Nghĩa tình “lớp học 19 giờ”
(QT) - Họ chưa phải là giáo viên chính thức, vẫn “nhận trợ cấp từ ngân hàng bố mẹ”, ở nhà trọ và ăn mì tôm mỗi ngày.., nhưng ai cũng dồn tất cả tình cảm, tâm huyết của mình vào “lớp học 19 giờ” - nơi có những học sinh rất muốn và rất cần cả kiến thức lẫn tình thương yêu. Lớp học đặc biệt Lớp học vốn không mang tên và cũng chẳng có bục giảng, bảng đen, phấn trắng. Cách đây vài tuần, một em nhỏ thắc mắc hỏi: “Sao lớp mình có học sinh, có thầy cô, có điểm tốt... mà lại không có tên nhỉ?”. Thế là cái tên “lớp học 19 giờ” ra đời, thay lời nhắc nhủ: đúng 19 giờ tối 5 ngày trong tuần, mọi người hãy gác lại tất cả công việc để bắt đầu vào giờ học. Khác hàng ngàn lớp học trên mảnh đất Quảng Trị, giáo viên ở “lớp học 19 giờ” không ăn lương Nhà nước, chưa rời khỏi ghế giảng đường và dĩ nhiên cũng chẳng được tôn vinh trong ngày lễ 20/11. Họ chính là sinh viên của Trường CĐSP Quảng Trị. Với bầu nhiệt huyết tuổi trẻ và tấm lòng nhân ái, hàng đêm, các bạn tình nguyện dạy kèm cho 30 học sinh ở Trung tâm Mái ấm tình hồng. Không chỉ giúp các em có nền tảng kiến thức vững chắc hơn, họ còn mang niềm vui đến để sưởi ấm trái tim những cô cậu học trò sớm chịu nỗi thiệt thòi. Có lẽ vì thế nên duy nhất ở lớp học này, tiếng “thầy cô” tôn kính được thay bằng tiếng “anh, chị” nghe rất gần gũi.
 |
“Cô giáo áo xanh” hướng dẫn các em nhỏ học bài. |
Thực ra, “lớp học 19 giờ” đã được các thế hệ sinh viên Trường CĐSP Quảng Trị tiếp nối và duy trì suốt 10 năm nay. Sở dĩ, lớp học này ít được biết đến là vì các bạn sinh viên luôn nghĩ điều đang mình làm không quá to tát và chẳng bao giờ mong đến chuyện được tôn vinh. Họ luôn nhiệt huyết dạy bảo học sinh ở Trung tâm Mái ấm tình hồng dù nhiều bạn là sinh viên nghèo, bận rộn với việc đi làm thêm để đỡ đần gia đình. Thành thông lệ, bước vào đầu mỗi khóa học, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường CĐSP Quảng Trị và Hội LHTN lại gửi thông báo về các liên, chi đoàn kêu gọi sinh viên tham gia hoạt động dạy tình nguyện. Một bản danh sách sẽ chuyển đến từng lớp để mọi người đăng ký tham gia. Và hầu hết các bạn trẻ đều háo hức với hoạt động này, tạo nên một phong trào sôi nổi. Ở nhiều lớp, chuyện 100% sinh viên đăng ký dạy học tình nguyện là điều bình thường. Thầy giáo Phan Chí Thành, Bí thư Đoàn Trường CĐSP Quảng Trị chia sẻ: “Chúng tôi không ngờ hoạt động này lại thu hút sự quan tâm của các bạn sinh viên đến vậy. Để phong trào ngày càng phát triển, Đoàn trường và Hội LHTN luôn theo dõi, động viên, ủng hộ sinh viên để duy trì hoạt động ý nghĩa này. Đa phần bạn trẻ tham gia dạy tình nguyện là sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai. Tùy vào khả năng của mình mà các bạn lựa chọn môn học, lớp học phù hợp để mang lại hiệu quả dạy và học tốt nhất”. Đúng 19 giờ tối 5 ngày trong tuần, 30 học sinh tại Trung tâm Mái ấm tình hồng lại ngồi ngay ngắn vào bàn học, bên cạnh các em là những anh chị sinh viên khoác chiếc áo xanh tình nguyện say sưa giảng giải, hướng dẫn cách làm bài tập hay sửa lỗi. Căn cứ vào thời khóa biểu của từng học sinh mà lịch học và người dạy kèm cũng được bố trí hợp lý. Thông thường, các bạn sinh viên ban tự nhiên sẽ dạy kèm vào thứ 2 và thứ 4 hàng tuần; sinh viên ban xã hội có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh tại trung tâm vào thứ 3 và thứ 5; riêng thứ 7 là ngày giao lưu, sinh hoạt tập thể. Em Nguyễn Thị Ngọc Dung (học sinh lớp 12) vui vẻ chia sẻ: “Nhờ các anh chị sinh viên mà các bạn ở đây đều học khá hẳn lên. Chúng em còn được vui chơi, trò chuyện thoải mái sau mỗi giờ học. Thế nên, tối nào bọn em cũng ngóng các anh chị áo xanh đến”. Do học sinh ở Trung tâm Mái ấm tình hồng theo học nhiều lớp khác nhau nên các bạn sinh viên thường dạy kèm từ lớp 1 đến lớp 12. Phương pháp dạy học được thống nhất là tạo sự thoải mái, vui vẻ, rút ngắn khoảng cách giữa người dạy và người học, những em chuẩn bị chuyển cấp hay tham dự kỳ thi đại học sẽ được quan tâm đặc biệt. Chắp con chữ, ấm tình người
Với họ, kết quả học tập của học sinh tại Trung tâm Mái ấm tình hồng chính là niềm vui lớn nhất. Nhờ những buổi học hàng đêm mà nhiều em đã vươn lên và trở thành học sinh giỏi, học sinh tiên tiến như em Nguyễn Thành Trung, Lê Thị Thùy Trang, Hoàng Thị Lài, Nguyễn Thị Hiền... Đặc biệt, nụ cười của các em nhỏ nơi đây dường như rạng rỡ hơn qua từng buổi học, ánh mắt cũng ngày càng lấp lánh niềm tin... Có lẽ các thầy cô giáo áo xanh đã mang đến điều kỳ diệu ấy. |
Nhiều năm nay, “lớp học 19 giờ” là chiếc nôi chắp cánh ước mơ của các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Mái ấm tình hồng. Câu chuyện cổ tích được viết bởi bạn Nguyễn Thị Ngọc (hiện phụ trách nhóm sinh viên dạy tình nguyện) đã giúp nhiều học sinh cũng như bạn trẻ áo xanh có thêm niềm tin trên bước đường dạy và học. Bố bỏ đi khi Ngọc còn bé, mẹ thường xuyên đau ốm nên một bữa cơm ngon, manh áo lành là mơ ước lớn nhất của em suốt thời thơ ấu. Khi bước chân vào Trung tâm Mái ấm tình hồng, một cuộc sống mới mở ra trước mắt Ngọc. Không phải lo ngay ngáy chuyện cơm ăn, áo mặc, em còn được đến lớp. Đặc biệt, hàng đêm, các anh chị sinh viên Trường CĐSP Quảng Trị lại đến Trung tâm kèm cặp Ngọc và các bạn khác học tập. Chính các anh chị đã truyền cho Ngọc niềm tin về sự thay đổi số phận nhờ trang sách. Thế nên, Ngọc không ngừng nỗ lực học tập và thi đỗ vào Trường CĐSP Quảng Trị. Hiện tại, niềm hạnh phúc lớn nhất của em là được trở lại Trung tâm Mái ấm tình hồng cùng các sinh viên khác để dạy học và tiếp tục gieo niềm tin trong lòng 30 em ở đây. Dạy kèm những học sinh tại Trung tâm Mái ấm tình hồng dễ mà khó. Dễ là vì phần đông học sinh nơi đây rất chăm chỉ, ngoan ngoãn. Bên cạnh đó, vốn kiến thức và kỹ năng sư phạm của “các thầy cô giáo áo xanh” lại được rèn dạy qua trường lớp. Nhưng khó bởi lẽ học sinh tại Trung tâm khá nhạy cảm, mỗi em đều mang một nỗi buồn sâu kín nào đó. Thế nên, việc truyền dạy kiến thức luôn phải đi kèm với sự sẻ chia. Một số bạn hóm hỉnh đùa nhưng rất thật: “Bọn em dạy ở đây bằng cả trí óc lẫn trái tim”. Buổi dạy đầu tiên sau khi chính thức nhận lớp, các bạn sinh viên Trường CĐSP Quảng Trị thường dành thời gian để trò chuyện, tham gia trò chơi, thậm chí là mua quà tặng các em nhỏ. Có bạn còn nảy ra ý tưởng làm quen rất độc đáo: Lớp học bắt đầu bằng lời yêu cầu các em nhỏ vẽ hình ảnh gia đình mình. Qua mỗi bức tranh, các bạn sinh viên sẽ hiểu thêm về hoàn cảnh, tâm tư, tính cách của từng cô cậu học trò. Không tránh khỏi những giọt nước mắt khi một số em chia sẻ về hoàn cảnh gia đình mình và những lúc đó, “các thầy cô áo xanh” sẽ nắm chặt tay và nhẹ nhàng yêu cầu: em hãy lấy hình ảnh các anh chị để điền vào mảnh ghép còn trống trong bức tranh gia đình nhé! Thế là, giọt nước mắt mau chóng được lau khô, nụ cười lại tỏa rạng trên những gương mặt ngây thơ. Khi đã gần gũi với các em, việc dạy kèm mới thực sự bắt đầu. Khác với giờ chính khóa trên lớp, ở đây, ý thức tự giác của học sinh được khuyến khích. Các em sẽ chủ động nói lên mình muốn và cần học gì, làm bài tập nào, còn yếu kém ở đâu... Mỗi anh chị sinh viên sau khi nắm lịch học, năng lực từng em sẽ có phương pháp kèm cặp cụ thể. Bên cạnh việc ôn bài cũ, chuẩn bị bài mới..., “thầy cô giáo áo xanh” còn hướng dẫn các em sửa lỗi chính tả, trình bày trong vở, làm bài tập nâng cao... Em Nguyễn Thành Trung (học sinh lớp 2) hồn nhiên bày tỏ: “Em thích các anh chị dạy, vì nếu không hiểu bài em cũng không bị mắng hay cho điểm thấp, các anh chị hướng dẫn đến lúc nào em hiểu thật kỹ thì thôi. Với lại, thỉnh thoảng các anh chị lại thưởng kẹo cho em nữa”. Dẫu dạy tình nguyện, nhưng nhiều sinh viên của Trường CĐSP Quảng Trị vẫn trăn trở với từng tiết học. Các bạn còn bỏ tiền mua sách về nghiên cứu, dành thời gian tìm các bài tập hay, thậm chí là soạn giáo án riêng. Đặc biệt, nhiều bạn nghĩ đến việc sâu xa hơn là “gieo hạt giống tâm hồn” trong tim những cô cậu học trò nhỏ. Bạn Lê Thị Sương Thu (sinh viên lớp Trung cấp Mầm non K15B) chia sẻ: “Mới vào dạy được vài tháng, nhưng mình rất vui khi thấy các em sáng dạ, tiếp thu rất nhanh. Quyết tâm của mình là sau này sẽ dạy cho các em những bài học về giá trị của cuộc sống như: niềm hạnh phúc, tính trung thực, tình đoàn kết... Chắc chắn những điều tưởng chừng là khuôn sáo này sẽ giúp các em nhỏ thêm tin yêu và nỗ lực hơn trong cuộc sống”. Hiểu các học sinh ở Trung tâm Mái ấm tình hồng mong chờ từng buổi học, nên dù mưa nắng hay bận rộn công việc, mỗi sinh viên tình nguyện đều cố gắng không để lỡ buổi dạy nào. Có nhiều bạn đi học chính khóa về chỉ kịp mua chiếc bánh mỳ, ăn vội, rồi đạp xe đến “lớp học 19 giờ” cho kịp. Chẳng biết từ bao giờ việc dạy học tình nguyện không còn là nhiệm vụ mà chính là niềm vui đối với các bạn sinh viên. Xác định dạy học trên cơ sở tinh thần tình nguyện, nên sinh viên Trường CĐSP Quảng Trị chẳng bao giờ đòi hỏi phải được nhận cái này, cái kia. Nhiều bạn còn cho rằng, “mức lương” của mình rất... hậu hĩnh. Một nam sinh viên 3 năm nay gắn bó với “lớp học 19 giờ” lý giải: “Thực ra, đến đây bọn em không chỉ đi dạy mà còn đi học. Tiếp xúc với các em nhỏ, chúng em học được rất nhiều điều như là sự sẻ chia, lòng thương người, biết trân trọng cái mình đang có... Những điều này, tiền trăm, bạc triệu cũng khó mua được”. Với họ, kết quả học tập của học sinh tại Trung tâm Mái ấm tình hồng chính là niềm vui lớn nhất. Nhờ những buổi học hàng đêm mà nhiều em đã vươn lên và trở thành học sinh giỏi, học sinh tiên tiến như em Nguyễn Thành Trung, Lê Thị Thùy Trang, Hoàng Thị Lài, Nguyễn Thị Hiền... Đặc biệt, nụ cười của các em nhỏ nơi đây dường như rạng rỡ hơn qua từng buổi học, ánh mắt cũng ngày càng lấp lánh niềm tin... Có lẽ các thầy cô giáo áo xanh đã mang đến điều kỳ diệu ấy. Bài, ảnh: TRƯƠNG QUANG HIỆP