Cập nhật:  GMT+7

Cần bảo tồn và phát huy giá trị một di tích lịch sử cấp tỉnh

Di tích lịch sử về vụ thảm sát Hướng Điền, xã Tà Rụt, nơi ghi dấu một trong những chương bi thương và anh dũng nhất của lịch sử kháng chiến chống Pháp, lại đang dần rơi vào quên lãng giữa đại ngàn Trường Sơn. Nơi đây, Đảng Đại Việt thân Pháp đã tàn sát 94 đồng bào 2 thôn Tân Hiệp và Tân Lập, huyện Hướng Hóa năm 1955, trong đó có 7 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, những người tiên phong trong phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương. Dù đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, nhưng di tích này dường như mơ hồ trong tâm trí của người dân địa phương và thế hệ trẻ.

Cần bảo tồn và phát huy giá trị một di tích lịch sử cấp tỉnh

Thân nhân đảng viên Hoàng Thị Thủy hy sinh trong cuộc thảm sát tại Hướng Điền làm lễ viếng tại khu di tích -Ảnh: M.T

Một vụ thảm sát đẫm máu, ít người biết

Nội dung trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Hướng Hóa ghi lại vụ thảm sát như sau: Bọn Đại Việt gồm 3 tiểu đoàn ở đồng bằng Quảng Trị, sau khi bị Ngô Đình Diệm thanh trừng, một tiểu đoàn do Trần Bình chỉ huy đã kéo đến vùng Hướng Điền, xã Tà Rụt và đóng bản doanh tại khe Pi-Xay gọi là “khu trung ương”. Trần Bình ra lệnh cho bọn lính phải bắt đồng bào xung quanh đóng góp người và của để xây dựng lực lượng và tiêu diệt những người kháng chiến.

Sáng ngày 11/7/1955, giữa lúc Nhân dân thôn Tân Lập và Tân Hiệp, xã Tà Rụt đang chuẩn bị lên rẫy làm ăn thì bọn Đại Việt ập đến, chúng chia nhau xông vào từng nhà, cưỡng bức chủ nhà phải vào tập trung tại “khu trung ương” để họp. Nhưng khi mọi người vừa đặt chân đến “khu trung ương” thì lập tức bị bọn lính dùng vải bịt mắt, trói tay từng người lại rồi đưa đi giết hết.

Một đồng bào người Thượng phát hiện được việc giết người của bọn Đại Việt liền chạy về thông báo. Ngày 13/7/1955, các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam gồm: Chánh, Thiện, Kiệm, Thành, Hoạch, Lý, Thủy lãnh đạo Nhân dân 2 thôn Tân Lập, Tân Hiệp kéo nhau lên “khu trung ương” đấu tranh đòi bọn Đại Việt phải thả người. Khi đoàn người vừa đến “khu trung ương” cũng bị bọn Đại Việt đưa đi sát hại một cách hết sức dã man. Ngày 15/7/1955, các em lại rủ nhau tìm đường lên “khu trung ương” tìm người thân cũng bị giết hết.

Như vậy, trong 3 ngày 11, 13 và 15/7/1955, bọn Đại Việt đã gây ra vụ thảm sát giết 94 đồng bào vô tội, trong đó 7 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong 7 đảng viên hy sinh, hiện nay 6 đảng viên chúng tôi chưa tiếp cận được đầy đủ tài liệu nên chưa biết họ đã được công nhận liệt sĩ hay chưa.

Riêng nữ đảng viên tên Thủy được thông tin qua lời kể của bà Hoàng Thị Phương Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hải Lăng. Bà Nam gọi bà Thủy bằng cô ruột và câu chuyện được bố của bà Nam là ông Hoàng Thanh Đạm kể chi tiết. Ông Hoàng Thanh Đạm nguyên Bí thư Huyện ủy Hải Lăng giai đoạn 1956 - 1965.

Bà Nam kể: Năm 1944, ba tôi là cán bộ đảng viên được cấp trên giao nhiệm vụ lên hoạt động tại vùng Hướng Hóa. Lúc đó ông đem theo hai người em gái là Hoàng Thị Thủy và Hoàng Thị Hữu cùng tham gia hoạt động cách mạng và được kết nạp Đảng. O Hoàng Thị Hữu sau này có chồng là ông Nguyễn Xuân Nhẫn (Nguyễn Xuân), giai đoạn 1955-1960 là UVTV Huyện ủy, Phó Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa và năm 1972-1973 là Bí thư Huyện ủy Bắc Hướng Hóa. Còn O Hoàng Thị Thủy lúc này giữ chức trưởng ban bình dân học vụ huyện Hướng Hóa, lấy chồng và sinh sống tại thôn Tân Lập, Tà Rụt, Hướng Hóa.

Đến năm 1955, O Thủy cùng các đảng viên khác dẫn đầu quần chúng nhân dân đến đấu tranh với bọn Đảng Đại Việt đòi thả người thì hy sinh. Lúc đi O đang mang thai và dắt theo đứa con nhỏ. Tất cả đều chịu chung số phận. O tôi vẫn chưa được công nhận liệt sĩ.

Bà Hồ Thị Piềng, 83 tuổi, ở Khóm 3b, thị trấn Khe Sanh là nhân chứng của vụ thảm sát kể lại: “Lúc đó tôi 13 tuổi làm liên lạc cho cách mạng, nấp ở gần đó chứng kiến vụ thảm sát quá dã man, xác người nằm chồng chất, máu chảy đỏ suối Pi - Xay. Một người phụ nữ bị 6 tên lính tra tấn vẫn không ngừng phản đối việc giết người của bọn lính. Một tên lính hỏi: Mày là đảng viên cộng sản có sợ chết không. Người phụ nữ trả lời: Tao sinh ra là muốn sống, nhưng bọn mày giết hại đồng bào tao thì tao sẽ không lùi bước. Vừa nói xong thì chị bị bọn lính đâm nhiều nhát gục xuống hy sinh”.

Vì sao vụ thảm sát tại Hướng Điền bị lãng quên?

Việc một di tích lịch sử cấp tỉnh vụ thảm sát tại Hướng Điền không được quan tâm đúng mức khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Vì sao một tội ác như vậy lại bị rơi vào lãng quên?

Nguyên nhân đầu tiên và rõ ràng nhất là sự thiếu vắng hoàn toàn các thiết chế tưởng niệm. Tại khu vực xảy ra vụ thảm sát, hiện không có tấm bia hay tượng đài nào để tưởng nhớ các nạn nhân. Những người con, người cháu của các liệt sĩ, dù có lòng biết ơn sâu sắc, cũng không biết tìm đâu thông tin về người thân của mình.

Ông Hồ Văn Bước, Quyền Chủ tịch UBND xã Tà Rụt cho biết: “Các thông tin liên quan đến vụ thảm sát Hướng Điền chủ yếu được truyền miệng hoặc ở trong lịch sử Đảng bộ xã Tà Rụt, huyện Hướng Hóa hoặc tỉnh Quảng Trị vốn khó tiếp cận với người dân. Điều này khiến việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó trên các trang mạng đưa thông tin sai lệch về vụ thảm sát khiến bản chất sự việc bị bóp méo".

Dù di tích đã được công nhận cấp tỉnh từ nhiều năm trước, nhưng việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này chưa được triển khai một cách bài bản. Thiếu sự đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là thiếu cơ chế để người dân tham gia bảo tồn di tích, đã khiến nơi đây dần trở thành “một tên gọi trên giấy”.

Trong bối cảnh nhiều di tích đang được “số hóa”, đưa lên bản đồ văn hóa, lịch sử quốc gia, thì vụ thảm sát Hướng Điền lại chưa từng được nhắc đến trong bất kỳ sách giáo khoa lịch sử phổ thông nào. Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Đakrông Trần Đăng An cho rằng: “Việc lồng ghép lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy là cần thiết nhưng vẫn chưa được triển khai đồng bộ, do thiếu tài liệu chính thống và sự quan tâm đúng mức. Hầu hết học sinh trong trường đều không biết hoặc biết thiếu chính xác vụ 94 đồng bào trên địa phương mình dũng cảm đấu tranh và bị địch tàn sát như thế nào. Nếu thời gian tới, nội dung, tên tuổi 94 nạn nhân trong cuộc tàn sát được khắc lên bia tưởng niệm thì nhà trường sẽ tổ chức những tiết học lịch sử địa phương ngay tại di tích để các em hiểu được sự hy sinh mất mát trên chặng đường đấu tranh cách mạng giành độc lập của thế hệ đi trước. Biết: " Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”.Từ đó, ra sức học tập rèn luyện tốt để xây dựng quê hương.

Cần hồi sinh cho ký ức

Việc khơi dậy giá trị lịch sử của di tích lịch sử vụ thảm sát Hướng Điền không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, mà còn là sứ mệnh chung của cộng đồng. Bên cạnh việc xây dựng bia tưởng niệm cần hoàn thiện hạ tầng tiếp cận di tích, đặc biệt là đường vào khu vực thảm sát, đảm bảo người dân và khách viếng thăm có thể đến nơi dễ dàng. Tổ chức các hoạt động tưởng niệm, giáo dục truyền thống hàng năm, lồng ghép vào các dịp lễ lớn của dân tộc như: Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hay Ngày Giải phóng miền Nam (30/4). Xây dựng tài liệu giáo dục lịch sử địa phương đưa vào giảng dạy trong các trường học thuộc khu vực huyện Hướng Hóa.

Bà Hoàng Thị Phương Nam, cháu của liệt sĩ Hoàng Thị Thủy, 1 trong 7 đảng viên hy sinh trong vụ thảm sát, chia sẻ: “Chúng tôi chỉ mong có một tấm bia có tên cô mình trên đó". Nguyện vọng của bà Nam cũng là tiếng lòng của rất nhiều gia đình khác. Họ không đòi hỏi điều gì lớn lao, chỉ mong có một nơi chốn thiêng liêng, để con cháu biết rằng, tự do hôm nay đã được đánh đổi bằng máu và nước mắt. Ký ức lịch sử không thể tự nó sống lại, nó cần được gìn giữ, thắp lửa và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Di tích lịch sử vụ thảm sát Hướng Điền không chỉ là nơi tưởng nhớ những người đã khuất, mà còn là một bài học sống động về lòng yêu nước, về cái giá của độc lập, tự do.

Minh Tuấn

Tin liên quan:
  • Cần bảo tồn và phát huy giá trị một di tích lịch sử cấp tỉnh
    Lãng quên một di tích lịch sử cấp tỉnh ?

    Dù đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh từ nhiều năm trước, nhưng việc bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Vụ thảm sát Hướng Điền ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông chưa được triển khai một cách bài bản. Thiếu sự đồng bộ giữa các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể, và đặc biệt là thiếu cơ chế để người dân tham gia bảo tồn di tích, đã khiến nơi đây dần trở thành “một tên gọi trên giấy”.


Minh Tuấn

 Từ khóa: Tà Rụt
 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Lắng nghe những điều trẻ em vùng khó nói

Lắng nghe những điều trẻ em vùng khó nói
2025-05-05 05:35:00

QTO - Lắng nghe, thấu hiểu để đi đến quan tâm, chia sẻ với những điều trẻ em cần là những việc làm được Thường trực HĐND huyện Đakrông thường xuyên thực...

Nỗi đau của người mẹ

Nỗi đau của người mẹ
2025-05-04 06:59:00

QTO - Chỉ trong một thời gian ngắn, vợ chồng con trai lần lượt sa vào vòng lao lý vì gieo rắc “cái chết trắng” ở 2 vụ án khác nhau. Và lịch xét xử của cặp...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long