Cập nhật: Thứ 2, 07/09/2015 | 07:16 GMT+7

Những “địa chỉ đỏ” nuôi dưỡng tinh thần dân tộc

(NDĐT) - Nhắc đến di tích cách mạng là nhắc đến một bộ phận cấu thành di tích lịch sử trong hệ thống di sản văn hóa quốc gia. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của những di tích cách mạng là vấn đề đặc biệt quan trọng và cần được quan tâm, đầu tư đúng mức.

Trong hơn 3.000 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng, có hơn một nửa là di tích lịch sử - cách mạng. PGS,TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: Luật Di sản nước ta không đề cập khái niệm “di tích cách mạng”, “di tích kháng chiến”, chỉ nhắc đến “di tích lịch sử”. Tuy nhiên, có thể hiểu, di tích cách mạng là những di tích gắn liền sự ra đời của Đảng và quá trình Đảng lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành độc lập. Giai đoạn 1930-1945, với sự bùng nổ của những phong trào đấu tranh cách mạng như Xô-viết - Nghệ Tĩnh, Nam Kỳ khởi nghĩa, đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám để lại những di tích tiêu biểu như: Làng Đỏ (Nghệ An), Ngã ba Nghèn (Hà Tĩnh), Ngã ba Giồng (Hóc Môn), Nhà hát Lớn, Bắc Bộ Phủ (Hà Nội)… Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) lại hình thành nhiều căn cứ kháng chiến như: ATK ở sáu tỉnh Việt Bắc cũ, chiến trường Điện Biên Phủ… Giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ và thống nhất đất nước (1954-1975) ghi dấu những di tích thể hiện sự lớn mạnh, trưởng thành của quân đội ta như: Núi Thành (Quảng Nam), Ấp Bắc (Tiền Giang), Đường 9 Nam Lào, Thành cổ Quảng Trị, cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa)…

Sau chiến tranh, phần lớn các di tích bị xuống cấp, biến dạng. Thực trạng đó khiến công tác bảo quản hệ thống di tích cách mạng trở nên nan giải, chưa kể sức ép từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, từ nhu cầu sử dụng quỹ đất ngày càng tăng… Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng; ngày càng nhiều di tích được gắn biển tên, xếp hạng và đầu tư để bảo tồn, tôn tạo. Đến nay, nhiều di tích trọng điểm đã thật sự trở thành điểm đến thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài nước như: Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), Pác Bó (Cao Bằng), Chiến trường Điện Biên Phủ, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội), Nhà tù Sơn La, Thành cổ Quảng Trị, địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh)…

Trong đó, nhiều di tích nhờ đầu tư bảo tồn, tôn tạo đã được thay đổi hẳn diện mạo. Đơn cử, di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), nơi mười cô gái thanh niên xung phong hy sinh khi bảo vệ huyết mạch giao thông trên con đường nối liền hậu phương với tiền tuyến vốn chỉ là một lòng chảo bao quanh bởi những dãy núi thấp. Đến nay, một số công trình mang ý nghĩa tưởng niệm được tôn tạo và lập quy hoạch tổng thể, đầu tư kinh phí lớn với nhiều hạng mục quy mô như: Tượng đài Chiến thắng; Nhà trưng bày Bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc; Nhà truyền thống lực lượng thanh niên xung phong; nhà bia tưởng niệm, khu mộ… Hằng năm, nơi đây tiếp đón gần 100 nghìn lượt khách tới tham quan, trở thành địa điểm thăm viếng, gặp gỡ, giao lưu và trường học lớn về rèn luyện, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam. Năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, tiếp tục xây dựng Khu di tích lịch sử Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc với diện tích lên đến 107,15 ha. Tháng 7 vừa qua, hơn 5.000 cây sao đen, cây keo đến từ “Quỹ một triệu cây xanh cho Việt Nam” đã được trồng tại đây, giúp phủ thêm không gian xanh, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường di tích của nhân dân.

Tương tự Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn (Nghệ An) cũng là địa danh gắn liền với chiến công và sự hy sinh anh dũng của hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ có nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau gần ba năm triển khai xây dựng, đầu tháng 8 vừa qua, Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn đã hoàn thành. Dự án được thực hiện trên diện tích 21,7 ha với tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng, bao gồm 22 hạng mục chính. Dự án nhận được kinh phí ủng hộ từ nguồn xã hội hóa lên tới gần 120 tỷ đồng.

TỪ đây, có thể thấy, việc lập quy hoạch bảo tồn một cách khoa học, đúng hướng chính là “chìa khóa” thành công để phát huy giá trị di tích cách mạng. Bởi thế, theo PGS,TS Phạm Mai Hùng, để gắn kết được di tích với cuộc sống hiện đại, nhất định phải lập quy hoạch cho từng di tích dựa trên việc đánh giá đúng giá trị đặc trưng, riêng biệt; đặc biệt lưu ý những di tích ở nông thôn đang chịu tác động từ quá trình xây dựng nông thôn mới. Muốn phát huy giá trị di tích cách mạng cần gắn di tích với những công trình văn hóa khác, tạo tuyến tham quan du lịch trên cơ sở coi trọng khâu phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ khách tham quan. Bên cạnh đó, để thu hút công chúng, đội ngũ quản lý di tích cách mạng cần đặc biệt quan tâm khâu truyền thông bằng những chiến lược ngắn hạn, dài hạn, tập trung quảng bá những giá trị độc đáo, mang bản sắc riêng của di tích. Đồng thời, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, giá trị, vai trò của các di tích cách mạng cần được ngành văn hóa đặc biệt lưu tâm, bởi đây là cơ sở để người dân tự nguyện, tự giác tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di tích, cũng là động lực để xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng trong xã hội hiện đại.

TRANG ANH



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

U-19 Việt Nam thua toàn diện...

U-19 Việt Nam thua toàn diện...
04:10 06/09/2015

(TT) - Cựu tuyển thủ Nguyễn Phúc Nguyên Chương, người dẫn dắt đội bóng Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN (PVF) giành chức vô địch U-17 và U-19 toàn quốc 2015 đã cung...

HLV Ong Kim Swee tạm thời nắm tuyển Malaysia

HLV Ong Kim Swee tạm thời nắm tuyển Malaysia
04:10 06/09/2015

(TTO) - Ngày 5-9, Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) thông báo bổ nhiệm đương kim HLV tuyển U-23 Malaysia Datuk Ong Kim Swee làm HLV tạm quyền tuyển quốc gia nước này thay cho...

Thời tiết

27°C - 34°C
Có mây, không mưa
  • 26°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long