Nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết số 26- NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
(QT) - Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương khóa X và Chương trình hành động số 72-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy khóa XIV về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả quan trọng: nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đối với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được nâng lên rõ rệt. Tỉnh đã bám sát định hướng, chủ trương của Trung ương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ban hành một số cơ chế, chính sách mới nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, bước đầu tạo được luồng sinh khí mới, tạo đà bứt phá phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Chúng ta tin tưởng rằng sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh sẽ chuyển mình mạnh mẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. |
Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện; cơ cấu sản xuất chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với định hướng CNH, HĐH. Giá trị sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng. Các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản có bước phát triển khá. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, rõ nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước sạch, nước đảm bảo vệ sinh, hộ có phương tiện nghe nhìn, internet, điện thoại cố định tăng đáng kể. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe ở nông thôn được đầu tư, 100% số xã đã có trạm y tế; cơ sở vật chất giáo dục ở nông thôn phát triển mạnh. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm; việc giao đất, giao rừng cho hộ nông dân được tích cực thực hiện; hỗ trợ nông dân vay vốn phục vụ sản xuất, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật triển khai khá đồng bộ; vai trò tự chủ của nông dân ngày càng được thể hiện rõ hơn. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ; các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh ở nông thôn tiếp tục phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng hoạt động; kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội các vùng nông thôn được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được bảo đảm. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn Quảng Trị đã triển khai được một số nội dung quan trọng: Thành lập Ban chỉ đạo; xây dựng quy chế và phân công trách nhiệm các thành viên; lựa chọn 8 xã để làm thí điểm; rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn của 117 xã theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới; bố trí ngân sách để triển khai thực hiện; tổ chức quy hoạch...cơ bản hoàn thành theo kế hoạch của Chính phủ. Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai và thực hiện Nghị quyết 26- NQ/ TW của Trung ương khóa X và Chương trình hành động số 72 - CTHĐ/TU của Tỉnh ủy khóa XIV quá trình thực hiện vẫn còn có những hạn chế, yếu kém: Một số cấp ủy khi triển khai nghiên cứu, quán triệt nội dung Nghị quyết chưa kết hợp với việc xây dựng chương trình hành động để thực hiện; quá trình triển khai học tập Nghị quyết còn kéo dài, thụ động, hình thức trong tổ chức và triển khai thực hiện. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về Nghị quyết 26-NQ/TW, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn chưa đầy đủ. Cơ chế chính sách đã ban hành chậm đi vào cuộc sống và chưa hiểu rõ yêu cầu cấp thiết về việc giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Sự phối, kết hợp trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thiếu tính đồng bộ, cụ thể và kịp thời. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lao động trong nông nghiệp và nông thôn đang còn chậm, chất lượng chuyển dịch thiếu tính bền vững; công nghiệp chế biến nông sản, hoạt động dịch vụ, thương mại ở nông thôn, đặc biệt là công nghiệp chế biến, bảo quản trong và sau thu hoạch còn chậm phát triển. Kết cấu hạ tầng nông thôn và các cụm công nghiệp - làng nghề tuy có nhiều cố gắng trong đầu tư xây dựng nhưng chưa đồng bộ. Điều kiện sản xuất, sinh hoạt và đời sống của nông dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được cải thiện những vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các xã thuộc vùng bãi ngang, vùng sâu, vùng xa; vùng đồng bào dân tộc ít người, thậm chí có xã tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ trọng cao. Một bộ phận nông dân vẫn còn ý thức ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước. Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế và không đồng đều, ảnh hưởng lớn đến việc nhận thức và tổ chức triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tuy đã được chú trọng nhưng còn bất cập nhiều mặt: kinh nghiệm, cơ sở vật chất, giảng viên, tài liệu, vốn hỗ trợ phát triển nghề còn gặp khó khăn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực cạnh tranh thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa tạo được khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Việc liên doanh, liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo. Khả năng cân đối các nguồn lực để thực hiện đạt 19 tiêu chí nông thôn mới theo quy định của Chính phủ còn rất khó khăn và phải thực hiện trong nhiều năm. Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương và Chương trình hành động 72-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đạt kết quả, Hội nghị lần thứ 5, BCH Đảng bộ tỉnh xác định cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau: Tiếp tục và tăng cường tuyên truyền nội dung Nghị quyết 26-NQ/TW, Chương trình hành động số 72-CT/TU của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV về các nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của Chính phủ giai đoạn 2010 - 2020 đến tất cả các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và sâu rộng trong toàn thể người dân nông thôn. Rà soát, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; quy hoạch sử dụng đất đai; quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020. Xây dựng và ban hành các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế ở nông thôn; phát triển doanh nghiệp ở nông thôn; đẩy mạnh đào tạo nghề và chuyển đổi nghề trong lao động nông thôn. Huy động mọi nguồn lực xã hội tập trung thực hiện đạt và vượt mức các chỉ tiêu liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được xác định trong chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định. Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững; gắn sản xuất với thị trường. Tích cực phát triển công nghiệp chế biến nông sản hàng hoá. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tập trung, thâm canh, chuyên canh và sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của các mặt hàng nông sản. Trong đó, cần tập trung: Đẩy mạnh thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất phục vụ mục tiêu thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tốt chính sách giao quyền sử dụng đất, giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng và kinh doanh nghề rừng, từng bước cụ thể hoá chính sách hỗ trợ của Nhà nước để người dân có thể sống, làm giàu từ việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; thực hiện có hiệu quả các chương trình giống cây trồng, vật nuôi, nhất là sản xuất và cung ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về giống cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; khai thác hợp lý quỹ đất, mặt nước ven sông, ven biển để phát triển bền vững nuôi trồng thuỷ sản. Nâng cao năng lực và hiệu quả đánh bắt trung và xa bờ gắn với bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản và lãnh hải quốc gia. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tăng cường mối quan hệ liên kết “4 nhà” trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Bố trí lại dân cư và sản xuất trên địa bàn gắn với công tác phòng, chống lụt bão và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, thực hiện phân công lại lao động xã hội trong nông thôn. Huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 800/ QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức thực hiện tốt phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ phát động, phấn đấu đến năm 2015 có 20 % số xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý điều hành của các cấp chính quyền, vai trò tập hợp vận động nhân dân của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, nhất là vai trò của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh. Chúng ta tin tưởng rằng sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh sẽ chuyển mình mạnh mẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. LÊ THẾ QUẢNG