Cập nhật: Thứ 2, 02/03/2015 | 06:37 GMT+7

Những cô giáo kiên trì cắm bản

(QT) - Gửi xe máy, chúng tôi theo chân anh Hồ Văn Phèng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) lội qua con sông Đakrông đầy ghềnh đá, nước chảy xiết chân người. Qua được sông, chúng tôi bắt đầu hành trình leo bộ lên nóc Chân Rò, nơi có điểm Trường Mẫu giáo thôn Chân Rò, thuộc Trường Mầm non Đakrông 1 nằm trên đỉnh một ngọn núi. Con đường dốc nối dốc, mỗi bước chân là một lần đầu gối chạm mặt, mồ hôi rịn ướt áo, vậy mà anh Phèng vẫn bước phăng phăng. “Tuần nào tôi cũng leo đôi ba lần lên thăm cô trò trên này nên quen cái chân rồi”, anh Phèng cho biết. Chúng tôi đến được điểm trường Chân Rò khi đồng hồ điểm 2 giờ chiều. Ngôi trường được lợp bằng bờ rô, vách bằng gỗ, sàn nhà là những tấm chiếu rách loang lỗ trải trên nền đất. Cái nắng buổi chiều càng khiến cho lớp học thêm ngột ngạt.

Cô trò điểm Trường Mầm non Cù Doong phải học trong phòng học tre nứa tạm bợ do dân bản góp công xây dựng
Tranh thủ lúc trò giải lao, hai cô giáo Trần Thị Hằng và Phan Thị Nhàn lúi húi cột lại mấy cái giàn gỗ cho trẻ để cơm, thức ăn tránh kiến. Cô Hằng cho biết, điểm trường Chân Rò có hai lớp, một lớp 34 cháu 3 và 4 tuổi, một lớp 25 cháu 5 tuổi. Nơi đây thiếu thốn trăm bề, không điện, không nước, không đường sá, giáo viên phải lội sông Đakrông đến trường, lớp học thì tạm bợ nên việc dạy và học vô cùng khó khăn. Để có nơi sinh hoạt và học tập, giáo viên điểm Trường Mầm non Chân Rò cùng chính quyền xã Đakrông phải đi vận động dân bản bỏ công, góp tiền dựng trường lớp. Dụng cụ dạy học ở đây rất thiếu thốn nên các cô giáo phải tự tạo hoặc bỏ tiền túi ra mua để dạy học cho các em. Tận mắt nhìn cái cách học sinh ở điểm Trường Mầm non thôn Chân Rò dùng hạt cao su để học phép tính chúng tôi mới hiểu được các em thiếu thốn đến cỡ nào. Cô giáo Nguyễn Thị Dành, giáo viên điểm Trường Mầm non Chân Rò cho hay, những hạt cao su nói trên được cô nhặt ở huyện Gio Linh đưa lên dạy các em học đếm. Con đường đến điểm Trường Mầm non thôn Cù Doong, xã Húc, huyện Hướng Hóa có phần đỡ vất vả hơn nhưng các nữ giáo viên cũng phải vượt qua hai con suối lớn. Lớp mầm non Cù Doong được dân bản xây dựng vào năm ngoái. Mái lợp bằng tranh, vách che bằng nứa, sàn lát bằng tre. Mùa nắng thì nóng hầm hập, còn mùa mưa gió luồn lạnh buốt xương. Điểm trường này chỉ rộng 20 m2 nhưng có đến 25 trẻ từ 3 đến 4 tuổi chen chúc. Cô Lê Thị Hiến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Húc cho biết, toàn xã có 9 điểm trường thì có đến 4 điểm là Húc Thượng, Cù Doong, Húc Ván, Ho Le phải mượn nhà dân hoặc xây dựng bằng tranh tre. Những khó khăn thiếu thốn ở các lớp học vùng cao ai ai cũng thấy rõ. Vậy mà ròng rã cả chục năm nay, những nữ giáo viên nơi đây vẫn ngày ngày cắm bản, dạy từng con chữ cho các em. Ở cái tuổi 50, cô giáo Nguyễn Thị Dành đã có hơn 10 năm cắm bản gieo chữ giữa đại ngàn. Cô cho biết, để đến được lớp dạy học, cô cùng 3 cô giáo ở điểm Trường Mầm non Chân Rò phải lội qua sông Đakrông rộng chừng 100 mét đầy đá gập ghềnh, nước chảy xiết. Nước sông Đakrông mùa hè khô cạn, nhưng mùa lũ thì trở nên hung hãn. Vì vậy chuyện bị trượt chân ngã, trôi giữa sông thâm mặt tím mày đối với các cô là chuyện thường ngày. Dẫu biết nguy hiểm luôn chực chờ mỗi lần lên lớp, nhưng với lòng yêu nghề và tình yêu con trẻ, những nữ giáo viên vùng cao vẫn quyết tâm gieo chữ giữa đại ngàn. Cô Dành cho biết, vì đường sá cách trở nên các cô phải gùi gạo, thức ăn đủ cho một tuần để ở lại ngay tại điểm trường. Không có điện, các cô phải đem theo dầu, nến để thắp sáng. Còn nước thì xuống suối gùi lên dùng và phải hết sức tiết kiệm. Tất cả bốn cô giáo ở điểm trường Chân Rò đều đã có gia đình nên nỗi buồn của người phụ nữ xa chồng, con nơi rừng núi hoang vu càng thêm quặn thắt. Cô giáo Trần Thị Hằng (26 tuổi) tâm sự: “Cả tuần đến chiều thứ 6 tôi mới được về thăm đứa con hai tuổi của mình. Nhiều đêm ở giữa rừng khóc ướt gối vì nhớ thương con. Những ngày mưa lũ kéo dài có khi đến nửa tháng không được về nhà, vừa lo cho gia đình, vừa nhớ con mà ruột gan cồn cào như lửa đốt”. Việc ngủ nghỉ của các cô giáo nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn. Không có giường, các cô đành trải chiếu ra nền đất để ngủ. Ấy thế mà khi tôi hỏi: “Có khi nào các cô có ý định bỏ trường bỏ lớp không?” thì tất cả các cô đều lắc đầu. “Đời nào chúng tôi bỏ lại các em học sinh tội nghiệp nơi đây được. Dù có khó khăn mấy chúng tôi cũng cố gắng tự khắc phục, miễn là cho các em học được con chữ để sau này có hướng mà thoát cái đói, cái nghèo”, cô Dành tâm sự. Còn đối với những cô giáo ở điểm Trường Mầm non Cù Doong, con đường đến lớp thuận lợi hơn chút ít nên cứ cuối mỗi buổi chiều các cô lại trở về điểm trường chính ở lại hoặc về nhà. Tuy vậy, việc mắc kẹt trong bản hoặc lỡ xe hư hỏng, gặp thú dữ giữa núi rừng cũng là điều các cô thường gặp. Nỗi lo đau đáu của các cô là tỉ lệ học sinh bị suy dinh dưỡng nơi đây quá cao. Cô Hồ Thị Phương Chung, giáo viên điểm Trường Mầm non Cù Doong cho biết, trong lớp có 16 em thì có đến 15 em suy sinh dưỡng. “Dân cư ở đây đa phần hộ nghèo, suốt ngày cặm cụi trên nương rẫy nên việc quan tâm đến con cái có phần hạn chế. Mà dù có quan tâm th ì đủ ăn đã may lắm rồi”, cô Chung chia sẻ. Để đảm bảo sĩ số, các cô giáo giáo phải thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương đến từng nhà vận động phụ huynh cho trẻ đến trường và cho học theo kiểu bán trú. Học sinh đem cơm từ nhà ở lại buổi trưa tại trường. Thương các em không có quần áo mặc, mỗi lúc về nhà ở thị trấn, miền xuôi các cô lại đi xin quần áo cũ, thậm chí bỏ tiền túi mua quần áo mới đưa lên cho các em. Chỉ tay vào một em có bộ quần áo màu nâu đỏ, cô Chung nói: “Bộ quần áo đó là tôi mua vào đầu tuần trước. Khi còn mới nó có màu đỏ rực kia, nhưng em này thấy áo mới cứ mặc hoài nên giờ ra thế. Các em nơi đây tội nghiệp lắm, quần áo không đủ mặc, đặc biệt là mùa đông gió lùa vào lớp lạnh buốt người nên các em đọc ê a cũng không tròn tiếng. Dù chưa đủ nhưng những bộ quần áo mới có, cũ có mà các cô gom góp được cho các em cũng làm ấm lòng trẻ em nơi đây, góp phần động viên các em đến lớp đầy đủ hơn”. Ông Nguyễn Đức Tuận, Trưởng Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Ở Hướng Hóa còn rất nhiều điểm trường mầm non tạm bợ, điều kiện dạy và học hết sức khó khăn. Vậy nhưng những cô giáo mầm non nơi đây đều rất tâm huyết với nghề và thương yêu học sinh. Nhờ vậy mà công tác phổ cập mầm non ở huyện những năm qua đạt nhiều bước tiến nổi bật”. Mới đây vào trung tuần tháng 8/2014, tỉnh Quảng Trị đã công bố quyết định đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế nhiều cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các xã vùng cao còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học sẽ là nguy cơ cho việc phổ cập mầm non khó bền vững. Chính vì vậy, các ban, ngành từ trung ương đến địa phương cùng các nhà hảo tâm cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư xây dựng cơ sở trường lớp, nhất là ở vùng khó để đảm bảo công tác dạy và học được tốt hơn. Bài, ảnh: NGỌC VŨ



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

“Mẹ hiền” dạy ở bản xa
06:43 03/11/2024

Vẫn còn lưu trong ký ức chưa xa của cô giáo Hồ Thị Táo là hình ảnh trẻ mầm non đồng bào dân tộc Pa Kô trên tay cầm chiếc cặp lồng đựng mì tôm pha sẵn ở nhà ...

Cô giáo như mẹ hiền
21:36 25/11/2022

Hiện nay, nhiều trẻ nhỏ từ hơn 1 tuổi đã được bố mẹ gửi vào trường lớp hoặc nhờ ông bà nội ngoại chăm con để mưu sinh. Trước thực tế đó, nhiều trường mầm non, ...

Cô giáo tâm huyết với nuôi dạy trẻ vùng cao
22:15 01/01/2024

Từng được chọn là vận động viên của Đội tuyển bóng chuyền năng khiếu tỉnh Quảng Trị vào năm 16 tuổi và được công nhận là vận động viên cấp 1 quốc gia khi vừa ...

Khó khăn trong phòng chống sốt rét tại Quảng Trị

Khó khăn trong phòng chống sốt rét tại Quảng Trị
23:31 01/03/2015

(QT) - Trong những năm qua, nhờ sự đầu tư các nguồn lực của cả Trung ương và địa phương nên công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn Quảng Trị đã đạt được những thành tựu đáng...

Nhiều băn khoăn với quy chế mới

Nhiều băn khoăn với quy chế mới
22:48 01/03/2015

(TP) - Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh vào ĐH, CĐ vừa mới được công bố nhưng những vấn đề mới đặt ra cho kỳ thi năm nay đang làm các nhà tổ chức thi, tuyển sinh...

Trường đầu tiên bị đình chỉ đào tạo

Trường đầu tiên bị đình chỉ đào tạo
22:45 01/03/2015

(SGGP) - Bộ GD-ĐT vừa ra quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo đối với Trường CĐ Kỹ thuật - Công nghệ Bách khoa trong thời gian 2 năm kể từ tháng 1-2015 đến tháng 1-2017. Sau...

Xuân ấm vùng cao

Xuân ấm vùng cao
13:15 01/03/2015

(ND) - Khi những bông hoa đua nở khắp núi rừng, là thời điểm người dân ở vùng núi cao Quảng Trị náo nức trong niềm vui Tết cổ truyền của dân tộc. Đồng bào các dân tộc Kinh, Vân...

Ai được miễn thi, đặc cách thi tốt nghiệp THPT?

Ai được miễn thi, đặc cách thi tốt nghiệp THPT?
01:21 01/03/2015

(TPO) -Theo quy chế thi THPT quốc gia, nếu đáp ứng được các điều kiện thì thí sinh có thể được miễn thi môn ngoại ngữ, miễn thi cả 4 môn thi, miễn thi tất cả các môn trong xét...

POWERED BY
Việt Long