{title}
{publish}
{head}
Thời điểm này, nhiều tỉnh duyên hải miền Trung đang long trọng tổ chức kỷ niệm 35 năm lập lại tỉnh: 1989-2024! Từ Khánh Hòa ra đến Quảng Bình là những tỉnh được lập lại vào thời gian này của 35 năm trước. Sự kiện lập lại tỉnh đã tác động tích cực đến sự phát triển của nhiều tỉnh, thành phố về sau. Tuy nhiên, người đã có công lớn đưa ra nghị trường Quốc hội câu chuyện “lập lại tỉnh” sau mấy chục năm hẳn có người chưa biết. Nhắc lại những gì mà ông đã làm cho dân suốt cả đời mình không chỉ để hiểu hơn tấm lòng của vị đại biểu Quốc hội mà còn là sự gửi gắm đến những đại biểu của dân hôm nay như một ký thác tin yêu, ông là Lê Văn Hoan - nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.
Nhờ lập lại tỉnh, nhiều đô thị tỉnh lỵ ở các địa phương đã trở thành những thành phố phát triển năng động, ngày càng khang trang, hiện đại. (Trong ảnh là một góc TP. Đông Hà) - Ảnh: L.Đ.D
Câu chuyện chia tỉnh và “vài trăm cây số đi mất cả tuần”
35 năm, một chặng đường không phải là ngắn. Sau công cuộc chia tách để khá nhiều tỉnh, thành phố về lại địa giới hành chính cũ vào năm 1989 và những năm sau đó... thông thường vào những năm kỷ niệm lập lại như dịp 5 năm, 10 năm, 20 năm luôn là những cột mốc thời gian đầy ý nghĩa. Mỗi địa phương khi nhìn lại hành trình ấy không thể không nhận thấy trở lại địa giới cũ đã khiến cho việc phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn lên, những đô thị tỉnh lỵ, huyện lỵ có bước khởi sắc đáng ghi nhận...
Và một trong những đại biểu Quốc hội có công lớn trong việc đề nghị chia tách các tỉnh lớn trở về địa giới cũ chính là vị đại biểu Quốc hội quê Quảng Trị - ông Lê Văn Hoan, thời điểm 1989 ông là đại biểu Quốc hội của tỉnh Bình Trị Thiên. Không chỉ là những đóng góp lớn lao của ông với vai trò đại biểu Quốc hội, uy tín và tấm lòng của người cộng sản kiên trung ấy đã tận tụy dâng hiến hết đời mình cho Nhân dân trên miền đất gian khó.
Chuyện “đổi mới” với tầm nhìn xa của ông Lê Văn Hoan được nhắc nhiều nhất là gần 35 năm trước, thời điểm 1988-1989 , khi ông là Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Trị Thiên đã nhận thấy tình cảnh một tỉnh mà dài đến gần 400 cây số. Một cán bộ chủ chốt cấp huyện ở Minh Hóa (nay thuộc tỉnh Quảng Bình) về đến Huế (tỉnh lỵ của tỉnh Bình Trị Thiên hồi ấy) phải mất mấy ngày đường cả đi lẫn về, chưa kể bao nhiêu hệ lụy khác.
Nhớ về thời kỳ thập niên 80 của thế kỷ XX ấy, ông nhớ đến tâm tư chung của nhiều đại biểu: “Những lần ra Hà Nội họp Quốc hội, các đại biểu thường nói chuyện hành lang hay vỉa hè về tình hình hoạt động ở tỉnh mình. Điều kiện cầu đường hồi ấy quá tụt hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực. Xe cộ thì thiếu, lại khan hiếm xăng dầu. Mỗi lần đi đâu đó vài trăm cây số là mất vài ngày đến cả tuần.
Tỉnh nào cũng phàn nàn “tỉnh dài, huyện rộng, xã to”. Đại biểu nào cũng muốn tỉnh mình trở về như trước đây chưa sáp nhập. Suy nghĩ là vậy nhưng không mấy đại biểu nói ra một cách thẳng thắn với cấp trên có trách nhiệm”.
Ông cũng chia sẻ chính từ hoạt động đại biểu Quốc hội của mình, từ Huế, mỗi lần đi tiếp xúc cử tri các huyện cực Bắc của tỉnh Bình Trị Thiên như Minh Hóa, Tuyên Hóa, xe ra đó, chờ qua được phà Quán Hàu, phà Gianh...có khi nằm đường hằng đêm. Địa giới rộng, phương tiện giao thông khó khăn, hạ tầng đường sá còn lạc hậu, xăng dầu khan hiếm,... những yếu tố khách quan ấy khiến đại biểu muốn gần dân cũng khó. Mà không gần dân làm sao nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của dân gửi gắm cho Quốc hội?
Ông Lê Văn Hoan đem tâm tư ấy trao đổi với các đại biểu khác trong đoàn, ai cũng tán thành đề nghị chia lại tỉnh như ban đầu nên thảo công văn. Nhưng rồi chẳng ai dám ký cùng ông. Trong tư liệu ông Hoan cho tôi chụp lại có lá thư đánh máy trên giấy pơ-luya kính gửi Chủ tịch Quốc hội đề ngày 27/3/1989 đề nghị đưa vấn đề chia lại địa giới hành chính tỉnh ra thảo luận, đề nghị Chủ tịch Quốc hội kiến nghị với Bộ Chính trị, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng bàn bạc và quyết định mô hình hành chính trong cả nước.
Sức thuyết phục của một người luôn lắng nghe dân...
Chuyện ấy bây giờ là bình thường, nhưng mấy chục năm trước dám kiến nghị với cấp trên như thế đâu dễ dàng gì. Lá thư ông thảo ra, nhiều đại biểu trong đoàn Bình Trị Thiên không dám ký tên. Ông chuyển lá thư cho Đài Phát thanh tỉnh và báo Đảng tỉnh, đài phát xong thì ban giám đốc đài bị kiểm điểm, còn bài báo lên khuôn thì bị gỡ ra... Thế nhưng đề xuất của ông đã kịp ...bung ra giữa nghị trường Quốc hội và được nhiều đại biểu đồng tình.
Trong thư gửi Chủ tịch Quốc hội khóa VIII Lê Quang Đạo, ông viết rất thẳng thắn, rành mạch và diễn đạt đúng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân tin cậy gửi gắm cho đại biểu của dân, rằng: “Qua tiếp xúc cử tri, tiếp nhận ý kiến của các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ hưu trí, trí thức và cán bộ đang công tác, hầu hết những người được tiếp xúc đều có ý kiến đề nghị trung ương xem xét lại chủ trương nhập tỉnh, nhập huyện với quy mô lớn vừa qua đã thích hợp chưa?
Nếu xét không thích hợp thì nên chủ động giải quyết sớm ngày nào thì đỡ bớt khó khăn tổn thất ngày đó... Ở Bình Trị Thiên một số cuộc họp HĐND, các tổ chức quần chúng và đại hội Đảng bộ thành phố Huế, huyện Lệ Ninh... đã có ý kiến đề cập đến và có một số nơi kiến nghị xin chia tỉnh”.
Cho dù cách đặt vấn đề của ông xuất phát từ nguyện vọng của dân và có căn cứ khoa học, cụ thể, nhưng thời điểm ấy ông cũng bị nói ra nói vào. Và chính ông bày tỏ rất chân thật: “Nếu cần nên tổ chức thăm dò dư luận quần chúng hoặc đưa ra bàn trong các cuộc họp HĐND và các cấp ủy đảng.
Theo ý kiến của cá nhân tôi, công tác tổ chức nói chung, tổ chức đơn vị hành chính nói riêng là một môn khoa học. Tổ chức đơn vị hành chính phải căn cứ vào các yếu tố: địa dư, dân cư, truyền thống văn hóa, tập quán, điều kiện phát triển kinh tế, phương tiện bảo đảm cho chỉ huy, chỉ đạo quản lý, nhất là yếu tố quan hệ sản xuất, phù hợp sức sản xuất và trình độ quản lý.”
Hơn 30 năm, đọc lại lá thư ông gửi Chủ tịch Quốc hội vào tháng 3 năm 1989 ấy càng khâm phục bản lĩnh của ông, mà nếu không vì dân, vì lợi ích Nhân dân chắc gì ông dám thẳng thắn như thế: “Tôi xin đề nghị đồng chí Chủ tịch Quốc hội kiến nghị với Bộ Chính trị, Hội đồng Nhà nước dành thời gian bàn và quyết định mô hình hành chính trong cả nước, để có kế hoạch tổ chức lại với thái độ chủ động, thận trọng, chu đáo. Nếu Trung ương khẳng định quy mô và mô hình các đơn vị hành chính hiện trạng là thích hợp, cũng cần chứng minh, giải đáp, không nên để tình trạng dân thì bàn luận, kiến nghị mà Nhà nước thì im lặng...”.
Ý kiến của ông Lê Văn Hoan đưa ra đã được Quốc hội bàn bạc và kiến nghị với Trung ương để cuối cùng hàng loạt các tỉnh lớn sáp nhập trước đây được tách về địa giới cũ. Tháng 6/1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết chia tỉnh Bình Trị Thiên thành ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình; chia tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định; chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa mở đầu cho công cuộc lập lại nhiều tỉnh khác sau này vào năm 1991...
Với ông Lê Văn Hoan, cho dù sau khi lập lại tỉnh Quảng Trị, với công lao và năng lực của mình, cấp trên muốn bố trí ông ở cương vị cao hơn, nhưng ông bày tỏ nguyện vọng để ông được tiếp tục công tác ở lĩnh vực mặt trận, để được gần dân hơn và cống hiến được nhiều hơn.
Sau chia tỉnh vào ngày 1/7/1989, ông vẫn tiếp tục là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh và tham gia đại biểu Quốc hội đến hết khóa VIII. Với uy tín của một đại biểu nhân dân và kinh nghiệm tích lũy được, cho dù về hưu, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho dân, cho nước.
Lê Đức Dục
QTO - Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục (TTPBGD) pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên địa bàn biên giới luôn được quan tâm triển khai và...
QTO - Xác định vai trò quan trọng của các mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT)...
QTO - Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết...
QTO - Quy hoạch tỉnh Quảng Trị mang tầm nhìn dài hạn, mở ra hướng đi mới, không gian phát triển mới
QTO - Tỉnh Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp nước...
QTO - Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin!
QTO - Tối ngày 3/7/2024, tại Khu Di tích quốc gia Thành Tân Sở, huyện Cam Lộ trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày đồng khởi Cùa 5/7 (1964 - 2024).
QTO - Ngày 3/7/2024, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Trị đã họp kỳ thứ 36. Đồng chí Hồ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra...
QTO - Thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không ngừng đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền, vận động phù hợp với thực tiễn...
QTO - Thời gian qua, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy và Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, Hội LHPN huyện Triệu Phong hướng mạnh về...
QTO - Gương mẫu, năng nổ, tận tâm là những gì người dân địa phương thường nói về chị Đặng Thị Mỹ Lương (sinh năm 1978), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã...
QTO - Nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, tỉnh tiến hành kiện toàn, sắp xếp lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở các địa phương. Để tổ...