Cập nhật:  GMT+7

Vào đời

Thành có thói quen dậy sớm từ nhiều năm nay. Dù đêm hôm trước thức khuya để làm việc hay “trà dư tửu hậu” với đám bạn thân thì đồng hồ sinh học vẫn đánh thức anh dậy lúc 5 giờ mà không cần đặt chuông báo.

Sáng hôm nay, tiết trời se lạnh kèm theo mưa phùn lớt phớt. Mở nhẹ cánh cửa, Thành hít một hơi thật sâu và thư thả nhìn ngắm mưa rơi tí tách trên tán lá trước vườn nhà. Những mảng ký ức xưa cũ trong tiềm thức đưa Thành trở về 14 năm trước.

***

Là con út trong gia đình nên từ nhỏ, Thành đã được mẹ cưng chiều. Thấy con gầy gò, ốm yếu, mẹ luôn muốn bảo bọc mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, tuổi thơ của Thành chỉ quẩn quanh trong nhà, không dám tự mình đi đâu xa quá vài cây số. Chỉ cần có ai đó hù dọa hay trừng mắt là Thành đã toát mồ hôi, tim đập thình thịch. Các bạn trong lớp vẫn thường trêu Thành ẻo lả, không tự bảo vệ được mình. Bởi, nhiều lần chính các bạn gái trong lớp bảo vệ Thành khỏi những cuộc ẩu đả.

Học xong cấp 3, Thành nộp hồ sơ thi vào một trường đại học tại thành phố hoa phượng đỏ. Ngày nhận giấy báo nhập học, cả nhà vui mừng nhưng cũng âu lo cho đứa con trai hiền như cục đất. Bởi đây là lần đầu tiên Thành xa nhà, mà còn lại đến sinh sống, học tập ở một nơi xưa nay nổi tiếng giang hồ chợ búa. Bố mẹ sốt sắng chuẩn bị thứ này thứ kia, dặn dò Thành ra chốn đô thành phải cẩn thận lời ăn tiếng nói, học xong phải về nhà chứ không được la cà. Trong làng có nhiều người anh lớn tuổi từng học ở Hải Phòng về mang theo những câu chuyện đẫm máu càng khiến người trong nhà Thành bất an. Thành như một chú chim non tập bay trên miệng tổ. Không hề biết cái gì đang đợi mình. Chỉ cần lao về phía trước, cái gì đến rồi sẽ đến!

Vào đời

Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Bố bắt xe khách đưa Thành ra tận nơi để gửi gắm người bà con cho Thành ở nhờ vài hôm trước khi tìm được phòng trọ. Sau 3 ngày liên hệ khắp nơi, Thành đã tìm được phòng trọ với người quen trong làng, học cùng trường. Những ngày đầu bỡ ngỡ, với Thành tất cả đều mới mẻ, lạ lẫm. Từ khí hậu, thức ăn đến môi trường sống và cả phương ngữ.

Một buổi sáng đến trường, đang thơ thẩn ngắm nhìn trời mây lạnh lẽo, Thành vô tình va vào một người đàn ông đi ngược chiều.

- “Đ**t m** mày! Không có mắt à? Mày muốn tao xiên cho một nhát không? Xin lỗi bố mày nhanh lên!”.

Thành hốt hoảng xin lỗi rồi nhanh chóng rời đi trong nỗi khiếp đảm. “Hú hồn hú vía. May chưa bị đánh”, Thành thầm nghĩ.

Buổi tối cuối tuần, Thành rủ thằng bạn cùng quê đạp xe đi siêu thị chơi. Sinh viên nghèo lên phố, mỗi cuối tuần Thành và các anh em trong xóm trọ thường đi siêu thị để ngắm nhìn sự nhộn nhịp của phố xá chứ cũng chẳng mua sắm thứ gì. Trên đường đi, Thành gặp hai người con gái trạc tuổi rất xinh xắn. Đứa bạn không kìm lòng đặng nên buôn vài câu bông đùa.

- “Đ**t c**n m** mày! Dám trêu bố mày à? Đợi đấy, bố mày sẽ cho mày nhừ đòn”. Cô gái rút điện thoại từ trong túi áo khoác ra bấm rồi gọi cho ai đó.

Dự cảm có chuyện chẳng lành, Thành hối thúc bạn nhanh chóng rời đi. Từ sau vụ ấy, Thành cẩn thận hơn với lời ăn tiếng nói và cách hành xử trong môi trường mới. Nơi không như nhà mình, sơ sẩy là có chuyện như chơi.

Khi đã quen dần với đường sá phố phường, Thành đi tìm việc làm thêm để kiếm thu nhập, đỡ đần bố mẹ ở quê. Ngày đầu đi xin việc, Thành vào một xưởng cơ khí khá lớn gần nhà trọ. Đi bộ chừng 15 phút. Thấy chàng trai người Quảng Trị hiền lành chân quê, ông chủ nhà xưởng gật đầu giao việc ngay.

-“Mày đứng đây quay thép cho anh. Đúng rồi, đứng như thế. Quay chậm rãi, cẩn thận nhé. Để tuột tay là thép nó xiên thủng bụng đấy! À, không có áo lao động hử? Mai nhớ thay đồ lao động nhé. Đi làm cơ khí mà ăn mặc sạch sẽ thế kia!”. Thành ngoan ngoãn dạ vâng.

Thuở còn ở quê, những dịp nghỉ hè hoặc đến mùa vụ, Thành cũng phụ giúp bố mẹ cuốc đất trồng rau. Song, đây là lần đầu tiên trong đời, Thành tiếp xúc với máy móc cơ khí. Đụng đâu cũng thấy sắt thép, máy móc hạng nặng nên cứ lóng nga lóng ngóng. Non buổi sáng đứng quay sợi thép thẳng thành những vòng khuyên tròn trịa, hai bàn tay của Thành đã phỏng rộp. Đến tối, Thành vui mừng gọi điện thoại báo với bố mẹ đã xin được công việc làm thêm và kể về ngày làm việc đầu tiên. Ở đầu dây bên kia, mẹ Thành mỉm cười nhưng không kìm được dòng nước mắt. Đứa con trai bé bỏng của bà đã va chạm với đời. Dù đã là thanh niên nhưng trong mắt bà, Thành luôn nhỏ bé như thuở nào.

Thành nhanh chóng thích nghi với môi trường sống mới. Ban ngày một buổi đi học, buổi còn lại làm thêm. Buổi tối tranh thủ tăng ca hoặc lai rai vài ly bia hơi với anh em xóm trọ. Xứ cảng mùa đông ít mưa nhưng lạnh buốt giá thấu xương. Những buổi tinh mơ thức dậy sớm, không có tiền mua nước sôi của bà chủ trọ, Thành đánh rửa mặt, đánh răng dưới vòi nước máy lạnh như đá. Xong đâu đấy, khoác vội vài cái áo bảo hộ lao động mỏng manh, Thành bước ra phía đường lớn, cuốc bộ đến xưởng cơ khí khi ánh đèn đường vàng vọt còn mờ tỏ. Khoảnh khắc ấy đã khắc sâu vào trí nhớ chàng trai đa cảm.

Công việc tại xưởng cơ khí nặng nhọc và môi trường độc hại. Thành thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất, axit, khí độc. Có hôm phải đứng cả buổi trong bể axit để làm vệ sinh, Thành nôn thốc nôn tháo, mặt tái mét. Nhiều hôm, cầm máy mài, máy cắt thép công suất lớn, đến tối về đến phòng trọ mà tay chân Thành vẫn còn run rẩy. Song, Thành vẫn cố gắng bám trụ vì mức thu nhập tương đối khá.

Điều quan trọng là dần dà, Hải Phòng trong mắt Thành ngày càng trở nên gần gũi hơn. Ấn tượng ban đầu về một đất cảng nhiều tệ nạn, đụng đâu cũng thấy giang hồ dần nhạt phai. Bởi Thành thấy con người nơi đây nếu đã chơi với ai thì rất nghĩa tình, hào sảng. Ở lớp, Thành có người bạn thân tên Nam, gốc Hải Phòng. Sáng nào Nam cũng đến đón Thành đi học bằng chiếc xe máy xịn. Tay lái lụa, Nam luồn lách qua các con ngõ nhỏ hẹp để đưa Thành khám phá đất cảng. Những đêm đông buốt giá, 2 đứa rủ nhau lượn phố cho khuây khỏa rồi tấp vào quán nhỏ ven đường gọi chai rượu đế.

Làm ở xưởng cơ khí hơn 1 tháng, Thành quen thân 2 người anh học cùng trường. Mở miệng là chửi tục, rít thuốc lào phè phè, uống rượu thay cơm nhưng 2 gã đàn ông xứ cảng lại rất thương đứa em miền Trung trọ trẹ. Những lúc rỗi rãi, họ hướng dẫn Thành cách hàn sắt thép, inox mặc dù Thành mới là thợ phụ. Với những công việc mới, các anh cũng tận tình chỉ bảo, giúp đỡ mà không nề hà. Sau này, mặc dù cách trở về mặt địa lý, ít gặp gỡ nhưng Thành vẫn giữ mối quan hệ thâm tình với các anh.

Tuy vậy, nhận thấy ngành đang học không phù hợp với mình nên nhân dịp nghỉ cuối kỳ và cũng là nghỉ Tết Nguyên đán, Thành gói gém hành lý bắt xe về quê. Bỏ lại thành phố hoa lệ phía sau lưng, không hẹn ngày trở lại. Quãng thời gian đón tết Nguyên đán, Thành đã kịp vạch ra kế hoạch mới cho mình. Ôn thi lại! Hẳn nhiên là vậy rồi. Và lần này, Thành quyết định thi vào một ngành thuộc khối xã hội.

***

Thành đã là người đàn ông trưởng thành với công việc nhà nước và gia đình nhỏ hạnh phúc. Mỗi khi có dịp hội ngộ với anh em, bạn bè từng học nơi đất cảng, Thành lại xúc động nhớ về những ngày xưa thân ái.

- “So với bạn bè đồng trang lứa, chú vào đời muộn nhưng lại tiếp thu nhanh. Chú quyết định bỏ học để thi lại là đúng đắn đấy. Sau ngày chú đi, nhiều anh em cũng bỏ học để theo ngành khác. Nhưng mỗi khi có dịp, chúng ta lại ngồi với nhau để hàn huyên. Thế là quý rồi!”. Một người anh vỗ vai Thành tâm sự.

Thành mỉm cười. Trong hơi gió lạnh se sắt, khô hanh chớm đông, những mảng ký ức xưa cũ lại rạo rực trong lòng ngực.

Trung Linh


Trung Linh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Cánh đồng chiều của mẹ

Cánh đồng chiều của mẹ
2024-08-08 07:50:00

QTO - Tôi mới về quê ngoại trưa nay. Tháng Năm, mới chỉ hơn mười giờ đã thấy nắng chang chang bỏng rát. Lại thêm ngọn gió Lào hầm hập nên cái nắng nóng...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long