{title}
{publish}
{head}
Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn công tác Báo Quảng Trị do Phó Tổng Biên tập Nguyễn Tý dẫn đầu có dịp đến với vùng đất cao nguyên đá Hà Giang dâng hương tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc ở mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang), giai đoạn từ 1979-1989. Giữa trập trùng núi đá, lặng nhìn đài hương, bia mộ và dòng tên 4.000 liệt sĩ khắc trên tấm bảng đồng tại đền thờ liệt sĩ trong nghĩa trang Vị Xuyên với lời thề “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá, bất tử”, lòng chúng tôi trào dâng niềm tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn cương vực bờ cõi quốc gia của cha ông ta để lại.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang luôn ấm áp khói hương tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ -Ảnh: N.T.H
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) tọa lạc bên cạnh Quốc lộ 2, cách TP. Hà Giang 18 km theo hướng đi Thủ đô Hà Nội, lung tựa vào dãy núi Tây Côn Lĩnh, mặt hướng ra sông Lô.
Nghĩa trang Vị Xuyên được khởi công xây dựng từ năm 1990, hoàn thành năm 1991 và trải qua nhiều lần nâng cấp, đến nay công trình ghi công ơn liệt sĩ này mang dáng dấp bề thế trang nghiêm, như một hoa viên, rộng hơn 10 ha. Đây là nơi yên nghỉ của gần 1.900 liệt sĩ ngã xuống tại mặt trận Vị Xuyên trong 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong đó có một ngôi mộ tập thể và gần 400 phần mộ liệt sĩ chưa xác định rõ thông tin.
Đến với Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, lần theo từng hàng mộ chí, chúng tôi mới biết vẫn còn hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên đang nằm lại trong các vách đá, thung sâu, chưa được quy tập về nằm cùng đồng đội trong nghĩa trang.
Trên bảng đồng khắc tên 4.000 liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên giai đoạn 1979- 1989 đặt tại đền thờ liệt sĩ nằm trong khuôn viên nghĩa trang có gần 1.000 liệt sĩ hy sinh ngày 12/7/1984, ngày người lính Vị Xuyên xem là “ngày giỗ trận”.
Từ hơn 10 năm nay, bình quân mỗi năm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên đón tiếp khoảng 100.000 lượt đoàn người đến dâng hương tưởng niệm, thăm viếng, tìm kiếm đồng đội và thân nhân liệt sĩ hy sinh.
“Ngày giỗ trận” 12/7 hằng năm dần trở thành ngày hành hương tìm về dâng hương tưởng niệm đồng đội hy sinh và gặp gỡ những anh em từng vào sinh ra tử không chỉ của người lính mặt trận Vị Xuyên mà còn là nơi tìm về của những người lính tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Từ vùng đất lửa Quảng Trị, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hòa, chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 881, Sư đoàn 314, trực tiếp chiến đấu ở đồi Đài thuộc khu vực ngã ba Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, nay là Ttrưởng Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên huyện Cam Lộ đã có hơn chục lần trở lại chiến trường xưa tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh và gặp gỡ, thăm hỏi đồng đội còn sống.
Trong hội lính Sư đoàn 314 tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên nhập ngũ ngày 27/7/1984 của ông, riêng các xã của huyện Cam Lộ có 15 liệt sĩ hy sinh, đến nay đã tìm được hài cốt của 14 liệt sĩ, còn liệt sĩ tên Quý ở xã Cam Nghĩa vẫn chưa tìm được hài cốt. “Qua gặp gỡ, sinh hoạt, giao lưu câu lạc bộ, ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên các xã trên địa bàn huyện Cam Lộ, anh em cung cấp thông tin và động viên nhau nếu có manh mối nào về đồng đội hy sinh thì đi tìm để đưa về.
Những lần trở lại chiến trường Vị Xuyên năm xưa, nhìn dòng tên của 4.000 liệt sĩ hy sinh đặt tại đền thờ liệt sĩ trong Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, chúng tôi không khỏi day dứt vì đến nay nhiều hài cốt đồng đội vẫn chưa được tìm thấy. Hai tiếng Vị Xuyên luôn là niềm tự hào của người lính chúng tôi khi được góp sức chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, cũng là miền tưởng niệm đồng đội hy sinh...”, cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên Nguyễn Thanh Hòa xúc động tâm sự.
45 năm trước, Vị Xuyên là chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, bắt đầu từ ngày 17/2/1979. Sau khi chịu thương vong nặng nề bởi tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, ngày 5/3/1979 quân bành trướng Trung Quốc buộc phải rút lui. Nhưng chiến trường Vị Xuyên là nơi đi trước về sau, diễn ra nóng bỏng, ác liệt, kéo dài 10 năm sau đó.
Với dã tâm xâm lấn biên giới Việt Nam, quân Trung Quốc đã chọn khu vực biên giới Hà Giang để đánh phá. Từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, địch đã huy động hàng chục vạn quân của 8 trong 10 đại quân khu bên kia biên giới tấn công toàn diện biên giới Hà Giang, tập trung vào huyện Vị Xuyên. Để bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, ta đã huy động 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn trực tiếp tham chiến.
Chiến sự diễn ra ác liệt, có những quả đồi ta và địch giành giật nhau hàng chục lần, không một vách đá, mét đất nào ở Vị Xuyên không thấm máu của người lính Việt Nam. Có những quả đồi đạn pháo địch bắn sạt hơn 1m trắng xóa, nên được gọi là “Lò vôi thế kỷ”.
Trên trận tuyến chống quân thù bảo vệ biên giới tại mặt trận Vị Xuyên có 4.000 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng chiến đấu hy sinh và 9.000 người bị thương. Máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào lòng đất Mẹ, trở thành biểu tượng đau thương mà hào hùng, tinh thần vệ quốc bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Chiến tranh đã lùi xa, trời biên cương Hà Giang hôm nay xanh màu bình yên. Màu xanh của sự sống ấm no đã phủ lên những “Lò vôi thế kỷ” và các quả đồi, cánh rừng, vách đá biên cương nơi chúng tôi đi qua.
Trên cao nguyên đá Hà Giang vẫn còn đó nỗi đau thương mất mát, day dứt khôn nguôi khi hàng ngàn hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, quy tập, cất bốc đưa về an táng cùng đồng đội trong nghĩa trang. Sẽ rất khó đến ngày quy tập đầy đủ 4.000 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang, bởi thân xác các anh đã hòa vào núi đá, thung sâu đến nay gần nửa thế kỷ.
Nhưng với những dòng tên liệt sĩ hy sinh được khắc trang trọng lên các tấm bảng đồng ghi công tại đền thờ liệt sĩ trong Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, hẳn linh hồn các anh hùng liệt sĩ, thân nhân gia đình và Nhân dân cả nước cũng được ấm lòng khi tìm về tưởng niệm, tri ân ở miền cao nguyên đá cực Bắc của Tổ quốc.
Khánh Ngọc
QTO - Phát huy những thắng lợi đã đạt được trong các thời kỳ cách mạng (1930 - 1931; 1936 - 1939), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, phong trào đấu...
QTO - Những ngày này, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong nỗ lực lập thành tích cao nhất trong lao động sản xuất, trong học...
VOV.VN - Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc...
QTO - Trong những năm qua, Hội Người cao tuổi (NCT) các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của...
QTO - Trong Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh triển khai nhiều chương trình...
QTO - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW...
QTO - Chương trình “Biên giới, biển, đảo trong tim tôi” năm 2024 vừa tổ chức tại Quảng Trị được cụ thể hóa bằng những hoạt động khơi dậy niềm tự hào, tình...
QTO - Là một trong những hoạt động rất quan trọng của đại biểu HĐND các cấp, tiếp xúc cử tri giúp đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ là cầu nối giữa cơ sở...
QTO - Vấn đề nêu gương, gương mẫu của cán bộ, đảng viên luôn được Đảng quan tâm; là một trong những biện pháp quan trọng trong phương thức lãnh đạo của...
QTO - Trong thời gian qua, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã tạo sự...
QTO - Ngày 1/7/2024, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở chính thức có hiệu lực thi hành. Việc ban hành luật bảo đảm tính đồng...
QTO - Trong quý I năm 2024, lực lượng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã triển khai toàn diện các mặt công tác, tăng cường giải pháp phòng ngừa,...