Cập nhật:  GMT+7

Tạo đột phá nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bài 3: Cần có những giải pháp thiết thực và quyết tâm cao trong hành động

Bức tranh về giáo dục miền núi tuy có nhiều điểm sáng nhưng khó khăn vẫn bộn bề. Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh, đội ngũ cán bộ, giáo viên cần có sự hỗ trợ thêm từ trung ương, địa phương cũng như có các giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế ở địa phương nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Bộn bề khó khăn

Điều kiện kinh tế của người dân còn quá nhiều khó khăn, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) còn thiếu... là những khó khăn mà ngành GD&ĐT tỉnh phải đối mặt. Những khó khăn này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học nơi đây.

Chúng tôi đến điểm trường Cha Lỳ thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS Hướng Lập (Hướng Hóa) vào một ngày mưa lạnh. Trên khoảng sân nhỏ đơn sơ không ghế đá, không gạch hoa, những học sinh người DTTS vẫn hồn nhiên chơi đùa. Điểm trường Cha Lỳ có 2 phòng học, với 22 học sinh, trong đó, 8 học sinh lớp 3 và 14 học sinh lớp 4. Thời gian qua, dù đã được sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất nhưng nơi đây vẫn còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề.

Tạo đột phá nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bài 3: Cần có những giải pháp thiết thực và quyết tâm cao trong hành động

Điểm trường Cha Lỳ, thuộc Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lập (Hướng Hóa) chỉ có 2 phòng học với 22 học sinh - Ảnh: M.Đ

Đa số học sinh thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Một số em nhà ở cách xa trường 10 km, phải đi bộ đến trường và mang cơm theo để ăn trưa. Em Hồ Thị Bích Phương, học sinh lớp 3 nói: “Bố mẹ đều đi làm ăn xa nên em ở nhà với bà nội tuổi đã cao, sức yếu. Hằng ngày, em dậy sớm đi bộ 10 km đến trường và mang theo cơm để buổi trưa ở lại ăn, chiều còn học tiếp. Có những hôm mưa to, gió lớn đường không đi bộ được nên em phải nghỉ học. Em ước mơ có một chiếc xe đạp để đi học thuận lợi và đều đặn”.

Đi học khó khăn, dạy học ở các điểm trường lẻ lại càng khó khăn, vất vả gấp bội. Nhiều thầy, cô giáo đã phải nỗ lực rất nhiều, khắc phục những thiếu thốn về cơ sở vật chất dạy học cũng như nơi ăn, chốn ở để có thể “bám trụ” với trường, lớp. Cách đây 1 năm, khi điểm trường Cha Lỳ chưa có phòng ở cho giáo viên, sau khi dạy học xong, giáo viên phải di chuyển về ở các phòng được bố trí cách trường vài kilomet.

Đầu năm học 2024- 2025, 2 phòng cho giáo viên được xây dựng xong và phân cho 4 giáo viên có nơi ở. Tuy vậy, mỗi phòng ở dành cho 2 người nên chật hẹp và khá vất vả trong sinh hoạt. Cô giáo Lê Thị Ngân (sinh năm 1995) cho hay: “Tôi là người đồng bào dân tộc Vân Kiều nên thấu hiểu được khó khăn ở các điểm trường lẻ và cuộc sống của học sinh. Vì vậy, tôi luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn trong ăn ở, sinh hoạt để tập trung công tác, giúp các em tiếp thu kiến thức tốt và có động lực đến lớp mỗi ngày”.

Tạo đột phá nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bài 3: Cần có những giải pháp thiết thực và quyết tâm cao trong hành động

Nơi ăn ở, sinh hoạt và cũng là nơi soạn bài, làm việc của cô Lê Thị Ngân tại điểm trường Cha Lỳ khá chật hẹp, thiếu thốn -Ảnh: M.Đ

Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lập có 1 điểm trường chính (A Xóc) và 6 điểm trường lẻ gồm: Cuôi, Tri, Cha Lỳ, Sê Pu, Tà Păng, Cù Bai; có 22 lớp với 368 học sinh. Hiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường còn thiếu (phòng học, phòng học bộ môn, nhà đa năng, sân chơi, bãi tập, hệ thống internet phục vụ cho việc dạy...) nên chưa đáp ứng yêu cầu của việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Việc thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng... ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Trường có nhiều lớp ghép, nhiều điểm trường lẻ khiến việc thực hiện dạy học các môn như: Tin học, Tiếng Anh... gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ giáo viên còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế quy định.

Do thiếu giáo viên, đặc biệt là các lớp dạy 2 buổi/ngày, đa số giáo viên đứng lớp phải đảm nhiệm 32 tiết/tuần (quá nhiều số tiết theo quy định). Ngoài ra, trường có nhiều điểm lẻ dẫn đến khó khăn trong việc di chuyển của giáo viên; có nơi không có sóng điện thoại. Trên địa bàn tỉnh, chỉ tiêu về tỉ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố chưa đạt và còn ở mức thấp, chỉ đạt 74,38% phòng học kiên cố (Mục tiêu của Chương trình MTQG 1719 đề ra là 100%). Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn vốn đầu tư.

Chất lượng đầu vào thấp

Hiện nay, chất lượng đầu vào của học sinh vùng DTTS&MN hơn so với mặt bằng chung. Chia sẻ về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Nguyễn Thế Long cho biết, chất lượng đầu vào của học sinh còn thấp so với mặt bằng chung của các trường THPT trong tỉnh, đặc biệt trong các môn khoa học tự nhiên. Khả năng tiếp thu kiến thức các môn này còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc học tập và nâng cao kiến thức chuyên sâu.

Hằng năm, tỉ lệ học sinh lớp 12 của Trường PTDTNT tỉnh tốt nghiệp THPT là 100%. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, phần lớn học sinh của Trường PTDTNT tỉnh sau khi tốt nghiệp THPT không thể tiếp tục theo học các trường đại học, cao đẳng mặc dù đủ điểm xét tuyển.

Cụ thể: từ năm học 2021-2022 đến nay có 324/324 học sinh tốt nghiệp THPT, số học sinh vào đại học 117 em, số học sinh vào các cơ sở GDNN trình độ cao đẳng, trung cấp 17 em, số học sinh không đi học sau tốt nghiệp THPT mà đi làm trong các cơ sở sản xuất, xuất khẩu lao động 190 em. Sự hạn chế về nhận thức và động lực học tập này đặt ra yêu cầu lớn đối với nhà trường trong việc định hướng, hỗ trợ các em phát huy năng lực và xây dựng khát vọng học tập, lập nghiệp lâu dài.

Trong năm học 2023-2024, số lượng học sinh người DTTS cấp tiểu học bỏ học là 37 em, cấp THCS là 152 em. Nguyên nhân chủ yếu là do đời sống gia đình khó khăn; ý thức học tập của một bộ phận học sinh còn hạn chế; số lượng học sinh xếp loại chưa đạt, yếu kém vẫn còn tồn tại, chất lượng điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 có cải thiện về điểm số nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các điểm trường lẻ ở xa, đồng bào Pa Kô, Vân Kiều đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu nên việc huy động học sinh đến trường và duy trì sĩ số không hề đơn giản... Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình học sinh gặp nhiều khó khăn do khoảng cách giữa nhà và trường quá xa.

Phụ huynh người DTTS đa phần có trình độ văn hóa thấp, chưa thực sự quan tâm đến tình hình học tập và vấn đề định hướng nghề nghiệp cho con em mình. Việc dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực còn gặp khó khăn khi áp dụng đối với một bộ phận học sinh người DTTS. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, được tuyển vào các trường đại học thấp, việc thực hiện phân luồng sau tốt nghiệp chưa đạt được mục tiêu...

Đầu tư cho giáo dục phù hợp với thực tiễn

Những khó khăn trên đặt ra nhiều thách thức cho ngành GD&ĐT, thiết nghĩ, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan cần quan tâm hỗ trợ hơn nữa nguồn lực xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học; xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn để họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với địa phương; xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp cho học sinh, sinh viên người DTTS theo từng cấp học, ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn...

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương, nắm bắt rõ thực trạng, Sở GD&ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, trọng tâm là: Tiếp tục chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao tỉ lệ trẻ em, học sinh người dân tộc thiểu số trong độ tuổi đến trường, duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tăng tỉ lệ học sinh chuyên cần, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học dài ngày.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, điều chỉnh quy mô trường, lớp theo hướng giảm các điểm trưởng lẻ, lớp ghép, tăng quy mô số nhóm, lớp, số học sinh tại mỗi điểm trường. Đội ngũ giáo viên là những người góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, vì vậy ngành ưu tiên công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

“Đội ngũ này phải đảm bảo có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, có khả năng thích ứng với sự thay đổi; chủ động, tích cực tự học và tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và tận tụy với nghề, thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo,” bà Hương chia sẻ.

Bên cạnh đó, ngành chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển quỹ đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất và lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Xây dựng các quỹ học bổng, giúp học sinh, sinh viên nghèo được tiếp sức đến trường, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau và không đến trường học được vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Mỗi đơn vị trường học cũng đưa ra những giải pháp phù hợp với thực tế ở đơn vị mình để nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Nguyễn Thế Long nêu quan điểm: “Học sinh DTTS cần được giáo dục về lòng tự hào dân tộc, nhận thức đúng đắn về sự bình đẳng giữa các dân tộc để các em tự tin hơn trong học tập và cuộc sống.

Để làm tốt công tác dạy học theo chương trình mới, nhà trường đã chỉ đạo các bộ phận, giáo viên đổi mới tất cả các khâu từ công tác quản lý; phương pháp giảng dạy, công tác kiểm tra, đánh giá; sinh hoạt tổ chuyên môn. Tất cả các nội dung đều được cụ thể hóa trong kế hoạch của mỗi cá nhân và tổ chức để triển khai đồng bộ, có hiệu quả”.

Thầy Long cho hay, thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục phấn đấu và tìm kiếm thêm nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả các dự án học bổng, xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho học sinh DTTS.

Ở Trường PTDT bán trú Tiểu học Vĩnh Ô (Vĩnh Linh) có 3 điểm trường cách nhau hơn 12 km với nhiều sông, suối khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình. Để phần nào giải quyết vấn đề này, nhà trường đã mạnh dạn sắp xếp lại mạng lưới các điểm lẻ, vận động phụ huynh và học sinh dựa theo chính sách bán trú để đưa các lớp ít học sinh tại các điểm lẻ nhập về điểm trường trung tâm nhằm giúp cho các em học tập và sinh hoạt trong môi trường tốt nhất.

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thông cho biết: “Nhà trường đã cố gắng tổ chức được cả 3 điểm trường ăn bán trú, tạo điều kiện cho học sinh đến trường cả ngày mà không lo về chuyện ăn, ở, đảm bảo duy trì tỉ lệ chuyên cần 100%.

Tăng cường công tác chủ nhiệm lớp; thường xuyên cho giáo viên đến gia đình, gặp gỡ phụ huynh để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn; rà soát số học sinh có nguy cơ bỏ học, chuyển đi, chuyển đến để có giải pháp huy động. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động thi đua, ngoài giờ lên lớp nhằm tạo môi trường giáo dục lành mạnh, sôi nổi, giúp học sinh vui vẻ đến trường, cho ước mơ của các em được mỗi ngày chắp cánh...”

Minh Đức - Tú Linh

Tin liên quan:
  • Tạo đột phá nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bài 3: Cần có những giải pháp thiết thực và quyết tâm cao trong hành động
    Tạo đột phá nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi

    Trong bức tranh tổng thể của giáo dục Quảng Trị, giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Giáo dục DTTS&MN góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực là người đồng bào DTTS; góp phần hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục, tạo sự công bằng, bình đẳng trong giáo dục & đào tạo (GD&ĐT). Những kết quả mà ngành GD&ĐT Quảng Trị đạt được trong thời gian qua đều có sự đóng góp không nhỏ của giáo dục miền núi.

  • Tạo đột phá nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bài 3: Cần có những giải pháp thiết thực và quyết tâm cao trong hành động
    Tạo đột phá nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bài ...

    Nhờ công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) được quan tâm nên nhiều con em người DTTS đã theo đuổi được ước mơ với con chữ, theo học lên các bậc cao hơn, trở thành những cán bộ, giáo viên để phục vụ quê hương... Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có những bước trưởng thành về mọi mặt; luôn có ý thức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Minh Đức - Tú Linh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Cam Lộ nhân rộng mô hình “Hố rác xanh”

Cam Lộ nhân rộng mô hình “Hố rác xanh”
2025-01-08 05:45:00

QTO - Để góp phần giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Cam Lộ...

Niềm vui đầu năm của nữ sinh Vân Kiều

Niềm vui đầu năm của nữ sinh Vân Kiều
2025-01-08 05:10:00

QTO - Khởi đầu năm 2025, em Hồ Thị Diệu Châu, học sinh lớp 12A4, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh đón một sự kiện lớn của cuộc đời. Sau nhiều...

Nắng mới trên An toàn khu Triệu Nguyên

Nắng mới trên An toàn khu Triệu Nguyên
2025-01-07 05:35:00

QTO - Tháng 11/2024, Chính phủ ban hành quyết định công nhận xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị là xã An toàn khu của trung ương đặt tại tỉnh...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long