Nghề săn mật ong rừng
(QT) - Đi săn mật ong giống như “đánh bạc” với rừng. Có khi đi hàng mấy ngày trời nhưng đành trở về tay không, có chuyến đi, chiến lợi phẩm thu được hơn cả chục lít mật. Không ít rủi ro, hiểm nguy rình rập, nhưng đã trót đam mê với nghề, những người như anh Phạm Hữu Lâm ở thôn Câu Nhi, xã Hải Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị) vẫn đeo đuổi nghề săn mật ong từ hàng chục năm nay. Săn ong cũng trọng “ngón nghề” Tháng ba, tháng tư cho tới tháng sáu âm lịch hàng năm, hoa rừng đua nở, ong kéo về từng đàn làm tổ, luyện mật cũng chính là mùa “làm ăn” của những người thợ săn mật ong rừng lão luyện. Anh Phạm Hữu Lâm với thâm niên hơn 20 năm săn mật ong rừng kể, làng Câu Nhi này có truyền thống đi săn mật ong từ lâu đời. Người già nhất trong làng là ông Nguyễn Đình Trạc, năm nay 77 tuổi vẫn theo nghề.
 |
Anh Phạm Hữu Lâm bên những chai mật ong rừng vừa lấy được |
Hôm chúng tôi đến nhà, ông Trạc theo một tốp thợ săn ong vào rừng từ ba giờ sáng. Vợ ông cho biết, ông nay đã già, sức khỏe không cho phép leo trèo cây như trước, nhưng người ta vẫn nhờ ông đi cùng để tìm tổ ong vì ông vốn giàu kinh nghiệm trong việc này. Vậy là chuyến lên rừng, chỉ có chúng tôi cùng anh Lâm và người em cột chèo tên là Thái. Chỉ dự tính đi trong ngày nên đồ nghề mang theo hết sức gọn nhẹ, chỉ một chiếc ba lô, túi ni lông cỡ lớn, những con dao đi rừng và cơm nắm muối lạc bữa trưa cho 4 người. Anh Lâm bảo, đi rừng không sợ đói, rau đầy rừng, cá thì sẵn dưới suối, chỉ cần thêm muối, gạo nữa là ở bao nhiêu ngày cũng yên tâm. Hết đoạn đường đi được bằng xe máy, chúng tôi men theo con đường mòn đi bộ vào rừng. Từ mấy hôm trước, Thái đã có chuyến “thị sát”, phát hiện một tổ ong và đã đánh dấu nên việc còn lại của ngày hôm nay khá thuận lợi, chỉ vào đúng chỗ cây làm dấu và đánh mật mang về. Sau gần một giờ đồng hồ cắt rừng, chúng tôi nghỉ chân cạnh một con suối. Thoáng thấy mấy con ong thợ bay tà tà xuống suối lấy nước, anh Lâm bảo chúng tôi tạm tránh, rồi thoắt cái trèo lên một cây cao gần đó. Chờ cho ong lấy nước xong bay lên, anh nhìn theo hướng bay rồi nhanh nhẹn tụt xuống, giục cả đoàn nhắm thẳng hướng đông nam rảo bước. Quả như thần, cách bờ suối quãng gần hai cây số, ngước lên cây cổ thụ cao khoảng ba chục mét, chúng tôi thấy một tổ ong có hình cái diều màu xám đen mắc trên cành cây, to chừng hai vòng tay người ôm, định thần một lúc mới nhìn thấy đàn ong lúc nhúc bu đen đặc tổ. Thái nhanh nhẹn tìm chỗ để đồ, xả cuộn dây thừng và tìm vật liệu để làm “trái khói”, chuẩn bị sẵn sàng cho anh Lâm lên cắt tổ ong. Một nhúm lá cây khô, một chùm lá cây tươi quấn quanh bên ngoài để đốt lên không bén lửa mà chỉ bay khói ra ngoài được Thái làm rất nhanh. Bên dưới thân cây, chúng tôi cũng đốt một đám lá cây tươi để khói xông lên mù mịt. Chẳng mấy chốc khói đã lan dần lên gần ngọn cây, đàn ong bắt đầu bay nháo nhác. Đợi một lúc, anh Lâm tay cầm “trái khói”, vai đeo ba lô thận trọng leo lên cây. Thân cây thẳng, lại cao nhưng xem ra không mấy khó khăn đối với một người hơn hai chục năm lủi rừng như anh Lâm. Loáng cái đã lên đến chạc ba, nơi có tổ ong mật bám vào cành. Vẫn còn sót lại khá nhiều ong chưa chịu rời tổ. Cẩn thận dập tắt “trái khói”, Lâm nhanh nhẹn lôi từ ba lô ra một túi bóng to dùng để đựng và chiếc liềm, rồi rất ngọt, chỉ hai đường cắt, cả troốc mứt (chữ của người săn ong dùng để chỉ tảng sáp, mật) rơi gọn vào túi ni lông. Anh cho cả vào ba lô và dùng dây thừng buộc chặt ròng xuống đất cho Thái đã đứng sẵn bên dưới chờ.
 |
Trèo cây lấy tổ ong |
Chúng tôi tiếp tục băng rừng tìm đến tổ mật mà mấy hôm trước Thái tìm thấy. Lần này, cũng những thao tác y như trước, nhưng tổ mật nhỏ hơn và anh Lâm bị khá nhiều ong đốt. Bên dưới, chúng tôi bỏ chạy tán loạn bởi mấy chú ong gan lì không sợ khói lao vào cắn người. Thái vừa chạy vừa hô anh em chạy thật nhanh mới mong thoát những con ong hung dữ. Anh kể, có không ít lần bỏ chạy gần cả cây số mà vẫn bị ong bám đuổi theo ráo riết. Đi rừng nhiều thành quen, giờ có bị ong đốt cũng cảm thấy bình thường, chỉ việc tìm kim ong bị đốt để lôi ra, thấm nước miếng vào chỗ đốt là ổn. Say nghề bất chấp hiểm nguy Với kinh nghiệm học được từ ông Trạc, lão làng trong nghề săn ong ở làng Câu Nhi, cộng với hơn hai chục năm lăn lộn với ong rừng tìm mật, anh Lâm được rất nhiều người tìm đến nhờ đi lấy mật. Đúc kết lại, anh bảo, đi ong giỏi trước hết phải nhờ đôi mắt, mắt có tinh tường mới nhìn ra đường bay của ong để tìm thấy tổ. Anh cho biết, ong rừng có nhiều loại. Trong đó, loại ong ruồi làm tổ trên cành cây nhỏ là cho mật tốt nhất, thường loại này hiếm gặp. Loài ong bọng thường ở trong bọng cây, ụ mối, khe đá (người ta thường gọi là ong bọng hay ong lỗ), ong này cho chất lượng mật cực ngon. Nhưng hay gặp nhất vẫn là loài ong thế, thường ở trên cây cao trong rừng sâu, tổ lớn, có khi to bằng nửa chiếc chiếu, mật nhiều nhưng có vị hơi chua. Về kinh nghiệm tìm tổ, anh Lâm chia sẻ: “Hồi đầu, tôi chuyên đi theo bác Trạc, nhìn cách bác làm thì học theo. Muốn biết con ong làm tổ ở đâu thì phải tìm từ khe suối, nơi ong ra “ăn” nước. Cứ theo dấu ong bay về thì sẽ tìm ra tổ. Nói thì khá đơn giản nhưng “vèn ong” (tìm tổ ong) không dễ, vì nhiều con ong rất khôn, nó không bay ngay về tổ mà lòng vòng đánh lừa mình”. Những lần như vậy, người săn ong phải cực kỳ kiên nhẫn. Có khi mất gần cả ngày trời lòng vòng theo dấu con ong tìm tổ mà thất bại cũng là chuyện thường. Sau bữa cơm đạm bạc, chúng tôi soạn xô ra vắt mật. Anh Lâm nhặt hết những con ong sót trong tổ, sau đó cắt từng tảng sáp nhỏ, dùng tay vắt mật ra chiếc xô nhựa đã chuẩn bị sẵn. Những dòng mật đặc sánh chảy ra xô, mùi thơm dễ chịu. Tổ ong này khá “già”, mật đặc quánh. Nếu tổ này để nguyên trên cây, thì chỉ khoảng nửa tháng nữa, ong sẽ ăn hết mật rồi bay đi nơi khác. Mật ong rừng có đặc điểm khác nhau theo từng đợt thu hoạch. Vào đầu mùa, mật thường có màu vàng chanh, khá loãng, thơm. Giữa mùa, màu mật vàng sậm, đặc hơn và thơm. Đến cuối mùa, mật sậm như màu hổ phách, rất đặc nhưng không thơm bằng đợt giữa mùa. Vào giữa mùa, mỗi tổ ong nhiều nhất cho khoảng 6-7 lít mật, còn lại trung bình tổ nhỏ lấy được 1,5 - 2 lít. Tổng cộng cả hai tổ ong lớn bé thu được gần chục lít mật, anh em nhà anh Lâm rất vui mừng. Chúng tôi đi cùng, dù chẳng giúp được gì nhưng cũng được anh Lâm chia cho mỗi người hơn hai lít mật mang về. Có một quy định bất thành văn của những người đi rừng săn mật ong, đó là đi cùng một nhóm thì chiến lợi phẩm thu được của buổi hôm ấy sẽ được chia đều cho tất cả mọi người, ai cũng có phần bằng nhau. Chúng tôi ra khỏi bìa rừng khi mặt trời vừa khuất núi. Ở nhà, vợ anh Lâm đã chuẩn bị bữa cơm tối thịnh soạn. Mâm cơm có thêm một món đặc biệt đối với những vị khách đường xa như chúng tôi, món ong non (nằm trong sáp ong) xào. Vị béo ngậy của những con ong non tan đầu lưỡi, thật lạ miệng, càng ăn càng thấy thích. Số mật lấy được, sau khi chia các phần, anh Lâm còn khoảng gần ba lít, mỗi lít mật bán được 500 ngàn đồng, ngày hôm nay coi như là thắng lợi. Mỗi năm cũng chỉ đi rừng được vài tháng, nghề này coi như làm một đợt để ăn dành cả năm, so ra, lời lãi cũng không nhiều mà nguy hiểm rình rập cũng không ít. Càng ngày, người đi săn ong càng nhiều nên mật khan hiếm, anh Lâm phải lặn lội từ khu vực rừng ông Đô (Hải Phú), tới rừng Hải Chánh, rồi thậm chí vào đến Huế, ra tận Quảng Bình. Mùa mưa đi rừng già, chuyện vắt cắn như cơm bữa. Chuyện xe lăn xuống vực, ngã gãy tay, què chân khi trèo cây đối với dân săn ong rừng cũng không xa lạ gì, chưa kể nhiều người bị ong đốt sưng vù, thậm chí nguy hiểm đến tín mạng. Nhưng say nghề, anh Lâm cũng như những thợ săn ong của làng Câu Nhi vẫn gắn bó với rừng bao năm qua để tìm mật, dẫu biết “ăn” của rừng cũng rưng rưng nước mắt chứ không dễ dàng gì. “Làm cái nghề này cũng chẳng nhiều tiền đâu các anh ạ. Đến mùa mới đi, không phải mùa thì ở nhà làm ruộng. Tính ra mỗi năm cũng chỉ kiếm được hơn chục triệu đồng. Nhưng đi tìm ong có cái thú của nó mà người nào dính nghề cũng không muốn bỏ, dù có khi mất công vài ngày lang thang trong rừng rồi lại về không, nhưng hôm sau lại cơm đùm gạo bới đi tiếp. Lấy được một tổ ong xuống thấy sướng trong người lắm”, anh Thái chia sẻ. Rời Câu Nhi, chúng tôi được anh Lâm dặn với theo, nếu ai có nhu cầu mua mật giới thiệu cho anh. Bây giờ, mật ong giả nhan nhản trên thị trường, những người lấy mật như anh Lâm rất muốn bà con ai có nhu cầu đều được dùng thứ mật chính hiệu từ rừng. Âu đó cũng là niềm vui của những người đã bỏ công sức săn mật ong rừng, bất chấp mọi hiểm nguy. Bài, ảnh: THANH TRÚC