Nỗ lực khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
* NGUYỄN TRIỀU THƯƠNG, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị)
 |
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (KT- XH), quốc phòng- an ninh giai đoạn 2016- 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX. Thực hiện Nghị quyết số 01 ngày 31/12/2015 của Huyện ủy về nhiệm vụ phát triển KT- XH, quốc phòng- an ninh năm 2016, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; kinh tế đất nước, của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên người và đàn gia súc, đặc biệt sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra đã làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT- XH của huyện. Được sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự giám sát của HĐND, sự quản lý điều hành tích cực, chủ động, hiệu quả của UBND huyện, nỗ lực của các ngành, địa phương và nhân dân, nền kinh tế của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu KT-XH được duy trì tăng trưởng khá, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng- an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Năm 2016, giá trị sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp đạt 1.080.049 triệu đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đạt 443.861 triệu đồng, tăng 15,2%, đạt 100% kế hoạch (KH), chiếm tỷ trọng 13,47% (năm 2015: 12,63%). Giá trị sản xuất thương mại- dịch vụ đạt 1.196.395 triệu đồng, tăng 10,8%, đạt 95,4% KH, chiếm tỷ trọng 36,29% (năm 2015: 35,39%). Giá trị xây dựng cơ bản đạt 576.166 triệu đồng, tăng 19%, đạt 100% KH, chiếm tỷ trọng 17,48% (năm 2015: 15,88%). Thêm 1 xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới toàn huyện lên 5 xã, các xã còn lại đều đạt từ 11-15 tiêu chí. Duy trì 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng lên, trong đó mầm non 13/20 trường, đạt 100% KH, THCS 11/17 trường, vượt 10% KH, tiểu học 25/25 trường mức độ 1, 8 trường mức độ 2. Tỷ suất sinh giảm còn 12,68- đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm 0,78% (KH 0,67); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm xuống còn 18,5% (KH: 18%). Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 10,2% (KH 10,5%). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 78%. Công nhận thêm 1 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (KH 1 xã). Tạo việc làm mới cho 1.686 lao động, vượt 5,4% KH, trong đó có 120 người đi xuất khẩu lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%, từ 12,74% giảm xuống còn 10,24%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, đạt 100% KH; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99% (KH 99%). Tổng thu ngân sách đạt 398.788 triệu đồng, đạt 121% KH, trong đó thu trên địa bàn đạt 39.500 triệu đồng, đạt 91% KH huyện giao, đạt 98% KH tỉnh giao. Tổng giá trị xây dựng cơ bản (XDCB) đầu tư toàn xã hội đạt 1.094.330 triệu đồng, trong đó giá trị XDCB thực hiện trên địa bàn huyện đạt 720.208 triệu đồng, chiếm 65%, giá trị XDCB đầu tư trong nhân dân là 374.122 triệu đồng, chiếm 35%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 29,9 triệu đồng (KH 29- 30 triệu đồng)...
 |
Đổi thay ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong - Ảnh: NV |
Để đạt có được kết quả đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đẩy mạnh chuyển đổi giống lúa cao sản, dài ngày kém chất lượng thay vào một số giống lúa ngắn ngày chất lượng cao lên đến 80% diện tích đã làm tăng năng suất, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Công tác cải tạo đồng ruộng sau dồn điền đổi thửa được thực hiện tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, trước sự cố môi trường biển, bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng với địa phương xây dựng phương án phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững nhằm giúp cho nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm chung tay giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần để giúp người dân sớm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Công tác khuyến công thực hiện tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển, nâng cao quy mô, năng lực cạnh tranh. UBND huyện cùng các phòng, ban, ngành, địa phương tích cực tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, các tổ chức phi chính phủ với số tiền 26,262 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn huyện. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nuôi dưỡng, khai thác nguồn thu hợp lý, duy trì nguồn thu hiện có, tạo nguồn thu mới nên thu ngân sách trên địa bàn đạt kết quả đáng kể; chi ngân sách đảm bảo theo đúng quy định, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, KT-XH, QP-AN ở địa phương. Quan tâm chăm lo thực hiện sự nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sự nghiệp giáo dục- đào tạo và y tế tiếp tục được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu học tập và khám chữa bệnh cho nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách và vùng khó khăn được tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả. Công tác tổ chức, xây dựng chính quyền được chú trọng. Việc bổ nhiệm, tuyển dụng, bố trí và giải quyết các chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện kịp thời theo đúng quy định. Công tác cải cách hành chính được chú trọng từ huyện đến cơ sở. Công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Công tác phổ biến, giáo dục và thực hiện pháp luật trong cán bộ và nhân dân được tăng cường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra. Nhất là việc khai thác thủy hải sản, sản xuất thương mại- dịch vụ không đạt do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển. Tình trạng dịch bệnh tôm và trên đàn gia súc vẫn còn xảy ra. Công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp còn gặp khó khăn do một số chủ rừng không làm hồ sơ đăng ký khi khai thác, chưa chấp hành tốt các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng trong xử lý thực bì sau khai thác. Công tác thu hút đầu tư còn hạn chế. Một số công trình XDCB thi công kéo dài, chậm tiến độ do thiếu nguồn vốn và khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Công tác thu ngân sách trên địa bàn chưa đảm bảo kế hoạch đề ra. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa một số nơi chưa đạt kết quả như mong muốn. Năm 2017, bám sát nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, UBND huyện nỗ lực khắc phục khó khăn, tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là trong việc chuyển đổi nghề nghiệp đối với ngư dân các xã vùng biển. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai. Tăng cường QP- AN bảo đảm giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Từ đó nâng tổng giá trị sản xuất các ngành tăng 11-12%. Giá trị sản xuất CN-TTCN tăng 15-16%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 34-35 triệu đồng. Phấn đấu công nhận thêm 1-2 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, 1-2 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,5% trở lên và thực hiện tốt các chỉ tiêu khác để -xây dựng quê hương ngày càng phát triển.