Cập nhật: Thứ 7, 12/10/2013 | 13:35 GMT+7

“Con” của bộ đội 337

(QT) - Sống xa nhà, việc chăm sóc con đều phải cậy nhờ vào vợ nhưng những chiến sĩ Đội sản xuất 3, Trung đoàn 52, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 lại ngày ngày lo từng bữa cơm, giấc ngủ cho các cháu bé không máu mủ, ruột rà. Câu chuyện bắt đầu từ khi họ nhận ba em nhỏ mồ côi về làm con. Xóa “lời nguyền ma lai” Trời chuyển sang trưa, khói bếp quyện thành vòng trên từng nếp nhà sàn. Sau ngày mưa bão, con đường trung tâm xã Hướng Lập dường như đông vui hơn. Từng tốp học sinh vai đeo cặp sách, miệng í ới gọi nhau trở về nhà. Vẫy tay tạm biệt các bạn, một chú bé có dáng người loắt choắt, nhảy chân sáo rẽ vào cổng Đội sản xuất 3. Thấy khách lạ, em khoanh tay, lễ phép cất lời: “Cháu chào các chú ạ”. Nhận thấy vẻ ngạc nhiên trên gương mặt khách, Đại úy Trương Thành Chung, Đội phó Đội sản xuất 3 vui vẻ bảo: “Con út của chúng tôi đấy. Cháu là Hồ Văn Dưng. Anh và chị của cháu chắc cũng sắp sửa đi học về rồi”. Anh Chung cho biết thêm, bố mẹ của em Dưng đều đã qua đời do lâm trọng bệnh. Thấy các cháu côi cút, anh em trong Đội đã bàn nhau và xin ý kiến của thủ trưởng để đưa về nuôi.

Chị em Huê giúp “bố” làm những công việc nhỏ hàng ngày

Câu chuyện mới được gợi mở cũng vừa lúc em Hồ Thị Huê (16 tuổi) và Hồ Văn Hưng (13 tuổi) về đến Đội. Sau khi chào hỏi đâu ra đấy, Hưng khoe với các chú bài văn vừa đạt điểm cao của mình. Đề bài yêu cầu giới thiệu về ngôi nhà và những người thân yêu nhất. Bằng giọng văn còn khá ngô nghê nhưng chan chứa tình cảm, Hưng đã chia sẻ về năm “người bố” khoác áo lính và ngôi nhà cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 xây tặng các em. Liến thoắng trò chuyện một hồi, ba chị em Hưng nắm tay chúng tôi, tỏ ý muốn giới thiệu về ngôi nhà. Nhìn gương mặt sáng, nụ cười tươi tắn của các em, ít ai biết Huê, Hưng và Dưng đã trải qua chuỗi ngày tận cùng đau khổ. Chính cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 3 nói riêng và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 nói chung đã thắp sáng niềm tin cho các em. Ba chị em Huê đều sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Dẫu hoàn cảnh khó khăn nhưng mái tranh nghèo của các em chưa bao giờ vắng tiếng nói cười. Bố mẹ Huê rất mong con học hành đến nơi, đến chốn. Biến cố xảy ra khi người thân trong gia đình Huê lần lượt qua đời. Bắt đầu từ ông nội, đến mẹ, người bác ruột và tiếp theo là bố. Cứ thế, nước mắt dường như không kịp khô trên gương mặt các em. Hoàn cảnh xô đẩy, Huê và các em phải bị xé lẻ, mỗi đứa về sống với một người họ hàng. Câu chuyện chưa dừng lại tại đó. Cô chị cả Hồ Thị Huê về ở cùng gia đình người chú chưa bao lâu thì ông đã vội vã qua đời. Từ đó, lời đồn thổi bắt đầu xuất hiện. Một số kẻ mê tín, dị đoan vu vạ: “Chị em Huê đã bị con ma lai ám. Ai gần gũi sẽ bị kéo về địa phủ hoặc chịu nhiều bất hạnh”. Cần phải nói thêm, từ ngày về sống cùng o, chú, Huê và các em đều phải nghỉ học. Huê tâm sự: “Nhà o, chú đều nghèo, lại đông con. Cái ăn còn không đủ thì làm sao nuôi chúng em đi học?”. Cứ thế, ba đứa trẻ mồ côi sống lay lắt trong đói khổ, thất học, lời đồn thổi ác ý và nỗi nhớ mái nhà xưa.

Các cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 3 hướng dẫn Huê và Dưng học bài

Cuộc sống chị em Huê sang trang từ ngày có vòng tay của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Thương các em, cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 3 đã đề nghị cấp trên cho phép nhận chị em Huê về làm con. Nhớ lại ngày ấy, Thượng úy Nguyễn Văn Tư kể: “Anh em không nhớ hết đã có bao nhiêu lần thương thuyết với cấp trên, lãnh đạo UBND xã Hướng Lập và người thân của ba cháu. Khó khăn mấy chúng tôi cũng không ngại, chỉ cần giúp các cháu không chịu thêm nỗi đau nào nữa”. Ngày nguyện vọng của các anh được “chuẩn y”, cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 3 vui sướng đến trào nước mắt. Ngay lập tức, các anh thân chinh đến từng bản xa để gặp Huê và Hưng, đồng thời ra tận Quảng Bình đón Dưng về đơn vị. Từ đó, chị em Huê chính thức trở thành “con” của Đội sản xuất 3. Đặc biệt, để các em không còn bị lời đồn thổi ác ý làm tổn thương, những chiến sĩ áo xanh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân. Bản thân họ là minh chứng sống khẳng định: “Không có chuyện ma lai ám hại những người gần gũi với chị em Huê”. Giấc mơ có thật Buổi đầu về sống tại Đội sản xuất 3, Huê và các em không khỏi ái ngại. “Em biết bộ đội 337 rất tốt với mọi người. Song dù gì họ cũng không máu mủ, ruột rà với mình, làm sao thương yêu hết lòng được?” – Huê giãi bày. Vậy mà, chỉ sau một ngày, ba chị em đã mê tít sự vui tính và thái độ ân cần của những người lính 337. Tình cảm của các chú đã làm Huê và hai em rất xúc động. Theo mạch câu chuyện, Huê chia sẻ: “Thực sự em không nói nên lời khi thấy các chú bọc từng cuốn vở để chúng em chuẩn bị trở lại trường, cắt tóc, móng tay cho Hưng và Dưng, nấu bữa ăn ngon để mừng nhà mới... Em nhận ra, có nhiều người yêu thương chúng em vô điều kiện”.

Cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 3 chuẩn bị hành trang cho các cháu đến trường

Từ ngày về sống với cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 3, chị em Huê bắt đầu tập “làm lính”. Các em dần quen với việc dậy sớm để rèn luyện thể lực, xếp chăn màn sao cho vuông vắn; học tập theo lịch cụ thể... Bên cạnh đó, bộ đội 337 còn dạy chị em Huê cách nấu cơm, trồng rau, nuôi gà... Quen với lối sống cũ, đôi khi, em Dưng và Hưng cảm thấy không thoải mái. Thế nhưng các cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 3 đã kịp thời động viên, khen thưởng. Vì vậy, hai cậu bé nhanh chóng hòa nhập môi trường mới và dần quen với lối sống quy cũ. Thậm chí, Dưng còn khẳng định như đinh đóng cột, sau này em sẽ làm bộ đội. Thấu hiểu sự mất mát quá lớn chị em Huê, các cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 3 luôn cẩn trọng trong từng lời nói, hành động. Trung úy Hoàng Văn Bắc cho biết: “Đối với con ruột, đôi khi nóng lên mình có thể quát, thậm chí phết vài roi. Thế nhưng với các em thì khác. Anh em mình luôn khuyến khích, động viên các cháu. Nhờ thế, bất cứ có chuyện vui buồn gì, các em đều sẵn sàng chia sẻ”. Đặc biệt, chuyện sức khỏe của chị em Huê được các anh rất quan tâm. Có những hôm các cháu ốm, anh em phải thay phiên nhau túc trực, săn sóc từng li, từng tí. Đại úy Trương Thành Chung hóm hỉnh đùa: “Mình chưa có vợ. Thế nhưng tính đến giờ, mình đã có thâm niên làm... bố được một năm, bốn tháng rồi đấy!”. Là “người cha”, hơn ai hết, cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 3 hiểu: Trước sau gì, chị em Huê cũng cần một mái nhà riêng. Vì vậy, các anh đã đề đạt nguyện vọng lên cấp trên và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ. Ngay sau đó, cán bộ, chiến sĩ 337 đã tự tay xây dựng một ngôi nhà khang trang với tổng kinh phí hơn 250 triệu đồng dành tặng chị em Huê, trang bị đầy đủ các vật dụng cần thiết trong nhà. Ngày 27/12/2012 có lẽ là dấu mốc không thể nào quên đối với cán bộ, chiến sĩ 337 và chị em Huê. Băng khánh thành được cắt, ba chị em mồ côi mở cửa căn nhà mới. Bước trên nền gạch hoa sáng bóng, sờ tay vào bờ tường phẳng phiu, hít mùi gỗ mới của chiếc giường và bộ bàn ghế..., chị em Huê như đi trong giấc mơ. Đặc biệt, các phòng ban của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 và Trung đoàn 52 còn ủng hộ tiền chi tiêu hàng tháng cho ba chị em. Giờ đây, chị em Huê khiến không ít bạn bè phải “ghen tị” vì có đến hai ngôi nhà và năm “ông bố”. Đặc biệt, nhà của chị em Huê được xếp vào diện khang trang, to đẹp nhất xã. Hiện tại, tuy đã ở riêng nhưng các em vẫn ăn uống cùng cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 3. Bên cạnh đó, năm “ông bố” vẫn thường xuyên cắt cử nhau quan tâm, chăm sóc ba chị em. Nhờ thế, Huê và các em ngày càng tiến bộ. Năm học vừa qua, ba em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Câu chuyện đẹp như cổ tích về năm người bố và ba người con ở thôn A Sóc, xã Hướng Lập giờ đây đã lan truyền khắp nơi. Ai cũng mừng cho chị em Huê, đồng thời rất khâm phục cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 3 nói riêng và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 nói chung. Nghe câu chuyện, ai cũng thừa nhận: “Dù trong thời chiến hay hòa bình, bộ đội Cụ Hồ cũng yêu thương, quý trọng dân như người ruột thịt”. Bài, ảnh: TRƯƠNG QUANG HIỆP



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Sức sống mới giữa đại ngàn Trường Sơn
23:28 16/02/2025

Những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, trên con đường hướng về Khe Sanh miền Tây Quảng Trị, chúng tôi theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, đi qua xã Hướng Phùng, huyện ...

Địa chỉ tin cậy của người dân vùng biên
22:28 01/01/2023

Đóng quân trên địa bàn huyện Hướng Hóa, bên cạnh việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, Bệnh xá Quân dân y Đoàn Kinh tế - Quốc phòng ...

Phóng sự ảnh: “Mùa vàng” trên rẻo cao

Phóng sự ảnh: “Mùa vàng” trên rẻo cao
10:00 tối Chủ nhật

QTO - Những năm trở lại đây, nhờ tăng cường chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây lúa nước trên địa bàn huyện miền núi...

Rời game, viết trang đời mới

Rời game, viết trang đời mới
10:00 tối Thứ 6

QTO - Hiện nay, phầm mềm Olympia RĐ đang được nhiều ngôi trường trên toàn quốc lựa chọn để góp phần mang tới cho học sinh, sinh viên những sân chơi trí tuệ...

Nghề “nghe” tiếng cá

Nghề “nghe” tiếng cá
07:09 05/10/2013

(QT) - 18 tuổi, chàng trai Võ Văn Hiếu rời vùng quê Quảng Trị vào miền Nam mưu sinh bằng nghề đánh cá biển. Và cũng chính từ những tháng ngày lam lũ làm thuê ấy, anh học được...

Những đứa trẻ mục đồng

Những đứa trẻ mục đồng
01:54 29/09/2013

(QT) - Bây giờ, nhiều người đổ xô lên thành phố. Thành phố có nhiều thứ văn minh để nhiều người khát khao một tấc đất cắm dùi. Tôi làm việc ở thành phố nhưng không phải công...

Kiêu hùng Họ Đóng…

Kiêu hùng Họ Đóng…
04:34 28/09/2013

(QT) - Được lưu truyền qua nhiều thế hệ từ hàng trăm năm, đến nay Họ Đóng- tên gọi của một đội quân tượng trưng cho lực lượng bảo vệ an ninh chốn đô thành, quê hương, đất...

Thời tiết

29°C - 36°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 34°C
    Có mây, có mưa rào và dông
  • 27°C - 37°C
    Ít mây, trời nắng nóng gay gắt
POWERED BY
Việt Long