Cập nhật:  GMT+7

Các địa đạo Hải quân ở Vĩnh Kim, Vĩnh Linh

Các địa đạo Hải quân nằm ở thôn Roọc, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; cách thành phố Đông Hà chừng 33 km về phía bắc; cách thị trấn Hồ Xá 7 km về phía đông. Các địa đạo Hải quân được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định Số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Đường hầm Hải quân 2 – Vĩnh Kim

Đường hầm Hải quân 2 – Vĩnh Kim

Sau sự kiện vịnh Bắc Bộ (5-8-1964), cùng với việc leo thang đánh phá ác liệt bằng không quân và hải quân vào miền Bắc, ngăn chặn các tuyến chi viện cho chiến trường miền Nam, quân đội Mỹ còn sử dựng lực lượng Hải quân với nhiều loại tàu chiến hạng nặng để ngăn chặn con đường vận tải ven biển và các đường bộ; đồng thời đánh phá các mục tiêu quân sự ven biển của miền Bắc Việt Nam và coi đây “như một biện pháp bổ sung cho chiến dịch đánh phá bằng máy bay”.

Đặc biệt từ ngày 15-10-1967, Mỹ và quân đội Sài Gòn thực hiện chiến dịch "Rồng biển" tăng cường tàu chiến bắn phá, ngăn chặn trên biển từ Quảng Trị đến Nam Hà. Trên dãi bờ biển dài gần 500 km, chúng tập trung vào một số đoạn trọng yếu nhất từ Quảng Trị đến Vĩnh Linh, từ Lệ thủy đến Đèo Ngang, từ Đèo Ngang đến Lạch Giang (1). Để đối phó với những âm mưu của Mỹ, từ cuối năm 1965, các đại đội, tiểu đoàn pháo bảo vệ bờ biển do Bộ Tư lệnh Hải quân quản lý lần lượt được chuyển giao cho các Quân khu và Bộ Tư lệnh Pháo binh. Lực lượng pháo binh của Bộ, Quân khu và địa phương được bố trí ở những khu vực quan trọng dọc bờ biển và các đảo, hình thành lực lượng cơ động tại chỗ.

Khi tình hình khu vực giới tuyến 17 trở nên phức tạp, Vĩnh Kim được coi là tâm điểm của các xã vùng Đông Nam Vĩnh Linh và thuộc tuyến 2 (tuyến dự bị chiến lược). Một nơi hội đủ khá nhiều điều kiện để trở thành địa bàn đứng chân của một số đơn vị của bộ đội chủ lực như lực lượng ra đa của Hải quân, bộ đội Sông Dinh…; và là nơi tiếp nhận, cất dấu hàng hoá, vũ khí để vận chuyển chi viện cho đảo Cồn Cỏ. Với vị trí chiến lược như vậy, nên từ khi Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc thì Vĩnh Kim là một trong những trọng điểm đánh phá huỷ diệt hàng đầu của địch.

image003

Khe Rú Cụt, Vĩnh Kim – nơi có các địa đạo Hải Quân

Ở Vĩnh Kim, có 4 km đường biển và nơi tiếp giáp gần nhất với đảo Cồn Cỏ. Một hòn đảo có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, là con mắt thần canh giữ đất liền và vọng gác tiền tiêu một vùng lãnh hải Việt Nam. Sau hiệp định Genève (20-7-1954), đảo Cồn Cỏ thuộc khu phi quân sự nên không có lực lượng vũ trang đồn trú. Vì thế, Mỹ và chính quyền Sài Gòn có âm mưu chiếm đảo Cồn Cỏ. Biết được ý đồ đó, ngày 8-8-1959, một trung đội do thiếu úy Dương Đức Thiện đã được cử đưa lực lượng ra giữ đảo. Lập tức 2 ngày sau, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa tàu chiến đến vây đảo, bị lực lượng bảo vệ đảo nổ súng cảnh cáo phải rút lui. Từ đó, việc giữ đảo và bảo vệ đảo đã trở thành vấn đề cấp bách.

Từ khi quân đội Mỹ bắt đầu mở màn leo thang đánh phá miền Bắc, Bộ Tổng Tư lệnh giao cho Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Trước sự bao vây, phong tỏa, chặn đánh ráo riết của Mỹ và quân đội VNCH, khu vực Vĩnh Linh được Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ trực tiếp “mở đường máu” chi viện cho đảo Cồn Cỏ. Đến cuối tháng 2-1965, tình hình về đảo Cồn Cỏ hết sức nguy cấp, Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh ra Nghị quyết hạ quyết tâm: “ Tất cả vì Cồn Cỏ thân yêu ”, “ Đất liền còn, Cồn Cỏ còn ”. Ngày 13-3-1965, Tư lệnh Trung đoàn 270 (Khu vực Vĩnh Linh) Hoàng Đưởm đã Quyết định thành lập Đại đội 22 làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, bổ nhiệm Trung úy Trương Văn Bút quê ở Diễn An, Diễn Châu (Nghệ An) giữ cương vị Đại đội trưởng, Trung úy Trần Ngọc Diệp làm Chính trị viên, Trung úy Võ Phủ làm Chính trị viên phó…

Biên chế lúc đầu của đơn vị có 40 cán bộ, chiến sỹ. Lực lượng bổ sung cho đại đội là 80 thanh niên dân quân trực chiến thuộc 4 xã vùng biển: Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Quang, Vĩnh Kim. Số lượng thuyền biên chế gồm 3 chiếc, do Nguyễn Như Mễ làm A trưởng, thuyền trưởng. Thuyền được điều động thêm từ 4 xã trên là 12 chiếc. Trọng tải bình quân mỗi thuyền từ 1,5 đến 2 tấn. Đại đội đóng thêm thuyền mới và huy động nhiều thuyền của các xã ven biển Vĩnh Linh. Địa điểm đóng quân của đại đội tại thôn Hương Bắc, xã Vĩnh Kim. Kho tập kết hàng được bố trí rải ra nhiều chỗ để đề phòng sự phá hoại của bom đạn Mỹ: Một kho tại xóm Xuân (xã Vĩnh Kim), một kho tại thôn Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch), các kho khác tại thôn Tân Hòa (Vĩnh Thái), Cửa Tùng, Mũi Si (Vĩnh Quang).

Thực hiện nhiệm vụ được giao, đầu năm 1965, lực lượng pháo binh và ra đa của Hải quân di chuyển quân vào xã Vĩnh Kim, Vĩnh Linh. Lực lượng pháo binh này phối phối hợp chặt chẽ với hệ thống ra đa cảnh giới có nhiệm vụ đánh trả tàu chiến, máy bay của địch xâm nhập vùng trời vùng biển Vĩnh Linh; đồng thời hỗ trợ chiến đấu cho các đoàn thuyền chi viện cho đảo Cồn Cỏ.

image005

Thị sát, nghiên cứu đường hầm Hải Quân 4 – Vĩnh Kim

Sau khi vào Vĩnh Kim, lực lượng pháo binh bố trí nhiều trận địa pháo 85 ly, 100 ly, 130 ly dọc bờ biển từ mũi Đuôi Tôm cho đến mũi Hàm Rồng (Mũi Trèo); còn bộ phận ra đa đóng quân ở thôn Hương Bắc (2). Bộ phận này có một lượng khí tài máy móc, dàn ra đa được đặt trên xe. Để tránh sự phát hiện của các loại máy bay do thám của Mỹ, cùng với việc xem xét tình hình tàu chiến của địch xung quanh vùng biển của khu vực đảo Cồn Cỏ, từ 19 giờ hệ thống rađa được các loại xe chuyên dụng vận chuyển ra sát bờ biển để hoạt động. Ban ngày xe cộ, cùng các loại khí tài này được đem về cất dấu và ngụy trang dưới những hầm bán âm ở sâu trong nội địa (các thôn Hương Bắc, Hương Nam).

Do tính chất và nhiệm vụ của bộ phận ra đa là thu, phát tín hiệu và xử lý thông tin nên dễ bị các loại máy bay do thám OV10, L19 phát hiện. Cuối năm 1965, hệ thống ra đa ở Hương Bắc đã bị địch phát hiện ra nên tập trung các loại máy bay thả bom tọa độ ở khu vực này.

Từ đầu năm 1966, bộ phận ra đa chuyển doanh trại về khu vực thôn Bàu và cho đào hệ thống địa đạo ở khe Rú Cụt. Hệ thống địa đạo Hải quân ở Vĩnh Kim do bộ phận ra đa Hải quân đào và cơ bản hoàn thành vào tháng 5-1966.

Theo ông Trần Đức Bình ở thôn Hương Bắc thì lực lượng ra đa Hải quân ở Vĩnh Kim có khoảng 200 người. Do tính chất và chức năng nhiệm vụ công việc nên bộ phận này thường xuyên cơ động và vì thế, phần lớn các địa đạo của Hải quân được đào với cấu trúc tương đối đơn giản, trục đường hầm ngắn, phù hợp với chức năng sử dụng cho từng bộ phận nhỏ.

Dựa vào địa hình của lòng khe Rú Cụt (đoạn phía tây nam của thôn Roọc) âm so với triền đồi từ 10 - 15m; từ hai bên bờ khe, lực lượng Hải quân mở các cửa và đào sâu vào trong lòng đồi từ 3 - 10m, sau đó đào một trục đường hầm chính chạy gần như song song với lòng khe để nối các trục đường hầm từ cửa vào. Đồng thời, trên các trục đường hầm từ cửa vào hoặc trong trục đường hầm chính còn tạo thêm các ngách như là phòng để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và làm việc.

Hiện có 4 tiểu đạo của Hải quân nằm hai bên bờ ở khe Rú Cụt trong bán kính khoảng 50m. - Địa đạo Hải quân 1: Địa đạo có cấu trúc dạng hình chữ H với tổng chiều dài đường hầm 12,60m, nằm sâu cách mặt đất 10 - 12m; có hai cửa số 1 và số 2, mở ra hướng đông nam. Cấu trúc đường hầm dạng hình vòm cuốn, có độ khum nhỏ, đáy của đường hầm rộng 1,10m - 1,30m, chiều cao trung bình 1,60m. - Địa đạo Hải quân 2: Có tổng chiều dài 46m, nằm sâu cách mặt đất 10 - 12m. Địa đạo Hải quân 2 có 3 cửa: cửa số 1 và cửa số 2 mở ra hướng đông nam, cửa số 3 mở ra hướng nam, bên bờ của lòng khe Rú Cụt. Trục đường hầm chính chạy theo hướng đông bắc - tây nam. Cấu trúc đường hầm dạng hình vòm cuốn, có độ khum nhỏ; đáy của đường hầm rộng 1,10 - 1,30m, chiều cao trung bình 1,60m. - Địa đạo Hải quân 3: Địa đạo có cấu trúc dạng hình chữ E lật ngược với tổng chiều dài đường hầm 44m, nằm sâu cách mặt đất 10 - 15m; có 3 cửa. Cấu trúc đường hầm dạng hình vòm cuốn, có độ khum nhỏ; đáy của đường hầm rộng 0,60m - 1,20m, chiều cao từ 80 - 1,75m. - Địa đạo Hải quân 4: Địa đạo cấu trúc dạng hình chữ U, có tổng chiều dài đường hầm 16,70m, nằm sâu cách mặt đất 10 - 18m; có 2 cửa mở ra hướng bắc. Cấu trúc đường hầm dạng hình vòm cuốn, có độ khum nhỏ, đáy của đường hầm rộng 0,60m - 1,10m, chiều cao từ 1,60 - 1,70m.

Các địa đạo Hải Quân ở thôn Roọc (Vĩnh Kim) được hình thành chủ yếu nhằm mục đích dùng làm nơi trú ẩn cho lực lượng ra đa Hải quân. Từ đây, lực lượng này thu thập, nắm bắt tình hình trong khu vực để cung cấp thông tin cho cấp trên và các đơn vị bạn để kịp thời xử lý khi máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng trời vùng biển; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng pháo binh, phòng không đánh trả máy bay, tàu chiến, hỗ trợ cho các tàu, thuyền chi viện cho đảo Cồn Cỏ.

Cùng với Địa đạo Vịnh Mốc, các địa đạo Hải quân ở Vĩnh Kim khi được đầu tư tôn tạo sẽ là điểm tham quan hấp dẫn cho tour khám phá các địa đạo ở Vĩnh Kim nói riêng và hệ thống làng hầm, địa đạo ở Vĩnh Linh nói chung./. Chú giải : (1): Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam. Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội. 1985, tr. 151 (2): Tư liệu do ông Nguyễn Đức Bình, sinh năm 1930, hiện ở thôn Hương Bắc, xã Vĩnh Kim, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Từ 1965 - 1967 là Trung đội trưởng dân quân thôn Hương Bắc; từ 1967 - 1968 là Xã đội trưởng Vĩnh Kim.

Nguyễn Duy Hùng



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Bến sông Thạch Hãn

Bến sông Thạch Hãn
2017-11-13 09:03:44

Bến sông Thạch Hãn nguyên là một bến sông của những chuyến đò ngang qua lại trên sông Thạch Hãn nối Thị xã Quảng Trị với xóm làng vùng Triệu Thượng, Triệu Phong ở bến bờ Bắc....

Đường 9 anh hùng

Đường 9 anh hùng
2017-11-13 08:58:57

Trong khói lửa bom đạn của chiến tranh, Ðường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt. Ngày nay, Đường 9 là địa chỉ đỏ trong hành...

Nem chả chợ Sãi

Nem chả chợ Sãi
2017-11-08 10:20:50

(QT) - Cứ mỗi lần có dịp về quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, chúng tôi không thể không nán lại chợ Sãi để mua một ít nem chả về thưởng thức...

Món tép nhảy Lan Đình

Món tép nhảy Lan Đình
2017-10-29 13:25:07

Ở xã Gio Phong, huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị có một làng nằm bên con sông Rào Cầu, ngăn cách với thôn Phước Thị, xã Gio Mỹ, nơi đây đan lát đã trở thành nghề chuyên nghiệp tồn...

Rau xà lách xoong - rau ngon của đất Quảng Trị

Rau xà lách xoong - rau ngon của đất Quảng Trị
2017-10-25 08:04:28

Nếu có dịp du lịch đến tỉnh Quảng Trị bạn muốn thưởng thức các món đặc sản nổi tiếng ẩm thực như: bắp hầm, thịt trâu tương, lòng sả, bánh khoái, bánh bột lọc Mỹ Chánh, bánh lá...

Lễ hội đua thuyền ở làng Gia Độ

Lễ hội đua thuyền ở làng Gia Độ
2017-10-20 16:40:29

Cứ ba năm một lần, vào ngày mồng bốn và mồng năm, tháng Giêng âm lịch, tại ngã ba Gia Độ, thuộc làng Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị lại diễn ra Lễ hội...

Lễ hội Kỳ Yên ở đình làng Nại Cửu

Lễ hội Kỳ Yên ở đình làng Nại Cửu
2017-10-16 08:53:39

Lễ hội Kỳ Yên ở Nại Cửu Đình là sinh hoạt văn hóa nhằm thỏa mãn khát vọng tinh thần, là cầu mong cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc, là niềm tôn kính hướng về trời đất, hướng...

Căn cứ quân sự Dốc Miếu

Căn cứ quân sự Dốc Miếu
2017-10-08 22:32:33

Căn cứ quân sự Dốc Miếu thuộc địa phận xã Gio Phong, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Di tích lịch sử này khá nổi tiếng và được coi là “pháo đài bất khả xâm phạm” trong thời kỳ...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết