Cập nhật:  GMT+7

Số dự án và giá trị nguồn vốn ODA cho ngành nông nghiệp giảm

Sáng nay 6/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Mariam Sherman chủ trì hội nghị trực tuyến toàn thể ISG 2024 với chủ đề “Định hướng ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2026-2030”.

Số dự án và giá trị nguồn vốn ODA cho ngành nông nghiệp giảm

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: Trần Tuyền

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nêu thực tế, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và không còn được hưởng mức lãi suất thấp. Bên cạnh đó, số lượng dự án, giá trị nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành nông nghiệp đã giảm đi rõ rệt; các hỗ trợ kỹ thuật, nguồn vốn không hoàn lại cũng giảm.

Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, bền vững, có sức cạnh tranh cao; gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh nhu cầu hợp tác với các đối tác quốc tế rất lớn, không chỉ về vốn mà còn rất cần các hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, kiến thức cho đầu tư phát triển giai đoạn tới. Đặc biệt, mong muốn ngành nông nghiệp có được những khoản vay ODA ưu đãi nhất để đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cộng đồng và các tổ chức nông dân.

Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, trong giai đoạn 2021- 2025, tổng vốn vay dự kiến cho các dự án mới đang chuẩn bị khoảng 2 tỉ USD, vốn không hoàn lại khoảng 58 triệu USD, vốn đối ứng 478 triệu USD.

Trong đó, có 5 dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án với tổng số vốn vay khoảng 750 triệu USD. Tỉ lệ vốn ODA trong tổng vốn nguồn vốn đầu tư phát triển của Bộ Nông nghiệp và PTNT có thời điểm lên tới gần 50%. Hầu hết nguồn vốn vay ODA thời gian qua được sử dụng cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, xoá đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai...

Tuy nhiên, hạn chế của nguồn vốn này là quá trình chuẩn bị thường kéo dài, thủ tục phức tạp, dẫn đến chậm hoàn thành tiến độ để đưa vào sử dụng, góp phần làm giảm hiệu quả đầu tư. Các chương trình, dự án còn mang tính cục bộ theo phân ngành, lĩnh vực, vùng miền.

Với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến nhu cầu kế hoạch vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 2,46 tỉ USD.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Mariam Sherman đánh giá, thời gian qua, Việt Nam là hình mẫu khi đạt được những thành công tiêu biểu trong việc sử dụng vốn ODA ưu đãi. Nhu cầu về vốn vay ODA của Việt Nam còn rất lớn, ước tính lên tới khoảng 17 tỉ USD. WB mong muốn hỗ trợ nhiều hơn thông qua các nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và các giải pháp kỹ thuật để Việt Nam ngày càng phát triển.

Tại Quảng Trị, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay, nguồn vốn ODA đã bổ sung vào nguồn vốn đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ sinh kế, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, hiện nay vốn ODA và vốn vay ưu đãi đang có xu hướng giảm dần; các khoản vay ODA đang chuyển dần sang các khoản vay kém ưu đãi hơn. Do đó, tỉnh Quảng Trị đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2026-2030.

Trần Tuyền

Tin liên quan:
  • Số dự án và giá trị nguồn vốn ODA cho ngành nông nghiệp giảm
    Hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA trên địa bàn

    Các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi trong giai đoạn vừa qua được tỉnh vận động và tiếp nhận phù hợp với các quy định của Chính phủ, quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, phù hợp với lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo định hướng của Chính phủ Việt Nam và phù hợp với mục tiêu của nhà tài trợ. Nhờ đó, những năm qua, nguồn vốn này đã phát huy hiệu quả tốt góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

  • Số dự án và giá trị nguồn vốn ODA cho ngành nông nghiệp giảm
    Đề xuất bổ sung 2 dự án cấp nước sạch sử dụng vốn ODA tại Cam Lộ và Triệu Phong

    UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất bổ sung 2 dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch sử dụng nguồn vốn ODA từ Chương trình Chuyển đổi nợ Việt Nam – Italia tại huyện Cam Lộ và Triệu Phong.


Trần Tuyền

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long