Cập nhật:  GMT+7

Tăng cường các biện pháp quản lí người bệnh tâm thần

(QT) - UBND tỉnh vừa có Công văn số 5568/UBND-NC về việc tăng cường quản lí, phòng ngừa vi phạm liên quan đến người bệnh tâm thần. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc cấp hồ sơ, giấy chứng nhận về tâm thần, chế độ, chính sách cho người tâm thần để kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập dễ nảy sinh các hoạt động tiêu cực, qua đó tham mưu, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn. UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị như Công an, Viện kiểm sát, TAND tỉnh, Sở LĐ, TB&XH, Sở Y tế... triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật của người bị bệnh tâm thần trên địa bàn, đồng thời tăng cường công tác quản lí, giám sát người bệnh, tạo điều kiện để người bệnh chữa bệnh hiệu quả.

Công văn trên được ban hành xuất phát từ thực tế con số người bị bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng, tính đến tháng 7/2019, toàn tỉnh có trên 3 nghìn người bị bệnh tâm thần, tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Dự báo đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị có hơn 5.000 người bị bệnh tâm thần và người bị rối nhiễu tâm trí, chiếm gần 1% tổng dân số của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác cấp giấy xác nhận, quản lí người bệnh tâm thần trong thời gian qua còn nhiều bất cập, dẫn đến sẽ có trường hợp lợi dụng để trục lợi, có hoạt động tiêu cực và không loại trừ lợi dụng tờ giấy xác nhận đó để hoạt động phạm pháp. Việc theo dõi, giám sát và tổ chức các giải pháp điều trị cho người bệnh vẫn chưa hiệu quả; nhiều trường hợp người bệnh tâm thần đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cho bản thân nhưng chưa được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội. Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp quản lí, phòng ngừa người tâm thần vi phạm pháp luật chưa được chú trọng dẫn đến trên địa bàn xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng do người bị bệnh tâm thần gây ra.

Mới đây, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử đối với Lê Sĩ D. - người bị bệnh tâm thần về tội “Giết người” và tuyên án 20 năm tù. Điều đáng nói là D. được bác sĩ kết luận bị bệnh tâm thần phân liệt, thường xuyên có những hành vi bất thường nhưng việc quản lí đối tượng không được chặt chẽ dẫn đến từ một xích mích nhỏ, đối tượng này đã tước đi mạng sống của một người khác cùng xã. Đối với gia đình D., mặc dù biết con bị bệnh tâm thần phải được uống thuốc đều đặn nhưng vì không quản lí được việc đi lại của con nên thuốc thang bữa có bữa không, đi bệnh viện thì không có điều kiện nên bệnh của D. không được chữa trị dứt điểm. Trước đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra nhiều trường hợp người tâm thần phạm tội như vào tháng 4/2019, đối tượng T. (bị tâm thần phân liệt) dùng dao giết một người và làm một người khác bị thương tại lễ tân gia của một gia đình ở Cam Lộ. Tháng 10/2019, một người đàn ông bị tâm thần ở Gio Linh giết chị ruột của mình... Không chỉ ở Quảng Trị mà trên địa bàn cả nước nói chung, thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ án mạng đau lòng mà thủ phạm là người tâm thần. Các đối tượng này đa phần không phải chịu trách nhiệm hình sự vì bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Điều này đã dấy lên tâm lí hoang mang, bức xúc trong dư luận.

Đáng nói, “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự” (Điều 21- Bộ luật Hình sự 2015). Điều đó dẫn tới một thực tế mà xã hội phải chấp nhận đó là việc bệnh nhân tâm thần chung sống với người bình thường. Điều 49, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định không bắt buộc cách li những người mắc bệnh tâm thần khỏi cộng đồng. Việc “bỏ rơi”, cô lập họ sẽ chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Bởi vậy để giảm thiểu tình trạng người tâm thần phạm tội chỉ có thể thực hiện công tác quản lí người bệnh chặt chẽ. Nhưng việc quản lí người tâm thần như thế nào cho hiệu quả và trách nhiệm thuộc về ai?

Ngay từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2011/ NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Nhưng việc chữa bệnh bắt buộc này chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan tố tụng, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự, còn trước khi người tâm thần gây án, họ không bị bắt buộc chữa bệnh để ngăn ngừa hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Như vậy, mặc dù có thể nhìn thấy trước hậu quả do hành vi nguy hiểm của người tâm thần gây ra nhưng pháp luật hiện hành đang thiếu hẳn quy định về phòng ngừa người tâm thần gây án cũng như trách nhiệm người “cầm chịch” trong việc đưa người tâm thần đi chữa bệnh. Và dù cơ quan chức năng có yêu cầu gia đình bệnh nhân đưa người tâm thần vào các trung tâm chữa trị, nhưng nếu gia đình họ không thực hiện thì cũng không xử lí được. Trường hợp này, cơ quan điều tra đành giao cho chính quyền địa phương quản lí, tuy nhiên việc làm đó phần nhiều mang tính hình thức, vì không phải lúc nào chính quyền cũng có điều kiện để mắt đến người tâm thần. Chính vì vậy, việc phải sống chung với người tâm thần đang là mối lo ngại của toàn xã hội khi họ không được quản lí và kiểm soát chặt chẽ.

Tuy vậy, việc quản lí người tâm thần không thể dồn trách nhiệm về một phía mà trách nhiệm này thuộc về tất cả mọi người, đặc biệt là từ phía gia đình, lực lượng y tế cơ sở, chính quyền địa phương. Khi phát hiện người thân có biểu hiện bị tâm thần gia đình nên sớm đưa đến các cơ sở chuyên khoa tâm thần để khám, theo dõi nhằm sớm phát hiện bệnh và điều trị. Thực tế cho thấy, nhiều vụ án đau lòng xảy ra do một số gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc người bệnh, thậm chí có biểu hiện che giấu việc người thân có biểu hiện hạn chế nhận thức. Trong khi, bệnh tâm thần có thể ổn định tốt nếu tuân thủ điều trị duy trì, phát hiện sớm các biểu hiện tái phát và điều trị kịp thời. Những người bệnh tiến triển tốt, sau khi chữa khỏi có thể về chung sống cùng gia đình nhưng vẫn phải tuân thủ theo hướng dẫn điều trị tại nhà của bác sĩ, tránh bệnh tái phát. Các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp tích cực, phối hợp tổ chức kịp thời đưa người bệnh vào các trung tâm thích hợp để điều trị hoặc có giải pháp hỗ trợ cho gia đình bệnh nhân.

Việc UBND tỉnh ban hành Công văn 5568, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương về việc tăng cường quản lí, phòng ngừa vi phạm liên quan đến người bệnh tâm thần là hết sức cần thiết. Có một thực trạng là tỉ lệ người bệnh tâm thần được điều trị rất nhỏ so với số bệnh nhân chưa được đưa vào danh sách quản lí, cấp thuốc điều trị đang ở trong cộng đồng. Do đó, chính quyền và ngành Y tế các địa phương cần tăng cường phối hợp rà soát, thống kê số người bị bệnh tâm thần; phân loại và phối hợp với gia đình người bệnh để quản lí, theo dõi chặt chẽ, đưa người tâm thần hoặc có dấu hiệu tâm thần đi điều trị, sử dụng thuốc thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng mở rộng các cơ sở, trung tâm bảo trợ xã hội cho người bị bệnh tâm thần nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, tổ chức lao động, trị liệu và phục hồi chức năng cho người tâm thần đặc biệt nặng, người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng.Việc có một “ngôi nhà chung” để người tâm thần vừa được điều trị bệnh, vừa có không gian an toàn để sinh hoạt sẽ hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật do họ gây ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Hoài Nam



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tiêu diệt tin giả bằng…trái tim

Tiêu diệt tin giả bằng…trái tim
2019-12-07 05:27:26

(QT) - Thời đại của “mạng xã hội”, chuyện người dùng mạng bị dính tin giả là chuyện không tránh khỏi, ngay cả đối với những người đọc có kinh nghiệm nhất đi nữa. Tuy nhiên để...

Những con số biết nói

Những con số biết nói
2019-12-06 05:42:59

(QT) - Năm 2019, tỉnh Quảng Trị đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo tâm thế vững tin bước vào năm 2020, năm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh...

Để quản lí, sử dụng đất rừng hiệu quả

Để quản lí, sử dụng đất rừng hiệu quả
2019-12-02 05:10:04

(QT) - Trước thực trạng quản lí, sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh kém hiệu quả, ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30 về tiếp tục sắp xếp, đổi...

Những câu chuyện về số liệu

Những câu chuyện về số liệu
2019-11-30 06:16:29

(QT) - Có lẽ những lí luận, thực tiễn về tầm quan trọng của số liệu thống kê trong quản lí, điều hành phát triển KT-XH của đất nước và từng địa phương, đơn vị chắc nhiều người...

Trẻ ở đâu mới thực sự an toàn?

Trẻ ở đâu mới thực sự an toàn?
2019-11-23 06:20:37

(QT) - Liên tục những vụ xâm hại trẻ em xảy ra từ đầu năm đến nay khiến dư luận bức xúc. Câu hỏi luôn được đặt ra sau một vụ trẻ bị xâm hại tình dục, đó là: Trẻ ở đâu mới thực...

Để việc cưới, việc tang văn minh hơn

Để việc cưới, việc tang văn minh hơn
2019-11-22 06:03:10

(QT) - Việc cưới hay việc tang có thể diễn ra đối với bất kì gia đình nào. Để những hoạt động này đi vào nền nếp, không chỉ nhà nước đã có các quy định mà nhiều khu dân cư,...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết