Cập nhật: Chủ nhật, 29/05/2016 | 10:47 GMT+7

Nữ nghị sĩ thời chiến

(QT) - Dòng sông Bến Hải đi vào lịch sử bởi cái vệt vẽ như một đường chỉ xanh của nó trên bản đồ nước Việt trùng với vĩ tuyến 17. Dòng sông thành nơi phân ly hai miền Nam-Bắc. Nơi dòng sông gặp biển, phía bờ Bắc là các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) mà dấu tích những tháng năm chiến tranh được lưu lại với tượng đài kỷ niệm những bến đò. Bến đò A ở xã Vĩnh Quang và bến đò B ở xã Vĩnh Giang. Bà Nguyễn Thị Dậu, năm nay đã hơn 70 tuổi thỉnh thoảng lại bồng đứa cháu nội ra đứng ngó lên tượng đài bên bến đò B. Bến đò xưa luôn đánh thức trong bà những hồi ức của một cô xã đội phó xã Vĩnh Giang vào tuổi 20 của nửa thế kỷ trước. Và vì những cống hiến trong những năm tháng mưa bom bão đạn ấy, cô xã đội phó Nguyễn Thị Dậu đã trở thành nữ đại biểu Quốc hội khóa IV (1971-1975) và khóa V (1975-1976). Nghị sĩ của miền đất giới tuyến Vĩnh Linh bây giờ là một huyện thuộc tỉnh Quảng Trị, nhưng từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 cho đến năm 1975, Vĩnh Linh là đặc khu, một đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh bởi vị trí đặc biệt của nó. Cho nên dù đất đai dân số chỉ ngang một huyện nhưng đặc khu Vĩnh Linh vẫn có đoàn đại biểu Quốc hội của mình.

Bà Nguyễn Thị Dậu và niềm vui “tự mình mần lấy mà ăn” với vườn hồ tiêu quanh nhà

Nhiệm kỳ 1971-1975, bà Nguyễn Thị Dậu là một trong ba nghị sĩ của Vĩnh Linh cùng với ông Trần Đồng- Bí thư Khu ủy Vĩnh Linh và ông Hồ Ray, Ủy viên Ủy ban hành chính khu vực. Ông Trần Đồng và Hồ Ray nay đã thành thiên cổ, còn bà Dậu đã bước qua tuổi 70 nhưng ký ức về những kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV và khóa V vẫn tươi nguyên trong ký ức. Tôi về xã Vĩnh Giang, ghé trụ sở UBND xã hỏi nhà bà Dậu, cô văn thư cười: “Bà Dậu Quốc hội” là mẹ của chị Liên, người đang làm chủ tịch xã ni đó”, rồi chỉ cho tôi ngôi nhà cách không xa trụ sở xã, nằm trong bóng rợp cây lá của miền đất bazan màu mỡ nơi cuối dòng Bến Hải. “Hồi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV tôi đang là Xã đội phó, đến khóa V mới lên làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã. Lần bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV, khi đó tôi mới hai lăm tuổi. Thời chiến, cử tri đi bầu không chỉ có người dân mà còn các đơn vị bộ đội đang hành quân qua đó cũng bầu cử luôn. Những năm ấy đạn bom ác liệt lắm. Là xã đội phó, suốt ngày tôi bám trụ ở bến đò B, cùng anh em bộ đội đưa quân qua đánh bên bờ Nam, cứ đầu hôm đưa quân sang, nửa đêm về sáng lại đón anh em về, tải thương, tải đạn…Thời chiến, anh em lính quen với hình ảnh o xã đội phó gắn bó với bến đò B là tôi nên kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV tôi được trúng cử chính là nhờ phiếu của anh em bộ đội. Đi bầu cử mà nghe mấy anh bộ đội cứ bảo nhau rất “phạm quy”: Nhớ bầu cho o Dậu xã đội nghe! Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV đó, tôi còn nhớ là vào ngày 11/4/1971, có nhiều nơi thùng phiếu phải đặt dưới hầm, đi bỏ phiếu cũng phải đeo lá ngụy trang, dọc theo giao thông hào. Trúng cử đại biểu Quốc hội khóa IV rồi, mỗi lần ra Hà Nội họp cũng gian nan lắm, nhất là cái đận năm 1972. Mỗi lần họp là tôi đi bộ lên đặc khu, từ đó xe chở theo đường 15 (đường Hồ Chí Minh bây giờ) đi hai ba ngày mới ra tới Hà Nội, đó là khi bình thường, còn khi cầu đường bị máy bay ném bom phá thì có khi cả tuần mới tới. Đại biểu Quốc hội thời đó cũng chưa có chế độ hay phụ cấp đãi ngộ gì, chỉ biết đi, tới đâu ăn đó, nghỉ đó, khi thì gặp binh trạm, khi thì nhà khách… Ra Hà Nội, họp xong lại quày quả về, lại đối mặt với đạn bom. Về đi tiếp xúc cử tri cũng chỉ nói chuyện… đánh giặc”.

Đài tưởng niệm bến đò B ở xã Vĩnh Giang

Bốn năm sau, tháng 4/1975, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V diễn ra khi chiến dịch giải phóng miền Nam đang diễn ra ào ạt vào ngày 6/4/1975. Những đại biểu Quốc hội khóa V có một nhiệm kỳ đặc biệt bởi nhiệm kỳ này chỉ kéo dài đúng một năm, từ tháng 4/1975 đến ngày 26/4/1976. Bà Nguyễn Thị Dậu cũng trúng cử tiếp đại biểu Quốc hội khóa V cùng hai đại biểu của khóa IV là ông Trần Đồng và Hồ Ray. Nhớ tới kỳ bầu cử đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, bà Dậu không khỏi bồi hồi: “Hồi đó khí thế lắm, háo hức lắm, đất nước thống nhất rồi, thắng được đội quân mạnh nhất thế giới rồi, ai cũng nghĩ chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ mạnh giàu ngay”. Cuộc bầu cử của ngày thống nhất “Đó là cái ngày quá đáng nhớ chứ chú-bà Dậu vẫn giữ được nét hồ hởi như mỗi khi nhắc lại quá khứ- vì mấy lần bầu cử trước đó phải bầu ở dưới giao thông hào, phải phòng tránh pháo hạm, máy bay…Còn kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội vào tháng 4/1976, bà con ai cũng phấn khởi, sung sướng vì không lo máy bay bất thình lình bổ nhào, không lo pháo hạm bất ngờ câu từ biển vô. Từ mấy tuần trước đó, không khí của cuộc bầu cử đã rạo rực lắm rồi, vì chuẩn bị kỷ niệm một năm ngày thống nhất đất nước, vừa là lần đầu tiên dân hai miền Nam Bắc cùng chung lá phiếu. Với người dân Vĩnh Linh thì lại càng vui hơn vì đây là đất giới tuyến, đất bom đạn, giờ nhớ lại, thời mới giải phóng còn gieo neo khổ cực nhưng tinh thần thì quá phấn chấn”. Bà Dậu, sau một nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội khóa IV trọn vẹn và hơn một năm là đại biểu Quốc hội khóa V, đến khóa VI thì bà không tham gia ứng cử nữa, lý do với bà thật đơn giản: “Hồi trước thời chiến khác, bây giờ hòa bình rồi, bầu những đại biểu Quốc hội phải có trình độ, có hiểu biết về luật, về kinh tế để xây dựng đất nước”. Năm tháng chiến tranh ở vùng đất giới tuyến giáp ranh với chồng chất bom đạn đã tôi luyện cô xã đội phó xã Vĩnh Giang trở nên cương cường và nghĩa khí. Sau khi thôi nhiệm vụ xã đội phó, o Dậu chuyển qua làm Hội trưởng Hội Phụ nữ, tham gia Đảng ủy xã rồi trở về làm một công dân giản dị, làm ruộng, chăn bò, chăm lo con cái. Cùng tiếp chuyện tôi, ông Phan Văn Thía, chồng của bà Dậu nói: “Bà nhà tôi hay lắm, khi không tham gia công tác ở xã nữa, về nhà thấy bà cũng làm lụng như dân làng, nhiều người cứ băn khoăn hỏi: Sao làm tới đại biểu Quốc hội mà giờ về đi làm ruộng, không được cái gì hết hay sao? Bà nhà tôi trả lời: Sao lại không được: con cái tôi học hành đàng hoàng, công ăn việc làm ổn định, đêm ngủ ngon không lo đạn bom, như vậy là được chớ còn đòi chi nữa?”. Thấy chồng nhắc chuyện, bà Dậu lại cười: “Có đội bom đội đạn mới biết hòa bình sung sướng như thế nào, ông không nhớ chuyện anh bạn học mà ông hay kể à?”. Ông Thía lại ngùi ngùi: “À, đó là hồi tôi đang học sư phạm Vinh, học tới năm 1968 thì tham gia quân đội. Có anh bạn cùng học, nhập ngũ cùng tiểu đội, huấn luyện xong, đang trên đường hành quân, chưa tới mặt trận thì đơn vị bị trúng bom, anh ấy hy sinh. Tôi với bà nhà tôi hay ngồi kể chuyện xưa, nhớ tới những bạn bè hy sinh rồi nhắc mình được sống tới hôm nay là may mắn lắm so với anh em đồng đội”. Một buổi sáng bình yên với người cựu nữ nghị sĩ thời chiến Nguyễn Thị Dậu, tôi bỗng nhận ra bài học vô cùng giản dị. Theo thói quen nghề nghiệp, tôi lại hỏi han một chút về những chế độ chính sách cho “cựu đại biểu Quốc hội”, bà Dậu cười vang: “Thì ai cũng nói tôi làm nhiều việc nhưng toàn việc không lương nên làm chi có lương hưu, nhưng có phụ cấp tham gia kháng chiến, 1,1 triệu đồng cộng với chế độ thương binh 4/4 được 1 triệu đồng nữa, cộng lại cũng đủ để…có tiền hàng tháng đi giỗ chạp, đám cưới, đám ma. Còn để sống thì tôi có cái vườn tiêu này đây, tôi nghĩ tự mình làm lấy mà ăn thôi chứ đừng có quá trông đợi chuyện đãi ngộ hay chính sách!”. Rồi bà chỉ tay ra vườn tiêu quanh nhà, hồ tiêu trên đất bazan Vĩnh Linh nổi tiếng với vị nồng thơm khó đâu có được. Cuộc đời của bà Dậu cũng đặc biệt như thế, chắt chiu từ đất đai mà nồng cay, mà thơm thảo hồn nhiên giữa cuộc đời. Bài, ảnh: LÊ ĐỨC DỤC



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Những bến đò xưa anh hùng
22:10 30/04/2023

Toàn tỉnh Quảng Trị có 12 con sông lớn nhỏ, tạo thành 3 hệ thống sông chính là sông: Bến Hải, Thạch Hãn và Ô Lâu. Trên những dòng sông này, qua 2 cuộc chiến ...

Đổi thay bên “dòng sông giới tuyến”
03:05 22/08/2024

Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, sông Bến Hải chảy dọc theo vĩ tuyến 17, qua địa phận huyện Vĩnh Linh và Gio Linh rồi đổ ra Biển Đông ở Cửa Tùng. Con sông ...

Sóng nước Hiền Lương soi bóng cờ vĩ tuyến
02:45 22/04/2023

Trên hành trình thiên lý Bắc Nam, có một dòng sông, một chiếc cầu không ai có thể quên: sông Bến Hải và cầu Hiền Lương. Sông không rộng, cầu không dài nhưng đó ...

Ký ức về bến phà Hiệp Kiều
22:45 02/08/2024

Sông Sa Lung là 1 trong 2 chi lưu hợp thành sông Bến Hải. Con sông này mang âm hưởng huyền thoại, gắn liền với câu chuyện “rồng sa” được truyền tụng lâu đời ...

Hải Lăng đất của những dòng sông sử thi
02:11 24/01/2025

Không hiểu sao, mỗi lần chạm đất Hải Lăng, trong lòng tôi lại vấn vương câu văn đẹp như một bức tranh của nhà văn Nga Ilya Ehrenburg nói về lòng yêu nước mà ...

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nhân đôi
10:00 tối Thứ 6

QTO - Tại Trường THPT thị xã Quảng Trị những ngày này, niềm vui như được nhân đôi khi thầy trò nhà trường đang tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập...

Quảng Trị làm sao quên!

Quảng Trị làm sao quên!
08:14 31/03/2025

QTO - Đã định ăn Tết Hà Nội trọn vẹn, sáng mồng Một Tết 2025, nhớ nhà quá, tôi lên xe khách về Hà Tĩnh. Vắng khách, tôi yêu cầu người lái xe mở cho nghe...

Vẹn nguyên nỗi nhớ Bác Hồ

Vẹn nguyên nỗi nhớ Bác Hồ
16:53 22/05/2016

(QT) - Đã 70 năm kể từ ngày đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) lần đầu tiên cầm lá phiếu cử tri thực hiện quyền công dân của mình, đồng thời vinh dự được...

Nổi danh nhờ… biệt tài

Nổi danh nhờ… biệt tài
05:44 15/05/2016

(QT) - Với giọng hát ấn tượng, tài beatbox và khả năng vũ đạo chuyên nghiệp, Trần Thái Sơn đang “làm mưa, làm gió” trên mạng xã hội, sóng truyền hình cùng nhiều sân khấu lớn...

“Siêu thị” giữa rừng

“Siêu thị” giữa rừng
15:09 08/05/2016

(QT) - Giữa núi rừng thâm u của xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), một ngày bỗng xuất hiện cửa hàng bán từ cái kim, sợi chỉ đến ti vi, sắt thép. Hỏi người dân nơi đây...

“Nuôi rau” ở Song Tử Tây

“Nuôi rau” ở Song Tử Tây
17:03 23/04/2016

(QT) - Nhắc đến chuyện nuôi con, ông bố bà mẹ nào cũng lắc đầu kêu khổ vì phải chăm bẵm từng li từng tí. Nhưng ra xã đảo Song Tử Tây (thuộc huyện đảo Trường Sa) mới thấy, những...

Chong đèn “săn” cá lẹp

Chong đèn “săn” cá lẹp
07:06 17/04/2016

(QT) - Để có được khoang thuyền đầy ăm ắp cá, những ngư dân ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) phải thức trắng đêm luồn lách qua muôn vàn con sóng dữ và đối mặt...

“Tuyên chiến” với các hủ tục

“Tuyên chiến” với các hủ tục
03:47 10/04/2016

(QT) - ...bây giờ tục cưới của đồng bào dân tộc Vân Kiều được tổ chức theo đời sống mới. Những nghi lễ như Cho’q van, Ta beng…vẫn được lưu giữ như nét đẹp văn hóa truyền thống...

Thời tiết

22°C - 28°C
Có mây, không mưa
  • 22°C - 28°C
    Có mây, không mưa
  • 23°C - 31°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long