Cập nhật:  GMT+7

Ngư dân hồ hởi vươn khơi khai thác vụ cá Nam

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Trị đang hồ hởi vươn khơi, bám biển để đánh bắt vụ cá Nam. Đây là vụ đánh bắt thủy hải sản mang lại sản lượng và thu nhập chính cho ngư dân. Các ngành chức năng, các địa phương cũng đã đề ra nhiều giải pháp để đồng hành với ngư dân.

Ngư dân hồ hởi vươn khơi khai thác vụ cá Nam

Nhiều tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân thị trấn Cửa Việt “trúng đậm” cá bè vàng -Ảnh: H.A

Tấp nập bám biển

Từ tờ mờ sáng tại Cảng cá Cửa Việt (xã Triệu An, huyện Triệu Phong), nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ trở về sau chuyến biển đã khẩn trương bán thủy, hải sản cho thương lái để tiếp tục vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhiên liệu chuẩn bị vươn khơi khai thác vụ cá Nam. Ngư dân Bùi Đình Chiến ở Khu phố 6 (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) cho biết, mặc dù mới bắt đầu bước vào vụ cá Nam, nhưng những ngày qua tranh thủ thời tiết thuận lợi, các loại cá cơm, duội, bè vàng, thu, ngừ... xuất hiện nhiều nên ngư dân thị trấn Cửa Việt đang tấp nập vươn khơi, bám biển đánh bắt thủy, hải sản.

Bước vào vụ cá Nam năm nay, giá dầu giảm kéo theo chi phí cho chuyến biển giảm xuống khá nhiều nên ngư dân rất phấn khởi, tin tưởng sẽ đánh bắt được sản lượng lớn thủy, hải sản các loại. Đội tàu đánh bắt xa bờ 3 chiếc với công suất từ 800 - 900 CV/chiếc chuyên làm nghề lưới rê bùng nhùng, chụp mực và lồng bẫy mực lá của ông Chiến cứ mỗi chuyến vươn khơi đều kéo dài từ 15 - 20 ngày. Để chuẩn bị cho vụ cá Nam năm nay, ông Chiến đã tiến hành tu sửa, tân trang lại tàu, sửa chữa ngư lưới cụ, máy dò cá, máy ICOM, thiết bị giám sát hành trình một cách chu đáo.

“Hiện tại, đội tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhiên liệu để vươn khơi, bám biển dài ngày trong vụ cá Nam. Trong năm 2023, đội tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi có nguồn thu từ đánh bắt thủy, hải sản gần 7 tỉ đồng.

Chỉ tính riêng từ tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay, đội tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi thu gần 1,5 tỉ đồng từ nghề lưới rê bùng nhùng, chụp mực và lồng bẫy mực lá. Với ngư dân chúng tôi thì việc vươn khơi, bám biển để đánh bắt thủy, hải sản vừa mang lại thu nhập cho gia đình, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”, ông Chiến chia sẻ.

Ngư dân Trần Viết Thành ở Thôn 4 (xã Gio Hải, huyện Gio Linh) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tàu đánh bắt xa bờ có công suất 400 CV của ông đã có 4 chuyến đánh bắt cá hố bằng lưới rê siêu bùng nhùng ở ngư trường xung quanh đảo Cồn Cỏ với sản lượng đánh bắt bình quân đạt 6 - 8 tạ cá hố/chuyến biển; giá thị trường hiện tại được thương lái thu mua giao động từ 100 - 120 nghìn đồng/kg cá hố, thì mỗi chuyến biển sẽ có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng.

Bước vào vụ cá Nam, những ngư dân làm nghề lưới rê siêu bùng nhùng ở xã Gio Hải, Gio Việt và thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) luôn mong muốn các sở, ban, ngành, địa phương tìm hướng hỗ trợ nguồn vốn để ngư dân đầu tư mua sắm thêm lưới rê siêu bùng nhùng đánh bắt cá hố.

Thực tế, vàng lưới rê siêu bùng nhùng của ngư dân các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Bình... khi đến đánh bắt ở ngư trường xung quanh đảo Cồn Cỏ luôn có chiều dài từ 8 - 10 hải lý nên sản lượng đánh bắt cá hố cũng vì thế mà nhiều gấp đôi tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Trị (vàng lưới rê siêu bùng nhùng của ngư dân Quảng Trị chỉ dài từ 2 - 4 hải lý); mỗi chuyến biển đánh bắt cá hố có thu nhập 1 - 2 tỉ đồng là chuyện bình thường.

Tiếp sức cho ngư dân

Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt Hoàng Thị Thu Thủy cho biết, những ngày qua, nhiều tàu đánh bắt xa bờ của xã Gio Việt đang khẩn trương vươn khơi để đánh bắt thủy, hải sản. Xã Gio Việt (huyện Gio Linh) có 128 tàu, thuyền khai thác và dịch vụ thủy sản với tổng công suất 19.054 CV. Từ tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay, ngư dân trong xã “trúng đậm” cá bè vàng, cá duội...

Bình quân mỗi chuyến biển (kéo dài từ 1 - 3 ngày), mỗi tàu đánh bắt được từ 1 - 7 tấn cá. Với giá bán khoảng 70.000 đồng/kg cá bè vàng, từ 14.000 - 15.000 đồng/kg cá duội đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho ngư dân. Trong quý I/2024, tổng sản lượng thủy, hải sản của xã Gio Việt đạt 1.290 tấn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh cho biết, vụ cá Nam là vụ khai thác thủy, hải sản chính của năm với nhiều loại hình ngành nghề khai thác, đối tượng đánh bắt đa dạng, đặc biệt là nguồn lợi cá nổi như cá nục, cơm, duội, trích, bạc má...

Vụ cá Nam luôn mang lại sản lượng cao cũng như nguồn thu nhập chủ yếu cho ngư dân. Hiện tại, mặc dù mới bắt đầu bước vào vụ cá Nam nhưng tranh thủ thời tiết thuận lợi, hầu hết tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân, nhất là các tàu đánh bắt xa bờ làm nghề lưới vây, lưới rê, pha xúc... đều đã vươn khơi đánh bắt đạt hiệu quả cao. Quý I/2024, tổng sản lượng khai thác thủy, hải sản toàn tỉnh ước đạt 6.879,5 tấn. Đây là tín hiệu lạc quan, mở ra hy vọng sẽ có một mùa vụ khai thác hải sản bội thu cho ngư dân.

Để hỗ trợ ngư dân khai thác vụ cá Nam có hiệu quả, đảm bảo chỉ tiêu sản lượng thủy sản khai thác theo kế hoạch và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực phối hợp với các địa phương ven biển tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác thủy, hải sản như tăng cường dự báo tình hình thời tiết, cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi thủy hải sản để giúp ngư dân có kế hoạch khai thác hiệu quả.

Tổ chức hoạt động khai thác thủy, hải sản trên biển theo đoàn, tổ, đội... để hỗ trợ nhau trong sản xuất, đặc biệt ở ngư trường xa; đẩy mạnh sản xuất đối với một số ngành nghề khai thác thủy, hải sản tốn ít nhiên liệu, sử dụng máy tàu có công suất phù hợp nhằm tiết kiệm nhiên liệu; vận động ngư dân duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền cũng như bổ sung, cải tiến ngư lưới cụ, trang thiết bị để đánh bắt hiệu quả; ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm thủy, hải sản trong bảo quản, giảm thiểu tổn thất sau khai thác.

Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển như thu mua thủy, hải sản, cung cấp nhiên liệu cũng như nhu yếu phẩm ngay trên biển, đảo để giảm chi phí nhiên liệu khi cho tàu cá về cảng để bốc dỡ sản phẩm; tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, thương lái thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên địa bàn cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân trong chuỗi giá trị sản xuất, khai thác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt là chỉ tổ chức thu mua, bốc dỡ sản phẩm thủy, hải sản từ tàu cá tại các cảng cá đúng quy định, nhằm góp phần chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Hướng dẫn ngư dân tranh thủ thời tiết thuận lợi vươn khơi, bám biển đánh bắt thủy, hải sản và mở rộng ngư trường ở vùng khơi; áp dụng một số công nghệ tiên tiến để tiếp cận và tổ chức đánh bắt tại các ngư trường trong và ngoài tỉnh phù hợp cho từng loại hình ngành nghề khai thác và kích thước tàu cá; khuyến khích ngư dân tăng cường tham gia khai thác ở vùng biển xa để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Theo dõi chặt chẽ tổng hợp tình hình hoạt động, hiệu quả sản xuất của ngư dân để kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ ngư dân bảo đảm sản xuất an toàn, hiệu quả; thực hiện tốt các nội dung Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 4/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)...

Hải An

Tin liên quan:
  • Ngư dân hồ hởi vươn khơi khai thác vụ cá Nam
    Giúp ngư dân giảm chi phí vươn khơi

    “Giảm hao hụt đá lạnh lên đến hơn 30% so với trước đây, kéo dài thời gian chuyến biển lên thêm 7 - 10 ngày, giảm tỉ lệ hao hụt sản phẩm sau khai thác, chất lượng thủy sản được bảo quản tốt hơn...”, đó là khẳng định của anh Lê Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu cá xa bờ số hiệu QT 90929TS đối với hầm bảo quản sản phẩm bằng công nghệ CPF (Composite - Polyurethane Foam) do Trung tâm Khuyến nông (KN) tỉnh hỗ trợ.

  • Ngư dân hồ hởi vươn khơi khai thác vụ cá Nam
    Chỗ dựa giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển

    Song song với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo, lực lượng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn (TKCHCN) trên biển, trở thành chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

  • Ngư dân hồ hởi vươn khơi khai thác vụ cá Nam
    Giữ nghề khai thác cá thu

    Cá thu là đặc sản nổi tiếng của biển nhưng không phải ngư dân tỉnh nào cũng có nghề khai thác loại cá này. Cách đây 25 năm, nghề khai thác cá thu chính thức có mặt ở Quảng Trị một cách bài bản khi ngư dân sử dụng lưới rê bùng nhùng để đánh bắt. Đến nay, nghề khai thác cá thu vẫn được ngư dân Quảng Trị giữ gìn và phát huy...

  • Ngư dân hồ hởi vươn khơi khai thác vụ cá Nam
    Ngư dân trúng đậm cá bè vàng, cá duội

    Những ngày giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn-2024, ngư dân ở xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), xã Triệu An (huyện Triệu Phong) đánh bắt được hàng trăm tấn cá bè vàng, cá duội. Nhiều tàu đánh bắt xa bờ có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến biển.


Hải An

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Điển hình thoát nghèo ở thôn Kỳ Neh

Điển hình thoát nghèo ở thôn Kỳ Neh
2024-03-28 05:10:00

QTO - A Ngo là 1 trong 5 xã biên giới của huyện Đakrông với 95% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Với mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long