Thu mua sắn ở vùng Lìa, doanh nghiệp có “ép” nông dân?
(QT) - Mang theo nỗi “bức xúc” về thông tin Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa (Quảng Trị) “ép” nông dân, gây nhiều khó khăn trong vấn đề thu mua sắn nguyên liệu, tôi đi thẳng vào các xã vùng Lìa để mục kích sự thể ra sao. Trong lòng tôi thầm nghĩ, nếu quả thật có chuyện này thì có lẽ những người lãnh đạo nhà máy này “có vấn đề” mới để xảy ra tình trạng đó, khi chính anh Lê Văn Thể, Phó giám đốc nhà máy đã có lần nói với tôi, quan hệ giữa nhà máy và người nông dân vùng Lìa là mối quan hệ hữu cơ, không thể tách rời, nếu nông dân không trồng sắn thì nhà máy đóng cửa mà nhà máy đóng cửa thì trên một vạn nông dân trồng sắn không biết bán nguyên liệu cho ai. Người đầu tiên mà tôi gặp là anh Hồ Văn Cươi (Pả Dỏ) ở thôn 4, xã Thanh, Hướng Hóa. Pả Dỏ rất vui thông báo cho tôi biết năm nay nhà anh trồng 6 ha sắn, thu được trên 130 tấn, đến nay đã bán được gần 70 tấn, thu được gần 90 triệu đồng. Anh nói rằng, sau vụ sắn này sẽ làm nhà mới cho con, dự kiến trên 300 triệu đồng, tất cả đều nhờ tích lũy từ việc trồng sắn từ mấy năm trước.
|
Thu hoạch sắn ở xã Thanh, vùng Lìa, Hướng Hóa |
Còn ông Hồ Văn Rôm ở thôn Thanh 1, xã Thanh cho biết, năm nay nhà ông trồng hơn 2,3 ha sắn KM 94, thu được hơn 54 tấn, đến nay đã nhập cho nhà máy hơn 27 tấn, thu về gần 46 triệu đồng, do chất lượng sắn tốt, độ bột cao nên giá bán gần 1.700 đồng/kg. Ông Rôm nói rằng, khác với mọi năm, năm nay nhà máy đã cải tiến cách thu mua, ngay từ đầu vụ cán bộ nông vụ đã vào tận từng hộ điều tra diện tích, quy ra sản lượng, căn cứ vào đó mà có kế hoạch nhập cho bà con. Trên cơ sở đăng ký của từng hộ, trước đó vài ngày nhà máy thông báo cho bà con biết cụ thể ngày nhập để huy động lực lượng thu hoạch, đảm bảo sắn nhổ xong được nhập trong ngày, tránh hư hỏng thiệt hại cho cả hai phía. Cho đến nay kể từ ngày nhà máy đi vào hoạt động niên vụ mới, gia đình ông Rôm cũng như nhiều gia đình trong bản đều đã bán được khoảng 50% sản lượng với giá từ 1.500 đồng đến 1.700 đồng/kg tùy theo hàm lượng tinh bột và thời điểm thu mua. Với cách làm này người dân đã yên tâm hơn với việc trồng sắn, không còn lo chậm thời vụ hoặc sắn lưu gốc chiếm đất canh tác. Hiện nay những diện tích sắn đã thu hoạch của gia đình ông Dỏ, ông Rôm cũng như nhiều hộ khác đã được trồng lại, việc giãn vụ là rất có cơ sở. Dù đã hẹn trước nhưng mãi đến chiều tối tôi mới gặp được Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Phạm Xuân San. Dạo này anh khá bận rộn với việc triển khai các chương trình xây dựng nông thôn mới, đôn đốc các thôn chuẩn bị đón nhận danh hiệu xã văn hóa. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về tình hình thu mua sắn của bà con địa phương, anh San khẳng định chắc chắn rằng, năm nay xã Thuận sẽ thu về trên 10 tỷ đồng từ tiền bán sắn cho nhà máy, đây là một năm được mùa, được giá, người dân rất phấn khởi. Việc thu mua sắn của nhà máy có nhiều cải tiến nên bà con đỡ vất vả hơn, đảm bảo tính công bằng, công khai nên không còn tình trạng thắc mắc, khiếu kiện. Dù thời gian thu mua của nhà máy chưa dài nhưng gần 50% số diện tích sắn của bà con trong xã đã được thu hoạch, người trồng diện tích nhiều được nhập nhiều, người ít được nhập ít theo đúng lịch đã phân bổ. Những diện tích sắn thu hoạch xong bà con đã bắt đầu trồng mới, theo kiểu rải vụ, không còn cảnh thời vụ hết mà sắn trên rẫy đang ứ lại như mọi năm. Về thông tin thương lái được nhà máy cho nhập sắn dễ dàng còn người dân thì bị làm khó, ông San cho biết thêm: “Cụ thể quy trình nhập như thế nào thì tôi không quan tâm lắm, nhưng dư luận của người dân trong xã là rất ủng hộ cách làm mới của nhà máy, nghĩa là căn cứ sản lượng của từng hộ mà có sự điều tiết phù hợp, không có cảnh chạy chọt hoặc tranh bán như một số năm trước đã từng xảy ra. Cũng không nên có sự phân biệt tư thương với người dân, vì tư thương cũng chính là bà con mình cả thôi, họ không có sắn nhưng thu gom rải rác trong bà con đủ xe thì nhập cho nhà máy sao lại không được? Tôi nghĩ rằng nếu chỉ nghĩ đến yếu tố tiêu cực thì chưa công bằng mà nên nhìn họ (tư thương) với tư duy tích cực hơn, có nghĩa là họ đang tham gia vào quá trình điều tiết tiết thị trường, cân đối cung cầu, bởi lẽ không phải ai cũng có nhiều sắn để trực tiếp nhập cho nhà máy.” Mang những thắc mắc này đến Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa, Phó giám đốc Lê Văn Thể không ngần ngại đưa toàn bộ chứng từ liên quan đến việc thu mua sắn của bà con để chúng tôi xem, từ hóa đơn bán hàng đến bảng kê sản lượng mà trực tiếp cán bộ nhà máy đến từng hộ gia đình điều tra, lập biểu. Về giá bán, căn cứ vào thị trường, giá bán tinh bột sắn theo các giai đoạn trong năm và các chi phí sản xuất, các khoản trích nộp ngân sách... nhà máy xây dựng giá mua hợp lý nhằm thu mua được sản phẩm cho sản xuất, đồng thời đảm bảo người trồng sắn có lợi nhuận để tiếp tục phát triển cây sắn tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy. Bước vào niên vụ 2012-2013 (bắt đầu từ tháng 8/2012 đến tháng 6/2013), tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn, giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp, mặt hàng tinh bột sắn cũng chịu ảnh hưởng và khó khăn trong việc tiêu thụ vì phần lớn tinh bột sắn do Việt Nam sản xuất đều xuất khẩu qua Trung Quốc mà tình hình thị trường Trung Quốc trong thời gian qua rất bấp bênh. Tuy nhiên Ban lãnh đạo công ty và nhà máy đã bằng mọi biện pháp để tổ chức sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, tìm kiếm thị trường tiêu thụ tốt nhất, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ do vậy đã vượt qua được các trở ngại, khó khăn để phát triển. Từ đó có điều kiện để có được giá mua hợp lý nhất đảm bảo cho người dân trồng sắn có thu nhập ổn định. Hiện nay nhà máy đang mua với giá nguyên liệu có hàm lượng 30% tinh bột là 1.700 đ/kg, hàm lượng tinh bột thấp, giá thấp hơn. Cho đến nay, sau gần 4 tháng đi vào sản xuất (niên vụ 2012 – 2013), nhà máy đã thu mua gần 60.000 tấn sắn, tổng trị giá hơn 90 tỷ đồng, riêng huyện Hướng Hóa (chủ yếu là vùng Lìa) hơn 42.000 tấn, trị giá gần 65 tỷ đồng. Như vậy sản lượng thu mua của huyện Hướng Hóa đến nay đạt khoảng 50% tổng sản lượng (số liệu điều tra tổng sản lượng toàn huyện niên vụ 2012-2013 đạt 85.000 tấn), theo kế hoạch đến cuối tháng 4/2013, sẽ thu mua hết lượng sắn còn lại trên địa bàn hai huyện, đảm bảo cho bà con kịp trồng vụ mới. Anh Thể cũng cho biết thêm, do đặc tính mùa vụ, cây sắn thu hoạch vào thời gian trong khoảng 9 tháng (từ tháng 8 năm này đến tháng 4 năm sau), thời gian rộ vụ là từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau (tháng 8 đến tháng 10, thời tiết mưa gió kéo dài, đường sá xe không vào được nên không thu hoạch được). Với số hộ trồng sắn trên địa bàn vùng quy hoạch rất lớn (chỉ tính riêng 8 xã vùng Lìa đã khoảng 4.500 hộ) mà ai cũng muốn thu hoạch ngay để có tiền chi tiêu trong dịp tết nguyên đán. Nếu để dân tự do thu hoạch thì khả năng lượng sắn đổ về nhà máy trên 1.000 tấn/ngày, trong lúc công suất tối đa của nhà máy hiện nay chỉ sản xuất được 650 tấn/ngày (tăng hơn niên vụ 2011- 2012: 150 tấn sắn củ tươi/ngày do nhà máy vừa đầu tư nâng công suất) thì sẽ xảy ra tình trạng sắn bị hư hỏng gây thiệt hại lớn cho bà con, và khó khăn trong điều hành sản xuất của nhà máy, vì vậy nhà máy mới có giải pháp xử lý tình huống trên cơ sở điều tra cụ thể từng hộ để điều tiết sản lượng nhập. Vấn đề nhập sắn của tư thương không phải là chuyện gì quá khó hiểu, bởi thực tế trong khi thu hoạch, có một số hộ trồng sắn sản lượng dư ra do vận chuyển không hết, mặt khác sắn tận thu trong thời gian cày đất trồng lại không đủ số lượng để thuê xe vận chuyển (chỉ một vài tạ/ hộ/đợt), số sắn này bà con không biết xử lý ra sao, trước tình hình đó, một số người dân trong vùng có phương tiện đã đi mua gom về nhập cho nhà máy. Vào năm 2011, cũng có một số phản ánh về tình trạng này nên nhà máy không mua đối với số sắn do các tiểu thương này nhập. Sau đó người dân có đơn gửi nhà máy (có xác nhận của chính quyền xã) yêu cầu nhà máy tạo điều kiện cho một số người mua gom và nhập cho nhà máy số sắn này để khỏi lãng phí của bà con. Trước tình hình đó, nhà máy đã cho nhập và tăng cường công tác quản lý số sắn này. Tuy nhiên lượng mua theo phương thức này không nhiều (chỉ từ 30-50 tấn /ngày) so với sản lượng sắn nhà máy nhập hàng ngày (trên 1000 tấn) trực tiếp từ các hộ gia đình trồng sắn. Có lẽ không cần phải nói thêm việc có hay không tình trạng nhà máy “ép” người trồng sắn vì như phần trên đã nói, mối quan hệ giữa nhà máy và người trồng sắn là quan hệ hữu cơ không tách rời và như lời một cán bộ phòng kinh doanh của nhà máy: “Ép nông dân khác nào tự sát, chỉ việc không tạo cơ chế thuận lợi, giá cả không hợp lý là người trồng sắn đã mang đi bán nơi khác đó là chưa nói nếu họ không tiếp tục trồng thì năm sau nhà máy lấy đâu nguyên liệu để sản xuất?”. Để kết thúc bài viết này, xin nhắc lại lời Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa- Võ Thanh, “với một vùng nghèo khó như vùng Lìa chỉ có phát triển cây sắn người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người mới giảm nghèo nhanh và bền vững được, bình quân nguồn lợi mà cây sắn mang lại cho nơi đây trên 100 tỷ đồng mỗi năm. Thực tế đã chứng minh rằng, với điều kiện khó khăn của một huyện miền núi làm sao mỗi năm huyện có thể đầu tư vào vùng Lìa trên 100 tỷ đồng để phát triển kinh tế- xã hội, chỉ có trồng sắn mới làm được điều đó”. Bài, ảnh: HOÀNG ĐỨC