Ấm lành Quảng Trị
(QT) - Cách đây hai mươi ba năm, trên trang nhất Báo Quảng Trị số 3, ra thứ 5 ngày 27/7/1989 đăng xã luận “Kính chào đất mẹ anh hùng”, tươi mới một tình cảm dung dị và ấm áp buổi đầu bắt tay xây dựng lại quê hương và xác lập một niềm tin yêu, hy vọng về tương lai tươi sáng của chặng đường đi lên phía trước:” Trong không khí náo nức của những ngày đầu tháng bảy, 45 vạn nhân dân tỉnh Quảng Trị hân hoan chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại, ngày 1/7/1989, ngày lập lại tỉnh Quảng Trị anh hùng...Từ ngày thành lập tỉnh Quảng Trị đến nay đã gần 2 thế kỷ. Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, bao sự phủ phàng của thời gian, sự tàn phá ghê gớm của các cuộc chiến tranh xâm lược, đặc biệt phải đương đầu để chiến thắng hai tên đế quốc đầu sỏ trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt kéo dài một phần ba thế kỷ.
 |
Thành phố bên sông Hiếu |
Rồi phải vắt kiệt mồ hôi để tự nuôi sống trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, để đứng vững, tồn tại và đi tới...Biết bao xương máu, mồ hôi, nước mắt của ông cha, của đồng bào, đồng chí đổ xuống trên mảnh đất này để Quảng Trị vẹn nguyên, để Quảng Trị trở lại với tên cũ thân thương, với địa giới ngày xưa, để Quảng Trị hôm nay sánh vai cùng bầu bạn từng bước đi lên theo trào lưu của chủ nghĩa xã hội...” Công cuộc xây dựng quê hương lại một lần nữa thử thách sự kiên trung, bền chí của người Quảng Trị khi phải đối diện với một nền kinh tế thuần nông, độc canh cây lúa, phụ thuộc vào thời tiết, năng suất thấp, nặng về tự cung, tự cấp. Cơ sở hạ tầng, vật chất- kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu. Một nền công nghiệp hầu như không có gì, sản xuất nhỏ bé, manh mún. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Quảng Trị vốn là địa bàn thường xuyên đối mặt với nhiều loại hình thiên tai khắc nghiệt, hậu quả của chiến tranh để lại hết sức nặng nề. Bên ngoài, tình hình thế giới và khu vực những năm 1989-1990 có những biến động phức tạp với những cuộc chiến tranh, xung đột, xáo động xã hội và bắt đầu manh nha bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ và suy giảm kinh tế toàn cầu mà dư chấn của nó còn tác động bất lợi vào đất nước ta cho đến hiện thời...
 |
Công trình thủy lợi Sa Lung, Vĩnh Linh. |
Chưa bao giờ mối quan tâm “Quảng Trị vì cả nước, cả nước vì Quảng Trị” lại được nâng lên thành tình cảm sâu nặng ân tình như suốt chặng đường Quảng Trị xây dựng và phát triển. Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Trung ương, sự chia ngọt sẻ bùi của anh em, bè bạn trong cả nước, cùng với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và tư duy đổi mới, niềm tin về tương lai tươi sáng và lòng yêu quê hương thiết tha được xác tín ngay từ buổi ban đầu ấy là động lực quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị vượt qua muôn vàn thử thách bộn bề, giành được những thành tựu hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Với một vùng đất thuần nông như Quảng Trị, từ buổi đầu, nỗi lo về đảm bảo an ninh lương thực luôn trĩu nặng trong tư duy chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Từ nỗi lo toan thiếu thốn, bị động từ vụ này sang vụ khác đến những thành tựu vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp với tính chủ động và bền vững khá cao đã chứng minh tính sát đúng, hiệu quả của những chủ trương lớn tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng và Nhà nước ta hiện hữu ngay trên mảnh đất khó nghèo Quảng Trị. Những năm đầu lập lại tỉnh, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ 62,3%, tổng giá trị đạt 91.186 triệu đồng thì đến nay chỉ còn 27,89% nhưng tổng giá trị đạt hơn 3.625.855 triệu đồng, tăng gần 40 lần so với năm 1989; tổng sản lượng lương thực có hạt đến nay đã đạt 24,3 vạn tấn so với 11,27 vạn tấn vào năm 1989, là con số mang nhiều ý nghĩa.
 |
Cầu Cửa Việt. |
Ngành Nông nghiệp- phát triển nông thôn cùng với các ban ngành liên quan đã triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và sát cánh cùng người nông dân kiên trì chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể khẳng định rằng, công trình thủy nông Nam Thạch Hãn nói riêng và hơn 100 công trình thủy lợi lớn nhỏ hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung như hồ chứa nước Trung Chỉ, Ái Tử, Nghĩa Hy, Trúc Kinh, Kinh Môn, Bảo Đài, La Ngà, Khe Mây, trạm bơm Cam Lộ, Hiếu Bắc, Vĩnh Phước, Đông Giang, Xuân Long, Cao Xá, Ái Tử, cống đập Việt Yên, công trình thủy lợi Đá Mài- Tân Kim, đê bao vùng trũng Hải Lăng, kè chống xói lở bờ sông Hiếu, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, khu neo đậu trú bão và hậu cần nghề cá Cồn Cỏ, Cửa Tùng... đã trở thành cơ sở vật chất hàng đầu, có vai trò trọng yếu đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Nhờ có công trình, diện tích tưới nước chủ động tăng lên, cơ cấu giống lúa và cơ cấu mùa vụ sản xuất được chuyển đổi ngày càng chủ động hơn, giảm được thiệt hại về người và của khi có thiên tai xảy ra. Ngành công nghiệp cũng đã đạt được giá trị sản xuất hàng năm tăng cao, đến năm 2011 đã đạt gần 1.900 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần so với năm 1989.Giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong cơ cấu ngành kinh tế ngày đầu lập lại tỉnh chiếm tỷ lệ 9,8% đến nay lên đến hơn 37% với những khu công nghiệp tập trung đã hình thành, bước đầu tạo lợi thế trong thu hút đầu tư. Việc chú trọng huy động mọi nguồn lực vào lĩnh vực hạ tầng kinh tế- xã hội, đặt nền móng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao tiềm lực kinh tế địa phương đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong tiến trình đổi mới. Không còn thấy bóng dáng của “thị xã làng quê” một thời gian khó, thành phố Đông Hà đang hiện hữu một khuôn mặt mới, năng động và tươi trẻ nơi đầu cầu xuyên Á về phía Việt Nam.
 |
Tinh bột sắn được chế biến ở Hướng Hóa. |
Thị trấn Lao Bảo nơi phía tây, thị trấn Cửa Việt, Cửa Tùng phía biển, thị xã Quảng Trị phía nam, huyện đảo Cồn Cỏ ngoài khơi xa...đã được thành lập, chỉnh trang, từng bước quy hoạch, mở rộng, đầu tư, hình thành nên những trục kinh tế động lực để thúc đẩy kinh tế vùng phát triển. Việc hoàn thành Quốc lộ 9 nối dài về cảng Cửa Việt, Quốc lộ 9 tránh thành phố Đông Hà về phía Nam và phía Bắc với tổng chiều dài 34,2 km đã làm thay đổi một cách cơ bản diện mạo một vùng đất kéo dài từ Gio Hải, lên Gio Mai của huyện Gio Linh, Sòng, Cam Thanh, Cam Thủy, Cam Hiếu...của huyện Cam Lộ và một vùng gò đồi rộng lớn phía tây nam thành phố Đông Hà. Một khu đô thị mới có công năng du lịch, nghỉ dưỡng cùng với bãi tắm Cửa Việt, Gio Hải đã được đưa vào khai thác. Tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh đã được nâng cấp mở rộng đạt quy mô tiêu chuẩn cấp III, IV, mặt đường thảm bê tông nhựa, bê tông xi măng, cầu cống được xây dựng vĩnh cửu, có tải trọng đáp ứng yêu cầu khai thác lâu dài. Đối với đường tỉnh, đã xây dựng mới 3 tuyến Tà Rụt- La Lay, đường ven biển Cửa Tùng- Cửa Việt, Ba Lòng- Hải Phúc với tổng chiều dài hơn 46 km. Nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường với chiều dài hơn 274 km... Xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng một số cầu quan trọng như cầu Bến Tắt, cầu Đuồi, cầu Đông Hà, cầu đường sắt, cầu Bến Đá, cầu Mỹ Chánh, cầu An Mô, cầu Đakrông, cầu Thạch Hãn, cầu Hiền Lương, cầu Bắc Phước...Đến nay, 100% xã đã có đường ô tô về tận trung tâm. Khi cầu Cửa Tùng bắc qua sông Bến Hải đưa vào sử dụng, cầu Cửa Việt bắc qua sông Hiếu chính thức thông tuyến, cùng với tuyến đường bộ ven biển, hai cây cầu quan trọng này đã làm cho khoảng cách về địa lý của các vùng trong tỉnh hầu như không còn đáng kể. Khu kinh tế- thương mại đặc biệt Lao Bảo đang phát huy những lợi thế so sánh; Khu kinh tế Đông Nam tỉnh đang hình thành, cảng Mỹ Thủy được quy hoạch trong hệ thống cảng biển Việt Nam đang được tiến hành khảo sát để kêu gọi đầu tư, sẽ mở ra cơ hội lớn để Quảng Trị phát huy tiềm năng, bứt phá đi lên. Bây giờ, những vùng đất nổi tiếng cỗi cằn, đầy rẫy đạn bom như Cồn Tiên, Dốc Miếu, Tân Lâm, Đầu Mầu, Tà Cơn, Khe Sanh... đã phủ một màu xanh thịnh vượng nhờ vào cây cao su, cây hồ tiêu, chuối, sắn...Hệ thống điện lưới quốc gia, Bưu chính- Viễn thông đã phát triển rộng khắp đến tận các vùng trong tỉnh, góp phần quan trọng nâng cao năng lực phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo tăng cường quốc phòng- an ninh và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Văn hóa- xã hội có bước phát triển mạnh mẽ với mục tiêu hướng vào con người, phục vụ con người. Chính sách xã hội được quan tâm giải quyết toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn khoảng 17,2%. Thu nhập của mỗi người dân tăng hơn, bình quân đầu người năm 2011 đã đạt 21,6 triệu đồng. Số hộ giàu có trong dân từ phát triển kinh tế đúng hướng tăng lên nhanh chóng. Khi có thu nhập và tích lũy từ kinh tế, người dân có thêm điều kiện để cùng với nhà nước xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng như điện, đường, trường, trạm...đầu tư nâng cao đời sống tinh thần, có điều kiện chăm lo cho con em học hành, thuần phong, mỹ tục được khơi dậy, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, làm cho bộ mặt nông thôn, thành thị ngày càng khởi sắc. Song song với việc chăm lo phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Trị còn chú trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng- an ninh, nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đảm bảo chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những thành tựu vượt bậc của tỉnh Quảng Trị sau 23 năm xây dựng và phát triển là kết quả của việc hết sức coi trọng và phát huy cao độ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong nhân dân. Đảng bộ tỉnh đã nắm vững và vận dụng các chủ trương, đường lối quan điểm của Trung ương Đảng vào đặc điểm tình hình, lợi thế của địa phương, từ đó cụ thể hóa thành các nghị quyết, chủ trương, kế hoạch cụ thế, sát hợp, hiệu quả. Coi trọng công tác củng cố và xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo xây dựng chính quyền các cấp, vun đắp tinh thần đoàn kết nội bộ, tính đồng thuận trong nhân dân, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, trong hệ thống chính trị, hướng mọi hành động vào thực hiện mục tiêu chung, vì sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước. Tháng bảy này, trong không khí hân hoan kỷ niệm 23 năm ngày lập lại, tỉnh Quảng Trị đang chuẩn bị chào đón những người con trăm miền về hội tụ trong Lễ tri ân ngày Thương binh- Liệt sĩ, trong Lễ hội Nhịp cầu xuyên Á lần thứ ba. Một thời mảnh đất khói lửa này chính là hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ của cả dân tộc nên ngày nay, Quảng Trị đã trở thành “cõi thiêng” trong tâm thức mỗi một người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Ngày đoàn tụ, bạn bè, anh em cả nước sẽ phấn chấn khi được thấy một Quảng Trị đang nhuận sắc từng ngày. Mảnh đất thân thương, hiền lành, giản dị này, qua bao gian lao, vẫn ấm lành, nồng đượm nghĩa tình và đang tự tin đi lên trên con đường đổi mới, hội nhập cùng đất nước... Bài, ảnh: ĐÀO TÂM THANH