
{title}
{publish}
{head}
QTO - Việc làm và giải quyết việc làm luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của bất cứ địa phương nào nhằm đảm bảo nhu cầu phát triển bền vững cho xã hội. Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những biện pháp hiệu quả trong giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, giúp người dân có thu nhập ổn định, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Với dây chuyền sản xuất hiện đại, Công ty Cổ phần Phát triển may mặc miền Trung cần tuyển 900 - 1.000 lao động trong năm 2023 - Ảnh: H.N
Công ty Cổ phần Phát triển may mặc miền Trung đi vào hoạt động từ năm 2018. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất áo jaket, áo quần thể thao, bảo hộ lao động xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Ngoài trụ sở chính ở Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, với 10 chuyền may, giải quyết việc làm cho 500 lao động, trong năm 2022, công ty mở thêm chi nhánh tại các huyện: Triệu Phong, Cam Lộ và Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) nên số lượng công nhân của công ty hiện gần 1.500 lao động.
Bên cạnh việc đảm bảo các chế độ, quyền lợi của người lao động theo quy định của Nhà nước, từ năm 2022, chính sách tiền lương của công ty có điều chỉnh cao hơn so với những năm trước với mức lương từ 4,5 triệu đồng- 10 triệu đồng/tháng/người.
Công ty có chế độ ưu tiên lao động lành nghề, còn với những lao động chưa qua đào tạo thì có chế độ tuyển dụng rồi tiến hành đào tạo, sau 3 tháng vừa học, vừa làm (có chế độ hỗ trợ với định mức riêng) thì được ký hợp đồng, thu nhập theo sản phẩm.
Ông Lê Anh Phong, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển may mặc miền Trung cho biết, đơn hàng xuất khẩu của công ty kéo dài đến tháng 6/2023, bởi từ đầu năm công ty đã chủ động đàm phán, ký kết hợp đồng đơn hàng cung ứng sản phẩm với các đối tác.
Đặc biệt, công ty đang đàm phán, chuẩn bị hợp tác với đối tác Hàn Quốc để mở rộng quy mô sản xuất, chính thức đưa sản phẩm trực tiếp xuất khẩu sang thị trường các nước chứ không làm đơn vị sản xuất trung gian như hiện nay, vì thế nhu cầu tuyển dụng công nhân của công ty vẫn còn rất lớn. Trong năm 2023, công ty cần từ 900 - 1.000 lao động.
Hiện doanh nghiệp này phối hợp với các địa phương, cơ sở đào tạo nghề đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, động viên người lao động tham gia học nghề may. Quá trình người lao động học nghề, công ty sẽ phối hợp hỗ trợ đào tạo, có chính sách ưu tiên tuyển dụng, thu hút người lao động đến làm việc tại các đơn vị của công ty.
Chương trình mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 sẽ giải quyết việc làm cho gần 60 ngàn lao động (bình quân mỗi năm 12 ngàn lao động), trong đó có 33 ngàn lao động tại địa phương; 20 ngàn lao động ngoại tỉnh và 7 ngàn lao động xuất khẩu theo hợp đồng.
Giai đoạn này cũng đặt ra mục tiêu giữ tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị không quá 2,7%; đảm bảo tỉ lệ lao động tìm được việc làm qua các chương trình đạt trên 55%.
Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu nói trên. Với tổng sản phẩm tạo ra hằng năm chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động.
Trong đó, các doanh nghiệp may mặc phát triển mạnh, giải quyết việc làm cho hơn 5,5 ngàn lao động với mức thu nhập hằng tháng từ 5 triệu - 7 triệu đồng/người. Bằng cách mở các chi nhánh, xưởng may về vùng nông thôn, các doanh nghiệp may mặc đã tạo điều kiện cho nhiều lao động có việc làm ổn định.
Về phía người lao động, yếu tố thu hút họ chính là được làm việc tại quê hương với mức thu nhập ổn định, vừa gần nhà, vừa tiết kiệm được nhiều khoản chi phí… Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn tuyển dụng lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị có hai nhà máy chế biến mủ cao su xuất khẩu đặt tại Km 7+900, tỉnh lộ 571, xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh và một nhà máy tại Lào. Công ty chuyên kinh doanh, chế biến, xuất khẩu mủ cao su.
Những năm qua, công ty không những thu mua mủ cao su tại các địa phương trong nước mà còn thu mua từ các nước Lào, Campuchia về chế biến mủ để xuất khẩu. Hiện công ty đã xuất khẩu sản phẩm cao su qua các nước Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển năng lượng sạch góp phần bảo vệ môi trường, công ty đã đầu tư và đưa vào hoạt động 3 nhà máy điện mặt trời công suất 10 MW tại các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tú và Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh.
Hằng tháng, công ty giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 150 lao động với mức lương bình quân khá cao. Hiện công ty vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động để đáp ứng tiến độ kinh doanh của đơn vị.
Dự báo đến năm 2025, dân số trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh khoảng 360 ngàn người, mỗi năm bình quân có khoảng 14 ngàn -15 ngàn lượt lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Trong khi đó, hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có xu hướng mở rộng thị trường, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động ngày càng tăng.
Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Phong Quảng Trị Lê Duy Trinh cho biết, với mức tăng trưởng như hiện tại, theo dự báo mỗi năm công ty cần phát triển thêm 10% lực lượng lao động. Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của công ty thời gian tới rất nhiều. Vậy, để “cung” và “cầu” gặp nhau, thời gian tới các bên cần triển khai nhiều giải pháp tích cực.
Theo đó, tỉnh cần nâng cao năng lực hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm; giới thiệu việc làm cho người lao động và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; nâng tần suất phiên giao dịch việc làm và đa dạng hóa các hoạt động giáo dục việc làm. Tăng cường ứng dụng thông tin trong dịch vụ việc làm.
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cần đưa ra dự báo xu hướng nghề để người lao động đón đầu, từ đó có sự lựa chọn học nghề đúng hướng, hiệu quả. Tập trung nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để các cơ sở này đủ năng lực đào tạo theo nhu cầu người lao động. Công tác đào tạo nghề chất lượng cao và cung cấp về giao dịch việc làm cho người lao động cần được chú trọng.
Các doanh nghiệp trên địa bàn cần quan tâm đến công tác đào tạo nghề, vừa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, vừa tạo việc làm và thu hút lao động địa phương làm việc tại quê nhà. Hiện tại, đã có một số doanh nghiệp trên địa bàn làm tốt công tác đào tạo nghề cho người lao động.
Theo ông Tạ Quang Thuật, Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển miền Trung xanh, công ty liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài đưa nguồn hàng trực tiếp ở châu Âu về sản xuất tại địa phương.
Vì thế, công tác đào tạo nghề được công ty chú trọng nhằm tập cho người lao động làm quen với sản phẩm của công ty ngay từ thời gian học nghề để nâng cao năng suất lao động khi vào làm việc chính thức.
Hoài Nam
QTO - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần quan trọng vào thành tựu chung về phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) và giảm nghèo của tỉnh. Đây là một giải pháp quan trọng trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và xóa nghèo bền vững. Để đẩy mạnh XKLĐ đòi hỏi phải chuẩn bị lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng; chú trọng xây dựng thị trường lao động đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thị trường và bối cảnh mới.
QTO - Đợt COVID-19 lần thứ tư bùng phát khiến nhiều lao động trên địa bàn tỉnh đang làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam ồ ạt trở về quê. Trong số hàng ngàn lao động hồi hương có không ít người chọn ở lại quê nhà để lập nghiệp. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với doanh nghiệp tích cực hỗ trợ để người lao động hồi hương yên tâm gắn bó và lập nghiệp tại quê hương.
QTO - Có thể thấy trong thời gian tới, các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Trị tiếp tục có nhiều cơ hội thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các...
QTO - 50 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất nước nhà và 35 năm lập lại tỉnh Quảng Trị, ngành công thương đã có những bước chuyển mình...