Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang khẳng định, trong dòng chảy lịch sử của quê hương, đất nước, Vĩnh Linh có một vị trí, ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là trong thời kỳ có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo. Miền quê Vĩnh Linh sống trong lòng của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, khi Vĩnh Linh thực hiện sứ mệnh sau Hiệp định Gieneve năm 1954. Trải qua nhiều mất mát, hy sinh, quân và dân Vĩnh Linh đã anh dũng chiến đấu làm nên những chiến công oanh liệt, góp sức cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, trong thời kỳ mới, quân dân Vĩnh Linh đã nỗ lực, đoàn kết, phấn đấu và đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đăng Quang mong muốn, thông qua hội thảo lần này sẽ định hình một đường hướng có tính chiến lược, thực tiễn nhằm giúp huyện Vĩnh Linh phát triển thành một đô thị trong tương lai; trong đó có sự kết nối của 3 đô thị là: Thị trấn Hồ Xá, thị trấn Cửa Tùng và thị trấn Bến Quan đồng thời nâng tầm các xã còn lại. Bên cạnh đó, mong muốn hội thảo nghiên cứu sâu, có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sản xuất hàng hóa, giá trị sản xuất công nghiệp cho huyện.
Đồng thời đề nghị huyện Vĩnh Linh cần lưu ý đến việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí về sản xuất, môi trường trong xây dựng nông thôn mới; có giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân...
Với bề dày truyền thống cách mạng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đăng Quang mong muốn huyện Vĩnh Linh tiếp tục gìn giữ, phát huy, tạo dựng nên những cơ đồ mới trong tương lai, để từng bước đưa địa phương từ “lũy thép” trở thành “lũy hoa” như mong ước, khát vọng của Nhân dân.
9 giờ 40 phút: Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Hương báo cáo đề dẫn hội thảo |
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Hương đã khái quát về bề dày truyền thống anh hùng cách mạng của “lũy thép” Vĩnh Linh; đặc biệt là 70 năm sau ngày hòa bình lập lại, nhất là sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Vĩnh Linh đã giành được nhiều thành quả hết sức to lớn, vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động của tỉnh Quảng Trị.
Trân trọng và phát huy những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Linh đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong 70 năm qua, Hội thảo khoa học: “Vĩnh Linh truyền thống anh hùng và khát vọng phát triển” là một trong những hoạt động tuyên truyền quan trọng góp phần khẳng định và làm rõ hơn truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Vĩnh Linh anh hùng; khẳng định và làm rõ hơn những đóng góp xứng đáng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Vĩnh Linh trong 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Tri ân và tôn vinh những tập thể, cá nhân anh hùng, điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động sản xuất xây dựng quê hương, góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu hòa bình cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Từ đó, củng cố niềm tin, khơi dậy niềm tự hào, khát vọng vươn lên xây dựng quê hương Vĩnh Linh ngày càng giàu đẹp, văn minh. Thông qua hội thảo để quảng bá và giới thiệu những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh, triển vọng phát triển của huyện Vĩnh Linh đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Kêu gọi, thu hút, xúc tiến đầu tư, tạo nguồn lực cho sự phát triển toàn diện của huyện.
Hội thảo còn là dịp để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và tri ân các địa phương đã cưu mang, đùm bọc, nuôi dưỡng đồng bào Vĩnh Linh sơ tán ra miền Bắc theo kế hoạch K8, K10.
Ban Chỉ đạo Hội thảo đã nhận được 52 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Trị qua các thời kỳ; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Vĩnh Linh qua các thời kỳ; các học giả, nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử và địa phương đã cưu mang, đùm bọc Vĩnh Linh trong kháng chiến. Các tham luận đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo.
Ban Chỉ đạo hội thảo rất mong các đại biểu, các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử với tinh thần khách quan, khoa học, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn những nội dung sau: Một là, truyền thống văn hóa, lịch sử, vùng đất và con người Vĩnh Linh. Hai là, Vĩnh Linh - 70 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, những chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của trung ương, của địa phương – nguồn cội để làm nên những chiến công oanh liệt, oai hùng của Vĩnh Linh “lũy thép”, “lũy hoa”. Ba là, những định hướng chiến lược để khai thác, phát huy truyền thống đoàn kết, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của địa phương để phát huy tiềm năng, lợi thế và khát vọng phát triển của huyện Vĩnh Linh thời kỳ mới.
9 giờ 45 phút: Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam: Vị trí quân sự của Đặc khu Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước |
Cuộc kháng chiến 9 năm của quân và dân ta chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc bằng việc ký kết Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954). Giới tuyến quân sự tạm thời được lựa chọn thuộc địa phận huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Theo quy định của Hiệp định, nước Việt Nam tạm thời phân chia thành hai miền qua ranh giới Vĩ tuyến 17. Tuy nhiên, lợi dụng thất bại của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã đẩy mạnh tốc độ can thiệp vào Đông Dương nhằm loại bỏ Pháp và các thành phần thân Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành tiền đồn chống Cộng sản, phá bỏ quy định của Hiệp định Giơnevơ, không tổ chức tổng tuyển cử.
Một năm sau ngày thi hành hiệp định, nhận thức được tầm quan trọng của địa bàn Vĩnh Linh trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 28/5/1955, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 16-NQ/TW “Thành lập một Đảng ủy mới Khu Vĩnh Linh ngang hàng một tỉnh và Đảng bộ phải trực thuộc Trung ương chỉ đạo”, do đồng chí Lê Thanh Liêm, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị làm Bí thư Khu ủy; đồng chí Hồ Sỹ Thản, nguyên Trưởng ban Liên hợp Bình - Trị - Thiên và đồng chí Nguyễn Ngự (tức Nhơn), Trung đoàn 270 làm Đảng ủy viên.
Cầu Hiền Lương thời chiến tranh
Tiếp đó, ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551/TTg thành lập khu vực Vĩnh Linh, nêu rõ: “Khu vực Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị từ đây được tổ chức thành một đơn vị hành chính riêng ngang với một tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương”.
Thực hiện Nghị định, Ủy ban Hành chính khu vực Vĩnh Linh được thành lập do đồng chí Hoàng Đức Sản làm Chủ tịch. Sau khi có ý kiến chỉ đạo từ trung ương, ngày 5/11/1955, Hội nghị Liên Khu ủy Khu 4 ra Quyết nghị số 18-QN/LKIV bàn về Vĩnh Linh, trong đó nhấn mạnh: “Nhận rõ vị trí quan trọng của Vĩnh Linh và vai trò trách nhiệm của chúng ta... Tăng cường công tác bảo mật phòng gian một cách tích cực và có kế hoạch... Kiên quyết và kịp thời trấn áp bọn phá hoại hiện hành, ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục âm mưu hoạt động phá hoại của địch, tăng cường củng cố công an xã và dân quân du kích”.
Để tăng cường lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến, biên giới, bờ biển và nội địa Vĩnh Linh, tháng 12/1955, Tổng Quân ủy quyết định thành lập Tiểu đoàn 25. Từ sau năm 1958, Mỹ và chính quyền Sài Gòn ráo riết tăng cường phá hoại Hiệp nghị Giơnevơ và quy chế khu phi quân sự. Trước tình hình đó, Tiểu đoàn 25 được củng cố, tăng cường quân số, trang bị và đổi tên thành Tiểu đoàn 41.
Hội họp trong lòng địa đạo
Trên cơ sở bộ khung là Tiểu đoàn 41, Khu Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh được xây dựng tương đương cấp trung đoàn. Đây là lực lượng chủ chốt trực tiếp đấu tranh thực hiện Hiệp định Giơnevơ, bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời, đồng thời tham gia công cuộc xây dựng CNXH ở Vĩnh Linh và là lực lượng đi đầu trong chiến đấu chống sự gây hấn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Vĩnh Linh là đầu cầu giới tuyến, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Đây cũng là nơi tập trung lực lượng, kho tàng, đạn dược từ miền Bắc chi viện vào chiến trường miền Nam, là cửa ngõ dẫn vào chiến trường Bắc Quảng Trị. Vĩnh Linh còn là địa bàn đứng chân của các đơn vị chủ lực trước khi vượt sông sang bờ Nam chiến đấu, rồi trở lại củng cố, nghỉ ngơi, tập luyện, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới.
Trong thời gian từ năm 1965 - 1967, quân dân Vĩnh Linh ở đất liền đã chiến đấu và hỗ trợ chiến đấu cùng đảo Cồn Cỏ, kết quả đánh 841 trận, bắn rơi 48 máy bay, bắn cháy và bắn chìm 17 tàu chiến. Khi chiến dịch Trị - Thiên nổ ra, Vĩnh Linh là nơi tiếp nhận hàng vạn đồng bào Triệu Phong, Hải Lăng sơ tán ra khi chiến dịch đi vào giai đoạn ác liệt nhất. Cùng với chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, quân dân Vĩnh Linh còn tham gia sản xuất xây dựng CNXH, đóng góp cho các chiến dịch diễn ra trên địa bàn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), khu vực Vĩnh Linh giữ một vị trí quân sự quan trọng, là đầu cầu giới tuyến của miền Bắc XHCN, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, cửa ngõ dẫn vào chiến trường Bắc Quảng Trị. Vĩnh Linh còn là nơi có các tuyến vận chuyển chiến lược từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Đảo Cồn Cỏ là tiền đồn của tuyến lửa Vĩnh Linh, là đường vận chuyển quan trọng trên tuyến vận chuyển chiến lược Bắc - Nam trên biển.
Mảnh đất và con người Vĩnh Linh giàu truyền thống cách mạng, có ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm, lập được nhiều thành tích to lớn, góp phần cùng quân dân cả nước hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
9 giờ 50 phút: Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Võ Viết Cường: Chi viện của Vĩnh Linh cho đảo Cồn Cỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) |
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đảo Cồn Cỏ là đảo thép, đảo tiền tiêu của miền Bắc XHCN, là tiền đồn của khu vực Vĩnh Linh. Một hòn đảo nhỏ diện tích tự nhiên chỉ 230 ha; nhưng phải đương đầu suốt 1.500 ngày đêm, chiến đấu gần 1.000 trận lớn nhỏ, với hàng trăm đợt máy bay và tàu chiến kẻ thù ném bom, bắn phá, hòng chiếm giữ đảo. Với sự góp sức của cả nước, đặc khu Vĩnh Linh mà trực tiếp là quân dân các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch... đảo Cồn Cỏ được mệnh danh là “Chiến hạm không bao giờ chìm”.
Lực lượng vũ trang trên đảo đã chung lưng đấu cật, kiên cường chiến đấu giữ đảo “một tấc không đi, một li không rời” và đã bắn rơi 48 máy bay Mỹ, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền của địch. Từ giữa tháng 3/1965, chiến sự trên đảo và vùng biển Cồn Cỏ ngày càng ác liệt, việc vận chuyển, tiếp tế ra đảo gặp vô vàn khó khăn.
Tình hình rất nguy cấp, lương thực cạn kiệt, đạn tính từng viên, đặc biệt khó khăn là nước ngọt. Nhu cầu bổ sung người, vũ khí, thuốc men, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, công sự chiến đấu, vận chuyển thương binh, tử sĩ từ đảo vào đất liền ngày càng lớn, Khu ủy Vĩnh Linh ra chỉ thị kêu gọi trong toàn khu vực: bất luận hoàn cảnh nào và dù phải hy sinh xương máu đến đâu cũng phải chi viện cho Cồn Cỏ.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng ủy khu vực, đã có hàng trăm lá đơn tình nguyện xin tham gia tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, nhiều lá đơn được viết bằng máu. Từ năm 1964 – 1966, Mỹ đánh phá hủy diệt đảo Cồn Cỏ. Nhu cầu chi viện cho đảo ngày càng lớn, quân và dân Vĩnh Linh không ngại gian khổ, hy sinh, quyết tâm mở “Con đường máu” tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ với tinh thần “Còn một người dân Vĩnh Linh còn đi tiếp tế cho Cồn Cỏ”.
Đêm ngày 15/4/1965, bốn thuyền xuất bến, với lực lượng không cân sức các anh chỉ biết lấy biển làm hầm, lấy mạn thuyền làm công sự, sau nửa giờ chiến đấu, 4 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh gồm Trần Văn Quyện, Nguyễn Văn Tại, Phạm Văn Dinh, Lê Nuôi. Đây là 4 liệt sỹ đầu tiên của thôn Tùng Luật hy sinh trên tuyến đường chiến đấu phục vụ đảo Cồn Cỏ.
Thời gian từ 1966 - 1972, phong trào xung phong đi phục vụ đảo lại được phát động trong toàn dân, lực lượng dân quân và đoàn thanh niên. Trước yêu cầu tiếp tế cấp bách của đảo Cồn Cỏ, khu vực Vĩnh Linh sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, thậm chí chấp nhận hy sinh tính mạng để tiếp tế cho đảo. Trước mỗi chuyến đi tiếp tế ra đảo, mọi thành viên trong đoàn đều được làm lễ truy điệu sống. Có những chuyến đi trở về lại được với đất liền, nhưng cũng có những chuyến đi họ đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi.
Đêm 8/10/1966 là lần thứ 30 đồng chí Lê Văn Ban lên thuyền làm nhiệm vụ tiếp tế ra đảo. Nắm chắc tay lái, thuyền trưởng Lê Văn Ban ra lệnh “Bắn”, tàu địch bốc cháy, vừa chạy vừa bắn đạn xối xả. Thuyền ta bị thủng nhiều chỗ, các chiến sỹ nhanh chóng dùng vải nhét lại ngăn nước tràn vào, tiếp tục hành trình ra đảo. Cuộc chiến đấu của đồng chí Lê Văn Ban là một trong những tấm gương sáng ngời trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã làm nên một “Cồn Cỏ Anh hùng”. Góp phần cho những chuyến vượt đảo thành công, có đóng góp không nhỏ của Đại đội 13 pháo binh thuộc Trung đoàn 270 Vĩnh Linh.
Từ tháng 2/1965 đến tháng 10/1968, Đại hội 13 bảo vệ bờ biển Vĩnh Linh đã đánh hơn 50 trận; chi viện cho đoàn thuyền tiếp đảo và đã cùng dân quân Vĩnh Linh bắn chìm và cháy 69 tàu chiến, riêng đơn vị bắn cháy và chìm 15 tàu. Với quyết tâm giữ đảo đến cùng, từ năm 1965 - 1972, bằng những chiếc thuyền ván, thuyền nan, chèo tay, chạy buồm xã Vĩnh Quang đã huy động 720 lượt thuyền, vận tải 2.308 chuyến, 10.850 ngày công, chở hàng hóa đạn dược cho Cồn Cỏ. Xã Vĩnh Thái huy động 110 lượt thuyền, vận tải 2.100 chuyến, hơn 10.000 ngày công cho tiếp tế đảo. Xã Vĩnh Giang 4.800 công vận chuyển. Xã Vĩnh Thạch 3.530 công vận chuyển.
Sự chi viện kịp thời của khu vực Vĩnh Linh là nhân tố quan trọng giúp đảo Cồn Cỏ luôn đứng vững trước sự tấn công của Mỹ - Ngụy, lập nên những chiến công xuất sắc. Đảo Cồn Cỏ vinh dự 2 lần được phong tặng danh hiệu AHLLVTND; được Bác Hồ 3 lần gửi thư khen, gửi ảnh chân dung có chữ ký của Người và tặng 2 câu thơ: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”. Năm tháng trôi qua, nhưng những chiến công vang dội trong thời kỳ chống Mỹ của cán bộ và chiến sĩ đảo Cồn Cỏ và quân dân các xã vùng biển Vĩnh Linh vẫn không phai mờ trong trang sử đấu tranh cách mạng của lực lượng vũ trang Quảng Trị nói chung và đảo Cồn Cỏ nói riêng.
10 giờ 9 phút: Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Lê Văn Hiền: Sự trưởng thành của con em K8, K10 và những đóng góp đối với quá trình xây dựng và phát triển quê hương |
Vào những năm từ 1966 đến 1968, cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên quê hương Vĩnh Linh vào giai đoạn ác liệt. Hàng vạn học sinh Vĩnh Linh cùng một số con em các huyện phía Nam vĩ tuyến 17 ra nuôi dưỡng, học tập ở các tỉnh miền Bắc gồm: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Hà, Thái Bình, Hà Bắc, Quảng Ninh với mật danh K8, K10. Năm 1973, hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, các thế học sinh K8, K10 trở về quê hương. Đã 58 năm kể từ ngày chiến dịch K8, K10 bắt đầu và 51 năm kết thúc chiến dịch ấy, hơn nữa thế kỷ qua các thế hệ học sinh K8, K10 đã trưởng thành trên mọi lĩnh vực, có nhiều đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước.
Các anh chị trưởng thành, trở thành lãnh đạo các cấp. Thuộc thế hệ này xin kể đến các đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL; TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ KH&ĐT; nhà báo Đinh Như Hoan, Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân; TS. Lê Hữu Phúc, nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Bí Thư Tỉnh uỷ Quảng Trị...
Nhiều anh chị K8, K10 là lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và tương đương. Ở cấp huyện, nhiều anh chị em K8, K10 được cấp uỷ Đảng giao giữ các chức vụ Bí thư, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND huyện... cùng nhiều cán bộ các phòng, ban, ngành huyện, xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trên cương vị công tác của mình, các anh chị đã có những đóng góp to lớn, hiệu quả cho sự phát triển của đất nước, cho tỉnh Quảng Trị và quê hương Vĩnh Linh anh hùng.
Nhiều học sinh K8 K10 phát huy truyền thống quê hương hiếu học, nhận được chăm sóc giáo dục trên quê hương Miền Bắc thân yêu, được rèn luyện đào tạo học tập tại nhiều trường đại học trong và ngoài nước, nỗ lực học tập nghiên cứu khoa học đã trưởng thành, trở thành những nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn, luật sư, bác sĩ, doanh nhân, các văn nghệ sĩ nổi danh, đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước quê hương.
Thuộc thế hệ này xin kể đến GS.TS Trần Đức Vân, nhà Toán học xuất sắc, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, người từng nhận bằng Tiến sĩ nước ngoài ở tuổi 26; GS.TS Thái Vĩnh Thắng, Giáo sư trường Đại học Luật Hà Nội, thành viên Hội đồng nhà nước chức danh Giáo sư ngành Luật; GS.TS Phạm Văn Cường, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ Miền Trung...
Phát huy truyền thống cách mạng, anh dũng kiên cường của quê hương Vĩnh Linh luỹ thép anh hùng, hàng ngàn học sinh K8, K10 hăng hái tòng quân tham gia vào lực lượng công an, quân đội, trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chống chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, tham gia nghĩa vụ quốc tế giúp Nhân dân Lào, Campuchia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người lính, nhiều anh đã trưởng thành, trở thành tướng lĩnh, lãnh đạo trong lực lượng quân đội, công an.
Trong số tướng lĩnh nguyên là học sinh K8, K10 có: Trung tướng Hồ Văn Đức, nguyên Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Hồ Thanh Tự, nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ Bộ Tổng tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam... Hơn 50 năm trước, một lực lượng đông đảo học sinh K8, K10 trở về, cùng quân và dân Vĩnh Linh xây dựng quê hương trên đống tro tàn đổ nát - hậu quả của chiến tranh huỷ diệt mà giặc Mỹ để lại.
Theo thời gian, những học sinh K8, K10 năm ấy dần trở thành những trụ cột trong xây dựng kinh tế gia đình, là lực lượng lao động chính đông đảo khắp mọi vùng miền của huyện. Từ trong lao động, từ đồng đất đi lên, nhiều trong số họ là nông dân, công nhân giỏi, chủ gia trại, trang trại nông lâm ngư nghiệp, các doanh nhân, chủ doanh nghiệp sản xuất, chế biến, dịch vụ tiêu biểu trong hàng trăm trang trại, hàng ngàn gia trại ở quê hương.
Qua lao động học tập công tác trên quê hương, nhiều học sinh K8, K10 trưởng thành, trở thành những cán bộ lãnh đạo quản lý ở địa phương, có nhiều tham mưu, quyết định mang tính đột phá. Nổi bật như đề án “Phát triển Cao su tiểu điền hộ gia đình Nhân dân vùng kinh tế mới Bắc Bến Hải”, đề án cao su tiểu điền đầu tiên cả nước. 51 năm qua kể từ ngày kết thúc chiến dịch K8, K10, các thế hệ học sinh K8, K10 đã trưởng thành trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Vĩnh Linh ngày càng giàu đẹp.
10 giờ 17 phút: Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Tân Kỳ Bùi Thanh Bảo: Thắm mãi tình cảm gắn bó của quê hương Tân Kỳ - Vĩnh Linh |
Tháng 7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt hai miền đất nước, Vĩnh Linh trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam. Hòng ngăn chặn sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam, Vĩnh Linh trở thành mục tiêu hủy diệt của đế quốc Mỹ.
Trước sự tàn khốc của chiến tranh, kế hoạch sơ tán thanh thiếu niên, những người già yếu ra khỏi tuyến lửa Vĩnh Linh (chiến dịch K8, K10) được triển khai thực hiện. Để bảo toàn sự sống cho người già, trẻ em và nuôi dưỡng những “Hạt giống đỏ” cho cách mạng, một cuộc di chuyển với quy mô lớn đã diễn ra vào năm 1967.
Theo lời kể của cụ Ngô Kế Toản, một cán bộ lão thành, người từng giữ chức vụ phó phòng phụ trách K10 của huyện Tân Kỳ; lúc bấy giờ Tân Kỳ đã đón tới 2,7 vạn bà con Vĩnh Linh ra sơ tán. 13 xã của huyện Tân Kỳ lúc đó đều được đón nhận bà con Vĩnh Linh về sinh sống tại địa phương mình với tất cả tình thương yêu san sẻ.
Nhận được sự giúp đỡ tận tình của Huyện ủy, Ủy ban hành chính huyện Tân Kỳ và bà con nơi quê mới, các HTX, tổ, đội sản xuất Vĩnh Linh được thành lập, bà con Vĩnh Linh gấp rút bắt tay vào phát nương, làm rẫy, xây dựng nhà cửa, khai hoang phục hóa mở rộng diện tích canh tác, đưa phương thức cải tiến kỹ thuật trồng trọt áp dụng trên đất Tân Kỳ.
Từ trong bom đạn của chiến tranh, sự học vẫn được tiếp nối với quyết tâm cao nhất. Những “hạt giống đỏ” được ươm mầm trên đất Tân Kỳ đã trưởng thành ở mọi lĩnh vực và có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong các câu chuyện kể về lịch sử huyện Tân Kỳ, chưa bao giờ thiếu vắng cái tên Vĩnh Linh thân thuộc, mỗi xóm thôn, làng bản ở quê chung đâu đâu cũng lưu truyền những câu chuyện thấm đẫm tình người. Cố nhà văn Xuân Đức khi về với Tân Kỳ đã viết nên những câu thơ nghẹn ngào xúc động “Ai cũng là cha, là anh, là mẹ, chung hưởng ngọt bùi, san sẻ thương đau... Tôi biết tìm đâu, đâu cũng là nhà”.Tình cảm ấy được nhạc sĩ Võ Thế Hùng gửi gắm vào ca khúc “Tân Kỳ quê của muôn quê” với những ca từ, giai điệu da diết, lắng sâu, chan chứa tình người, làm rung động trái tim biết bao người con Vĩnh Linh - Tân Kỳ suốt mấy chục năm qua.
Năm 1973, sau khi hiệp định Paris được ký kết, bà con Vĩnh Linh trở về với quê nhà cũng là lúc ở Tân Kỳ diễn ra những cuộc chia tay đầy nước mắt. Bảy năm trời ròng rã san sẻ cho nhau từng hạt gạo, củ khoai trong hoàn cảnh mưa bom bão đạn, tình yêu thương ấy đã thấm sâu vào máu thịt của người dân hai huyện. Tháng 9/2012, cầu Truyền hình “Quê chung” được thực hiện từ những trăn trở và tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo hai huyện Tân Kỳ - Vĩnh Linh và lãnh đạo Đài PT-TH Nghệ An, Đài PT-TH Quảng Trị.
Đây là cầu truyền hình đặc biệt, diễn biến và không gian của sự kiện chiến dịch K8, K10 được tái hiện một cách súc tích, đầy ấn tượng nhắc nhớ một giai đoạn lịch sử đầy đau thương mất mát, những ân tình sâu nặng của người dân hai huyện... 7 năm chung sống trên đất Tân Kỳ với biết bao vui buồn, những câu chuyện được kể lại vẹn nguyên tính chân thực bởi chính những người trong cuộc cũng được tập hợp trong cuốn sách “Thép từ ngàn độ lửa” do nhà báo Lê Bá Dương chủ biên, được phát hành vào năm 2014.
Kế thừa mạch nguồn tình cảm của các thế hệ trước, chính đội ngũ cán bộ lãnh đạo của mỗi huyện sau này là những người đã tiếp nối, duy trì và lan tỏa để tình cảm ấy không bao giờ vơi cạn mà ngày càng thấm đẫm yêu thương, vượt lên cả nghĩa đồng bào, trở thành một thứ tình cảm thiêng liêng không gì sánh nổi.
Hơn 50 năm qua, hàng nghìn chuyến xe đưa đón bà con hai huyện đã vượt quãng đường hơn 400 km để ra vào thăm nhau, kể cả những người con Vĩnh Linh đang sinh sống và công tác trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng vượt hàng ngàn km tìm về Tân Kỳ để thăm lại gia đình, làng quê nơi mình được sinh ra và gắn bó từ thuở nhỏ.
Thế hệ trẻ Tân Kỳ - Vĩnh Linh ngày nay luôn trân trọng biết ơn, gìn giữ và phát huy mối quan hệ thủy chung, bền chặt này. Nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực của tuổi trẻ hai huyện được tổ chức đã tạo nên không khí vui tươi, ấm áp, nghĩa tình. Huyện ủy- HĐND-UBND-UBMTTQ và tuổi trẻ huyện Vĩnh Linh, huyện Tân Kỳ còn có sự hỗ trợ về vật chất để góp phần xây dựng những công trình thiết thực trên vùng đất của hai quê, đó cũng chính là thông điệp hết sức ý nghĩa để các thế hệ trẻ sau này tiếp nối truyền thống của cha ông, giữ gìn và phát huy những tình cảm quý báu đã được vun đắp hơn nửa thế kỷ.
10 giờ 35 phút: Phó Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Vĩnh Linh Trần Thanh Hải: Chuyện trạng Vĩnh Hoàng - Nét độc đáo trong văn hóa truyền thống Vĩnh Linh |
Nói đến bề dày và trầm tích văn hóa Vĩnh Linh, không thể không nhắc đến “chuyện trạng Vĩnh Hoàng”. Làng Huỳnh Công - làng tiền khai khẩn của xã Vĩnh Tú - là một trong những làng quê có cảnh sắc hữu tình và mang nét độc đáo riêng ở Vĩnh Linh. Thiên nhiên xinh đẹp, đất đai màu mỡ, cảnh sắc hữu tình, thế nhưng mấy ai biết rằng từ xa xưa, đất Vĩnh Tú nổi tiếng nghèo.
Những thành ngữ như “ăn cơm bữa diếp”, “đói rạ mắt”, “quần chó táp đứng” chính từ nơi này mà ra. Đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt, thiếu thốn trăm bề vậy, thay vì mang tâm lý bi quan, tuyệt vọng; người dân Vĩnh Hoàng-Vĩnh Tú - Huỳnh Công lại thể hiện một phong cách sống rất khí khái, tự tin, lạc quan, yêu đời, sôi nổi.
Đặc biệt họ có gien thông minh trời cho, có cảm quan nghệ thuật dân gian sắc sảo và kỹ năng trào lộng bậc thầy. Vì thế, những khó khăn, cực khổ phải đối mặt hàng ngày, qua tư duy thông minh, hài hước và sự liên tưởng thú vị, họ đã biến thành những câu chuyện cười, dẫu có bị phóng đại hàng trăm, hàng ngàn lần, hoặc sẽ không bao giờ xảy ra, hoặc không bao giờ con người có khả năng làm được nhưng nghe vẫn thấy thật có lý có tình, biết là “trạng” mà cứ thấy chân thật.
Nghệ thuật đặc sắc trong cách dựng chuyện, kể chuyện và dẫn dụ người nghe của chuyện trạng Vĩnh Hoàng thể hiện ở chỗ người nông dân - tự xưng mình là Bọ - luôn sử dụng phương thức phóng đại gián tiếp đối với mọi chi tiết, sự vật, nên luôn đặt người nghe vào sự liên tưởng, phải tự “bắc cầu” trong suy nghĩ để hiểu cái chất “trạng” ẩn trong câu chuyện.
Một điều kỳ lạ nữa trong cách kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng là mọi vật đều bị bọ biến thành đực hết: đực bò, đực trâu, đực tràu (con cá lóc), đực coọc (con cọp, hổ), đực nhà, đực tàu bay Mỹ; mà thực ra những thứ này phải gọi là cái, là con. Thế nhưng cái từ “đực” không lấy gì làm tế nhị ấy, khi đặt trong câu chuyện và cách kể của bọ lại nghe rất thích thú, rất đặc trưng.
Khác với tiếng cười đả kích, phê phán những thói hư, tật xấu, cái ngu dốt, trọc phú của bọn tham quan như chuyện cười ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, chuyện bác Ba Phi, Ba Giai - Tú Xuất ở Nam bộ; chuyện trạng Vĩnh Hoàng lại mang tính ca ngợi những điều thật bình dị của cuộc sống hàng ngày, không có nhân vật phản diện, không có cái xấu xa, cái ác cần lên án, chê bai; ở đó chỉ có những con người thật đáng yêu, những hành động, sự vật thật ngộ nghĩnh, đặt giữa một thiên nhiên tươi đẹp và bình dị, nhưng lại bật lên được tiếng cười sảng khoái.
Có thể nêu ra đây một vài câu chuyện tiêu biểu như: ngọn khoai lang bò hai tỉnh, địa đạo xuyên lục địa, bắt bọp, đi bán sắn bị kiểm lâm bắt, cải cọp mà cày, bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp, dư một đứa con, vít cổ tàu bay...
Có một yếu tố vô cùng quan trọng để chuyện trạng Vĩnh Hoàng không lẫn vào đâu được, đó là việc sử dụng phương ngữ độc đáo của vùng này. Giọng nói của người dân Vĩnh Hoàng rất nặng, cách phát âm luôn mất thanh ngữ, chỉ sử dụng thanh hỏi (?), ngữ điệu thay đổi nhanh ở đầu câu, kéo dài ở cuối câu, âm điệu lên cao xuống thấp, trầm bổng theo từng tình tiết, cùng với sự biểu cảm trên nét mặt, kết hợp các cử động về chân tay, cách di chuyển hình thể...
Đặc trưng của chuyện trạng Vĩnh Hoàng là vậy, càng đậm đặc ngôn ngữ địa phương càng hay. Mạch nguồn văn hóa đặc sắc này vẫn luôn được chú trọng bảo tồn, gìn giữ, duy trì trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Vĩnh Tú nói riêng, ở Vĩnh Linh nói chung.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, trải qua thời gian, chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã và đang dần mai một và nhạt về bản sắc. Những năm gần đây, các ban ngành chức năng và UBND xã Vĩnh Tú đã nỗ lực trong việc phục hồi và phát triển nét văn hoá đặc sắc này, với nhiều hình thức để làm sống lại đứa con tinh thần mà cha ông đã sáng tạo nên.
Hằng năm, xã Vĩnh Tú đều tổ chức Hội thi kể chuyện trạng, Chiếu trạng ngày Xuân bằng hình thức sân khấu hóa, thu hút sự tham gia và quan tâm của rất nhiều người. Những nghệ nhân già cũng đã nỗ lực truyền nghề cho lớp con cháu hậu sinh, nuôi dưỡng niềm đam mê chuyện trạng; trong đó có cả những đứa trẻ lên tám, lên mười đã bộc lộ năng khiếu kể chuyện rất duyên.
Gần đây nghệ nhân kể chuyện trạng Trần Hữu Chư đã sáng tạo ra một cách làm độc đáo, đó là vẽ tranh trên giấy, trên tường mô phỏng nội dung những câu chuyện trạng. Đó cũng là một cách làm hay để đưa chuyện trạng đến gần hơn với mọi người. Triền đất đỏ, rừng cây xanh, mênh mông bàu nước soi bóng những đồi cát trắng - làng chuyện trạng Vĩnh Hoàng - Huỳnh Công hiện ra thật gần gũi và thơ mộng. Nơi ấy, những câu chuyện trạng vẫn đang được tiếp tục kể và tiếp tục sáng tạo, tựa như mạch ngầm của rú Trù quê hương tuôn chảy đã bao đời, để bàu Thuỷ Ứ không bao giờ cạn, để những rặng trâm bầu mãi ngát xanh...
10 giờ 49 phút: Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Trị Lê Minh Tuấn: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đất Vĩnh Linh trong thời kỳ hội nhập và phát triển |
Người Việt có mặt trên vùng đất Vĩnh Linh ngày nay từ sau thế kỷ XI. Vượt lên các điều kiện, hoàn cảnh xã hội phức tạp qua nhiều thế kỷ, các thế hệ người dân trên vùng đất Vĩnh Linh đã chinh phục tự nhiên, tạo lập làng xóm, xây dựng cuộc sống.
Trước khi xảy ra cuộc tiêu thổ kháng chiến thời chống Pháp và nhất là chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ, Vĩnh Linh là vùng đất lưu nhiều dấu ấn văn hóa dân gian truyền thống. Ðình, chùa, đền, miếu và nhà thờ họ là những công trình sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng phổ biến của từng cộng đồng làng, gia tộc mà làng nào cũng có nhưng nổi tiếng là đình làng Thủy Cần, Thử Luật, Huỳnh Công, Liêm Công, Minh Lương, Thủy Trung, An Đức...
Chùa chiền trên vùng đất Vĩnh Linh mang đậm tính chất của dòng Phật giáo dân gian Đại Việt. Ngoài các ngôi chùa làng thì ngôi chùa Lam Sơn/Quang Cổ tự/chùa Cổ Trai ở làng Cổ Trai gắn với nhân vật Mạc Cảnh Huống và quê của Nguyễn Phúc Trung, ông ngoại của Gia Long cùng với Mạc Thị Giai, vợ của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, chính là Hoàng hậu Hiếu Văn xứng đáng là một danh tích và cần được quan tâm phục hồi.
Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất Vĩnh Linh một bãi biển Cửa Tùng, nơi từng được mệnh danh là “Hòn ngọc của các biển Thừa Lương”, rừng nguyên sinh Rú Lịnh và các vịnh được tạo thành bởi các đồi đất đỏ ăn sâu ra phía biển là những danh thắng mà nếu biết quy hoạch và phát huy tốt thì chính nó là tiềm năng để Vĩnh Linh khai thác và đẩy mạnh ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch. Trong kho tàng di sản văn hoá vật thể mà người Vĩnh Linh đã làm nên và còn lại đến nay thì bộ phận di tích lịch sử cách mạng chiếm một vị thế quan trọng, có quy mô và tầm cỡ.
Đến nay, trong số 28 di tích thành phần thuộc 4 di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Quảng Trị thì Vĩnh Linh chiếm quá nửa với 15 di tích thành phần của 3 di tích là: Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Có 1 di tích quốc gia và 164 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng không chỉ là giữ gìn, tôn trọng, nâng niu và tri ân những giá trị tốt đẹp về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các thế hệ đi trước mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của mỗi người ở thế hệ hôm nay và mai sau.
Cùng với di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể vùng Vĩnh Linh cũng là một bức tranh phức hợp đa sắc màu. Qua 2 đợt tiến hành tổng kiểm kê trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (từ 2011 đến 2015), Bảo tàng Quảng Trị đã thống kê được 45 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu về: loại hình tiếng nói, chữ viết, Vĩnh Linh có ngữ âm dân gian Vĩnh Tú; loại hình ngữ văn dân gian có Trạng Vĩnh Hoàng, những sự tích về Bà Chúa Sa Lung, sự tích Hạ Cờ - Chấp Lễ, sự tích Tứ vị Thánh nương, sự tích Chùa Bụt Mọc. Về loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có Hát Bá trạo, Chèo cạn Tùng Luật, Hát Sắc bùa Thái Lai, Hội Bài chòi Nam Phú - Đơn Duệ - Tùng Luật - Lâm Cao - Cổ Mỹ, Chạy Cù Nam Phú, Chơi đu Hương Nam; những phong tục, tập quán được bảo lưu khá nguyên sơ của người Bru - Vân Kiều.
Về loại hình lễ hội, có các lễ hội dân gian truyền thống điển hình như: Lễ hội Cầu ngư làng Thái Lai, làng Vịnh Mốc, Hội Xuân làng Thử Luật, Đua thuyền ở thị trấn Cửa Tùng, Huỳnh Xá Thượng. Lễ hội cách mạng có Lễ hội Thống nhất non sông tại đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
Về loại hình nghề thủ công truyền thống, vùng Vĩnh Linh xưa có rất nhiều nghề, đặt biệt là nghề bắt cọp làng Thủy Ba. Ẩm thực có Canh rau mứt Cửa Tùng; bánh đúc rau câu An Đức, Vịnh Mốc. Nước mắm Cửa Tùng cũng là một đặc sản. Nhìn lại bức tranh tổng thể về di sản văn hóa của vùng đất Vĩnh Linh chúng ta thấy rằng, việc bảo tồn, khơi dậy và phát huy các giá trị di sản văn hóa của vùng đất Vĩnh Linh để “gạn đục khơi trong” trong thời kỳ hội nhập và phát triển là cần thiết và cần có những định hướng căn cơ, những giải pháp tích cực và hữu hiệu.
Theo đó, cần tiến hành khảo sát, đánh giá, thống kê, tư liệu hóa giá trị di sản văn hóa vùng đất Vĩnh Linh. Đồng thời xây dựng đề án bảo tồn và phát huy, tập trung mọi nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa; gắn công tác bảo tồn di sản văn hóa, đầu tư tôn tạo, chống xuống cấp di tích với phát triển du lịch bền vững, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc riêng của Vĩnh Linh.
10 giờ 59 phút: Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Thủy Trần Thị Phòng: Bài học thành công của xã Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới |
Vĩnh Thủy là xã đồng bằng, có địa hình bán sơn địa. Cách trung tâm huyện lỵ Vĩnh Linh 7 km về phía Tây Bắc, nơi những tên đất tên làng đã đi vào lịch sử: chiến khu Thủy Ba, đồi 74... Đặc biệt sự kiện ngày 11/11/1966, Quân và dân Vĩnh Thủy phối hợp với bộ đội chủ lực, đơn vị pháo phòng không và các xã bạn bắn rơi 6 máy bay Mỹ.
Bước ra từ hoang tàn của cuộc chiến tranh khốc liệt, những người con Vĩnh Thuỷ từ nơi sơ tán trở về đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để chung tay xây dựng cuộc sống mới. Đặc biệt, từ năm 1986 đến nay, thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, Vĩnh Thuỷ đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đạt được nhiều thành quả trên mọi lĩnh vực.
Cùng với việc đẩy mạnh thâm canh cây lúa đảm bảo an ninh lương thực và làm hàng hoá trên thị trường, Vĩnh Thủy đã đẩy mạnh phát triển cây cao su và nhiều loại cây khác có giá trị với diện tích hàng ngàn hecta. Mô hình kinh tế gia trại và cao su tiểu điền thực sự trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, giúp nhiều hộ gia đình xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Năng suất lao động được nâng lên, năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt 59 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo 0.82%, hộ cận nghèo chiếm 2.68%; cơ cấu lao động được chuyển dịch tích cực.
Các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả ngày càng tăng lên, hướng vào sản xuất chất lượng, bền vững gắn với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, mỗi 1 xã 1 một sản phẩm chủ lực. Hiện nay, xã đã xây dựng được2 sản phẩm OCOP đạt chứng chỉ 3 sao cấp tỉnh đó là: Thanh long ruột đỏ (Hợp tác xã Nông sản Tây Vĩnh Thủy); Hương thảo mộc (Hợp tác xã Hương Thảo mộc Vĩnh Thủy).
Vĩnh Thủy đang tập trung chỉ đạo mở rộng các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trên địa bàn xã hiện có 2 chợ trung tâm, 5 doanh nghiệp, 6 HTX dịch vụ và 1 tổ hợp tác, trên 300 hộ kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động hiệu quả. Chăn nuôi phát triển tập trung vào loại hình gia trại. Hiện nay, toàn xã có hơn 3.000 ha cây trồng các loại.
Đường làng, ngõ xóm được cứng hóa 100%. Có 6/6 thôn đã lắp đặt hệ thống đèn đường chiếu sáng theo quy chuẩn với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 55 km. Số hộ đạt gia đình văn hoá hằng năm trên 98%, số làng đạt văn hoá 100%...
Đặc biệt 46 năm liên tục Đảng bộ xã Vĩnh Thủy được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, chính quyền vững mạnh toàn diện. Từ những nỗ lực phấn đấu và kết quả đạt được trong lao động, sản xuất và xây dựng quê hương, ngày 30/5/2012, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Nhân dân và cán bộ xã Vĩnh Thủy.
Đây là đơn vị cấp xã đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đạt được thành tích đáng ghi nhận đó, bài học kinh nghiệm được Đảng bộ xã đã rút ra là:
Thứ nhất: Phải giữ vững sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng trên tất cả các lĩnh vực.
Thứ hai: Thường xuyên coi trọng việc xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, giữ vững mối quan hệ bền chặt giữa Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh.
Thứ ba: Các chủ trương của lãnh đạo xã phải xuất phát từ lợi ích của Nhân dân, lấy hiệu quả KT-XH để củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, từ đó phát huy nội lực trong Nhân dân đồng thời tranh thủ tốt các nguồn lực từ bên ngoài. Khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Thứ tư: Thường xuyên coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và không ngừng rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Thứ năm: Thường xuyên phát động và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong tất cả các tổ chức, đoàn thể và trong Nhân dân. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội trong các tầng lớp Nhân dân.
Từ đó người dân tự nguyện, tự giác hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua với những công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa.
11 giờ 8 phút: Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo khoa học: “Vĩnh Linh, truyền thống anh hùng và khát vọng phát triển” Trần Nhật Quang, trình bày báo cáo tổng thuật |
Trình bày báo cáo tổng thuật hội thảo, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh Trần Nhật Quang khẳng định: Qua hơn 50 bài tham luận Ban Chỉ đạo hội thảo nhận được và 7 tham luận trình bày tại hội thảo đến từ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử, đại biểu từ các địa phương trong và ngoài huyện; đã phản ánh khá toàn diện và sâu sắc truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Vĩnh Linh anh hùng; làm rõ những đóng góp xứng đáng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Vĩnh Linh trong 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đối với sự nghiệp thống nhất đất nước, xây dựng quê hương sau chiến tranh; đúc rút một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để phục vụ cho việc xây dựng quê hương Vĩnh Linh hôm nay và trong tương lai.
Các tham luận tham gia hội thảo đã khắc họa đậm nét một giai đoạn lịch sử gian lao nhưng rất đổi hào hùng của Vĩnh Linh lũy thép, lũy hoa và những di sản đồ sộ, giàu sức sáng tạo trong đấu tranh cách mạng và xây dựng, phát triển quê hương sau 70 năm qua, trong đó tập trung làm rõ các vấn đề cơ bản, cốt lõi.
Đó là truyền thống văn hóa, lịch sử, vùng đất và con người Vĩnh Linh: Dù ở vào hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử nào, con người nơi đây vẫn giữ được cốt cách trung dũng, kiên cường, không lùi bước trước gian nan thử thách, không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược, quyết tử cho Tổ quốc trường sinh. Với những chiến công oai hùng, oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, năm 1967, Đặc khu Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên ở miền Bắc được Bác Hồ ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. 8 lần Vĩnh Linh vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, chúc mừng vì những chiến công vang dội.
Năm 1978, lần thứ hai, Đảng và Nhà nước phong tặng Vĩnh Linh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 100% xã, thị trấn ở Vĩnh Linh được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (có địa phương 3 lần anh hùng như xã Vĩnh Giang), 44 tập thể, 19 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, 234 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Các bài tham luận khẳng định: 70 năm sau ngày Vĩnh Linh được hoàn toàn giải phóng, Vĩnh Linh lũy thép đã hồi sinh mạnh mẽ sau lửa đạn chiến tranh. Mười ba năm cùng các huyện Gio Linh, Cam Lộ trong ngôi nhà chung Bến Hải, cho đến ngày được lập lại vào tháng 5/1990, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường, được sự quan tâm giúp đỡ của trung ương, các tỉnh, huyện bạn, Vĩnh Linh đã nhanh chóng ổn định đời sống và tổ chức sản xuất.
Từ ngút trời lửa đạn, khói bom, từ trong những đống đổ nát hoang tàn, vùng đất Vĩnh Linh đã từng ngày thay đổi diện mạo, hồi sinh, vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động của tỉnh Quảng Trị.
Nền kinh tế liên tục ổn định và phát triển, năm 2023, GRDP tăng 15,1% so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng theo hướng giảm dần tỉ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 59,4 triệu đồng. Đến cuối năm 2023 toàn huyện có 431 doanh nghiệp, 7.030 hộ kinh doanh cá thể, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,91%, hơn 99,8% người dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh.
Đặc biệt, đến tháng 6/2024, huyện Vĩnh Linh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 59 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Vĩnh Linh đã được Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới. Trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
Một số sản phẩm hàng hóa của Vĩnh Linh như: cao su, hồ tiêu, lạc, môn khoai từ tía, dưa hấu, đậu xanh... đã khẳng định được thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước. Vĩnh Linh đã hoàn thành và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục bậc tiểu học, trung học cơ sở và trẻ mầm non 5 tuổi, hoàn thiện việc sáp nhập, sắp xếp lại các trường học ở các cấp học theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả.
Công tác giảm nghèo; chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công cách mạng, chính sách đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, thực hiện tốt. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa gắn liền với truyền thống hào hùng của mảnh đất Vĩnh Linh như: Hiền Lương - Cửa Tùng - Vịnh Mốc – Rú Lịnh đang từng bước được kết nối, đầu tư hình thành các tour, tuyến du lịch trọng điểm.
Hệ thống chính trị vững mạnh từ huyện đến cơ sở. Từ vùng đất bị bom đạn cày xới, đất và người Vĩnh Linh đã và đang đổi thay từng ngày. Trải qua quá trình đấu tranh gian khổ trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, đồng hành cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, năm 2007, cán bộ và nhân dân huyện Vĩnh Linh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì; năm 2011, cán bộ và nhân dân huyện Vĩnh Linh được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Những thành tựu đạt được trong suốt chặng đường 70 năm qua là sự tiếp nối từ truyền thống anh hùng của một vùng đất giàu bản sắc văn hóa, cách mạng; là sự chịu thương, chịu khó, tinh thần hy sinh quả cảm không tiếc máu xương của bao thế hệ người con “Lũy thép”. Từ đó, tạo dựng nên hình ảnh một Vĩnh Linh tươi đẹp, năng động, sáng tạo - được ví như “Lũy hoa” trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Nhận định về những tiềm năng, lợi thế của Vĩnh Linh, các tham luận khẳng định: Có trên 180 di tích đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa các cấp, trong đó có nhiều di tích đặc biệt cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia và trên 160 di tích cấp tỉnh; Vĩnh Linh mang trong mình sứ mệnh là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Vì vậy, du lịch văn hóa - lịch sử chính là một trong những thế mạnh, là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách muốn tìm hiểu về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam, khát vọng thống nhất, sự hy sinh gian khổ và những chiến công đã trở thành huyền thoại của quân, dân lũy thép Vĩnh Linh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Với vị trí là cửa ngõ phía Bắc Quảng Trị, Vĩnh Linh có 3 thị trấn được phân bổ đều cả 3 vùng, miền, gồm: Thị trấn biển Cửa Tùng, thị trấn miền núi Bến Quan và thị trấn trung tâm Hồ Xá.
Phát huy thế mạnh “kiềng ba chân” này, trong định hướng phát triển, Hồ Xá sẽ trở thành đô thị thông minh; Cửa Tùng là đô thị du lịch - dịch vụ và Bến Quan là đô thị kinh tế tổng hợp gắn kết với vùng kinh tế nhiều tiềm năng Bắc Hướng Hóa thông qua tuyến đường Bến Quan - Vĩnh Ô - Hướng Lập đang được xây dựng. Từ đó tạo động lực tăng trưởng bền vững, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Nhấn mạnh về khả năng thu hút đầu tư, nhiều bài tham luận khẳng định: Từ đầu năm 2023 đến nay, đánh dấu sự khởi sắc trong công tác thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, đã có 11 dự án được cấp mới với tổng mức đầu tư trên 1.800 tỉ đồng; nâng tổng số dự án từ trước đến nay trên toàn huyện lên 83 dự án với tổng mức đầu tư trên 5.800 tỉ đồng. Trên cơ sở đánh giá những tiềm năng, lợi thế và khả năng thu hút đầu tư, nhiều bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo bộ, các doanh nghiệp, các nhà khoa học đã đưa ra những giải pháp mang tính định hướng tương lai để Vĩnh Linh thu hút đầu tư, phát triển bứt phá trong thời gian tới.