{title}
{publish}
{head}
Để góp phần giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Cam Lộ đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả. Trong đó, mô hình “Hố rác xanh”, xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón vi sinh tại hộ gia đình do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện triển khai được xem là cách làm mới, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phân loại rác tại nguồn, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư. Từ mô hình điểm ban đầu ở thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, đến nay đã được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.
Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo Quảng Trị hướng dẫn quy trình xử lý rác thải hữu cơ cho cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Cam Lộ -Ảnh: ANH VŨ
Mô hình “Hố rác xanh” được Hội LHPN huyện Cam Lộ triển khai thực hiện thí điểm tại thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, là thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Cam Lộ. Ban đầu có 10 hộ gia đình là những cán bộ, hội viên tiêu biểu gương mẫu thực hiện. Theo đó, “Hố rác xanh” được xây bằng gạch, thể tích chứa 0,7 m3, phía trên có nắp đậy kín; chi phí để xây dựng mỗi hố khoảng 1 triệu đồng do các hộ gia đình tự đầu tư. Với mô hình này, lượng rác thải hữu cơ trong quá trình sinh hoạt hằng ngày đều được các gia đình cho vào hố cùng với chế phẩm EM để làm phân bón cho cây trồng.
Là người làm công việc nội trợ trong gia đình, khác với trước đây, từ khi có mô hình “Hố rác xanh”, rác thải sinh hoạt hằng ngày được chị Nguyễn Thị Thường, ở thôn An Mỹ phân thành hai loại. Rác vô cơ được chị cho vào một sọt riêng để tổ thu gom đưa đi, còn toàn bộ rác hữu cơ cho vào “hố rác xanh” của gia đình, đồng thời đưa thêm chế phẩm EM vào ủ để rác nhanh hoai mục, tạo thành phân bón cho cây trồng.
“Nếu chỉ bỏ rác thải hữu cơ hằng ngày phải 6 tháng mới đầy hố. Riêng đối với gia đình tôi do cần nhiều phân hữu cơ để bón cho cây trồng nên tôi cho thêm thân cây lạc, cây chuối, rơm rạ vào để làm phân. Khi rác đầy hố, tôi trộn đều thêm 3 gói chế phẩm EM, sau 3 tháng là rác hoai mục thành phân đưa ra trồng cây rất tốt”, chị Thường cho biết.
Thấy được hiệu quả rõ rệt từ mô hình “Hố rác xanh”, Hội LHPN huyện Cam Lộ chỉ đạo hội LHPN các xã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và Nhân dân nhân rộng mô hình. Trong đó, tập trung tại các thôn, khu phố đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu để đảm bảo môi trường luôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Kết quả đến nay đã có 8/8 xã trên địa bàn huyện triển khai thực hiện với 167 “Hố rác xanh”.
Để phát huy hiệu quả mô hình, Hội LHPN huyện Cam Lộ đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị) tổ chức 5 lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình ủ, xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm EM cho cán bộ, hội viên và Nhân dân. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên và cộng đồng dân cư tích cực giữ vệ sinh môi trường nông thôn, hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng tiết kiệm và hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.
Mặc dù mô hình “Hố rác xanh” xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón vi sinh tại hộ gia đình của LHPN huyện Cam Lộ mới triển khai trong một thời gian ngắn nhưng đã phát huy hiệu quả rõ rệt, được đông đảo cán bộ, hội viên hưởng ứng tích cực. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để phụ nữ thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn, góp phần hạn chế tình trạng quá tải tại bãi rác tập trung của huyện.
Chị Lê Thị Huế, ở xã Cam Thủy cho biết, mô hình “Hố rác xanh” dễ làm, nhiều gia đình có thể tự xây được. Từ khi có mô hình “Hố rác xanh” đã tạo thói quen việc phân loại rác cho tất cả các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, khi đã phân loại được rác thì lượng rác thải vô cơ rất ít, chủ yếu là bao bì nilon nên vừa sạch, vừa nhẹ, tạo điều kiện rất thuận lợi cho người thu gom cũng như xử lý tại lò đốt rác tập trung của huyện, gia đình có thêm nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lộ Nguyễn Thành Công cho biết, hiện nay lò đốt rác tập trung của huyện chỉ xử lý được khoảng 1/3 lượng rác đưa về. Khó khăn nhất là công tác phân loại rác đầu nguồn chưa tốt nên quá trình đưa vào đốt rác hữu cơ phải có thời tiết nắng để phơi dài ngày, việc đốt cũng khó xử lý.
Vì vậy, công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết, góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; nếu tất cả các hộ gia đình trên địa bàn huyện đều có “Hố rác xanh” và thực hiện triệt để việc phân loại rác tại nguồn thì lượng rác thải sẽ giảm khoảng 60%.
Thực tế cho thấy, từ khi thực hiện mô hình “Hố rác xanh” ý thức của người dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường cũng được nâng lên, không còn tình trạng người dân đổ rác tràn lan ra đường, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ hơn trước, góp phần cùng với các địa phương xây dựng thành công xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Cam Lộ Lê Thị Hường cho biết, hiện nay đơn vị đang tiếp tục chỉ đạo hội LHPN các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong hội viên, cộng đồng dân cư; vận động những hộ chưa có mô hình “Hố rác xanh” triển khai xây dựng, phấn đấu đến cuối năm 2024 tất cả các địa phương trên địa bàn đều triển khai mô hình. Đặc biệt, những gia đình cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện mô hình.
Đối với những đơn vị triển khai sau, hội tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo Quảng Trị tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ cho hội viên và Nhân dân nhằm phát huy hiệu quả mô hình, góp phần đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Anh Vũ
QTO - Bức tranh về giáo dục miền núi tuy có nhiều điểm sáng nhưng khó khăn vẫn bộn bề. Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của ngành giáo dục và đào tạo...
QTO - Là con đường có hàng chục lượt người và xe qua lại mỗi ngày, thế nhưng sau ảnh hưởng của mưa lũ, đường liên xã nối xã Thuận và xã Hướng Lộc, huyện...
QTO - Khởi đầu năm 2025, em Hồ Thị Diệu Châu, học sinh lớp 12A4, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh đón một sự kiện lớn của cuộc đời. Sau nhiều...
QTO - Tháng 11/2024, Chính phủ ban hành quyết định công nhận xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị là xã An toàn khu của trung ương đặt tại tỉnh...
QTO - Nhờ công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) được quan tâm nên nhiều con em người DTTS đã theo đuổi được ước mơ...
QTO - Từng tiếp xúc làm việc với anh Hồ Văn Lâng, Bí thư Đảng ủy xã Xy, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị nhiều lần nên tôi ấn tượng bởi anh là người rất gần...
QTO - Hướng tới kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Hải Lăng 19/3 (1975 - 2025), Báo Quảng Trị - Hội Nhà báo tỉnh - UBND huyện Hải Lăng phối hợp tổ chức Cuộc...
QTO - Trong bức tranh tổng thể của giáo dục Quảng Trị, giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội....
QTO - Sau 5 năm (2019- 2024) triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kế hoạch số 84 ngày 7/5/2018 của Tỉnh...
QTO - Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng chuyên môn các cấp học theo Nghị quyết số 29 của Ban...
QTO - Ngày 18/10/2022, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-HĐND phê duyệt Đề án 197/DA-UBND-MTTQ ngày 6/10/2022 của UBND-UBMTTQ Việt Nam...