Cập nhật:  GMT+7

70 năm - Vĩnh Linh hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mảnh đất anh hùng

Trải qua chiều dài lịch sử, nhiều lần thay đổi tên gọi, địa giới hành chính, danh xưng Vĩnh Linh được định hình từ năm 1889. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, hệ thống chính trị tại Vĩnh Linh dần hoàn thiện. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương ký kết, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương thuộc Vĩnh Linh trở thành ranh giới quân sự tạm thời giữa 2 miền Nam - Bắc. Vĩnh Linh vinh dự đảm nhận nhiệm vụ tiền đồn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 551-NĐ/TTg thành lập Đặc khu Vĩnh Linh, ngang với một tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương. Suốt 70 năm qua, Vĩnh Linh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mảnh đất anh hùng.

70 năm - Vĩnh Linh hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mảnh đất anh hùng

Vĩnh Linh phấn đấu trở thành địa phương phát triển theo hướng năng động, hiện đại -Ảnh: N.T

21 năm Khu vực Vĩnh Linh trực thuộc Trung ương, từ sức mạnh đoàn kết, tinh thần yêu nước, sự can trường, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh luôn vững vàng, kiên trung nơi tuyến đầu Tổ quốc, dựng nên bao huyền thoại trên vùng tuyến lửa. Những con số cho thấy sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh và cũng là minh chứng cho một Vĩnh Linh được “năm châu khen ngợi anh hùng”.

Trên mảnh đất này, gần 3.000 ngày đêm liên tục bị mọi loại bom đạn, vũ khí tối tân nhất của kẻ thù trút xuống. Trung bình mỗi người dân phải hứng chịu 7 tấn bom đạn. Nhưng Vĩnh Linh kiên cường bám đất, giữ làng, nén đau thương chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lập nên những chiến công hiển hách. Quân dân Vĩnh Linh phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi “pháo đài bay” B.52 đầu tiên trên bầu trời Việt Nam cùng với 293 máy bay các loại, 7 “pháo đài bay” B.52, bắn chìm và cháy 69 tàu chiến.

Có trận chỉ trong 1 ngày (11/11/1966), Vĩnh Linh bắn rơi tại chỗ 6 máy bay, bắt nhiều giặc lái, là “ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”. Vĩnh Linh anh dũng mở đường tiếp viện, bảo vệ đảo Cồn Cỏ trong vòng vây lửa đạn của địch. Chiến tranh hủy diệt tàn khốc, Vĩnh Linh phải lùi sâu vào lòng đất để bám trụ chiến đấu. Cả Vĩnh Linh đã đào 114 địa đạo với 3.759.270 m3 đất đá, tạo nên những làng hầm dọc ngang trong lòng đất.

Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định đưa toàn bộ con em Vĩnh Linh trong độ tuổi đi học phổ thông sơ tán ra các tỉnh miền Bắc; đưa người già, phụ nữ có con nhỏ và trẻ em sơ tán ra huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Lực lượng ở lại trở thành dân quân, tham gia dân công hỏa tuyến, “ăn cơm Bắc đánh giặc Nam”.

Năm 1967, Đặc khu Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên ở miền Bắc được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 8 lần Vĩnh Linh vinh dự nhận thư Bác Hồ khen ngợi, chúc mừng vì những chiến công vang dội. Năm 1978, lần thứ 2, Đảng và Nhà nước phong tặng Vĩnh Linh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

100% xã, thị trấn ở Vĩnh Linh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 44 tập thể, 19 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, 234 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Vĩnh Linh đã “vượt ngàn trùng gian lao, sát cánh cùng toàn dân đi tới thắng lợi cuối cùng”, làm tròn sứ mệnh đối với sự nghiệp thống nhất đất nước.

Bước ra khỏi chiến tranh, trước muôn vàn khó khăn, thử thách khi bị đạn bom hủy diệt nặng nề, Vĩnh Linh lại đồng lòng nỗ lực bắt tay tái thiết quê hương. 70 năm sau ngày hòa bình lập lại, đặc biệt sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Vĩnh Linh đã giành nhiều thành quả to lớn, vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động của tỉnh Quảng Trị.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội không ngừng tăng trưởng. Trên những hố bom chằng chịt năm xưa, nay đã phủ màu xanh của hàng chục ngàn héc ta cây lúa nước, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả... Tiềm năng về rừng, biển, vùng đất đỏ ba dan đang từng ngày được đánh thức. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp, tăng dần tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng được tăng cường, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng cao. Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3.145 tỉ đồng. Tổng giá trị sản xuất tăng 14,4%, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 giảm còn 1,57%. GRDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 63 triệu đồng/người/ năm. Tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Vĩnh Linh đạt huyện nông thôn mới.

70 năm qua, Vĩnh Linh ghi dấu ấn với truyền thống anh hùng, chiều dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc và quê hương Quảng Trị. Trong tương lai, trước những yêu cầu lịch sử, Vĩnh Linh sẽ luôn vững bước trên con đường mà Bác Hồ, Đảng và Nhân dân đã chọn, hòa vào công cuộc đổi mới, cùng hướng đến kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nguyễn Trang

Tin liên quan:
  • 70 năm - Vĩnh Linh hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mảnh đất anh hùng
    Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh

    Tối 25/8, tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954 - 2024), đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

  • 70 năm - Vĩnh Linh hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mảnh đất anh hùng
    Hội thảo khoa học: “Vĩnh Linh truyền thống anh hùng và khát vọng phát triển”

    Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954 - 2024) và hướng đến kỷ niệm 70 năm thành lập Khu vực Vĩnh Linh 16/6 (1955 - 2025), sáng nay 20/8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Vĩnh Linh truyền thống anh hùng và khát vọng phát triển”.

  • 70 năm - Vĩnh Linh hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mảnh đất anh hùng
    Bộ đội Cụ Hồ trên “đất lửa” anh hùng

    Dải đất từ Tam Điệp (Thanh Hóa) đến Hải Vân (Thừa Thiên Huế) với tôi thật đẹp và anh hùng nhưng cơ duyên nhất, để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi vẫn là những lần đến công tác ở Quảng Trị để tìm hiểu và viết về Bộ đội Cụ Hồ trên mảnh đất này.


Nguyễn Trang

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Ngày hội lớn của những người làm báo

Ngày hội lớn của những người làm báo
2025-04-10 18:49:00

QTO - Tại TP. Đông Hà, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Báo chí cách mạng Việt Nam:...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long