trình đánh giá gặp khó khăn.

Quy trình, thủ tục, hồ sơ để tham gia đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm tương đối nhiều, kinh phí đánh giá và hoàn thiện sản phẩm lớn khiến nhiều chủ thể của sản phẩm không mấy mặn mà. Rất nhiều sản phẩm OCOP hết hiệu lực chủ yếu là được công nhận từ năm 2020 theo bộ tiêu chí cũ nhưng hiện nay Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chí mới với nhiều nội dung, tiêu chuẩn khắt khe hơn. Đặc biệt, sản phẩm OCOP 4 sao có thêm một số “tiêu chí cứng” về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng... là những tiêu chí khó và cần nhiều thời gian để thực hiện.

Trong khi đó, đối với hoạt động đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, cộng thêm thị trường tiêu thụ, sự phát triển của một số sản phẩm còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, mang tính thời vụ nên các chủ thể chưa chú trọng nâng cấp sao cũng như hoàn thành thủ tục để tái chứng nhận sản phẩm OCOP.

Chứng nhận OCOP không chỉ mang ý nghĩa là chứng nhận thương hiệu mà còn là sự đánh giá và công nhận của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm và chủ thể sản xuất ra sản phẩm đó từ các đặc sản, lợi thế ở các vùng nông thôn. Được “gắn sao” OCOP, các sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng biết tới, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho chủ thể.

Toàn tỉnh hiện có 183 sản phẩm OCOP. Trong đó có 40 sản phẩm 4 sao (có 2 sản phẩm được công nhận hạng 5 sao), 143 sản phẩm 3 sao. Có 104 chủ thể OCOP, trong đó có 29 chủ thể là hợp tác xã, 14 chủ thể là tổ hợp tác, 26 chủ thể là doanh nghiệp, 35 chủ thể là hộ sản xuất, kinh doanh.

Cùng với phát triển các sản phẩm mới, việc đánh giá, công nhận lại các sản phẩm OCOP đã hết thời hạn cũng là nhiệm vụ quan trọng để vừa đảm bảo gia tăng về lượng, vừa nâng cao về chất của sản phẩm OCOP. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, ngành nông nghiệp chú trọng phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến để chủ thể OCOP hiểu rõ hơn về nội dung, mục đích, ý nghĩa và có trách nhiệm đối với việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP, khuyến khích, hỗ trợ chủ thể về hồ sơ thủ tục để tham gia đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP khi đến hạn.

Mặt khác, chính quyền địa phương, ngành chức năng chủ động tăng cường hỗ trợ hướng dẫn cho các chủ cơ sở, doanh nghiệp nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm chấp hành thực thi các quy định đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP. Về phía các chủ thể cũng cần chủ động hơn trong việc đăng ký lại chứng nhận OCOP cho sản phẩm hết thời hạn, quan tâm nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường.

Thanh Trúc

Tin liên quan:
  • Cần có cơ chế hỗ trợ tái chứng nhận sản phẩm OCOP
    Quảng Trị có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao

    Hôm nay 16/1, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hoàng Minh Trí cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa tổ chức hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm trung ương năm 2024. Theo đó, tỉnh Quảng Trị có 2 sản phẩm được hội đồng xếp hạng OCOP 5 sao gồm: Sản phẩm Khe Sanh Coffee (100% Arabica dạng bột) của Hợp tác xã Nông sản Khe Sanh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa và sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cà gai leo của Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ.

  • Cần có cơ chế hỗ trợ tái chứng nhận sản phẩm OCOP
    Trao giấy chứng nhận và khen thưởng sản phẩm OCOP

    Chiều nay 4/8, UBND tỉnh tổ chức trao giấy chứng nhận và khen thưởng sản phẩm OCOP năm 2022. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Chương trình OCOP tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì hội nghị.

  • Cần có cơ chế hỗ trợ tái chứng nhận sản phẩm OCOP
    Tập trung hỗ trợ sản phẩm tham gia chương trình OCOP

    Vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng các ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2024 theo bộ tiêu chí được quy định tại Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023. Việc tiến hành đánh giá hiện trạng, lựa chọn các sản phẩm đủ điều kiện để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể các bước hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ sản phẩm theo quy định nhằm hỗ trợ cơ quan thường trực chương trình OCOP cấp huyện lựa chọn các ý tưởng sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2024.


Thanh Trúc

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Khởi sắc trên quê hương Triệu Thành

Khởi sắc trên quê hương Triệu Thành
2025-04-08 06:30:00

QTO - Những ngày này, xã Triệu Thành nói riêng, huyện Triệu Phong nói chung tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long