Cập nhật:  GMT+7

Xây dựng huyện Hải Lăng thành điểm đến lý tưởng thông qua các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống. Bài 2: Nỗ lực phát huy và nâng tầm giá trị văn hóa của lễ hội

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng và triển khai thực hiện nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, đồng bộ và thống nhất cao trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy, quảng bá hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống; sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, nhiều lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống trên địa bàn huyện Hải Lăng đã được gìn giữ và phát huy hiệu quả.

Qua đó, góp phần củng cố tình đoàn kết, lòng tự hào của mỗi người dân về nguồn cội; khơi dậy những nét đẹp của con người Hải Lăng; đồng thời tôn vinh di sản văn hóa, thể thao truyền thống và sự nỗ lực xây dựng vùng quê Hải Lăng thành điểm đến hấp dẫn, lý tưởng trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Đoàn kết cộng đồng, giữ gìn truyền thống

Một khía cạnh khác trong nét đẹp lễ hội đua thuyền mùa nước bạc ở Hải Lăng đó là người dân trong cộng đồng đã đoàn kết, hợp lực để tự tay làm nên những con thuyền đua vững chãi, mạnh mẽ trên đường đua.

Hiện nay, số lượng người làm được thuyền đua truyền thống ở Hải Lăng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi gặp gỡ ông Hồ Văn Tuấn, (sinh năm 1957), thôn Trung Đơn, xã Hải Định, người dành nhiều tâm huyết trong việc giữ nghề làm thuyền đua thuyền thống.

Ông Tuấn sinh ra trong gia đình có truyền thống làm thuyền nan. Những lần phụ giúp ông nội và cha mình làm thuyền, ông đã học được các kỹ thuật, kinh nghiệm quý báu để tạo nên một chiếc thuyền đẹp, vững chắc và đặc biệt khi bước vào hội đua là thắng giải.

Xây dựng huyện Hải Lăng thành điểm đến lý tưởng thông qua các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống. Bài 2: Nỗ lực phát huy và nâng tầm giá trị văn hóa của lễ hội

Ông Hồ Văn Tuấn (thôn Trung Đơn, xã Hải Định) luôn dành trọn tâm huyết trong việc giữ nghề làm thuyền đua thuyền thống - Ảnh: M.Đ

Thời còn trẻ, ông Tuấn là một tay chèo giỏi, giành vô số chiến thắng trên “đường đua bạc”. Vận dụng kinh nghiệm, kỹ thuật của cha ông kết hợp với thực tế thi đấu của mình, ông tự tay làm nên một chiếc thuyền đua vào năm 1975. Từ năm 1975 đến năm 2024, ông Tuấn đã làm được 4 chiếc thuyền đua (mỗi thuyền sử dụng từ 13-15 năm).

“Tôi là người đảm nhận các khâu quan trọng trong việc đóng thuyền, nhưng nếu không có bà con trong thôn đoàn kết, chung tay, góp sức thì khó có thể làm nên một thuyền đua có chất lượng. Cứ vào thời điểm làm thuyền, dân địa phương có người đóng góp tiền, có người góp công phụ giúp tôi, ai nấy đều hào hứng, phấn khởi. Đó cũng là động lực để tôi dồn trọn trách nhiệm, tâm huyết hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà cộng đồng giao phó”, ông Tuấn nói.

Năm 2024, ông cùng người dân xóm Nổ Dưới của thôn Trung Đơn hoàn thành thuyền đua trị giá hơn 50 triệu đồng từ nguồn lực xã hội hóa trong thời gian hơn 1 tháng. Chiếc thuyền đã phục vụ cho đội đua thuyền xóm Nổ Dưới đoạt nhiều giải trong lễ hội đua thuyền truyền thống thôn Trung Đơn năm 2024. Nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh cũng đến thuê thuyền này để tham gia các giải đua thuyền truyền thống.

Anh Khổng Yên, cán bộ văn hóa - xã hội xã Hải Bình cho biết: “Vì nhiều lý do nên nghề đóng thuyền đua truyền thống dần mai một theo thời gian. Số lượng người có nghề thì đã mất, hoặc tuổi cao, sức yếu; mặt khác, thuyền đua chỉ sử dụng mỗi năm một lần nên không làm ra số lượng nhiều được”.

Điều đáng quý ở các địa phương đó là vẫn còn nhiều người có tâm huyết như ông Tuấn, hiện đang truyền nghề cho các con, cháu của mình. Đặc biệt, mỗi con thuyền đua được làm bằng sức mạnh của người dân địa phương nên chất lượng luôn đạt chuẩn, sử dụng hơn 10 năm không hư hỏng.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể dục Thể thao huyện Hải Lăng Nguyễn Hùng Mạnh cho hay, việc làm thuyền đua của mỗi làng thường rất kỹ càng từ khâu chọn tre, chọn thợ, cân đối trọng lượng... Giữ truyền thống từ bao đời, khi làm xong thuyền, các đội đua đều tổ chức lễ “thượng sơn, hạ thủy” một cách trang trọng tại các ngôi đình và miếu thờ trong làng.

Những năm gần đây, đua thuyền được lựa chọn để làm phần hội trọng tâm trong lễ kỷ niệm ngày giải phóng huyện Hải Lăng 19/3 hằng năm tại hồ Nước Chè, thị trấn Diên Sanh. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003, đến nay, Hội đua thuyền truyền thống huyện Hải Lăng đã tạo dựng được thương hiệu về tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, quy mô; để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các vận động viên, người dân và du khách.

Tạo sự đổi mới, tăng tính hấp dẫn

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chịu ảnh hưởng từ chiến tranh, COVID-19, nhưng những lễ hội truyền thống vẫn luôn được cán bộ và Nhân dân huyện Hải Lăng nỗ lực gìn giữ, hơn thế, còn luôn chủ động tạo nét mới lạ, hấp dẫn để thu hút ngày càng đông lượt du khách đến tham quan, khám phá.

Điểm du lịch cộng đồng sinh thái Trà Lộc thuộc thôn Trà Lộc, xã Hải Hưng, nơi tổ chức lễ hội phá trằm Trà Lộc có diện tích theo quy hoạch 100 ha, trong đó diện tích mặt nước 10 ha. Nơi đây bảo tồn được nhiều gen thực vật thuộc hệ sinh thái thảm thực vật vùng cát rất quý với nhiều cây lấy gỗ lâu năm; bao quanh hồ nước là những cụm rừng với bạt ngàn cây lớn nhỏ, lớp lớp cây xanh làm nên chiếc ô khổng lồ che khuất ánh nắng mặt trời để người dân dạo chơi.

Hệ sinh thái đa dạng phong phú, vẻ nguyên sơ, mộc mạc là cơ sở để trằm Trà Lộc luôn hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Ở đây còn có di tích Tháp Chăm Trà Lộc, chùa làng Trà Lộc được công nhận di tích cấp tỉnh và làng nghề truyền thống nón lá Trà Lộc có từ lâu đời, được gìn giữ đến hôm nay. Hằng năm thu hút khoảng 70.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trong đó, tham gia lễ hội phá trằm ước khoảng 5.000 người. Đó là những yếu tố quan trọng để thôn Trà Lộc đưa ra nhiều giải pháp mới nhằm nâng tầm lễ hội phá trằm.

Anh Lê Quang Diệu, Trưởng thôn Trà Lộc cho biết, bên cạnh duy trì nét đẹp truyền thống độc đáo, thôn đang nghiên cứu để tổ chức thêm nhiều hoạt động hấp dẫn hơn trong lễ hội phá trằm như kéo dài thời gian ngày hội; tổ chức thêm một đêm giao lưu văn hóa - văn nghệ để người dân và du khách gần xa cảm nhận sâu sắc hơn về làng văn hóa Trà Lộc; đồng thời có thêm thời gian sẵn sàng cho ngày hôm sau hòa mình vào không gian lễ hội.

Để tạo bầu không khí sôi nổi của việc “phá trằm” và thu hút thêm nhiều người tham gia, thôn đang tính toán đưa ra nhiều giải thưởng cho người bắt được cá có trọng lượng lớn nhất, trong thời gian ngắn nhất. Các giải thưởng sẽ được liên tục thông báo trên loa để cổ vũ tinh thần những người đang xuống trằm đánh bắt cá hăng hái thi đua hơn trong ngày hội.

Bên cạnh đó, tổ chức trưng bày các hình ảnh hoạt động lễ hội, bố trí các gian hàng bán quà lưu niệm, sản phẩm của địa phương; không gian check-in và chụp hình... Thôn cũng sẽ đề xuất lên huyện, tỉnh hỗ trợ thả cá giống các loại gồm: mè, trắm, trê, chép... để bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản; tăng cường tuyên truyền về lễ hội và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch cho địa phương; nỗ lực tạo thêm điểm nhấn mới để lễ hội phá trằm Trà Lộc trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế.

Xây dựng huyện Hải Lăng thành điểm đến lý tưởng thông qua các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống. Bài 2: Nỗ lực phát huy và nâng tầm giá trị văn hóa của lễ hội

Hội vật thôn Trung An, xã Hải Khê luôn hấp dẫn, thu hút nhiều người dân, du khách tham gia thi đấu và cổ vũ - Ảnh: M.Đ

Được dày công gìn giữ và phát huy trong hơn 500 năm qua, lễ hội cầu ngư và hội vật truyền thống luôn là niềm tự hào của cán bộ, Nhân dân thôn Trung An, xã Hải Khê. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Khê Trương Xuân Tính, lễ hội cầu ngư và hội vật truyền thống là lễ hội truyền thống đặc sắc của địa phương được tổ chức thường niên vào ngày 15 tháng Giêng. Để tăng tính hấp dẫn cho lễ hội, địa phương đã có một số điều chỉnh trong phần hội vật.

Cụ thể như: mở rộng đối tượng tham gia, cho phép cả người trong làng và những tỉnh, thành phố khác tham gia; không phân biệt lứa tuổi, hạng cân, chỉ cần có khả năng đều có thể tranh tài; áp dụng luật thi đấu của quốc gia.

Trước đây, người nào vật thắng tất cả các trận thì mới được giải, nhưng hiện nay đã đưa ra quy định mới là đô vật nào thắng liên tục 4 trận sẽ giành chiến thắng để thu hút người dân vào hội. Nếu có nhiều đô vật thi đấu, sẽ tổ chức thi đấu nhiều vòng đấu loại trực tiếp cho đến trận chung kết và tiến hành trao giải ngay cho những người đoạt thành tích cao.

Quyết tâm khắc phục khó khăn, nâng tầm lễ hội

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Cáp Xuân Tá cho biết, thời gian gần đây, trong xây dựng huyện nông thôn mới, huyện Hải Lăng thể hiện các nội dung về phục hồi, duy trì và phát triển các lễ hội ở địa phương vào trong các tiêu chí về xây dựng đời sống văn hóa của huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; đã tập trung thực hiện tốt tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn giá trị truyền thống trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, trong kế hoạch hằng năm, huyện đã chỉ đạo mỗi địa phương có lễ hội truyền thống duy trì việc tổ chức thường niên gắn với bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Qua thực tế, nhiều địa phương đã làm rất tốt nội dung này, điển hình như các xã Hải Chánh, Hải Sơn, Hải Trường, Hải Định, Hải Bình... Cách làm chủ yếu là huy động xã hội hóa, tạo nên một phong trào văn hóa, thể thao quần chúng lan tỏa trong cán bộ, Nhân dân cũng như con em đi làm việc xa quê cùng hướng về các giá trị truyền thống bằng những hỗ trợ thiết thực cho địa phương.

Các lễ hội truyền thống ở huyện Hải Lăng có nhiều nét độc đáo, riêng biệt mà ít địa phương nào có được, trong đó, có những lễ hội đã tạo thành thương hiệu. Huyện Hải Lăng đang nỗ lực để phát triển các lễ hội này lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể như hầu hết các lễ hội truyền thống chỉ diễn ra mỗi năm một lần, quy mô tổ chức gói gọn ở mỗi địa phương, làng quê, thời gian diễn ra trong một ngày.

Vì thế không thể đầu tư lâu dài cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đi kèm theo tại những điểm tổ chức lễ hội. Đua thuyền trên nước bạc được các địa phương tổ chức thường niên, nhưng cũng chưa thể ấn định ngày giờ cụ thể vì phụ thuộc vào lượng nước mùa lụt có đáp ứng yêu cầu tổ chức giải hay không.

Tuy nhiên huyện vẫn tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ bằng nhiều cách để các thôn, làng duy trì giải đua thuyền truyền thống này nhằm giữ gìn truyền thống và quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt. Đối với lễ hội đua thuyền truyền thống cấp huyện, tiếp tục chỉ đạo phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giải.

Huyện Hải Lăng cũng đang định hướng nghiên cứu và sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan phát triển lễ hội kiệu La Vang, lễ hội phá trằm Trà Lộc và các lễ hội văn hóa truyền thống để tạo nên nét đặc riêng; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch; cùng với đó là xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, thu hút du khách đến tham quan.

“Quan điểm của huyện Hải Lăng đó là duy trì bền vững và phát huy các lễ hội truyền thống, trở thành những điểm đến lý tưởng cho du khách trong nước, quốc tế. Đồng thời tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tích cực, có tính chiến lược mà huyện đã đề ra để từng bước hiện thực hóa quyết tâm nâng tầm quy mô và tính chuyên nghiệp trong tổ chức các lễ hội truyền thống, tạo ấn tượng đẹp trong lòng mỗi du khách. Khi các lễ hội đã tạo dựng được “thương hiệu”, hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết, huyện sẽ trình lên cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận đạt cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Huyện tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương duy trì tốt công tác bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống, đồng thời cũng mong muốn cấp trên quan tâm hỗ trợ thêm để các địa phương, nhất là các làng duy trì được nét đẹp văn hóa lễ hội truyền thống đã có từ hàng trăm năm qua tiếp tục phát huy giá trị trong dòng chảy bất tận của thời gian”, ông Cáp Xuân Tá nói.

Nguyễn Minh Đức

Tin liên quan:
  • Xây dựng huyện Hải Lăng thành điểm đến lý tưởng thông qua các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống. Bài 2: Nỗ lực phát huy và nâng tầm giá trị văn hóa của lễ hội
    Xây dựng huyện Hải Lăng thành điểm đến lý tưởng thông qua các lễ hội văn hóa, ...

    Hải Lăng là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều lễ hội độc đáo, ấn tượng được gìn giữ, phát huy từ hàng trăm năm trước đến ngày nay. Các lễ hội truyền thống nơi đây không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc, giá trị lịch sử, văn hoá mà còn thể hiện nếp sống riêng có của người dân, là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa thắm đượm tình đoàn kết cộng đồng. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống được tổ chức thường niên đã tạo nên bức tranh lễ hội đa sắc màu; trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, đồng thời là điểm nhấn thu hút du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, lưu giữ những kỷ niệm đẹp trên miền đồng sâu, cát trắng Hải Lăng.


Nguyễn Minh Đức

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long