Cập nhật:  GMT+7

Ruộng bị bồi lấp do sạt lở đất, người dân xã Hướng Việt gặp khó khăn

Tại xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, kể từ sau đợt lũ lịch sử vào năm 2020 đến nay, mặc dù đã có nhiều nỗ lực khắc phục nhưng việc tái sản xuất nông nghiệp của người dân vẫn gặp không ít trở ngại vì diện tích đất bị bồi lấp nặng khá lớn. Hiện nay, nỗi lo về sạt lở làm mất đất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xã Hướng Việt vẫn thường trực mỗi khi vào mùa mưa lũ.

Ruộng bị bồi lấp do sạt lở đất, người dân xã Hướng Việt gặp khó khăn

Một khu vực canh tác lúa nước trước đây của người dân thôn Tà Rùng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa đã bị đất, đá bồi lấp hoàn toàn sau đợt lũ năm 2020, không thể khôi phục để sản xuất -Ảnh: Đ.V

Sau đợt lũ lịch sử năm 2020, toàn bộ 8 sào ruộng của ông Hồ Văn Lờ ở khu vực sản xuất La Am thuộc thôn Tà Rùng, xã Hướng Việt bị bồi lấp bởi sạt lở. Ông Lờ và gia đình đã nỗ lực san gạt một số thửa ruộng để tái sản xuất, còn những thửa bị bồi lấp nặng, gia đình ông không thể trồng lúa hay hoa màu vào những vụ gần đây.

Chỉ tay vào diện tích đất sản xuất của gia đình ở khu vực La Am, ông Lờ cho biết: “Tại khu vực này, đất đá đã lấp hết ruộng lúa của các hộ dân trong thôn. Diện tích đất bồi lấp không thể cải tạo đành bỏ hoang. Người dân lo lắng các mảnh ruộng còn lại trong khu vực sẽ tiếp tục bị mưa lũ cuốn trôi, vùi lấp nếu không sớm có giải pháp chống sạt lở. Đất sản xuất vốn đã ít ỏi, nay tiếp tục có nguy cơ bị mất nên bà con chúng tôi rất lo lắng”.

Gia đình anh Hồ Văn Dương ở thôn Tà Rùng có 3 sào ruộng nước, sau đợt lũ lịch sử đã bị bồi lấp hoàn toàn hơn 1 sào, gần 2 sào còn lại ít bị bồi lấp hơn nhưng canh tác cũng kém hiệu quả do độ màu mỡ của đất giảm nhiều. “Dù khó nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng cải tạo ruộng để canh tác nhằm chủ động lương thực. Còn để đảm bảo về thu nhập chăm lo cuộc sống, gia đình tôi phải chuyển hướng đầu tư chăn nuôi thêm dê, bò”, anh Dương cho biết.

Theo Trưởng thôn Tà Rùng Hồ Ngọc Vân, toàn thôn có diện tích trồng lúa và hoa màu chiếm khoảng 1/3 diện tích của xã Hướng Việt. Trong đó, tổng diện tích trồng lúa nước toàn thôn là 12 ha nhưng đợt lũ năm 2020 đã bồi lấp nặng (bồi lấp bình quân gần 2 m) khoảng 10 ha.

“Tính đến nay, thôn chúng tôi mới khôi phục được hơn 20 sào trong tổng diện tích bị bồi lấp để tái sản xuất lúa nước. Diện tích bị bồi lấp nặng còn lại cũng toàn cát, sạn nên khó có thể canh tác những loại cây trồng khác”, anh Vân cho hay.

Diện tích đất sản xuất bị bồi lấp cũ chưa khôi phục xong thì đến nay nguy cơ tiếp tục bị sạt lở làm mất đất ở khu vực La Am của thôn Tà Rùng vẫn hiện hữu. Anh Vân cho biết, trước nguy cơ mất đất sản xuất khi mưa lũ hằng năm tác động làm sạt lở, lấn sâu vào đất trồng lúa, người dân thôn Tà Rùng đã kiến nghị cấp trên quan tâm xây bờ kè khu vực La Am để ngăn chặn nước lũ làm xói mòn ruộng lúa của bà con.

Ở xã Hướng Việt, ngoài thôn Tà Rùng thì thôn Xa Đưng cũng có diện tích sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp do lũ khá lớn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, cần được hỗ trợ cải tạo khôi phục và chuyển đổi mô hình sinh kế...

Xã Hướng Việt có gần 340 hộ dân, trong đó có 98% là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Toàn xã có diện tích tự nhiên gần 6.000 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm gần 5.300 ha. Tuy nhiên do địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, khe suối, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão nên đất đai canh tác chỉ đạt khoảng 300 ha.

Chủ tịch UBND xã Hướng Việt Hồ Văn Sinh cho biết, đợt lũ năm 2020 đã bồi lấp nặng hơn 70% diện tích trồng lúa và 30% diện tích trồng hoa màu của toàn xã. Đến nay, nguy cơ tiếp tục mất đất sản xuất do mưa lũ gây xói lở trên địa bàn xã vẫn thường trực.

“Đất là tư liệu sản xuất rất quan trọng đối với người dân xã Hướng Việt. Vì thế, chính quyền địa phương mong muốn cấp trên sớm quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kè chắn lũ ở khu vực La Am để giữ đất sản xuất cho người dân”, ông Sinh kiến nghị.

Qua tìm hiểu thông tin từ UBND huyện Hướng Hóa được biết: trước mắt, huyện sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng kè chống sạt lở ở các khu vực dân cư có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Còn việc đầu tư xây dựng kè chắn lũ khu vực La Am để phục vụ sản xuất do cần nguồn kinh phí lớn, nên huyện sẽ xem xét, cân đối ngân sách khi có điều kiện.

Hiếu Giang

Tin liên quan:

Hiếu Giang

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Qua nẻo Làng Vây

Qua nẻo Làng Vây
2024-01-01 05:40:00

QTO - Những lần đi về trên Quốc lộ 9 qua di tích cứ điểm Làng Vây, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tôi lại nhớ đến dự cảm khai phóng trong câu thơ của nhà...

Xuân về trên miền quê đáng sống

Xuân về trên miền quê đáng sống
2024-01-01 05:30:00

QTO - Sau khi hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh xây dựng các thôn, xã hiện đại, thông minh. Ở...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long