Cập nhật: Thứ 4, 08/10/2008 | 15:05 GMT+7

"Tam nông" và ba điều ước (Bài 1)

Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) (từ ngày 9 đến 17-7-2008, tại Hà Nội) đã bàn và quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó đã ra Nghị quyết "về nông nghiệp, nông dân và nông thôn". Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nông nghiệp, nông thôn, nông dân (gọi tắt là tam nông) có ý nghĩa chiến lược quan trọng, là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế- xã hội bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái...

Bài 1: Phát triển toàn diện và hiện đại hóa nông nghiệp là khâu then chốt Có thể khẳng định rằng, những thành tựu đạt được trong sản xuất nông nghiệp suốt hai thập kỷ qua đã để lại dấu ấn đậm nét nhất trong công cuộc đổi mới đất nước. Với đường lối đúng đắn của Đảng, nông nghiệp đã có bước phát triển thần kỳ. Cũng đồng đất ấy, con người ấy, tư liệu sản xuất ấy, nông nghiệp đã đi những bước vững chắc từ "khoán 100" đến "khoán 10", từ giao quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài cho nông dân, để cho nông dân tự suy nghĩ trên luống cày của mình đến hàng loạt chính sách tín dụng, đầu tư hỗ trợ cho nông nghiệp...đã phát huy cao nhất tính tự chủ của nông dân, tạo động lực mạnh mẽ, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng lao động, làm cho nông nghiệp ngày càng phát triển vững chắc và thu được những thành tựu to lớn. Từ một đất nước triền miên thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo hàng thứ hai trên thế giới. Đó là một kỳ tích khiến cho nhiều quốc gia phải thán phục.

Đưa sắn nguyên liệu vào chế biến tại nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa

Bên cạnh đó, trong những thời khắc cam go nhất, đất nước phải đối mặt trước những tác động bất lợi của tình hình khủng hoảng tài chính thế giới, của tất cả các loại hình thiên tai, từ rét đậm, rét hại, lũ lụt, lốc xoáy, bão tố, dịch bệnh đến lạm phát và "bão giá" trong nước thời gian gần đây, nông nghiệp, với thế đứng vững chãi và sự thích ứng nhanh nhạy với thời cuộc, liên tục thu được những mùa vàng bội thu. Thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp là một điểm tựa tin cậy, một "liều thuốc an thần" để từng bước động viên và góp phần xốc dậy cả một nền kinh tế của đất nước. Ở Quảng Trị trong những năm qua, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp gây hậu quả nặng nề ở nhiều nơi nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn liên tục tăng trưởng, phát triển khá toàn diện. Giá trị tổng sản phẩm của ngành nông nghiệp hàng năm đạt trên 700 tỷ đồng. Sản lượng lương thực có hạt đạt 220.500 tấn (năm 2007). Kim ngạch xuất khẩu đạt 31 triệu USD, trong đó chủ yếu có sự góp mặt của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản được sản xuất và sơ chế trên địa bàn. Ở một tỉnh thuần nông như Quảng Trị, nông nghiệp càng có vị trí hết sức quan trọng. Những thành tựu trong nông nghiệp đã góp phần tạo dựng một nền tảng có tính căn cơ và bức thiết, đó là đảm bảo vững chắc vấn đề an ninh lương thực trên phạm vi toàn tỉnh. Bên cạnh đó, cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực cũng cho thấy, nền nông nghiệp Quảng Trị đang vận hành đúng lộ trình, hợp quy luật. Trong lúc tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 27,7 % lên 30,9%, thì tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 34,7% xuống còn 32,1% (năm 2007). Vậy nhưng, trong nội tại ngành nông nghiệp, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi lại diễn ra rất mạnh mẽ. Có thể thấy rõ rằng trong trồng trọt, diện tích trồng lúa chỉ duy trì chừng 23.000 ha với việc đầu tư thâm canh đủ độ để có sản lượng cao nhất. Đồng thời với đó là việc quy hoạch diện tích để tập trung thâm canh lúa chất lượng cao, có khả năng trở thành hàng hóa xuất khẩu khoảng 10.000 ha ở những nơi có điều kiện, tập trung ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh. Những diện tích trồng lúa bấp bênh, hiệu quả thấp đã được chuyển sang các mô hình hiệu quả hơn như trồng lạc, nuôi ếch thương phẩm, nuôi tôm, cá, các loại thủy sản khác, trồng rau sạch hoặc kết hợp các phương thức canh tác như mô hình lúa-cá, lúa-sen-cá, cá-sen...Việc hình thành các vùng chuyên canh trồng và sơ chế sản phẩm từ hồ tiêu, cao su, cà phê, lạc, sắn nguyên liệu...đã tạo sự đa dạng hóa trong cơ cấu cây trồng, phù hợp với tiềm năng và lợi thế từng vùng. Tư duy làm ăn xoay quanh yêu cầu phải có mức thu nhập cao nhất trên diện tích canh tác nhỏ nhất đã thay dần kiểu làm ăn cũ, trồng lúa, trồng màu bằng bất cứ giá nào. Đó là sự đổi mới về nhận thức rất đáng trân trọng từ người nông dân. Việc dồn điền đổi thửa, được ví như một cuộc cách mạng trên đồng ruộng cũng đang được tiến hành khẩn trương và được sự đồng thuận của người nông dân, nhiều nơi đã cơ bản hoàn thành như ở Hải Lăng, Triệu Phong. Từ đây đã góp phần ra đời những cánh đồng có mức thu kỷ lục 50 triệu, 60 triệu/ha/năm. Việc "tích tụ đất đai" trong hạn mức cho phép cũng đã thúc đẩy sự ra đời của trên 11.000 trang trại lớn nhỏ (với tiêu chí trang trại lâm nghiệp ít nhất là 5 ha, nuôi cá 2 ha, chăn nuôi trâu bò trên 50 con, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên 5000 con...). Nhờ vậy, đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định, bước đầu hình thành sản phẩm hàng hóa, có sự liên doanh liên kết để hỗ trợ và phát triển. Trong chăn nuôi, mặc dù gặp rất nhiều bất lợi từ các loại dịch bệnh hoành hành trong một thời gian dài, ở diện rộng, trên tất cả các loại con nuôi chủ lực và là nguồn thu chính của người nông dân như trâu, bò, gà, vịt, heo... để lại hậu quả hết sức nặng nề, nhưng nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước và tính chủ động, thích ứng với hoàn cảnh rất cao của người dân nên khả năng vực dậy ngành chăn nuôi ngang với tổng đàn như trước khi có dịch ở tất cả các loại vật nuôi là rất khả quan. Cùng với các biện pháp ứng dụng tiến bộ KH-KT trong công tác giống để nâng cao chất lượng tổng đàn như cải tạo bò lai pha máu zêbu, sản xuất lợn lai giữa giống ngoại với giống nội nhằm nâng tỷ lệ nạc, nuôi dê kiêm dụng thịt - sữa, gà lai thả vườn... người nông dân cũng đang chú ý phát triển các giống vật nuôi trước đây chưa đưa ra đại trà như thỏ, ếch, ba ba, ong lấy mật...phấn đấu tăng tỷ trọng giá trị sản xuất của chăn nuôi từ 24 - 25% như hiện nay lên 30% giá trị sản lượng nông nghiệp vào năm 2010, đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính. Trong lâm nghiệp hiện đã có những chuyển biến rất tích cực. Việc khai thác rừng trồng từ khu vực ngoài quốc doanh (chủ rừng, chủ trang trại) chỉ đạt 60% vào năm 2000 nay đã tăng lên gần 80%. Những diện tích đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là ở vùng gò đồi, miền núi cơ bản đã có chủ. Đa số diện tích này đã được trồng cây lâm nghiệp. Từ khai thác rừng tự nhiên bừa bãi, tác động xấu đến môi trường sinh thái, người dân sống gần rừng, dựa vào rừng đã chuyển sang trồng, chăm sóc, khai thác diện tích rừng trồng và sống được nhờ nguồn lợi từ rừng trồng đem lại, góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh lên trên 40%, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Tóm lại, nền nông nghiệp Quảng Trị đã và đang tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển và trên thực tế đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đặt ra vẫn là, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp thiếu bền vững do gặp quá nhiều yếu tố rủi ro như thiên tai, dịch bệnh. Chưa gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thời gian nông nhàn còn nhiều và tình trạng nông nhàn còn đang phổ biến ở nông thôn. Thu nhập của người nông dân từ nông nghiệp còn thấp, chưa đủ tái sản xuất mở rộng, nhưng lại là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ sự tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng chiến lược phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Trong điều kiện đất nước ngày càng hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới, với vị thế và tầm quan trọng trong cơ cấu kinh tế tỉnh nhà, nông nghiệp Quảng Trị không có con đường nào khác là phải tự đổi mới để thích ứng và phát huy hiệu quả tích cực trong điều kiện mới. Nghị quyết Đại hội X của Đảng, gần đây là Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 7 (khóa X) đã khẳng định ý nghĩa to lớn và yêu cầu bức thiết của vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong giai đoạn mới, trong đó xác định phải xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, đa dạng, bền vững, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Để từng bước chủ động hội nhập, có 6 vấn đề cốt yếu mà nông nghiệp Quảng Trị phải tiến hành một cách đồng bộ và quyết liệt, thu được hiệu quả cao để tạo xung lực thúc đẩy toàn ngành phát triển đúng hướng, nhanh, mạnh và bền vững hơn trong tương lai.

Những công trình thủy lợi ngăn mặn giữ ngọt đã được đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp

Trước hết, việc cần làm là tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tập trung nâng cao trình độ thâm canh tăng năng suất cho nông dân, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp mà nông dân làm ra. Gắn bó bền chặt và cam kết chia sẻ trách nhiệm giữa sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ bằng những ràng buộc có tính pháp lý cao. Đây là một trong những mặt biểu hiện cụ thể và có sức thuyết phục nhất về "hàm lượng" và tầm quan trọng của việc đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH trong nông nghiệp. Một sản phẩm của nông dân làm ra, trồng được, khi xuất thô thường cho giá trị thấp. Nếu qua sơ chế, chế biến thành phẩm, có bao bì, nhãn mác, thương hiệu, có các thông tin liên quan đến sản phẩm và tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, thì giá cả sẽ tăng gấp nhiều lần. Hồ tiêu, mủ cao su, tinh bột sắn...là những ví dụ sinh động. Đây cũng là khâu cốt yếu thể hiện sự liên kết "bốn nhà" để tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Cần có khảo sát chu đáo nhằm ổn định diện tích trồng lúa nước, làm cơ sở để quy hoạch xây dựng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao. Đánh giá toàn diện thực trạng hệ thống kênh mương, hồ đập thủy lợi để có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, xây mới theo lộ trình, đảm bảo cho các công trình thủy lợi hiện có đều phát huy tốt chức năng tưới tiêu, ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Chọn một số cây công nghiệp ngắn ngày chủ lực, đã từng chứng minh được tính phù hợp và hiệu quả cao trên từng chân đất để phát triển, mở rộng diện tích, đặc biệt là cây lạc (diện tích dự kiến 6.000 ha, tập trung chủ yếu vùng đồi, vùng cát trồng xen trên diện tích cây công nghiệp dài ngày, vùng bãi bồi ven sông ở những nơi có điều kiện). Mở rộng diện tích vùng sắn nguyên liệu bằng hình thức luân canh, xen canh với cây họ đậu để đất không bị thoái hóa, đảm bảo cung cấp cho hai nhà máy tinh bột sắn với quy mô khoảng 10.000 ha. Tập trung chăm sóc diện tích hiện có, tiếp tục trồng mới 1.000 ha cao su, 200 ha cà phê, 100 ha hồ tiêu ở các vùng đã được quy hoạch. Thực hiện chuyển đổi quỹ đất từ các nông - lâm trường quản lý, sản xuất không hiệu quả giao cho người dân có nhu cầu sử dụng. Hiện nay, khi chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo ở vùng ảnh hưởng dịch đang gặp nhiều khó khăn để khôi phục tổng đàn, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ thiệt hại và khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp gắn với cơ sở giết mổ, sơ chế tập trung. Việc làm này nhằm tạo sự hợp tác giữa các nông hộ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra và góp phần bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh xã hội hoá ngành lâm nghiệp theo hướng không để trống diện tích đất rừng khi người dân có nhu cầu trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Coi trọng công tác trồng rừng kinh tế để ổn định quy mô vùng nguyên liệu cho nhà máy gỗ MDF. Bên cạnh tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng biển phù hợp với từng vùng (cửa lạch, bãi ngang), một việc không kém phần quan trọng là cần có cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn theo hướng đa dạng và phù hợp, góp phần giải quyết lao động tại chỗ, hạn chế tình trạng nông nhàn khá phổ biến như hiện nay. Bài và ảnh: Đào Tâm Thanh >>Bài 1: Phát triển toàn diện và hiện đại hóa nông nghiệp là khâu then chốt >>Kỳ sau: Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Mô hình trồng rừng cần nhân rộng

Mô hình trồng rừng cần nhân rộng
01:59 08/10/2008

Đến xã Tà Long huyện Đakrông, hỏi về chuyện trồng rừng phát triển kinh tế, mọi người ai cũng nhắc đến gia đình ông Hồ Xuân Lâm ở thôn Vôi. Hiện tại gia đình ông có gần 10 ha...

Mô hình “nuôi tôm quy trình ít thay nước”

Mô hình “nuôi tôm quy trình ít thay nước”
02:32 07/10/2008

Những năm gần đây, tình hình nuôi tôm sú của cả nước nói chung cũng như tỉnh Quảng Trị nói riêng diễn biến rất phức tạp, môi trường thoái hoá, ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra trên...

Giàu ở đôi bàn tay

Giàu ở đôi bàn tay
03:54 06/10/2008

Trước cánh cửa tương lai, anh Hồ Văn Quý (khóm 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá) quyết chí đi theo ước mơ anh từng ấp ủ, đó là trở thành một kỹ sư xây dựng. Bẵng đi vài...

POWERED BY
Việt Long