{title}
{publish}
{head}
Để nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa phương, thời gian qua, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở cơ sở đã phát huy tốt vai trò “cầu nối”, đưa các chương trình cho vay ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng. Nhờ làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, họ đã giúp nhiều hộ gia đình khó khăn được vay vốn, vươn lên thoát nghèo.
Luôn đặt chữ tín lên đầu
Đều đặn vào các ngày từ 6-8 hằng tháng, người dân khu phố Tân Vĩnh, phường Đông Lương, TP. Đông Hà bắt gặp hình ảnh người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé, đến thu tiền lãi vốn vay tín dụng chính sách của một số nhà dân trong khu phố. Đó chính là ông Nguyễn Ngọc Sang (sinh năm 1958), Tổ trưởng Tổ TK &VV khu phố Tân Vĩnh, thuộc Hội Cựu chiến binh phường quản lý.
Ông Nguyễn Ngọc Sang kiểm tra phiếu thu lãi và tiền tiết kiệm của hội viên trong tổ để chuẩn bị cho kỳ thu lãi tháng tới -Ảnh: M.T
Để đảm bảo việc thu tiền lãi đúng kỳ hạn trả ngân hàng, ông Sang phải đến tận nhà dân vào ban trưa hoặc tối - thời điểm người dân có mặt ở nhà. Mặc dù việc thu lãi tại nhà dân rất vất vả nhưng ông không mấy nề hà, bởi ông biết một số người do bận rộn với công việc sẽ không nhớ ngày đến hạn, dẫn đến chậm trễ trả lãi cho ngân hàng.
Gắn bó với công việc của một tổ trưởng tổ TK&VV từ năm 2003 đến nay, ông luôn trăn trở làm thế nào để người dân trong khu phố mình tiếp cận với vốn tín dụng chính sách và phát huy hiệu quả nguồn vốn đó để thoát nghèo. Hồi ông mới đảm trách nhiệm vụ này, ở Tân Vĩnh có hơn 50% hộ nghèo. Lợi thế của địa phương là chăn nuôi bò nhưng người dân không có điều kiện đầu tư mua bò giống và xây dựng chuồng trại.
Trong các buổi họp dân, ông Sang tuyên truyền để mọi người biết đến nguồn vốn tín dụng chính sách. Ông luôn khẳng định: Vốn này dành cho người nghèo và để thoát nghèo nên bà con phải tận dụng. Năm 2002, gia đình ông Sang cũng là hộ nghèo của khu phố.
Năm 2003, ông vay 2,5 triệu đồng của NHCSXH mua đàn bò 5 con và đầu tư trang trại. Từ đàn bò này, sau khi bán ông đầu tư nuôi cá nước ngọt và trồng tre lấy măng. Đến năm 2007, gia đình ông Sang thoát nghèo. Bản thân ông là tấm gương để các hội viên hội CCB và người dân trong khu phố noi theo.
Là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân và Chi hội Người cao tuổi khu phố Tân Vĩnh, ông luôn tuyên truyền hội viên về tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế, giới thiệu mô hình phát triển kinh tế để hội viên mạnh dạn vay vốn đầu tư. Trong những năm gần đây, mô hình trồng tre vàng sọc xanh lấy măng được nhiều người dân ở Tân Vĩnh đầu tư. Riêng hội viên hội nông dân trong khu phố đầu tư 30 ha, phần nhiều trong số đó đều vay vốn của NHCSXH. Ông Sang cho biết: “Từ trước đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách luôn cần thiết đối với người dân và Tân Vĩnh không phải là ngoại lệ”.
Người tổ trưởng này chia sẻ bí quyết để được ngân hàng và người dân tín nhiệm, đó là luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, không được xâm tiêu tiền thu lãi và có trách nhiệm đôn đốc để thu hồi tiền nợ gốc, lãi từ người dân trả cho ngân hàng đúng thời hạn. Nhờ đó, dư nợ của tổ do ông Sang phụ trách nhiều nhất phường Đông Lương. Hiện tại, dư nợ của Tổ TK&VV khu phố Tân Vĩnh hơn 1,2 tỉ đồng (chưa kể vốn vay nhà ở xã hội), không có trường hợp nợ quá hạn.
Tận dụng lợi thế của mạng xã hội để tuyên truyền các chính sách tín dụng mới
Trong suốt 10 năm đảm trách nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Cổ Thành do Hội LHPN xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong quản lý, chị Võ Thị Lệ Phương (sinh năm 1964) luôn dành hết tâm huyết cho công việc này.
Chị Võ Thị Lệ Phương (thứ 2, từ trái sang) giao dịch với cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Triệu Phong -Ảnh: M.T
Thôn Cổ Thành có 351 hộ dân, 1.244 nhân khẩu, địa bàn khá rộng và dàn trải. Người dân ở đây đa dạng ngành nghề như chăn nuôi, buôn bán, tiểu thủ công nghiệp... nên rất cần vay vốn để phát triển kinh tế. Vậy nhưng trước đây, nhiều người chưa mạnh dạn vay, nếu vay thì cũng chỉ để giải quyết khó khăn trong lúc túng thiếu.
Nhằm giúp người dân hiểu được vai trò, ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng chính sách, chị Phương phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, cấp uỷ chi bộ, trưởng thôn, hội, đoàn thể và các tổ trưởng tổ TK&VV trong thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức trong vay vốn.
Chị đã cung cấp kịp thời thông tin liên quan đến chính sách vay vốn cho người dân trên địa bàn; hướng dẫn lập hồ sơ cho vay đến đúng đối tượng thụ hưởng; thực hiện giám sát quá trình sử dụng vốn đảm bảo hiệu quả. Là bí thư chi bộ thôn, chị Phương đã tham mưu lồng ghép nội dung tuyên truyền về tín dụng chính sách vào các cuộc họp chi bộ, họp thôn cũng như sinh hoạt của hội đoàn thể. Để thông tin lan tỏa rộng rãi hơn, chị tận dụng lợi thế của mạng xã hội tuyên truyền các chính sách tín dụng mới đến người dân trong thôn nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận chính sách, nguồn vốn. Thông qua zalo, facebook, nhiều người dân thôn Cổ Thành cập nhật nhanh chóng thông tin về chính sách vay vốn ưu đãi, mức vay cũng như lãi suất tại các thời điểm khác nhau, từ đó chủ động hơn trong kế hoạch phát triển kinh tế của gia đình.
Ngoài ra, chị Phương luôn khuyến khích tổ viên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Động viên các thành viên trong tổ tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm, tạo thói quen tích lũy tiền hằng tháng để dành dụm tiền trả nợ gốc định kỳ và đến hạn. Hiểu được lợi ích của việc tham gia gửi tiền tiết kiệm qua tổ TK&VV, 100% tổ viên hưởng ứng.
Đến nay, tổng số dư tiền gửi của tổ viên thông qua tổ TK&VV do chị phụ trách là 239 triệu đồng. Trong 10 năm qua, 378 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của thôn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi với số tiền giải ngân gần 16 tỉ đồng.
Tổng dư nợ đến nay là 12,839 tỉ đồng với 169 hộ đang còn dư nợ thông qua 3 tổ TK&VV. “Đồng vốn tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả tại xã Triệu Thành nói chung và thôn Cổ Thành nói riêng, góp phần đưa Cổ Thành trở thành thôn kiểu mẫu”, chị Phương chia sẻ.
Theo chị Phương, hiện nay xã Triệu Thành nói riêng và các xã trên địa bàn huyện Triệu Phong nói chung đã về đích nông thôn mới, đời sống người dân ngày càng nâng cao nên đối tượng vay vốn là hộ nghèo, hộ cận nghèo... ngày càng giảm. Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước, chị Phương đề xuất cần bổ sung thêm nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm; nâng mức cho vay đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; bổ sung thêm đối tượng cho vay để sản xuất, kinh doanh đối với các hộ dân có mức sống trung bình.
Rà soát, bình xét cho vay phải đảm bảo đúng đối tượng
“Nhờ vay vốn thoát nghèo, gia đình tôi đã đầu tư mô hình nuôi cá-trồng sen bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi khi gặp khó khăn, tôi đều tìm đến chị Hà để được tư vấn cách tháo gỡ và sử dụng đồng vốn hiệu quả. Trong suy nghĩ của nhiều hội viên của chúng tôi, chị Hà là một tổ trưởng năng động, có trách nhiệm, luôn vì lợi ích của hội viên”, đó là lời chia sẻ của chị Châu Thị Thanh Bình (sinh năm 1979) về Tổ trưởng Tổ TK&VV Nguyễn Thị Ngọc Hà (sinh năm 1971) ở Khóm 1, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (bên trái) thu lãi tiền vay của các hội viên trong tổ TK&VV ở Khóm 1, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng -Ảnh: M.T
Sinh ra và lớn lên tại vùng trũng của huyện Hải Lăng, chị Hà trải qua tuổi thơ khốn khó nên rất thấu hiểu hoàn cảnh của người dân nghèo. Khi đảm trách nhiệm vụ này, chị luôn trăn trở làm sao có thể giúp mình và những hộ nghèo khác vươn lên trong cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo. Những ngày đầu mới bắt tay vào làm tổ trưởng tổ TK&VV, chị Hà gặp không ít khó khăn. Ban đầu, tổ chỉ có 10 tổ viên với dư nợ trên 120 triệu đồng.
Các tổ viên đều sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, làm thuê, buôn bán nhỏ lẻ nên cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Ngoài ra, nhận thức của các thành viên về vay vốn ưu đãi và sử dụng vốn vay thời đó còn hạn chế. Nhiều hộ trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước mà không chịu phấn đấu tìm hướng làm ăn; không ít hộ lại không dám vay vốn vì sợ sử dụng vốn không hiệu quả, không trả được nợ cho ngân hàng.
Để khắc phục khó khăn đó, chị vận động hộ nghèo trong thôn tích cực tham gia vào tổ TK&VV, giúp bà con tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, hiểu được cách làm ăn và sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Các hộ nghèo trong thôn dần hiểu được lợi ích mà nguồn vốn ưu đãi mang lại, từ đó tích cực tham gia các hoạt động của tổ, cùng giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo. Hơn 20 năm qua, đã có 220 lượt hộ trong tổ được vay vốn, với số tiền trên 4 tỉ đồng. Hiện nay, tổng số thành viên trong tổ do chị quản lý là 57 hộ với số dư nợ hơn 3 tỉ đồng.
Hằng tháng, chị Hà luôn duy trì nền nếp họp tổ TK&VV. Thông qua các cuộc họp, thành viên trong tổ đã chia sẻ quá trình sử dụng vốn, tránh sử dụng vốn vay sai mục đích, không có hiệu quả, không để nợ gốc quá hạn và lãi tồn đọng. “Thông qua họp tổ, tôi tuyên truyền cho hội viên về chính sách tín dụng mới, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cũng như khó khăn trong cuộc sống nhằm động viên nhau vươn lên thoát nghèo bền vững”, chị Hà chia sẻ.
Mỗi khi có nguồn vốn phân bổ về thôn, chị Hà luôn chú trọng rà soát đối tượng, bình xét công khai, công bằng với sự tham gia, giám sát của trưởng thôn và cán bộ Hội LHPN thị trấn. Trong quá trình bình xét vay vốn, ban quản lý tổ TK&VV luôn ưu tiên trường hợp khó khăn, cần vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo điều kiện cho vay với nguồn vốn cao nhất.
“Tôi thường xuyên bám sát việc sử dụng vốn của các hộ dân, gần gũi, động viên khi hộ vay gặp khó khăn hoặc xảy ra rủi ro trong quá trình sử dụng vốn, kịp thời báo cáo để cấp trên có hướng khắc phục và giúp đỡ. Ngoài ra, tôi còn khuyến khích tổ viên của mình tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi để đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp”, chị Hà cho biết thêm.
Nhờ quản lý tốt nguồn vốn vay, tổ TK&VV do chị Hà quản lý không có trường hợp nào có lãi tồn đọng và nợ quá hạn. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, 61 hộ dân ở Khóm 1, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng sau khi vay vốn đã thoát nghèo bền vững, có hộ trở nên khá giả.
Minh Thảo
QTO - Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Trị đã tập trung đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống giao thông, từ đường tỉnh đến đường huyện,...
QTO - Giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nông thôn được xem là yếu tố quan trọng, giúp thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền...
QTO - Với tinh thần nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ, những năm qua, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tỉnh đã hăng hái tham gia phong trào...
QTO - Từng vào sinh ra tử trên chiến trường, trở về cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã xung...
QTO - Đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh. Sau 20 năm huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập 1/10 (2004 - 2024), 65...
QTO - Đáp lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của Nhân dân, nhiều thương binh trên địa bàn huyện Hải Lăng đã phấn đấu vươn lên bằng ý chí và...
QTO - Từ năm 2018 đến nay, UBND huyện Triệu Phong, UBND tỉnh Quảng Trị nhiều lần đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho đấu nối 14 tuyến đường ở thị trấn...
QTO - Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền thị trấn Ái Tử (Triệu Phong) triển khai đồng bộ các giải pháp để khai thác tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý...
QTO - Quảng Trị hiện có hơn 600 di tích, cụm di tích lịch sử cách mạng. Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng lượng khách du lịch đến tham quan tại các điểm di tích...
QTO - Nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, thị trấn Bến Quan là trung tâm KT-XH ở phía Tây Vĩnh Linh. Ra đời dựa trên sự phát triển của Nông...
QTO - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025...
QTO - Tinh thần dám nghĩ, dám làm cùng đức tính cần cù, ham học hỏi đã giúp ông Trần Duy Ngọc (sinh năm 1967), ở thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang,...