Sức lan tỏa ngày càng sâu rộng sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, (khóa VIII) ở Quảng Trị
* Đồng chí NGUYỄN VĂN HÙNG, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị
 |
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được ban hành, Tỉnh uỷ Quảng Trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 nhóm giải pháp lớn đã được xác định trong nghị quyết. Sau 15 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) đã thực sự lan toả sâu rộng, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội nói chung và trong lĩnh vực văn hoá nói riêng; góp phần đắc lực vào sự nghiệp đổi mới, phát triển của quê hương Quảng Trị anh hùng. Ngay sau đợt học tập, quán triệt Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ra Kế hoạch số 06-KH/TU, ngày 30/9/1998 “Thực hiện Nghị quyết Hội nghị BCH TƯ Đảng lần thứ 5 (khoá VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Căn cứ vào Nghị quyết Trung ương 5, Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch 06/ KH-TU của Tỉnh uỷ; Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm về phát triển văn hoá. Các địa phương và ban ngành của tỉnh, đặc biệt là Sở Văn hoá- Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã đề ra những việc làm cụ thể thực hiện Kế hoạch 06-KH/TU phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và đơn vị mình. Năm 2004, Hội nghị Trung ương 10 (khoá IX) ra Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII). Tỉnh uỷ Quảng Trị đã xây dựng Chương trình hành động số 54-CTHĐ/ TU, ngày 28/12/2004 về thực hiện Kết luận Hội nghị TƯ 10 (khoá IX). Chương trình hành động của Tỉnh uỷ đã tạo cơ sở pháp lý và cách thức để các Đảng bộ huyện, thị xã, các Đảng bộ trực thuộc, các ban ngành liên quan tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện tốt Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khoá IX). Nhận thức rõ: Xây dựng con người mới vừa là mục tiêu, vừa là động lực của chủ nghĩa xã hội; các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã đặc biệt quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng; trong đó trọng tâm là giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; phấn đấu rèn luyện giữ gìn đạo đức, lối sống; nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân đối với đất nước, với xã hội và cộng đồng. 5 đức tính xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã được cụ thể hóa thành chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế địa phương, từng đơn vị và từng đối tượng bằng các phong trào hoạt động cụ thể như: “Công an nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ”, “Xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ”, phong trào “Giỏi việc nước đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Thanh niên tình nguyện”, “Nông dân giúp nhau xoá đói giảm nghèo”, “Dạy tốt học tốt”... Các phong trào thi đua đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng con người mới theo 5 đức tính được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Đặc biệt, qua 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 06-CT/ TW của Bộ Chính trị (khoá X) và hơn 2 năm thực hiện chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, qua quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đã góp phần đắc lực trong xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; tạo được sự chuyển biến rõ nét trong cán bộ, đảng viên về tác phong làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân; hạn chế và từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về đạo đức, tư tưởng, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 |
Cầu Hiền Lương trong ngày hội Thống nhất non sông - Ảnh: LÊ HOÀNG |
Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hoá tiến bộ, lành mạnh đã và đang trở thành phong trào xã hội rộng lớn, thu hút sự tham gia của các tổ chức trong hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội và của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai rộng khắp, bắt đầu từ mỗi gia đình, làng bản, khu phố, cơ quan, trường học...có tác dụng động viên ý thức tự giác, thúc đẩy quá trình nhập thân văn hoá của mỗi người. Thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã nâng cao tính chủ động sáng tạo, tính tích cực tự giác của mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; dân chủ kỷ cương trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được người dân chấp hành khá tốt. Bước đầu đã hình thành được những nếp sống văn hoá tốt đẹp, thấm đẫm tình làng nghĩa xóm. Những tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi. Các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cũng đã tập trung lãnh đạo việc tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị 27- CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, tạo được sự chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. UBND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước nhằm đưa việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh dần đi vào nền nếp. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã trở thành một cuộc vận động lớn, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đã trở thành quy định chung mà mọi gia đình, mọi dòng tộc nghiêm túc điều chỉnh thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có: 129.403/ 151.150 gia đình được công nhận Gia đình văn hoá (đạt 85,6 %); có 907/1.060 làng, khu phố được công nhận Đơn vị văn hoá ( đạt 85,5%); 905/1.014 cơ quan, đơn vị trường học được công nhận Đơn vị văn hoá (đạt 89,2 %). Đến năm 2012, tỉnh Quảng Trị có 3 đơn vị là Hải Lăng, Vĩnh Linh, thị xã Quảng Trị được công nhận huyện điển hình văn hoá. Chỉ thị số 46-CT/TƯ, ngày 27/7/ 2010 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 3159/KH-BVHTTDL ngày 9/9/2010 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về “Chống sự thâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại, gây huỷ hoại đạo đức xã hội” cũng đã được triển khai nghiêm túc, bước đầu đạt được những kết quả tốt; góp phần ngăn chặn các sản phẩm văn hoá độc hại lưu hành trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) và Nghị quyết số 23/NQ-TƯ của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; văn học nghệ thuật Quảng Trị đã có những bước phát triển mới. Sáng tác và hoạt động phổ biến văn hoá, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng. Số lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật tăng lên đáng kể, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thẩm mỹ ngày càng tăng của nhân dân trong tỉnh. Một số bộ môn văn học nghệ thuật có những sáng tạo giá trị, đóng góp vào nền văn học nghệ thuật cả nước. Nhiều anh chị em văn nghệ sĩ trước những biến động của xã hội và khó khăn về đời sống vẫn giữ gìn phẩm chất kiên định quan điểm sáng tạo phục vụ nhân dân. Từ những chuyến đi thực tế về cơ sở, người nghệ sĩ đã thực sự đứng vững trên hiện thực sống động của quê hương đất nước, của thời đại, từ đó nâng cao đôi cánh của tâm hồn; sáng tạo ra ngày càng nhiều những tác phẩm có giá trị. Trong quá trình đóng góp cho hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhiều cá nhân đã được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ nhân dân và các danh hiệu khác. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 1 Nghệ sĩ nhân dân, 7 Nghệ sĩ ưu tú. Nhận thức sâu sắc giá trị to lớn, sức động viên lan tỏa của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, với lòng kính trọng và tình yêu thiết tha đối với vị Bác Hồ, những năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Trị đã hưởng ứng nhiệt tình, đầy trách nhiệm cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sau 3 năm phát động, đã có 377 tác phẩm hưởng ứng cuộc thi, trong đó, trên lĩnh vực VHNT có 208 tác phẩm. Phát huy vai trò của văn hóa, văn nghệ trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và khát vọng vươn tới cái đúng, cái tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, các cấp ủy đảng đã khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sáng tác, đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho nhân dân. Các địa phương, cơ quan, trường học đã thành lập các câu lạc bộ thơ ca, tập hợp được nhiều người tham gia, tạo nên một sân chơi sinh hoạt văn hóa bổ ích. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt . Điểm mấu chốt trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 mà Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã làm được là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Với sự quan tâm của Trung ương, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự cố gắng vượt bậc của lãnh đạo các cấp, các ngành, đến nay, một số công trình trọng điểm đã được đầu tư tôn tạo như: Di tích Thành Cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Nhà đày Lao Bảo, Sân bay Tà Cơn, Khu lưu niệm đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, Khu di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Công trình Bảo tàng tỉnh... Từ năm 1998 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, đã đầu tư tôn tạo 43 di tích với tổng chi phí đã thực hiện 321 tỷ đồng; các đoàn thể và cộng đồng dân cư góp 12,6 tỷ đồng tôn tạo 45 di tích. Hiện tỉnh có trên 15.000 di vật, cổ vật có giá trị đã được kiểm kê, bảo quản. Tổng số di tích trên toàn tỉnh hiện nay là 505, trong đó di tích lịch sử là 435, di tích văn hóa nghệ thuật là 45, di tích khảo cổ 16, di tích danh thắng 6; trong đó số di tích được xếp hạng quốc gia là 33, số di tích được xếp hạng cấp tỉnh 472. Việc phục dựng, bảo tồn và phổ biến các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống được coi trọng. Hiện tỉnh Quảng Trị đang khôi phục, bảo tồn và phát huy những lễ hội truyền thống, tổ chức thực hiện, quản lý những lễ hội mới hình thành nhằm đưa hoạt động lễ hội trở thành một sinh hoạt văn hóa tinh thần cộng đồng thường xuyên trong quần chúng nhân dân. Các hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật cộng đồng có bước tiến đáng kể, phát triển cả về số lượng, chất lượng, có những đóng góp quan trọng vào di sản văn hóa phi vật thể chung của cả nước. Quảng Trị có 27 lễ hội trên 4 loại hình: Lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội cách mạng, lễ hội văn hóa du lịch và lễ hội tôn giáo. Các lễ hội cách mạng được hình thành theo nguyện vọng của quần chúng nhân dân như “Lễ hội Thống nhất Non sông” , “Lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn” và “Lễ hội Trường Sơn huyền thoại” (Lễ tri ân 27/7) luôn được chú trọng và nâng cao về quy mô, trong đó, “Lễ hội Thống nhất Non sông” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nâng tầm lên thành lễ hội quốc gia. Bên cạnh đó, những lễ hội dân gian cổ truyền như: Lễ tế đầu năm; Lễ hội chợ Đình Bích La; Hội đua thuyền; Hội đu xuân; Hội cù; Lễ hội cầu ngư; Hội chèo cạn; Lễ hội đâm trâu; Lễ hội mừng lúa mới và các lễ hội tôn giáo khác... đã được tổ chức có hiệu quả góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Nghệ thuật biểu diễn dân gian như chèo cạn, hò đưa linh, điệu trống quân của các đội nhạc cổ truyền dân tộc, hát cà lơi cha chấp, oát, xà nớt của đồng bào dân tộc thiểu số... đã có một sức sống mãnh liệt trong cộng đồng dân cư, đang từng bước phục hồi để giữ gìn và phát triển. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có những bước tiến vượt bậc. Quy mô các ngành học, bậc học ổn định và phát triển. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tăng cao (đạt trên 99%). Chất lượng giáo dục toàn diện chuyển biến tốt cả diện đại trà và mũi nhọn. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì ổn định. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức lối sống trong nhà trường theo Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và phát triển đảng viên trong các trường học” được chú ý triển khai, đạt được kết quả khả quan. Việc xây dựng môi trường giáo dục được chú trọng. Nền nếp kỷ cương học đường được giữ vững. Các phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “dạy tốt học tốt”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã được thực hiện có hiệu quả và có nhiều chuyển biến tốt. Đến năm 2012, toàn ngành có 52% số trường đạt tiêu chí trường học thân thiện, học sinh tích cực. Việc giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử địa phương đã được quan tâm, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các hoạt động khoa học, nhất là khoa học ứng dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất và đời sống. Hệ thống thông tin đại chúng phát triển nhanh từ tỉnh đến cơ sở. Chất lượng thông tin ngày càng cao và phong phú; phản ánh kịp thời và rộng rãi tình hình kinh tế- xã hội của địa phương; nhanh chóng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến nhân dân. Đội ngũ những người làm báo Quảng Trị ngày càng trưởng thành, được bổ sung số lượng và nâng cao về chất lượng. Hoạt động báo chí của địa phương tuân thủ định hướng của Trung ương, của tỉnh. Báo chí xuất bản hoạt động đúng luật, không chạy theo khuynh hướng “thương mại hoá”. Phát triển văn hoá trong các dân tộc, tôn giáo được chú trọng. Công tác sưu tầm nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện tốt. Các di sản văn hóa vật thểvà phi vật thể như: Khu nhà dài truyền thống Pa Kô, các làn điệu dân ca, các loại hình nhạc cụ và ngành nghề truyền thống được bảo tồn. Hiện nay trên địa bàn các huyện miền núi có trên 2.000 chiếc cồng chiêng được bảo tồn, lưu giữ tại các hộ gia đình... Nhiều lễ hội truyền thống đã được khôi phục và phát huy có hiệu quả, từng bước tạo nên nét đẹp văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Trị được quan tâm lưu giữ. Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã nhiều năm nghiên cứu, điều tra, khảo sát để ra tập sách về chữ viết của dân tộc thiểu số Quảng Trị. Chính sách văn hóa đối với tôn giáo được các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, đảm bảo cho hoạt động văn hóa của các tôn giáo được diễn ra bình thường trên cơ sở tôn trọng pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo. Việc tuyên truyền giáo dục khắc phục tệ mê tín dị đoan; chống việc lợi dụng tôn giáo cũng được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm, thực hiện tốt. Hoạt động văn hóa đối ngoại có bước phát triển mới. Tỉnh Quảng Trị đã tăng cường hoạt động giao lưu văn hoá với hai tỉnh bạn Salavan và Savannakhet (Lào) và Thái Lan. Lễ hội “Nhịp cầu Xuyên Á” và các chương trình liên hoan nghệ thuật 3 nước Đông Dương đã mời đoàn Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma, Trung Quốc sang biểu diễn, giao lưu văn hoá. Nhiều đoàn chuyên gia các nước như Nhật, Thụy Điển, Hà Lan, Hàn Quốc cũng đã đến nghiên cứu, tìm hiểu về mảnh đất, con người Quảng Trị, tham dự các sự kiện lịch sử, làm phim tư liệu tại Quảng Trị. Mối quan hệ giữa Việt Nam với các tổ chức nhân đạo nước ngoài được cải thiện; thể hiện tình thân ái, cùng nhau đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa. 15 năm qua, việc xây dựng, phát triển và củng cố hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chú trọng. Nhiều chương trình mục tiêu của tỉnh về xây dựng thiết chế văn hoá đã được thực hiện. Đến nay, nhiều thiết chế đã được hoàn thành, trong đó có những công trình quy mô lớn, trở thành bộ mặt tiêu biểu của tỉnh như: Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng, Trung tâm Bảo tồn di tích danh thắng, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, Trung tâm huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao, Đoàn Nghệ thuật... Một số huyện, thị đã đầu tư xây dựng Trung tâm VH-TDTT với cơ sở vật chất khá tốt như: Hướng Hoá, Triệu Phong, Vĩnh Linh. Việc quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế cũng đã được chú ý. Các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng đã đầu tư xây dựng Nhà Bảo tàng khá quy mô. Đặc biệt hệ thống thiết chế Thư viện huyện đã được tài trợ và đầu tư khá chuẩn trong toàn tỉnh. 65/141 xã, phường, thị trấn đã có thiết chế hoạt động văn hóa; 90/141 xã, phường, thị trấn có Bưu điện văn hóa. Số thôn, bản đã có nhà văn hóa hoặc trụ sở sinh hoạt, trụ sở HTX có thể kết hợp hoạt động văn hóa là 435, chiếm tỷ lệ 43%. Tổng quỹ đất dành cho các thiết chế văn hóa từ xã xuống cơ sở khu dân cư chiếm khoảng 206.000m2. Toàn tỉnh có gần 600 nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng, trong đó có 277 nhà đạt chuẩn... Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của tỉnh Quảng Trị có nhiều chuyển biến mới. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) có ý nghĩa chiến lược về văn hóa của cách mạng nước ta trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết là nhân tố quyết định để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm cho nền tảng tinh thần của xã hội ngày càng vững chắc, tiến bộ, phong phú, góp phần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đất nước, quê hương. Trên cơ sở những kết quả đạt được, với sự đồng sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, tin tưởng rằng, chúng ta sẽ nhanh chóng khắc phục được những mặt hạn chế, yếu kém, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn về chất lượng và hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá thời kỳ mới; để văn hoá ngày càng lan toả sâu rộng vào đời sống thực tiễn của quê hương trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.