Cập nhật:  GMT+7

Tự nguyện

Tôi định tìm một đầu đề khác đặt cho bài viết về ca khúc Tự nguyện của cố nhạc sĩ Trương Quốc Khánh. Nhưng, sau những đắn đo và trước mấy cái tít đã viết lên giấy, cuối cùng tôi chọn tên ca khúc đặt cho bài viết của mình. Và, tôi nghĩ, có lẽ không có cái tên nào hợp với bài viết của mình hơn Tự nguyện.

Tự nguyện là tiếng ca lý tưởng trong sáng, đẹp đẽ của một thế hệ trẻ, của lớp lớp thanh xuân Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và bè lũ bán nước hôm qua; trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước hôm nay, Tự nguyện vẫn nồng say sự hiến dâng cao cả. Ca từ đẹp như thơ, giai điệu khi tha thiết trầm lắng, lúc vút cao mênh mang, đượm chất trữ tình và anh hùng, Tự nguyện xứng đáng được xếp vào những bài hát hay của cách mạng.

Tự nguyện

Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Ra đời trong phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam vào những năm tháng chống đế quốc Mỹ xâm lược, Tự nguyện vừa là bản tình ca chan chứa khát vọng hòa bình, vừa là bản hùng ca quật khởi của những hy sinh vì độc lập tự do dân tộc. Các anh chị sinh viên thời đó đã yêu mến gọi Trương Quốc Khánh là Nhạc sĩ Bồ câu. Vâng, chim bồ câu, biểu tượng hòa bình tung cánh chấp chới trong ca khúc của anh.

Nếu là chim, tôi sẽ làm loài bồ câu trắng.

Trước hết, đấy là sự tự nguyện hóa thân vào hình ảnh biểu tượng hòa bình. Hòa bình chính là khát vọng lớn nhất, khát vọng vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam. Đất nước trải qua nhiều binh đao giặc giã, chịu bao nhiêu đau thương mất mát không kể xiết; một đời người mà chiến chinh nhiều quá, em níu giường, níu chiếu đợi anh như thơ Hữu Thỉnh viết thì chẳng còn gì quý hơn hòa bình.

Đương nhiên, khát vọng bình yên sẽ không trở thành hiện thực khi mỗi người dân Việt cứ lặng nhìn dấu giày viễn chinh của ngoại bang mà chẳng làm việc gì. Phải đứng lên, phải đấu tranh chống lại kẻ xâm lược, lũ bán nước dưới ánh sáng của chính nghĩa. Tiếp tục dấn thân bằng sự tự nguyện đứng vào đội quân cách mạng, bằng tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, bằng sự hy sinh cho Tổ quốc không toan tính.

Nếu là hoa, tôi sẽ làm một đóa hướng dương

Nếu là mây, tôi sẽ làm một vầng mây ấm

Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương.

Hình ảnh đẹp, gần gũi, gợi nhiều liên tưởng về Đảng, lý tưởng; về cuộc sống, tình người và sau hết, cao hơn tất thảy là sự tự nguyện dâng hiến cho quê hương. Những hình ảnh này thăng hoa cùng các nốt nhạc, dệt nên giai điệu lồng lộng của một thời và vẫn lấp lánh, ấm áp cho đến hôm nay.

Một đóa hướng dương dõi theo vầng sáng mặt trời, một vầng mây ấm trên cao xanh rộng rãi, một tâm thức cống hiến cho cội nguồn vẫn không hề xa lạ với mai sau. Như hồi quang tỏa ra từ ký ức bi tráng, như âm điệu được bảo lưu bền vững từ thông điệp của hôm qua. Tự nguyện, tự nguyện và tự nguyện... nối tiếp nhau thành dòng chảy không đứt đoạn của xưa và nay, của quá khứ và hiện tại, của dĩ vãng và tương lai.

Và đây, sự chuyển động đẹp, rất đẹp của một tâm hồn nghệ sĩ yêu nước, chính xác hơn là của cả một thế hệ yêu nước dậy mà đi, dậy mà đi cùng đồng bào yêu dấu theo dọc dài non sông từ Nam ra Bắc.

Là chim, tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm

Từ Nam ra ngoài Bắc bao tin nối liền

Chúng ta nên nhớ, đây là thời kỳ đất nước bị chia cắt làm đôi ở dòng sông Bến Hải (Quảng Trị) nhưng trong lòng người yêu nước, Bắc Nam vẫn là một, vẫn núi liền núi, sông liền sông thống nhất. Tự nguyện bay cao bằng đôi cánh mềm của hiện thân hòa bình, vượt qua muôn trùng gian lao nguy hiểm nối Nam với Bắc.

“Ngày Bắc đêm Nam” là tình cảnh của không ít người lúc bấy giờ và cánh chim bồ câu trắng tự nguyện làm sứ giả yêu thương xóa đi những chia li ngăn cách vời vợi. Ánh sáng hy vọng được thắp lên từ ngọn lửa trái tim, tạo nên những đường bay kỳ diệu của tuổi trẻ, của dân tộc quyết tâm đánh giặc giành lại non sông.

Tự nguyện mang tình yêu cuộc sống đến với mọi người, đẹp như bông hoa nở giữa bình minh còn mát mẻ sương đêm, hương thơm hòa vào muôn trái tim hướng vọng hòa bình. Cái không gian lãng mạn ấy làm say đắm lòng ta, trong trẻo và yên lành như giấc mơ trong ngực. Giấc mơ mang hai chữ hòa bình!

Là hoa, tôi nở tình yêu ban sáng

Cùng muôn trái tim ngất say hòa bình.

Lại tự nguyện trong đường bay lý tưởng trên đôi cánh anh hùng và lãng mạn. Như vầng mây ấm theo làn gió thời đại bay khắp bầu trời Tổ quốc. Mỗi ngọn núi dòng sông mang khí phách oai hùng ngàn năm, tiếp thêm năng lượng cho thế hệ bây giờ. Dòng chảy lịch sử mênh mang nâng đỡ con thuyền dân tộc nhưng cũng có trong mỗi người cụ thể. Mỗi người con đất Việt tự nguyện dấn thân vào con đường chính nghĩa, đánh đuổi ngoại xâm, dẹp tan lũ bán nước như ông cha ngàn năm. Lòng yêu nước nhân lên lòng yêu nước, khí phách anh hùng nhân lên khí phách anh hùng, không bao giờ vơi cạn như quy luật tồn tại và phát triển của Tổ quốc này. Hãy nghe:

Là mây, theo làn gió tôi bay khắp trời

Nghìn xưa oai hùng đó nên xin tiếp lời

Và, trên con đường cách mạng, tự hào và xúc động làm sao khi đất nước có những người con sẵn sàng hy sinh, tự nguyện hy sinh vì Tổ quốc. Điều đó không còn xa lạ nữa; huyền kỳ thật đấy nhưng nó cũng vô cùng giản dị, gần gũi như con người Việt Nam vừa đánh giặc, vừa làm thơ và ca hát:

Là người, xin một lần khi nằm xuống

Nhìn anh em đứng bên cắm cao ngọn cờ.

Bao nhiêu người đã tự nguyện nằm xuống như thế; cái chết của họ truyền cảm hứng tươi sáng và khí phách lẫm liệt cho đồng chí, cho bạn bè, cho thế hệ cùng thời, cho thế hệ mai sau. Một lần sống và cũng chỉ một lần chết. Sống cũng vì Tổ quốc, chết cũng vì Tổ quốc, thanh thản và an nhiên như chim bồ câu, chung thủy và vững tin như hoa hướng dương, nhẹ nhàng và rong ruổi như vầng mây ấm, bất khuất và thắm thiết như ngọn cờ.

Và, tỏa sáng hơn cả, như một Con Người viết hoa, sống và chết không chỉ cho riêng mình, cho mỗi mình mà luôn hòa nhập, chuyển hóa vào cái cao cả, rộng lớn, đấy là quê hương, Tổ quốc thân yêu. Ngọn cờ không bao giờ gục ngã dẫu lớp lớp người đã nằm xuống như biểu tượng vĩnh hằng của tinh thần yêu nước, của sự bất tử.

Thế hệ thanh niên hôm nay vẫn thường hát Tự nguyện của Trương Quốc Khánh. Không ít người vẫn nhớ tới Nhạc sĩ Bồ câu, một người con của quê hương Đôn Thuận, Trảng Bàng, Tây Ninh. Trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe những năm chống Mỹ, Trương Quốc Khánh đã làm Phó Ban đoàn Văn nghệ sinh viên học sinh Sài Gòn (trưởng ban là nhạc sĩ Tôn Thất Lập). Ông đã giã từ cõi thế vào ngày 23/6/1999 sau khi để lại cho đất nước những ca khúc đẹp, trong đó có bài Tự nguyện vô cùng nổi tiếng. Ca từ và giai điệu Tự nguyện vẫn vang lên:

Nếu là chim, tôi sẽ làm loài bồ câu trắng

Nếu là hoa, tôi sẽ làm một đóa hướng dương

Nếu là mây, tôi sẽ làm một vầng mây ấm

Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương...

Người ta nhớ tới nhạc sĩ Trương Quốc Khánh như nhớ về một thời không quên, như để củng cố niềm tin vào tương lai dân tộc và cũng là để tri ân những người đã nằm xuống vẫn Nhìn anh em đứng lên cắm cao ngọn cờ.

Nguyễn Hữu Quý


Nguyễn Hữu Quý

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Dây cháy chậm

Dây cháy chậm
2024-09-07 05:45:00

QTO - Buổi sáng, khi đang đi công tác ở nơi xa, tôi bỗng nhận được một tin nhắn. Thoạt nhiên, tôi định xóa vì tin được gửi từ số điện thoại lạ, bây giờ tin...

Áo trắng chinh phục đường đua xanh

Áo trắng chinh phục đường đua xanh
2024-09-01 06:57:00

QTO - Sinh năm 2008, Nguyễn Cửu Trung Kiên, học sinh lớp 11 Anh 1, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn sở hữu số huy chương tại các giải bơi gấp hơn ba lần tuổi...

Ba Dượng và dượng Ba

Ba Dượng và dượng Ba
2024-08-31 05:55:00

QTO - Những người trong làng hỏi đùa nó, dượng Ba có khỏe không, hoặc dượng Ba và ba Dượng vẫn thường gặp nhau chứ? Ba Dượng thì rõ rồi, vì ba ruột nó tên...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết