Cập nhật:  GMT+7

Quảng Trị, vùng đất hội tụ

Đây là nhan đề một cuốn sách có thể sắp ra mắt bạn đọc. Thoạt đầu, tôi không cóý định ra sách “nhân kỷ niệm”, nhưng từ ngày đất nước thống nhất, rồi “Bình Trị Thiên khói lửa” về một nhà, do công việc được đảm nhiệm tại Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên và Tạp chí Sông Hương, vùng đất Quảng Trị càng trở nên gần gũi, thân thiết trong tôi. Mấy chục năm qua, nhiều bài viết của tôi về Quảng Trị được đăng trên các báo và tạp chíở Bình Trị Thiên và trung ương. Vùng đất lịch sử này đã được thể hiện trong rất nhiều sách, báo, tuy vậy hiện thực phong phú của Quảng Trị như một mỏ quý không bao giờ khai thác đến tận cùng. Đó là chưa nói đến cách nhìn khác nhau, cuộc sống được trình diện trên trang sách sẽ khác nhau. Do đó, tôi hy vọng những trang viết của mình, nếu được “tuyển” thành một cuốn sách, sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn, sâu hơn về con người và vùng đất Quảng Trị, dù chỉ với góc nhìn khiêm tốn của một người không có điều kiện sống lâu dài ở đây. Và thế là bản thảo “Quảng Trị, một vùng đất hội tụ” hình thành.

Quảng Trị, vùng đất hội tụ

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải -Ảnh: TRẦN TUYỀN

Bảy thập kỷ qua (tính từ 20/7/1954) trong tâm thức hàng triệu người dân Việt cũng như bạn bè khắp năm châu, mỗi khi nhắc đến Quảng Trị là nghĩ đến một vùng đất bị chọn làm giới tuyến chia cắt Việt Nam làm đôi. Tôi chọn nhan đề cuốn tuyển tập này là “Quảng Trị - vùng đất hội tụ” vì muốn gửi gắm một cách nhìn khác, đồng thời cũng là một “tiếng gọi” mọi người hãy về với Quảng Trị...

Bản thảo làm xong, được một nhà xuất bản hứa sẽ in giúp, nhưng sách không kịp ra trước ngày 20/7. Xin phép trích bài ký mở đầu cuốn sách gửi đến bạn đọc vào những ngày cả nước có lẽ đang hướng về Quảng Trị. Bài ký viết từ 42 năm trước, với nhan đề “Tiếng gọi một vùng đất”. Mời bạn cùng tôi trở lại vùng đất đặc biệt này của đất nước...

***

Từ trên Dốc Miếu, chiếc xe bon nhanh xuống con đường thẳng tắp chạy giữa cánh đồng đang mùa gặt rộ của hai xã Trung Hải và Trung Sơn ở bờ nam sông Bến Hải. Hai mái ta luy bên con đường mới mở thay lối dốc ngoằn ngoèo ngày trước trông như hai nhát dao khổng lồ cắt đôi hàng rào điện tử Mac-na-ma-ra xưa. Con đường gần tới cầu Hiền Lương bỗng uốn mình hướng về phía Đông một ít rồi mới lại xoay hướng tiến ra Bắc. Nhà thơ Xuân Hoàng với đôi kính cận mơ màng, hẳn đã nhiều lần qua sông Bến Hải trong những năm qua, đến hôm nay mới nhận ra chỗ quành bất thường trước lối vào cầu Hiền Lương. Anh vội hỏi tôi :

- Sao lại đi quành thế cậu?

- Như thế chiếc cầu mới nằm thẳng góc với dòng sông.

Tôi đáp, chẳng phải suy nghĩ nhiều. Những người thợ nối lại bốn nhịp cầu trên dòng Bến Hải là đồng đội cũ của tôi trong cuộc chiến đấu giữ tuyến đường Trường Sơn vượt qua đèo Mụ Dạ hơn mười năm trước.

Chiếc xe đã nghiêng bánh lượn vào đường cong. Một sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Huế đang gật gà ngủ cạnh tôi, bỗng bị bạn lay gọi:

- Hà!Đến Hiền Lương rồi kìa!

- Đâu? Cầu Hiền Lương đâu nào? Sao không gọi mình?

Cô gái choàng tỉnh, vẻ như hốt hoảng, chớp chớp mắt nhìn quanh. Cô quê tận Nghĩa Bình. Đã bao năm rồi, cứ mỗi lần gặp Hiền Lương trên những trang sách, cô lại ước mong có ngày được đến tận dòng Bến Hải. Nay, sông Bến Hải đó, dòng sông xanh ngắt dưới nắng hè, “chỉ một mái chèo đủ lướt sang ngang”. Nào! Mau lên em! Chẳng mấy vòng bánh xe lăn nữa là qua. Tôi ngoái nhìn lại dải đường nhựa uốn lượn phía sau và một ý nghĩ chợt đến xáo động lòng tôi. Nhịp cầu đúng là phải thẳng góc với dòng sông, nhưng con đường và những con người từng mở tuyến Thống Nhất trên đỉnh Trường Sơn như đã cố tình tạo một nét uốn cong mềm mại bên Hiền Lương để lớp lớp thế hệ mai sau từ khắp mọi miền trên trái đất, khi ngang qua đây, chầm chậm bánh xe lăn, chầm chậm bước chân đi, cho đôi mắt kịp ghi lại hình ảnh nhịp cầu và dòng sông đã đi vào lịch sử đất nước. Một nét cong níu một chút thời gian lại như lời nhắc nhở đừng vội quên...

***

Hiếm thấy nơi nào ở nước ta có cảnh sắc đặc biệt như vùng đất bên Cửa Tùng. Một triền đất đỏ ba dan sum sê tiêu, chè, mít, dứa... đượm phong vị vùng đất trung du lại ở kề bên Biển Đông. Những mũi đá đen thẫm gân guốc chĩa ra biển trắng xóa sóng bạc đầu bên bãi cát phẳng phiu tưởng có thể lội thấu đảo Cồn Cỏ ngoài xa mà nước vẫn chưa ngập đầu. Và giếng ngọt cách vị biển mặn mòi chỉ mấy bước chân... Có lẽ vì thế mà ngày trước, thực dân Pháp và Bảo Đại đã về xây nhà nghỉ mát bên Cửa Tùng.

Kể từ ngày Cửa Tùng im tiếng súng đã gần mười năm. Triền đất đỏ ngày nào dày đặc hố bom, nay cây đã gieo cành bói quả, nhưng mỗi bước đi trên vùng nghỉ mát nổi tiếng từ xưa vẫn còn nóng bỏng kỷ niệm thời kỳ nước sôi lửa cháy.

Từ mũi Hàu, chúng tôi đi dọc bãi biển đến ngồi quây quần trên một mỏm đá lớn gần cửa sông nghe anh Mai Văn Tấn kể chuyện. Bạn đọc cả nước từng được nghe anh kể những chuyện cổ đặc sắc của dân tộc Vân Kiều trên đỉnh Trường Sơn, hẳn không ngờ anh còn một kho chuyện về vùng đất bên cửa biển này. Anh từng là sĩ quan trấn giữ “đồn liên hiệp” Cửa Tùng trong gần 10 năm. Và cũng gần 10 năm anh vào nghề văn, nhưng chưa trả được “món nợ” Cửa Tùng. Đã mấy lần định cầm bút trả “món nợ” ấy, nhưng cuộc đấu tranh gay go phức tạp trên cánh đồng làng quê anh đã cuốn anh vào trận mới. Một cuốn sách của anh viết về cuộc đấu tranh sôi động ấy sắp ra đời.

Hôm nay về lại Cửa Tùng, kỷ niệm cũ dâng trào đến mức làm bối rối cả ngòi bút anh. Chưa kịp viết, anh xúc động kể cho chúng tôi nghe cuộc đấu tranh âm thầm, bền bỉ nhưng quyết liệt trên hai bờ sông tuyến. Những kỷ niệm ấy cũng là vốn liếng sẽ làm nên những trang sách mới của anh, nhưng anh đã hào phóng chia đều cho bạn bè. Chúng tôi lắng nghe giọng nói anh đã khàn đi trước gió biển lồng lộng và tưởng như nghe được từ cảnh sắc xung quanh những nỗi niềm sâu nặng chất chứa bao năm.

Một doi cát bờ Nam như bàn tay cứ vươn mãi sang bờ Bắc; cây dừa duy nhất sót lại trên bờ đất cao, nơi mà ngày nào cả một rặng dừa đan cành che rợp suốt dải đất ven sông, thân dừa nham nhở vết bom, mấy tàu lá vàng xơ vì tắc nghẹn nguồn nhựa sống, tưởng như chẳng hề đổi thay, như là một tượng đài sống, là nhân chứng muôn đời tố cáo tội ác hủy diệt của giặc Mỹ. Cồn Cỏ đảo thép đã ẩn hình trên mặt biển mờ sương, bỗng như hiện lên từ những chấm hương đỏ lập lòe trước mộ các chiến sĩ hy sinh trên đường tiếp vận cho đảo...

Rời mỏm đá dưới chân Đồn Công an Cửa Tùng muôn đời trần mình trước gió biển phóng khoáng và ầm ào tiếng sóng vỗ, chúng tôi lặng bước bên nhau trên con đường dốc trở lên bờ đất đỏ. Tôi bỗng thấy đầu môi mình se mặn. Vị biển theo gió thấm đẫm làn môi, hay tự dòng nước mắt vừa tuôn chảy? Dưới chân chúng tôi là “Đồi 61”. Ngày 20/6, đúng 15 năm trước, 61 bà con xã Vĩnh Quang gồm bộ đội và đồng bào bờ Nam đã bị kẹt trong địa đạo bên bờ sông này.

Từng bầy phản lực Mỹ trút bom và pháo bầy từ bờ Nam liên tiếp dội sang đã vùi luôn những chiến sĩ cảm tử tới mở thông cửa địa đạo. Cả mấy trăm con người chết ngạt dần trong bóng tối. Cho mãi đến hôm nay vẫn chưa có tia sáng nào rọi được xuống nấm mồ lớn ấy.

Cả trăm đồng bào tôi! Bao nhiêu là ước vọng, những tiếng khóc của trẻ thơ, tiếng thét gào và cả rừng cánh tay của bản năng sinh tồn moi cào hai bờ địa đạo đến tướp máu, những lời trăng trối chuyền lẫn cho nhau: “Nếu con ra thoát được...”; “Nếu dì ra thoát được...”. Nhưng tất cả đã chết nghẹn dưới tầng đất sâu.

Đã 15 năm qua! Có thể được chăng, bằng con đường riêng của mình, nghệ thuật sẽ rọi tia sáng xuống khối hận thù sâu thẳm ấy, cho cả loài người được tận mắt thấy cả rừng cánh tay vô vọng bới cào đến kiệt sức, những tiếng thét gào, những lời trăng trối tắc nghẹn đã bao năm...

Trong chúng tôi có người chỉ mới một lần đến đây như các họa sĩ: Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Trần Quốc Tiến; các nhà thơ: Nguyễn Khoa Điềm, Võ Quê..., đều bỗng chốc thấy mình như đã mang nợ, thấy mình có nghĩa vụ phải chung sức cùng anh Mai Văn Tấn trả “món nợ” với vùng đất lịch sử này.

Như một kho báu vô tận, vùng đất này vẫn rộng mở, vẫn dành chỗ đứng cho những người đến sau khai thác và sáng tạo. Nhưng chẳng vì thế mà chúng tôi có thể lơi lỏng chần chừ. Lịch sử không dừng lại ở đây. Chẳng thể vội vàng, nhưng nếu cứ lần lữa mãi thì những sự tích mới không ngừng sinh sôi sẽ chồng lên món nợ đời ngày càng thêm nặng. Không! Chúng tôi không thể chậm nữa.

Chỉ một tuần sau ngày khai mạc trại sáng tác, thanh niên Vĩnh Quang đã chuyền nhau bài hát mới về đôi bờ Bến Hải của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương và nhà thơ Xuân Hoàng đã gửi sang bà con Cát Sơn bên bờ Nam những dòng tâm tình sâu lắng: “... Tôi về bến cũ lòng tôi/Giận mình đến chậm trong lời thương nhau/Con đò có đợi chờ đâu/Vẫn sang sông - tự lúc nào gió lên..”..

* * *

....Ở Hòa Lý, những bàn tay lao động và chí tiến công đang tạo dựng nên niềm tin mới, cuộc sống mới. Một ngàn cây mít đã lấn ra vùng đồi hoang sau làng. Hai vạn cây mít sẽ trồng trong những năm tới, chuẩn bị cho cả một rừng tiêu tương lai. Những hình mẫu kinh tế vườn đủ tiêu, chè, cây lương thực và cả thuốc chữa bệnh đang dần hình thành...

Trên vùng đất anh hùng thời chống Mỹ, những sự tích mới đang ngày ngày sinh sôi. Đằm mình giữa cuộc đời sôi động ấy, mỗi chúng tôi đều thấy lòng náo nức, thấy không thể chậm bước nữa. Trong phòng vẽ nhỏ giữa vườn cây Vĩ Dạ im mát, họa sĩ Bửu Chỉ đã hoàn thành bức ảnh về tiềm năng đất biển Cửa Tùng đang kêu gọi mở những chân trời mới. Họa sĩ Vũ Trung Lương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế cùng một số giáo viên vừa đưa mấy chục em sinh viên ra thực tập dọc hai bờ Bến Hải.

Những phác thảo tượng đài bên cầu Hiền Lương trên dốc Miếu, bên “Đồi 61” ở xã Vĩnh Quang đang dần hình thành. Nguyễn Khoa Điềm vừa được giã từ trọng trách công việc đoàn thể bấy lâu đè nặng lên hồn thơ, hăm hở hòa nhập vào dân chài, lên thuyền ra khơi đánh cá và dòng thơ “Đất nước” lại vang ngân: “... Nào anh em - xin được thẳng người/Giờ lên lưới bạn chài xin đủ mặt/Con nước săn sóng táp thuyền ràn rạt/Anh em ơi ta hiệp sức cho đồng/Biển cồn cào phơi ngực giữa mênh mông/Sóng trở dạ phập phồng sinh nở...”. Những bản thảo “sinh nở” bên Cửa Tùng đang ngày một dày lên trước mắt tôi.

Trước mắt tôi, trên vùng đất mà giặc Mỹ đã ném bom hủy diệt, những bụi tiêu quấn quýt không rời, ngày ngày vươn cao lên cùng những choái mít cắm rễ sâu vào tầng đất ba dan đỏ thắm đã kết những chùm quả mùa đầu.

Không đợi được tới mùa tiêu chín, tôi xin nâng một chùm xanh lúc lỉu và nếm một giọt tươi rói tròn căng đượm hương vị vùng đất muôn đời vẫn nóng hực ngọn lửa đấu tranh.

Trại sáng tác Cửa Tùng. Tháng 6/1982.

Nguyễn Khắc Phê

Tin liên quan:
  • Quảng Trị, vùng đất hội tụ
    Về vùng đất thiêng Quảng Trị

    Đây là lần thứ 3 tôi về miền đất thiêng Quảng Trị, đúng vào dịp tỉnh kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng 1/5 (1972-2022) với nhiều hoạt động có ý nghĩa; ngoài lễ kỷ niệm còn có 2 điểm nhấn: Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” tổ chức tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và các hoạt động kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị.

  • Quảng Trị, vùng đất hội tụ
    “Đất thiêng” Quảng Trị

    BHG - Cho tôi hôm nay vào Thành cổ/ Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/ Xin chớ vô tình với người hy sinh/ Trên mảnh đất quê mình...


Nguyễn Khắc Phê

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Bâng khuâng Tây Nguyên

Bâng khuâng Tây Nguyên
2024-12-10 09:00:00

QTO - Bao giờ dã quỳ bung sắc lửa, em hãy đến Tây Nguyên cùng anh. Em sẽ được ru mình giữa chiều cao nguyên thơ mộng, nghe lại câu chuyện tình của đôi uyên...

Vào đời

Vào đời
2024-08-10 05:40:00

QTO - Thành có thói quen dậy sớm từ nhiều năm nay. Dù đêm hôm trước thức khuya để làm việc hay “trà dư tửu hậu” với đám bạn thân thì đồng hồ sinh học vẫn...

Cánh đồng chiều của mẹ

Cánh đồng chiều của mẹ
2024-08-08 07:50:00

QTO - Tôi mới về quê ngoại trưa nay. Tháng Năm, mới chỉ hơn mười giờ đã thấy nắng chang chang bỏng rát. Lại thêm ngọn gió Lào hầm hập nên cái nắng nóng...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long