Cập nhật:  GMT+7

Vươn lên từ miền cát quê hương

Nhiều vùng đất bời bời cát trắng từng được mệnh danh là “miền đất chết” ở huyện Hải Lăng nay đã biến thành những vùng trồng hoa màu xanh mướt mắt. Bằng quyết tâm chinh phục, khát vọng vươn lên cùng sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, ngành nông nghiệp, người dân địa phương đã tạo được sinh kế bền vững trên vùng đất khó của quê hương.

Vươn lên từ miền cát quê hương

Người dân thôn Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng vừa xuống giống trồng mướp đắng trái vụ - Ảnh: Đ.V

Chinh phục “miền đất chết”

Mỗi khi nhắc về Hải Lăng, nhiều người thường chỉ biết đó là vùng đất bạt ngàn cát trắng với tổng diện tích lên tới 7.000 ha. Nơi đây còn là miền đất của nắng cháy và những cơn gió Lào rát bỏng. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy nên nạn “cát bay, cát nhảy, cát chảy, cát lấp” một thời hoành hành xâm lấn biết bao đồng ruộng, làng mạc của người dân. Có thể nói rằng, cát từng là nỗi ám ảnh của phần lớn người dân vùng cát và vùng ven biển, vốn chiếm gần 1/2 tổng dân số và diện tích toàn huyện.

Sau nhiều năm đau đáu với sự khó nhọc người dân, từ năm 1993, ông Hoàng Phước, Giám đốc Sở Thủy lợi tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ mới có điều kiện bắt tay nghiên cứu cải tạo môi sinh, môi trường vùng cát trên địa bàn huyện Hải Lăng và Triệu Phong. Bằng sự kiên trì, nhẫn nại và nhiều năm lăn lộn thực tế, gắn bó và ăn ở với bà con vùng cát để thực hiện những biện pháp nông - lâm - thủy lợi kết hợp, ông Phước đã cải tạo thành công vùng cát.

Nhờ đó, nạn “cát bay, cát nhảy, cát chảy, cát lấp” nhức nhối bao đời được chế ngự gần như hoàn toàn. Cho đến năm 1997, trên hơn 5.000 ha đất vùng cát ven biển huyện Hải Lăng và Triệu Phong đã có hàng trăm héc ta rừng phi lao, tràm hoa vàng bén rễ và vươn lên xanh tốt. Khi đất dần hồi sinh, chính quyền các địa phương tổ chức di giãn dân ra vùng cát xây dựng các làng sinh thái.

Đã có khoảng 600 hộ dân thuộc 2 huyện Hải Lăng, Triệu Phong sinh sống bền vững và vươn lên phát triển kinh tế , nỗ lực làm giàu ở vùng cát từ đó. Không chỉ nhận được sự trân trọng biết ơn của người dân vùng cát, ông Hoàng Phước đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ về đề tài cải tạo vùng cát.

Vươn lên từ miền cát quê hương

Bà Nguyễn Thị Điểu, thôn Thống Nhất, xã Hải Bình, huyện Hải Lăng thu hoạch ném cây để bán cho thương lái - Ảnh: ĐV

Từ thành công cải tạo vùng cát ở Hải Lăng, Triệu Phong của Quảng Trị, nhiều tỉnh như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế cũng đã học theo mô hình của ông Phước và chinh phục được nhiều vùng cát hoang để di dân lập làng để sinh sống, làm ăn ổn định. Ngoài công lao lớn của Tiến sĩ Hoàng Phước, thường được người dân ví là “người khai canh” của những làng sinh thái vùng cát cùng sự chịu thương, chịu khó của người dân thì sự quyết tâm của tỉnh, huyện được cụ thể hóa bằng những chính sách phát triển kinh tế vùng cát đã góp phần giúp “miền đất chết” từng bước hồi sinh.

Năm 2007, Huyện ủy Hải Lăng ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng cát. Tiếp đó, các địa phương đã bắt tay thực hiện các cuộc di, giãn dân ra vùng cát để hình thành các khu dân cư mới.

Đồng thời triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất, điện lưới, hệ thống kênh mương thủy lợi, đê bao chống ngập, tiêu úng cho vùng cát. Song song đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình xen canh nông - lâm kết hợp cùng với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trên vùng cát những năm sau này...

Nhờ vậy, từ những vùng đất cát khô cằn đến nhức mắt trong nắng hè đổ lửa hay ngập úng triền miên trong mùa mưa, miền cát trắng Hải Lăng giờ đây đã phủ một màu xanh đầy hy vọng của rừng trên cát, của những vườn hoa màu đủ loại xanh tốt quanh năm. Đến bây giờ, toàn huyện Hải Lăng đã có 10.000 ha kinh tế vùng cát, có những loại cây trồng đạt giá trị thu nhập cao như cây ném (140 - 150 triệu đồng/ha), mướp đắng đạt 110 - 120 triệu đồng/ha.

Quả ngọt từ đất cằn khô

Những ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025, tôi cùng Giám đốc HTX Đông Dương, xã Hải Dương Phan Văn Quang tham quan vùng sản xuất của đơn vị. Gần 10 năm chưa trở lại vùng đất này, tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất cát trắng nơi đây.

Những vùng sản xuất tập trung của người dân thôn Đông Dương được quy hoạch quy củ, được chia ô thửa khoa học, có hệ thống mương tiêu úng, đường giao thông (dù còn là mương đất, đường đất đỏ). Những vườn ném, mướp đắng liền vùng liền thửa nối nhau xanh mướt cả vùng quê cát khó nhọc năm xưa. Ghé thăm mảnh vườn của ông Lê Văn Tân (60 tuổi), thôn Đông Dương khi vợ chồng ông đang tỉ mẩn vun đất mấy luống cây môn vừa tranh thủ tỉa hái lá ném.

Từ sau ngày đất nước thống nhất, khi còn tuổi niên thiếu, ông Tân đã cùng bố mẹ lên vùng cát cải tạo đất trồng khoai, sắn để đắp đổi cái ăn qua ngày. “Hồi đó cơ cực lắm, cả một vùng này cát trắng bời bời. Mùa hè nạn cát bay, cát lấp thường xuyên vùi lấp cây trồng. Có khi cây khoai, cây sắn mới trồng xong ngày mai lên đã bị cát lấp trắng xóa không thấy dấu vết.

Lại có khi sắp thu hoạch thì cát lấp lên tới cả mét, đào mãi mới lấy được củ. Nay thì nương vườn vùng cát đã được cải tạo liền vùng liền thửa, có mương máng, đường giao thông khá hoàn thiện và có rừng trồng, rừng tự nhiên bao quanh che chắn nên sản xuất bền vững, yên tâm hơn hẳn”, ông Tân bộc bạch.

Vươn lên từ miền cát quê hương

Trồng dưa hấu trên vùng cát thôn Kim Long, xã Hải Bình, huyện Hải Lăng -Ảnh: Đ.V

Vợ chồng ông Tân hiện canh tác 3 sào đất vùng cát, chủ yếu trồng cây ném và mướp đắng và xen canh thêm đậu lạc, đậu đỏ. “Từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch tôi trồng mướp đắng, mướp quả có giá bình quân 10.000 - 15.000 đồng/kg. Từ tháng 7 qua tháng Giêng, tôi trồng ném vừa tỉa bán cây vừa chừa lại bán củ và để giống.

Giá ném củ từ 52.000 - 55.000 đồng/kg, ném cây đầu vụ khoảng 30.000 đồng/kg, bình thường thì trên dưới 10.000 đồng/kg. Hai vợ chồng cần cù quanh năm với mấy sào đất vùng cát với làm ruộng cũng sống khá thoải mái”, ông Tân nói thêm. Xã Hải Dương cũng là địa phương đầu tiên của vùng cát Hải Lăng tập trung phát triển 2 loại cây trồng chủ lực là ném và mướp đắng với tổng diện tích khoảng 100 ha. Trong đó, theo chia sẻ của cán bộ và người dân địa phương thì cây ném của vùng cát xã Hải Dương được nhiều khách hàng đánh giá là ngon nhất cả nước. Hiện xã đang tập trung để phát triển thành sản phẩm OCOP, xây dựng chuỗi liên kết, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm đưa ném Hải Dương vươn xa đến nhiều tỉnh, thành phố lớn trong nước và tính toán đến chuyện xuất khẩu trong tương lai.

Bên cạnh những hiệu quả về sản xuất, ông Phan Văn Quang cũng bày tỏ trăn trở: “Hiện nay sản xuất ở vùng cát Đông Dương phát triển mạnh, bà con canh tác theo hướng tự nhiên khá hiệu quả. Tuy nhiên, hệ thống giao thông nội vùng sản xuất, mương tiêu úng từ năm 2012 đến nay vẫn chưa được đầu tư bê tông hóa kiên cố nên rất khó khăn cho quá trình vận chuyển phân bón, giống cũng như vào mùa thu hoạch. HTX đã nhiều năm kiến nghị các cấp, ngành nhưng vẫn chưa được quan tâm đầu tư. Mong rằng, nhà nước sớm quan tâm những kiến nghị rất bức thiết này để giúp bà con yên tâm canh tác hiệu quả, bền vững hơn”.

Ông Lê Anh Quốc, cán bộ phụ trách lĩnh vực trồng trọt thuộc Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng thông tin: Những năm qua, huyện đã triển khai nhiều mô hình luân canh cây trồng; các mô hình nông - lâm kết hợp; mô hình sản xuất lạc, ném, mướp đắng thâm canh tập trung trên vùng cát. Nhiều cây trồng được đánh giá có hiệu quả trên vùng cát như: dưa quả các loại, cây ném, mướp đắng... đã được đầu tư phát triển. Huyện đã và đang tích cực chỉ đạo các xã vận động người dân vùng cát tăng diện tích trồng ném, mướp đắng kèm theo nhiều chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, mở các lớp tập huấn trồng trọt. Đến nay, toàn huyện phát triển được 192 ha ném, 16 ha mướp đắng, chủ yếu tập trung ở các xã: Hải Dương, Hải Bình, Hải Định.

Cách đó vài cây số, vùng sản xuất tập trung trên cát thôn Thống Nhất, (xã Hải Ba cũ, nay là xã Hải Bình) thời điểm giáp Tết cũng nhộn nhịp người dân chăm sóc cây ném. Thời điểm này, vào khoảng 4 - 5 giờ sáng bà con đã rọi đèn thu hoạch ném lá giúp giữ tươi cây để bán cho thương lái đến thu mua sớm. Có gần 2 sào đất tại đây, hàng chục năm qua bà Nguyễn Thị Điểu (59 tuổi) tần tảo sớm hôm bám đất để trồng ném rồi xen canh các loại đỗ đậu, cây gia vị làm kế sinh nhai. “Dù diện tích ít nhưng quanh năm hầu như không cho đất nghỉ.

Cũng nhờ canh tác ở vùng cát và làm thêm ruộng, vợ chồng tôi đã nuôi 2 con ăn học đàng hoàng, ra trường có công việc, thu nhập ổn định”, bà Điểu vui vẻ nói. Nhiều dịp công tác ở Hải Lăng, tôi rất ấn tượng về “nông dân vùng cát” Võ Viết Tiến, năm nay 70 tuổi - người đã có 25 năm gắn bó với vùng Rú Bạc ở thôn Phương Hải, xã Hải Bình.

Trên diện tích 5 ha đất hoang hóa bằng phẳng nơi này, ông khai hoang, cải tạo trong nhiều năm bằng những biện pháp hữu hiệu như trồng keo lai xung quanh làm vành đai chắn gió cát, rồi đào đắp hệ thống mương thoát nước tiêu úng, chia từng ô bón phân xanh cải tạo để trồng trọt. Khi đất được thuần hóa, ông đưa vào trồng nhiều loại hoa màu như: đậu xanh, sắn cao sản, dưa gang, dưa leo, lạc, khoai lang đỏ, ngô lai và cây chủ lực là dưa hấu trái vụ (11 sào), kết hợp chăn nuôi gia cầm và nuôi cá nước ngọt.

Từ trang trại này, nhiều năm liền gia đình ông có thu nhập bình quân 130 - 140 triệu đồng, trong đó thu nhập từ cây dưa hấu chiếm 50%. Với nhiều vùng đất thuận lợi khác thì thu nhập như ông Tiến là không quá lớn, nhưng để có thu nhập trên trăm triệu đồng ở vùng cát khô cằn thì rất đáng khâm phục. Mới đây thông tin qua điện thoại, ông Tiến cho biết gần đây vì lý do sức khỏe nên ông đã chuyển gần hết diện tích qua trồng keo, tràm và vài năm nữa cũng sẽ có nguồn thu nhập khá cao.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bình Võ Viết Đính cho biết, khu vực thôn Phương Hải và Thống Nhất có khoảng 200 ha canh tác vùng cát với chủ yếu là cây sắn, hoa màu các loại; trong đó có 2 loại cây chủ lực là ném và mướp đắng. Ông Đính cho biết, Hải Bình là địa phương vùng trũng của huyện, thường xuyên bị lũ lụt, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng năng suất thấp lại bấp bênh nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Để giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, từ lâu địa phương đã có các chính sách tập trung khai thác vùng cát, đầu tư cơ sở hạ tầng và khuyến khích, vận động người dân ra vùng cát cải tạo, khai hoang để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, đã có hàng chục hộ ra vùng cát canh tác hoa màu, có thu nhập khá ổn định.

“Sản xuất ở vùng cát đã giúp bà con có thêm nguồn thu nhập ổn định ngoài làm ruộng và các nghề phụ khác. Với sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, hiện nay người dân đang tập trung canh tác theo hướng tự nhiên, sản xuất hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản để vươn xa trên thị trường, tăng thu nhập”, ông Đính bày tỏ.

Ngoài Hải Dương, Hải Bình thì bây giờ có dịp đi qua những vùng đất gió cát một thời hoành hành như Hải An, Hải Khê, Hải Định... nhiều người không khỏi thán phục khi chứng kiến nhiều mô hình trồng trọt đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Như hoa xương rồng trên cát, nhiều vùng cát ở huyện Hải Lăng giờ đây đã thật sự trở thành những “ốc đảo xanh” đầy sức sống và là nguồn thu nhập, là sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Đức Việt


Đức Việt

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tập trung xuống giống lúa vụ đông xuân

Tập trung xuống giống lúa vụ đông xuân
2025-01-08 05:25:00

QTO - Vụ đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm, giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Thời điểm này, ngành nông nghiệp,...

Chuyện về cây lúa ở Hải Lăng

Chuyện về cây lúa ở Hải Lăng
2025-01-07 05:25:00

QTO - Đến bây giờ, đồng ruộng Hải Lăng đã trở thành vựa lúa của tỉnh. Nông dân Hải Lăng nơi vùng đồng nổi danh là người làm ruộng với kỹ năng thâm canh cao...

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long