Cập nhật:  GMT+7

Trải nghiệm các di tích lịch sử bằng công nghệ số

Với niềm đam mê môn học lịch sử cùng sự tìm tòi, hỗ trợ tích cực từ các thầy cô giáo, 2 học sinh Trường THPT Cam Lộ (huyện Cam Lộ) đã có ý tưởng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, giáo dục và trải nghiệm sáng tạo lịch sử địa phương bằng việc xây dựng một ứng dụng số về các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Cam Lộ.. Ứng dụng này giúp người dùng truy cập thông qua mã quét QR để tìm hiểu đã tạo ra một công cụ hỗ trợ tích cực cho việc truyền đạt môn Lịch sử trong nhà trường, đồng thời mang lại sự hứng thú và sinh động cho học sinh khi tiếp thu kiến thức từ môn học được cho là khô khan này.

Em Nguyễn Phan Minh Hiển và Hoàng Thảo Quyên (ngồi) giới thiệu ứng dụng cho các bạn cùng trường - Ảnh: L.T

Ấp ủ ý tưởng từ khi bước chân vào ngưỡng cửa THPT, đến năm lớp 12, Nguyễn Phan Minh Hiển mới quyết tâm biến ước mơ của mình trở thành hiện thực. Được sự hỗ trợ tích cực từ các thầy cô giáo trong trường, Minh Hiển cùng cộng sự là bạn Hoàng Thảo Quyên đi tất cả hơn 30 di tích lịch sử văn hóa trong huyện; tìm hiểu đầy đủ về các sự kiện gắn liền với các di tích này nhằm thu thập tư liệu, hình ảnh rồi gặp gỡ các nhân chứng sống để xây dựng dữ liệu tổng hợp cho ứng dụng.

Minh Hiển chia sẻ: “Ngoài việc đi thực tế tại các di tích lịch sử, chúng em phải tìm thêm thông tin về các địa danh liên quan thông qua kho học liệu, mạng internet, sách báo… Khó khăn nhất đối với chúng em là một số di tích khi đến tìm hiểu thì gần như không còn dấu tích nào; việc cập nhật thông tin chỉ mang tính chất tham khảo nên cần phải được các cơ quan liên quan xác minh làm rõ, dẫn tới mất nhiều thời gian hơn”.

Khó khăn là vậy, nhưng sau hơn 2 tháng nỗ lực tập trung tìm hiểu, thu thập các dữ liệu cùng sự hỗ trợ tích cực từ phía nhà trường, ứng dụng trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử huyện Cam Lộ bằng công nghệ số của nhóm tác giả Nguyễn Phan Minh Hiển và Hoàng Thảo Quyên, học sinh Trường THPT Cam Lộ đã cơ bản hoàn thành và đưa vào chạy thử nghiệm. “Ứng dụng này được xây dựng trên nền tảng phần mềm có sẵn tên là ArcGIS, bằng việc thiết lập một bản đồ thông minh về tất cả các di tích và những sự kiện lịch sử gắn liền với huyện Cam Lộ, thông qua địa chỉ của một fanpage (trang) trên mạng xã hội facebook. Ở đó, toàn bộ các thông tin, tư liệu lịch sử, hình ảnh và video clip minh họa sẽ được cập nhật vào địa chỉ có sẵn của nền tảng này để xây dựng thành kho dữ liệu chung cho ứng dụng. Sau đó, chúng em đã lập nên các mã QRcode giúp người sử dụng truy cập thông qua mạng xã hội zalo để vào ứng dụng”, Minh Hiển nói thêm.

Thầy giáo Trần Văn Minh, giáo viên bộ môn Lịch sử, người trực tiếp hướng dẫn nhóm tác giả xây dựng ứng dụng cho biết: “Điểm khác mà ứng dụng này mang lại đó là những di tích lịch sử trên địa bàn huyện Cam Lộ sẽ được kết nối trong cùng một bản đồ trực tuyến, giúp người sử dụng vừa biết được vị trí chính xác đồng thời có thể xem được các hình ảnh thực tế của các di tích này, vừa có thể nghe được âm thanh giới thiệu về chúng do chính nhóm tác giả soạn thảo lại, ghi âm và biên tập thành các video sống động. Thêm một điểm nhấn thu hút người dùng của ứng dụng là nhóm tác giả đã xây dựng các mô hình 3D mô phỏng trực quan về các di tích, đồng thời mạnh dạn biên tập các đoạn phim giới thiệu song song bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh”.

Thảo Quyên chia sẻ thêm: “Từ các thông tin đã được tổng hợp, chúng em sẽ phiên dịch qua ngôn ngữ tiếng Anh rồi cập nhật cùng lúc với tiếng Việt lên kho dữ liệu. Bên cạnh đó, em sẽ tự đọc lời bình, dựng các đoạn phim ngắn giới thiệu về các di tích cũng như sự kiện lịch sử về Cam Lộ. Song song với đó, các thông tin, dữ liệu được chúng em cập nhật liên tục nhằm làm mới ứng dụng và đem lại thông tin chính xác hơn cho người dùng. Ngoài các thông tin chi tiết về từng địa danh, di tích cụ thể thì chúng em còn xây dựng thêm một kho dữ liệu chung bằng mô phỏng 3D với đầy đủ các hình ảnh, tư liệu về tất cả 30 di tích trong cùng một không gian, dạng như một bảo tàng số giúp người dùng có thể truy cập nhanh để tìm hiểu, tham quan.

Hiệu trưởng Trường THPT Cam Lộ Trần Công Sơn cho biết, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có các hoạt động dạy học và giáo dục về văn hóa, lịch sử của địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp của COVID-19 và số tiết học ngắn của môn này thì không thể đảm bảo đủ thời gian để cho học sinh đến trải nghiệm trực tiếp tại các điểm di tích lịch sử theo chương trình học. Do vậy, việc các em học sinh có ý tưởng nghiên cứu làm ra một ứng dụng chuyển đổi số các di tích lịch sử trên địa bàn huyện nhằm áp dụng trong dạy học, giáo dục và trải nghiệm sáng tạo lịch sử địa phương đối với học sinh các trường THPT là rất cần thiết và được khuyến khích.

Vừa thử quét mã QR có sẵn ở cổng trường để truy cập vào ứng dụng cho chúng tôi xem, Minh Hiển vừa cho biết thêm: “Ứng dụng của chúng em hoạt động phần lớn chủ yếu dựa vào các trang mạng xã hội facebook, zalo… cho nên nếu một khi các mạng này bị lỗi hoặc ngừng hoạt động thì việc truy cập ứng dụng sẽ bị gián đoạn. Vì vậy, chúng em mong muốn trong tương lai gần sẽ có riêng một địa chỉ website để có thể chạy độc lập ứng dụng của mình làm ra, hạn chế việc bị mất cắp dữ liệu cũng như lỗi khi truy cập”...

Lê Trường



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết