Cập nhật:  GMT+7

Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo "Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

Chiều nay 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Tổ trưởng Tổ Công tác xây dựng đề án Khu Kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung tỉnh Quảng Trị (Tổ công tác 626); Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam, Tổ phó Tổ công tác 626; Phó Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet (Lào) Xẻn-xắc Su-ly-xắc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Savannakhet Khăm-phủi Sý-bun-hương, Tổ phó Tổ công tác 1626 (Lào) chủ trì hội thảo.

Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực” - Ảnh: Trần Tuyền

Tham dự hội thảo, về phía đại biểu nước CHDCND Lào có Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam Viêng-sa-vẳn Vy-lay-phon, Cục trưởng Cục xúc tiến đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Vắt-thả-na No-lin-tha, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Salavan Phu-thông Khăm-mã-ny-vông. Về phía đại biểu tỉnh Mục- Đa- Hản, Vương quốc Thái Lan Giám đốc Sở Thương mại Lắc- ka - na Bun -num.

Về phía tỉnh Quảng Trị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; các ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia kinh tế TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; PGS.TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng khẳng định, mục tiêu quan trọng của hội thảo lần này là nhằm giới thiệu nội dung đề án - Ảnh; Trần Tuyền

Tham vấn ý kiến các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp về nội dung đề án

Khu Kinh tế thương mại (KTTM) đặc biệt Lao Bảo được thành lập theo Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg ngày 12/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với tên gọi ban đầu là khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo, được áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới Lao Bảo - Densavan.

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Quảng Trị đã từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển KTTM đặc biệt Lao Bảo, từng bước hình thành nên diện mạo của đô thị vùng biên giới, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Quảng Trị cũng như Hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam.

Tuy nhiên đến nay, do nhiều nguyên nhân, Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo chưa phát triển được như kỳ vọng; có những hạn chế bất cập về cơ chế chính sách cần được tháo gỡ, tạo động lực mới cho khu vực Lao Bảo - Densavan phát triển phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhấn mạnh: Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo cũng như Khu Thương mại biên giới Densavan được hình thành xuất phát từ lợi thế của khu vực, chủ trương của hai Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào từ năm 1997, đó là xây dựng “Khu vực Thương mại tự do Lao Bảo - Densavan”.

Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra chủ trương: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với Hành lang kinh tế Đông - Tây. Nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên Hành lang kinh tế Đông - Tây”.

Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Tổ trưởng Tổ Công tác xây dựng đề án Khu Kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung tỉnh Quảng Trị phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TT

Tiếp đó, tại Thoả thuận về “Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào năm 2023”, ký ngày 12/1/2023 tại Viêng Chăn đã đưa nội dung thí điểm mô hình Khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên Hành lang kinh tế Đông - Tây vào văn kiện ký kết giữa hai Thủ tướng.

Thực hiện chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai nước, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với tỉnh Savannakhet xây dựng Đề án thí điểm “Xây dựng Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan” để tham mưu cho các bộ, ngành trung ương và Chính phủ hai nước triển khai thực hiện chủ trương quan trọng này.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng khẳng định, mục tiêu quan trọng của hội thảo lần này là nhằm giới thiệu nội dung Đề án, đặc biệt là các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội dự kiến áp dụng tại Khu KTTM xuyên biên giới chung để lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, đặc biệt là ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Lào.

Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet tiếp tục hoàn thiện Đề án và dự thảo nội dung Hiệp định giữa hai Chính phủ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào và các bộ, ngành của hai nước.

Hai bên mong muốn khi Khu KTTM xuyên biên giới chung đi vào vận hành sẽ có tính khả thi cao, phù hợp tình hình thực tiễn và mối quan hệ Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới và thực sự có sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh tại khu vực nhiều tiềm năng này.

“Để Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan sớm đi vào vận hành và hoạt động có hiệu quả, tỉnh Quảng Trị đã xác định bên cạnh việc phối hợp với tỉnh Savannakhet nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, thì phải đồng thời tiến hành điều chỉnh quy hoạch Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo. Phối hợp với tỉnh Savannakhet điều chỉnh quy hoạch Khu Thương mại biên giới Densavan phù hợp với định hướng phát triển mới và tích cực quảng bá thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Densavan”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh.

Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

Phó Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet Xẻn-xắc Su-ly-xắc khẳng định Ủy ban chính quyền tỉnh sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác để khu kinh tế nói trên chính thức được thành lập - Ảnh: Trần Tuyền

Khẳng định tầm quan trọng của việc thành lập Khu KTTM xuyên biên giới chung Densavan - Lao Bảo, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet Xẻn-xắc Su-ly-xắc nhấn mạnh, Ủy ban chính quyền tỉnh sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác để khu kinh tế nói trên chính thức được thành lập.

Đồng thời nhấn mạnh, Khu KTTM xuyên biên giới chung được thành lập sẽ trở thành biểu tượng của sự hợp tác giữa hai nước Lào - Việt Nam, tăng cường và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị tỉnh Savannakhet và tỉnh Quảng Trị. Là tiền đề quan trọng khuyến khích và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật nước CHDCND Lào, việc thành lập khu kinh tế đặc biệt thuộc phạm vi thẩm quyền xem xét chấp thuận của Chính phủ thông qua sự phối hợp của cơ quan chính quyền địa phương có liên quan, đồng thời cũng phải tính đến các quy định về Hiệp định quy chế quản lý biên giới quốc gia.

Vì vậy, sau khi Chính quyền tỉnh hoàn thành việc nghiên cứu cùng với sự hỗ trợ của Tập đoàn tư vấn Sakae và kết quả của Hội thảo lần này, Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet sẽ trao đổi và thống nhất với các ngành liên quan của tỉnh và báo cáo lên Chính phủ để xin hướng dẫn việc tổ chức thực hiện theo quy định.

Nhân dịp này, đề nghị đại diện từ Trung ương hỗ trợ chỉ đạo, hướng dẫn cũng như là cầu nối với Chính phủ nhằm hỗ trợ Khu kinh tế thương mại biên giới xuyên biên giới chung Densavan - Lao Bảo được thành lập chính thức và phù hợp với quy định của pháp luật.

Tập trung làm rõ tính khả thi và đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi

Tham luận tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp đã tập trung làm rõ tính khả thi và đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Khu KTTM xuyên biên giới chung; giới thiệu mô hình Khu thương mại tự do, khu phi thuế quan; giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để đầu tư vào Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Densavan... Qua đó, tạo kênh gặp gỡ, giao lưu trực tiếp, thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tổ chức doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần xây dựng một chương trình xây dựng và phát triển Khu KTTM xuyên biên giới mang tính tổng thể - Ảnh: Trần Tuyền

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, sau một quá trình phát triển thiếu thực chất, trải qua thăng trầm của Khu Kinh tế Cửa khẩu được xác định là “đặc biệt cấp quốc gia, với các ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao nhất mà quốc gia có”, Cần cách tiếp cận và tầm giải pháp mới định hướng xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại Xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan như một hình mẫu phát triển mới căn bản và thực chất là cần thiết và tất yếu.

Cần xây dựng một chương trình xây dựng và phát triển Khu KTTM xuyên biên giới mang tính tổng thể, trong đó bao gồm cả các dự án phát triển các trung tâm và các tọa độ ưu tiên chiến lược khác như sân bay, cảng biển, đô thị Đông Hà. Bảo đảm tính tương đồng về trình độ, cơ cấu và liên thông về cơ chế, cơ sở của sự thông suốt “xuyên biên giới” giữa hai bộ phận của khu kinh tế. Về cơ chế vận hành của Khu KTTM xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan, cần định hướng tới hình mẫu “khu thương mại tự do” kiểu mới để xác định các nhiệm vụ cụ thể.

Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

Tiến sĩ Trần Du Lịch tham gia ý kiến tại hội thảo - Ảnh: Trần Tuyền

Tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh, ưu tiên thứ nhất đối với Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan vẫn là tạo hệ sinh thái, chính sách thu hút những doanh nghiệp đầu đàn đầu tư vào Khu KTTM xuyên biên giới chung.

Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

Tiến sĩ Trần Anh Tuấn đề xuất xây dựng khu KTTM theo hướng xanh - tri thức - bền vững - Ảnh: Trần Tuyền

Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, về các chính sách đối với Khu KTTM chung, cần lưu ý, Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển của khu KTTM, xây dựng khu KTTM theo hướng xanh - tri thức - bền vững, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, hình thành môi trường sống văn minh, hiện đại, chất lượng cao; bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội tại khu KTTM.

Chính quyền địa phương ở Khu KTTM có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn hợp lý, có nhiều thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; được áp dụng thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân.

Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

Đại diện Tập đoàn Hoành Sơn phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Trần Tuyền

Về cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, Đại diện Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất cần nghiên cứu tiếp tục áp dụng mô hình kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” với các quy định mới, đơn giản hóa thủ tục hải quan và kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, phương tiện vận tải nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các hoạt động thương mại quốc tế, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, và có sự kết nối thông tin giữa các bộ phân chức năng ở khu vực cửa khẩu.

Đề nghị Chính phủ 2 nước Việt Nam Lào, chính quyền hai tỉnh Savannakhet và Salavan quan tâm đầu tư và nâng cấp tuyến đường bộ từ thị trấn Taoi đến Bản Đông, kết nối Quốc lộ 15B với Quốc lộ 9 (phía Lào) vì đây sẽ là tuyến vận tải đặc biệt quan trọng và thuận lợi vận chuyển than và các hàng hóa khác từ các tỉnh Nam Lào về cảng biển Việt Nam. Chính phủ Việt Nam và tỉnh Quảng Trị quan tâm đầu tư tuyến đường bộ Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa sẽ gia tăng mạnh trong những năm sắp đến.

Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tặng quà lưu niệm cho các đại biểu - Ảnh: Trần Tuyền

Thống nhất tiếp cận mô hình hai nước, hai khu kinh tế nhưng có không gian kinh tế chung

Tổng kết hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Tổ trưởng Tổ công tác 626 cảm ơn và tiếp thu những góp ý sâu sắc, quý báu của các đại biểu trình bày tại hội thảo cũng như các tham luận gửi đến hội thảo.

Các tham luận và ý kiến gửi đến hội thảo đã đề cập khá đầy đủ và toàn diện các nội dung theo yêu cầu của Hội thảo, trong đó đã tập trung phân tích, làm rõ và thống nhất cao một số nội dung: Khẳng định chủ trương thí điểm triển khai xây dựng Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan là chủ trương đúng đắn của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Lào, kỳ vọng với mô hình hợp tác mới giữa hai nước sẽ tạo ra không gian phát triển mới mang tính chất xuyên biên giới xứng tầm với mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng và Nhân dân hai nước Việt Nam và Lào.

Mô hình Khu KTTM xuyên biên giới, Khu thương mại tự do chưa thực hiện tại Việt Nam nhưng đã được triển khai rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới và đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Các quy định áp dụng “chung” về đơn giản hóa, hài hòa hóa chính sách và thủ tục tiệm cận các tiêu chuẩn chung của thương mại quốc tế đảm bảo cân bằng với các yêu cầu tuân thủ pháp luật của các quốc gia.

Trong xu hướng toàn cầu hóa, việc áp dụng thí điểm các mô hình Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới, Khu thương mại tự do tại Việt Nam là cần thiết để có cơ sở nhân rộng. Tuy nhiên để triển khai thực hiện cần phải có sự điều chỉnh, ban hành các cơ chế chính sách và đồng bộ về một số quy định pháp luật giữa Việt Nam và Lào, đây là vấn đề mới và khó nhưng đã có chủ trương của hai Bộ Chính trị và Chính phủ hai nước.

Ý kiến các chuyên gia tại hội thảo khẳng định bối cảnh tình hình mới hiện nay và xu hướng phát triển trong tương lai đặt ra những yêu cầu và cách tiếp cận mới, các cơ chế chính sách phải “khác thường”, cấp độ phải “đặc biệt”, đủ lớn, cần tư duy, cách tiếp cận và giải pháp mang tính “đột phá”, thí điểm thử nghiệm các “thể chế bậc cao”, đảm bảo tương đồng và liên thông về các cơ chế, chính sách “xuyên biên giới” giữa hai khu kinh tế của hai quốc gia.

Định hướng phát triển của Khu KTTM xuyên biên giới chung phải hướng tới hình mẫu “Khu thương mại tự do” kiểu mới, đó là hình thành các trung tâm logistics “thế hệ mới” quốc tế, khu công nghiệp “phát triển xanh”, gắn liền đô thị thông minh, sáng tạo.

Hệ thống cơ chế vận hành cần hướng tới hệ tiêu chuẩn thể chế dành cho khu thương mại tự do mang tầm quốc tế, tỉnh Quảng Trị cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương đang nghiên cứu, xây dựng khu thương mại tự do như Hải Phòng, Đà Nẵng, tham khảo các cơ chế đang xin áp dụng thí điểm của các địa phương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An) để đề xuất cơ chế ưu đãi áp dụng cho Khu KTTM xuyên biên giới chung.

Thống nhất tiếp cận mô hình hai nước hai khu kinh tế, Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo của Việt Nam và Khu Thương mại biên giới Đensavẳn của Lào nhưng có không gian kinh tế chung đó là áp dụng thống nhất một số cơ chế, chính sách ưu đãi cao hơn quy định pháp luật của mỗi nước nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động đi lại, trao đổi hàng hóa của cư dân trong Khu KTTM xuyên biên giới chung, cho phép lao động Việt Nam sang làm việc tại các dự án tại Khu Thương mại biên giới Densavan cao hơn tỉ lệ quy định của Nhà nước Lào.

Lãnh đạo hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet đã thống nhất đề nghị các bộ, ngành hữu quan của hai nước tham mưu Chính phủ Việt Nam và Lào ký kết hiệp định về thí điểm xây dựng Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo -Densavan làm cơ sở pháp lý để tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet có căn cứ xây dựng các quy chế phối hợp trong quản lý, vận hành Khu KTTM xuyên biên giới chung.

Đồng thời tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan của hai nước xây dựng, ban hành, tham mưu Chính phủ ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện. Các doanh nghiệp đầu tư tại Khu KTTM xuyên biên giới chung mong muốn được pháp luật hai nước bảo vệ quyền lợi theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp trong thời gian hoạt động (thời gian được giao đất, thuê đất). Các cơ chế chính sách áp dụng thí điểm phải quy định thời gian tối thiểu phù hợp để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mọi thay đổi về chính sách đối với doanh nghiệp phải theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp đã đầu tư.

Tại hội thảo, nhiều thông tin về các dự án đầu tư quy mô lớn tại tỉnh Savannakhet và tỉnh Quảng Trị đang được các nhà đầu tư triển khai, nghiên cứu triển khai đã khẳng định tiềm năng thu hút đầu tư và lợi thế phát triển của Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan trong tương lai.

Hội thảo ghi nhận đóng góp của Công ty CT Strategies (CTS), đơn vị tư vấn quốc tế của Hoa Kỳ trong việc phối hợp với tỉnh Quảng Trị và các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam và Lào nghiên cứu các cơ chế chính sách thí điểm cho việc vận hành các khu phi thuế quan, khu thương mại tự do tại Khu KTTM xuyên biên giới chung.

Việc hình thành Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan hứa hẹn sẽ là “làn gió mới”, điểm đến mới của các nhà đầu tư, tạo cơ hội mới cho cư dân hai bên biên giới trong phát triển kinh tế, xã hội. Lao Bảo - Densavan sẽ trở thành “địa chỉ vàng”, sôi động trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây.

Từ kết quả Hội thảo quan trọng này, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề án và dự thảo Hiệp định trình cơ quan có thẩm quyền hai nước Việt Nam và Lào.

Thanh Trúc

Tin liên quan:
  • Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực
    Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý ...

    Ngày mai 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị sẽ diễn ra Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực” do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) tổ chức. Tại hội thảo sẽ giới thiệu, lấy ý kiến tham gia của các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp về nội dung Đề án thí điểm xây dựng Khu Kinh tế thương mại (KTTM) xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan.

  • Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực
    Thảo luận các nội dung để chuẩn bị Hội thảo Khu kinh tế thương mại xuyên biên ...

    Thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết, để chuẩn bị tốt các điều kiện nhằm tổ chức thành công Hội thảo Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavanh vào tháng 3/2024, ngày 27/2/2024, tại tỉnh Savannakhet (Lào), Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế đặc biệt và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Savannakhet.


Thanh Trúc

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long