Cập nhật:  GMT+7

Phát triển du lịch cộng đồng tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số

Vùng miền núi phía Tây Quảng Trị có hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan phong phú, đa dạng, là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng, tạo nên các sản phẩm du lịch cộng đồng mang tính đặc thù, có sức thu hút du khách. Để khai thác tiềm năng này, thời gian qua, nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được đào tạo làm du lịch cộng đồng, qua đó, đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Phát triển du lịch cộng đồng tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số

Du khách đến tham quan, trải nghiệm tại thác Tà Puồng -Ảnh: TÚ LINH

Anh Hồ Văn Giỏi (sinh năm 1990) ở thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng Trăng Tà Puồng cho biết, cách đây một năm, anh là một trong bốn người dân tộc Vân Kiều ở bản được Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam tại Quảng Trị phối hợp với địa phương chọn đi học cách làm du lịch cộng đồng để về khai thác du lịch tại thác Tà Puồng 3.

Tham gia lớp học, bốn người được hướng dẫn cách làm hướng dẫn viên du lịch, cứu hộ, cứu nạn, chế biến các món ẩm thực đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết thúc lớp học, nhóm được hỗ trợ 65 triệu đồng làm đường đi bộ dài gần 1km từ chỗ gửi ô tô vào đến thác.

Trên cơ sở đó, Tổ du lịch cộng đồng Trăng Tà Puồng ra đời gồm 18 thành viên, bốn người được đi học nghề du lịch là nòng cốt của tổ. Họ phân công cụ thể công việc của từng thành viên. Một bộ phận được chọn chế biến thức ăn, bộ phận khác trực cứu hộ tại thác Tà Puồng 3, còn bộ phận hướng dẫn du khách khám phá thác.

Tại thác Tà Puồng 3 được dựng 15 lán, sạp tre nứa đón khách, mỗi lán đủ rộng để khoảng 10 người dừng chân trải nghiệm thác. Kể từ đó, thác Tà Puồng 3 đã trở thành điểm đến không thể thiếu của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đam mê du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên.

Theo anh Giỏi, du khách đến tham quan thác Tà Puồng 3 muốn thưởng thức ẩm thực của người DTTS cần báo trước qua anh để tổ chuẩn bị phục vụ chu đáo hơn. Dịp 30/4 và 2/9 vừa rồi, trong một ngày có từ 600 - 700 khách đến thác Tà Puồng 3 trải nghiệm, còn ngày bình thường, khi thời tiết đẹp, điểm thác này cũng đón được vài chục người. Nhờ đó 18 thành viên của tổ du lịch cộng đồng có thu nhập hằng tháng ổn định.

Lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa cho biết, ngày càng có nhiều tổ chức, đơn vị mở lớp đào tạo người DTTS làm du lịch giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Huyện cũng chỉ đạo các phòng chức năng, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện quan tâm đào tạo nghề cho người DTTS, trong đó chú ý nghề liên quan đến du lịch để khai thác và phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương.

Mới đây, tổ chức Helvetas Việt Nam phối hợp Ken Travel mở khóa tập huấn cho người DTTS làm ẩm thực du lịch, marketing du lịch, kỹ năng tổ chức lửa trại cho cộng đồng tại xã Hướng Phùng và xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa. Thông qua khóa tập huấn lần này, các học viên là thành viên của 15 hộ gia đình được trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tổ chức khai thác và quảng bá du lịch địa phương phục vụ du khách.

Tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, nhất là du lịch cộng đồng. Nhiều điểm được đưa vào khai thác phục vụ du khách hiệu quả. Đây là địa bàn sinh sống của người Vân Kiều, Pa Kô với các làn điệu dân ca, lễ hội văn hóa cồng chiêng, các loại nhạc cụ truyền thống và cảnh quan tự nhiên hùng vĩ, tươi đẹp ít nơi nào có được. Hai huyện Hướng Hóa và Đakrông xác định phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người DTTS là nội dung quan trọng cần nỗ lực để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, để phát triển du lịch cộng đồng thì lực lượng lao động người DTTS cần được đào tạo nghề du lịch để họ chủ động từ hướng dẫn du khách đến chế biến các món ăn đặc sản, có như vậy mới thu hút được du khách đến với vùng đất này ngày càng nhiều.

Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế nhiều lần đến nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng tại miền Tây Quảng Trị cho biết, để thúc đẩy sự phát triển loại hình du lịch tại cộng đồng vùng đồng bào DTTS, các địa phương cần có giải pháp mang tính bền vững, phát triển lâu dài, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người DTTS.

Đặc biệt, Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về chiến lược, quy hoạch du lịch cộng đồng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, cần có các giải pháp thiết thực để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, nhất là đào tạo nghề cho người DTTS để phát triển du lịch cộng đồng, gắn với giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch để tạo sức bật cho du lịch cộng đồng phát triển.

Tú Linh

Tin liên quan:
  • Phát triển du lịch cộng đồng tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số
    Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát ...

    Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô luôn được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang được định hướng xây dựng thành sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

  • Phát triển du lịch cộng đồng tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số
    Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số tìm việc làm

    Để giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Tỉnh đoàn và các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) để định hướng, hỗ trợ thông tin về thị trường việc làm, xuất khẩu lao động, giúp ĐVTN người DTTS có nhiều lựa chọn việc làm để có thu nhập ổn định.

  • Phát triển du lịch cộng đồng tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số
    Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, cộng đồng phù hợp

    Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nêu rõ: phát triển du lịch nông nghiệp, cộng đồng là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình. Tại Quảng Trị, du lịch nông nghiệp, cộng đồng đang được nhiều địa phương, người dân quan tâm.


Tú Linh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Núi Thần Tài, nơi đến không muốn về…

Núi Thần Tài, nơi đến không muốn về…
2023-08-26 09:00:00

QTO - Chỉ bắt đầu bằng một mạch ngầm nước khoáng nóng chảy ra từ lưng chừng núi, những người làm du lịch ở núi Thần Tài đã biến nơi đây thành một khu phức...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long