
{title}
{publish}
{head}
QTO - Sáng nay 8/12, kỳ họp thứ 14, khóa VIII, HĐND tỉnh tiếp tục ngày làm việc thứ hai với sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang và các phó chủ tịch HĐND tỉnh.
Đại diện thư ký kỳ họp trình bày báo cáo tổng hợp thảo luận của các tổ đại biểu HĐND tỉnh- Ảnh: Lê Minh
Tại ngày làm việc thứ hai, kỳ họp dành phần lớn thời gian để các đại biểu thảo luận tại hội trường nhóm vấn đề về KT - XH, thu, chi ngân sách, đầu tư công, đất đai, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng rừng; nhóm vấn đề VH - XH, y tế giáo dục, lao động việc làm; nhóm vấn đề về biên chế, sáp nhập đơn vị hành chính, phụ cấp cán bộ cơ sở...
8h00: Đại diện thư ký kỳ họp trình bày báo cáo tổng hợp thảo luận của các tổ đại biểu HĐND tỉnh. |
Tổng hợp ý kiến thảo luận tổ, đa số đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị các văn bản trình kỳ họp và thống nhất với nội dung các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết của Thường trực HĐND, UBND và các cơ quan tư pháp.
Trong đó, đối với chỉ tiêu phát triển KT - XH năm 2023, một số tổ đại biểu đề nghị HĐND tỉnh bổ sung và đưa chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp vào hệ thống chỉ tiêu chủ yếu.
Đối với lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều tổ đại biểu đề nghị, đối với các dự án đăng ký đầu tư vào các cụm công nghiệp, khu kinh tế đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai trong thời gian dài, đề nghị UBND tỉnh không gia hạn và thu hồi dứt điểm, tránh lãng phí nguồn tài nguyên, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiềm năng có cơ hội vào đầu tư.
Các tổ đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân chủ quan của việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đạt thấp.
Tổ đại biểu huyện Vĩnh Linh và huyện đảo Cồn Cỏ đề nghị, đối với kế hoạch đầu tư công năm 2023, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mục “Dự án 6 - Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” bổ sung phân bổ nguồn vốn thêm cho huyện Vĩnh Linh, vì địa phương có 03 xã miền núi (Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà) có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhằm tạo động lực góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Tổ đại biểu TP. Đông Hà cho rằng, hiện nay trên địa bàn TP. Đông Hà, nhiều công trình, dự án do cấp tỉnh làm chủ đầu tư như: Đường 2 đầu cầu sông Hiếu; đường Lê Thánh Tông (đoạn từ đường Hàm Nghi đến đường Trần Bình Trọng...) thi công đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân, đề nghị UBND tỉnh quyết liệt chi đạo sớm thi công hoàn thành các công trình.
Hiện nay nhiều dự án được UBND tỉnh chấp thuận, giao đất trên địa bàn TP. nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, đề nghị UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị rà soát, đề xuất xử lý thu hồi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực thực hiện nhằm phát huy hiệu quả.
Tổ đại biểu huyện Triệu Phong đề nghị tỉnh xem xét điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và Nhân dân trên địa bàn huyện có điều kiện về đất đai để phát triển sản xuất.
Nhiều tổ đại biểu cho rằng, hiện nay đề án đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính còn tồn đọng trong việc thực hiện hạng mục lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của TP. Đông Hà và nhiều địa phương khác.
Đề nghị UBND tỉnh báo cáo công khai, làm rõ tiến độ và kết quả thực hiện 6 dự án từ năm 2016-2021 với tổng mức 116 tỉ (đã giải ngân 56 tỉ), những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục; đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường và các ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
8h24: Đại biểu Trần Văn Bến, đơn vị huyện Hướng Hóa: Không đưa quy định của nhà nước vào nguyên nhân làm giảm sâu sản lượng khai thác hải sản |
Ảnh: Lê Minh
Làm rõ nguyên nhân vì sao một số chỉ tiêu của ngành nông nghiệp như sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản năm 2022 không đạt, đại biểu cho rằng nếu đưa nguyên nhân do các quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, của các cơ quan chấp hành kiểm tra giám sát về đánh bắt trên biển là nguyên nhân khách quan thì không phù hợp.
Bởi đây là các quy định của Nhà nước cần phải chấp hành. Nguyên nhân quan trọng nhất cần phải nhìn nhận và chỉ rõ là do ngành chưa có giải pháp căn cơ hiệu quả để thực hiện các quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, do ngư trường đánh bắt thủy hải sản ngày càng cạn kiệt, diện tích dành cho nuôi trồng thủy sản vùng ven biển bị thu hẹp...
Bên cạnh đó, đại biểu cũng phân tích hiện nay, vai trò của doanh nghiệp và HTX trong các khâu khâu liên kết, dẫn dắt người nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị chưa cao, ảnh hưởng đến năng suất lao động cũng như giá trị sản phẩm làm ra chưa tương xứng.
Về thu ngân sách trên địa bàn, đại biểu đề xuất cần đặt ra mục tiêu thu ngân sách năm sau phải bằng hoặc cao hơn năm trước để phấn đấu thực hiện.
Đề nghị tỉnh tiếp tục có các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư, khởi động, đưa các dự án động lực của tỉnh trở thành hiện thực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.
8h50: Đại biểu Nguyễn Khánh Vũ, đơn vị huyện Đakrông: Quan tâm hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bao dân tộc thiểu số |
Ảnh: Lê Minh
Nêu thực trạng hệ thống giao thông trên địa bàn các xã miền núi huyện Đakrông xuống cấp, nguy cơ sạt lở một số khu vực gần bờ sông đe dọa đến nơi ở của người dân, nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống còn hạn chế... đại biểu đề nghị tỉnh cần quan tâm cân đối bố trí nguồn lực giải quyết những vấn đề này nhằm đảo bảo cho người dân có cuộc sống tốt hơn.
Quan tâm bố trí nguồn lực xây dựng kè chống xói lở trên địa bàn thôn A Ngo, dọc bờ sông Đakrông, xây dựng khu tái định cư cho người dân ở xã Húc Nghì, tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Đề nghị tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Liên quan đến tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH của tỉnh, liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, đại biểu cho rằng cần phải tìm ra điểm nghẽn ở khâu vào, nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của ai, đơn vị, địa phương nào để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đốc thúc thực hiện hiệu quả. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính làm cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
9h20: Đại biểu Hồ Xuân Hòe, đơn vị huyện Hải Lăng: Sản lượng lương thực có hạt chưa đạt do mưa lũ bất thường |
Ảnh: Lê Minh
Giải trình về 2 chỉ tiêu là sản lượng lương thực có hạt và tổng sản lượng thủy sản chưa đạt kế hoạch của ngành nông nghiệp đề ra trong năm 2022, đại biểu chỉ ra nguyên nhân khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến kết quả thực hiện.
Theo đó, chỉ tiêu sản lượng lương thực có hạt ước đạt 250.056,51 tấn, đạt 96,2% chỉ tiêu sản lượng năm 2022. Nguyên nhân do vụ đông xuân năm nay đã xảy ra đợt mưa lũ bất thường sau 63 năm mới lặp lại, nằm ngoài dự tính của các cơ quan chuyên môn, vượt quá khả năng chống lũ của các công trình thủy lợi và và người dân trên địa bàn, làm giảm hơn 52.405,3 tấn lương thực so với vụ đông xuân 2020-2021.
Đối với chỉ tiêu tổng sản lượng thủy sản chỉ đạt 95,6% kế hoạch, đại biểu chỉ ra các nguyên nhân do diễn biến thời tiết bất thường, giá nhiên liệu tăng cao, nguồn lợi thủy sản suy giảm, do thực hiện quyết liệt công tác chống khai thác IUU bắt buộc các tàu thuyền hoạt động đúng vùng, đúng tuyến, đúng nghề, đúng mùa vụ quy định nên đã ảnh hưởng một phần đến sản lượng khai thác thủy sản...
Đại biểu cũng kiến nghị tỉnh sớm ban hành chỉ thị chống khai thác IUU, từ đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện nghiêm quy định này.
Về tỉ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sinh hoạt năm 2022 trên địa bàn tỉnh, đại biểu cho biết, qua quá trình theo dõi và báo báo cáo của các địa phương, việc ngành dự kiến đến cuối năm 2022 tỉ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95,12%, tăng 1,64% so với kế hoạch là 93,48% của nghị quyết là có cơ sở.
Số liệu chính xác sẽ được ngành thống kê cụ thể số lượng công trình được nâng cấp, sửa chữa, số lượng các thiết bị lọc nước được trang cấp cho hộ gia đình, số công trình cấp nước nhỏ lẻ được khôi phục..., báo cáo vào quý I/2023.
10h15: Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đơn vị Sở Xây dựng: 6 nhà máy cấp nước đã khai thác vượt quá công suất |
Ảnh: Lê Minh
Giải trình về quy hoạch mạng lưới cung cấp cho khu vực dân cư đô thị, đại biểu cho biết hiện có 6 nhà máy cấp nước đã khai thác vượt quá công suất.
Theo quy hoạch đã phân thành 5 vùng cấp nước chính trên địa bàn tỉnh, tận dụng các nguồn nước có trữ lượng lớn nhất có thể để kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân, giải phóng các nhà máy nước đã lạc hậu, không còn đáp ứng yêu cầu.
Năm 2023, ngành sẽ tiến hành rà soát lại tỉ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch, trên cơ sở đó đề xuất tỉnh có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo bao phủ tỉ lệ người dân đô thị sử dụng nước sạch.
10h40: Đại biểu Nguyễn Chiến Thắng, đơn vị TP. Đông Hà: Cần tiếp tục kêu gọi nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tuyến đường tránh phía Đông TP. Đông Hà |
Ảnh: Lê Minh
Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trên cơ sở phân tích những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương, đại biểu đề xuất phương án gia hạn thời gian thực hiện việc đo đạc địa chính, đồng thời tăng cường cán bộ thực hiện công tác này cho chính quyền cấp xã vì khối lượng công việc lớn trong khi lực lượng mỏng.
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) triển khai thực hiện các dự án, đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình chung về giải phóng mặt bằng.
Đối với những địa phương có khối lượng công việc liên quan GPMB lớn, cần có chính sách tăng cường cán bộ cho cấp xã để thực hiện. Liên quan đến GPMB, các ngành liên quan cần cập nhật và tính toán giá đền bù hợp lý để giảm xung đột về lợi ích.
Đối với vướng mắc trong bố trí vốn các công trình, dự án có sử dụng đất, đề nghị cần vận dụng linh hoạt, giao cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất khi cấp huyện bố trí vốn để triển khai thực hiện hiệu quả.
Liên quan đến quy hoạch chung TP. Đông Hà, đề nghị các ngành, các cấp quan tâm đốc thúc triển khai thực hiện.
Về dự án đầu tư xây dựng 1,3 km vỉa hè đường Hùng Vương, trong điều kiện khó khăn của tỉnh hiện nay, đề nghị có thể thay thế làm làm bằng đá terrazzo để giảm chi phí, phần vốn còn lại dành để làm một số tuyến đường khác...
Đề nghị tỉnh tiếp tục kêu gọi nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tuyến đường tránh phía Đông TP. Đông Hà, đề xuất bố trí nguồn vốn sửa chữa một số đoạn trên đường Điện Biên Phủ đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
10h55: Đại biểu Văn Ngọc Lãm, đơn vị thị xã Quảng Trị: Quan tâm triển khai các dự án di dân để người dân sớm ổn định cuộc sống |
Ảnh: Lê Minh
Phản ảnh thực trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn đã diễn ra nhiều năm, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn xây dựng kè bờ sông ở một số khu vực như xã Hải Lệ, phường An Đôn, Phường 1 để giảm nguy cơ nguy cơ sạt lở. Đề nghị quan tâm triển khai các dự án di dân để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Đối với thị xã Quảng Trị, vấn đề xử lý các trụ sở cũ vẫn còn nhiều vướng mắc, đề nghị tỉnh sớm quan tâm tháo gỡ, phê duyệt phương án để địa phương tiến hành đấu giá, tránh lãng phí tài sản công...
Chiều nay 8/12, đại biểu HĐND tiếp tục thảo luận, giải trình làm rõ các nội dung liên quan nhóm vấn đề về KT - XH, thu, chi ngân sách, đầu tư công, đất đai, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng rừng; nhóm vấn đề VH - XH, y tế giáo dục, lao động việc làm; nhóm vấn đề về biên chế, sáp nhập đơn vị hành chính, phụ cấp cán bộ cơ sở...Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang và các phó chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên làm việc. |
14h00: Đại biểu Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh |
Ảnh: Lê Minh
Thông tin về những kết quả đạt được trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đại biểu cho biết đến nay, ngành đã cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh. Tỉ lệ cấp giấy chứng nhận đạt 93,41% tổng số diện tích cần cấp giấy.
Cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy, hồ sơ địa chính tỉ lệ 1/500 đến 1/10.000 cho 125/125 đơn vị hành chính trên địa bàn toàn tỉnh, kể cả huyện đảo Cồn Cỏ để phục vụ công tác quản lý đất đai, địa giới hành chính và phục vụ phát triển KT-XH. Hoàn thành quy hoạch sử dụng đất đối với 10/10 đơn vị làm cơ sở triển khai các công trình dự án.
Hoàn thành công tác GPMB để có cơ sở triển khai các công trình dự án. Kết nối liên thông dữ liệu giữa hệ thống thông tin đất đai và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Đến nay đã có 4 thủ tục hành chính đã được kết nối bao gồm các thủ tục: Xác nhận tiếp tục sử dụng đất nhà nước khi hết hạn sử dụng, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, xoá thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc cấp lại trang bổ sung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi bị mất.
Hoàn thiện và liên thông với Cục Thuế tỉnh về chuyển thông tin đất đai để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai trên địa bàn tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế liên quan đến cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt nổi cộm là tình trạng khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai vẫn ở mức cao, chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Theo thống kê của sở thì các vụ việc liên quan đất đai chiếm tỉ lệ 75-80% tổng số vụ việc mà chính quyền 3 cấp phải giải quyết...
Để tăng cường công tác quản lý đất đai trong thời gian tới, đại biểu đề nghị tỉnh cần sớm ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác GPMB, tăng cường công tác quản lý đất đai.
Đề xuất thành lập Chi cục Quản lý đất đai để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ liên quan hiệu quả, tổ chức lại trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác GPMB...
Đề xuất UBND tỉnh đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu đất đai trong năm 2023, liên thông thực hiện đề án 06 về lĩnh vực đất đai, chuyển đổi số của ngành.
Trả lời về kiến nghị thành lập Chi cục Quản lý đất đai, đại diện Sở Nội vụ cho biết việc thành lập thêm một đơn vị trực thuộc sở phải báo cáo Bộ Nội vụ xem xét quyết định, không thuộc thẩm quyền của tỉnh.
14h35: Đại biểu Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải: Làm rõ trách nhiệm trong triển khai các dự án giao thông |
Ảnh: Lê Minh
Báo cáo tiến độ triển khai dự án Cảng Hàng không Quảng Trị, đại biểu cho biết sở đã vào cuộc nỗ lực kết nối các bộ, ngành, hoàn thành các thủ tục thuộc phạm vi thẩm quyền của sở, hiện dự án đang chờ Hội đồng thẩm định quốc gia phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Đối với các dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy, Khu Công nghiệp Quảng Trị, để triển khai nhanh các dự án thì các đơn vị, địa phương liên quan cần kiểm tra lại hồ sơ thủ tục, triển khai giải phóng mặt bằng để sớm được phê duyệt quy hoạch cũng như tiến hành các phần việc tiếp theo.
Trả lời ý kiến chất vấn về Dự án Đường tránh lũ phía nam huyện Triệu Phong và phía tây huyện Cam Lộ chậm tiến độ, đại biểu cho biết các dự án này do các địa phương làm chủ đầu tư, không thuộc thẩm quyền giải quyết của sở.
Tương tự, tuyến đường Điện Biên Phủ thuộc Khu Quản lý đường bộ 2, Cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Trước thực trạng hư hỏng, xuống cấp của tuyến đường gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông, sở đã phản ánh nhiều lần và được biết đã có kế hoạch sửa chữa, tuy nhiên do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên tiến độ chậm...
15h00: Đại biểu Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Thiếu nguồn lực đầu tư dẫn đến không hoàn thành chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia |
Ảnh: Lê Minh
Năm 2022, ngành giáo dục đề ra mục tiêu có 63% đơn vị trường học đạt trường chuẩn quốc gia, đồng thời tích cực triển khai các giải pháp thực hiện. Tuy nhiên đến 31/12/2022 ước đạt 53,8% trường học đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia.
Đại biểu cho biết, theo quy định tại thông tư của bộ, trường đạt chuẩn quốc gia phải đạt 5 tiêu chuẩn gồm: tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục.
Đối chiếu với quy định này thì các trường đều đạt 4 tiêu chuẩn, riêng tiêu chuẩn cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học không đạt do khó khăn về nguồn lực đầu tư. Quá trình thực hiện việc sáp nhập các trường cũng là nguyên nhân dẫn đến giảm tỉ lệ trường chuẩn quốc gia.
Đại biểu đề xuất tỉnh tiếp tục quan tâm dành nhiều nguồn lực hơn nữa đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị trường học, đáp ứng điều kiện dạy và học hiện nay cũng như đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia.
16h00: Đại biểu Trương Chí Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Cần quyết liệt hơn trong việc giải quyết vướng mắc giải ngân đầu tư công và giải phóng mặt bằng |
Ảnh: Lê Minh
Đi thẳng vào các giải pháp trọng tâm để giải quyết vướng mặc liên quan đến giải ngân đầu tư công và công tác GPMB, đại biểu đề nghị các ngành, địa phương cần đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu thi công đủ năng lực, sớm triển khai thực hiện các dự án.
Chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo hợp đồng đã ký. Đối với các nhà thầu chây ì, chậm triển khai dự án thì cần kiên quyết xử lý, thu hồi.
Cần huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, không được để tình trạng dự án chờ mặt bằng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.
Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút ngắn hồ sơ và thời gian xử lý, sớm có các dự án khai thác đất làm vật liệu san lấp hoạt động.
Tăng cường quản lý giá vật liệu xây dựng, thực hiện việc công bố giá sớm để hỗ trợ nhà thầu triển khai thi công các dự án.
Đại biểu cũng đề xuất tỉnh nên xây dựng quy trình thực hiện công tác GPMB thống nhất, rõ ràng để những người thực hiện có cơ sở triển khai hiệu quả, giúp các địa phương thực hiện công tác này hiệu quả hơn.
16h10: Đại biểu Lê Thị Thanh, Giám đốc Sở Tài chính: Xây dựng chỉ tiêu thu ngân sách hằng năm phải trên cơ sở bám sát các nguồn thu mang tính bền vững |
Ảnh: Lê Minh
Làm rõ băn khoăn của đại biểu hội đồng về việc đặt ra chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn với con số “đi thụt lùi” so với năm trước, dưới góc độ cơ quan chuyên môn, đại biểu phân tích, năm 2021 tỉnh có nhiều nguồn thu mang tính “đột biến” dẫn đến thu ngân sách tăng vượt trội.
Dự báo các khoản thu đột biến này không phát sinh trong năm 2023. Khi xây dựng chỉ tiêu thu ngân sách hằng năm, ngành đã tính toán cụ thể và bám sát các nguồn thu mang tính bền vững để có cơ sở triển khai thực hiện hiệu quả.
Đại biểu đề xuất giải pháp cân đối dự toán thu - chi ngân sách là HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện các giải pháp để thu đạt và vượt các chỉ tiêu HĐND tỉnh giao.
Đề xuất tiếp tục tạo nguồn trong sắp xếp xử lý tài sản công trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh lộ trình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh...
16h45: Đại biểu Ngô Quang Chiến, Giám đốc Sở Nội vụ: Tiếp tục giải quyết vấn đề dôi dư cán bộ của các xã thuộc diện sáp nhập và cán bộ đoàn hết tuổi đoàn |
Ảnh: Lê Minh
Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, bố trí công việc đối với cán bộ cấp xã, cán bộ đoàn đã hết tuổi đoàn, đại biểu đề nghị các cấp ủy địa phương tiếp tục đánh giá, quy hoạch, đào tạo nâng cao trình độ tác nghiệp, quản lý cho đội ngũ cán bộ cấp xã để đáp ứng yêu cầu công tác.
Tiến hành đánh giá lại kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và phụ cấp kiêm nhiệm đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã.
Hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố; quy định mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tinh giản biên chế, giải quyết vấn đề dôi dư cán bộ của các xã thuộc diện sáp nhập....
Kết thúc ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 14, khóa VIII với 12 ý kiến đóng góp, kiến nghị, giải trình của các đại biểu xung quanh nhóm vấn đề về KT - XH, thu, chi ngân sách, đầu tư công, đất đai, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng rừng; nhóm vấn đề VH - XH, y tế giáo dục, lao động việc làm; biên chế, sáp nhập đơn vị hành chính, phụ cấp cán bộ cơ sở.
Thông tin kỳ họp sẽ được Báo Quảng Trị Online tiếp tục cập nhật vào ngày mai 9/12.
Thanh Trúc
QTO - Sáng nay 7/12, với sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang và các phó chủ tịch HĐND tỉnh, HĐND tỉnh khai mạc kỳ họp thứ 14, khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để xem xét và thông qua kế hoạch phát triển KT - XH, QP - AN năm 2023 và quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền theo luật định. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham dự kỳ họp.
QTO - Hôm nay 11/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương...
QTO - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt chỉ đạo để phấn đấu đến ngày 31/10/2025 cơ bản hoàn...
QTO - Hôm nay 8/12, Khối tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2022,...
QTO - Tại Sở Y tế, Ban Quản lý dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện KT...